Những năm tháng gần đây, thỉnh thoảng khi đặt mình để tìm giấc ngủ, tâm tư tôi bỗng như bị những hình ảnh khổ đau của những anh chị con cái Chúa đang sống trong nghịch cảnh khắc nghiệt, khiến tôi thường hay để cho nỗi buồn lang thang trong trí.  

Luân lý dạy con người trong gia đình phải biết đùm bọc nhau, ngoài xã hội phải biết tương trợ lẫn nhau. Luân lý cũng đề cao tấm lòng quảng đại, vị tha, nhân ái đối với những người cùng khổ.

Biết vậy, nhưng người đời gặp thật nhiều lý do trói buộc lòng thương xót tha nhân ngoài gia đình mình. Kinh-thánh cho biết lòng người ta “đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi” (II Ti-mô-thê 3:2-4), và trong lòng chỉ cần có hai điều “tư kỷ,…., vô tình,…” là đủ làm tê liệt, trói buộc sự thương xót trong con người mình.

Cách đây ít lâu (19/5/2013), tin tức trên TV cho biết có một người đàn ông đã đi lách ngang qua chỗ một người đàn ông khác đang nằm đau đớn vì bị té cầu thang ở một ga xe điện, không hề có ý định giúp đỡ người gặp tai nạn. TV đã phỏng vấn một số người sau đó. Ai cũng nói nếu họ gặp trường hợp như vậy, họ hoặc gọi xe cấp cứu, hoặc han hỏi người bị nạn để xem họ cần làm gì hầu giúp đỡ người đó. Tôi nghĩ, rất có thể người đàn ông “vô tình, không lòng thương xót tha nhân” này vì  bị bận chuyện riêng ( tư kỷ ) trói buộc sự thương xót.

Trong quá khứ, TV cũng đã cho lên hình ảnh của một số trường hợp người đi xe điện, xe bus  lúc vắng, bị đánh đập, cướp bóc, và những hành khách khác im lặng làm lơ, ngay cả khi bọn bất lương, bọn cướp đã đi khỏi. Những hành khách này bị sự an toàn bản thân trói buộc lòng thương xót.

Nhưng đã có một người phi công Úc quên sự nguy hiểm, cố che chở cho một phụ nữ bị ba tên côn đồ tấn công. Người phi công can đảm này cuối cùng bị đánh ngã đầu đập xuống vệ đường. Ông đã qua đời sau một thời gian nằm bất tỉnh trong bệnh viện. Lòng “thương xót” của ông, dành cho người phụ nữ khốn khổ, bị ba tên côn đồ tấn công, giúp ông không còn nghĩ đến mình, không còn nghĩ thiệt hơn trong việc cứu giúp. Lòng thương xót tha nhân loại này quá hiếm hoi trong trần thế ngày nay.

Người đời thường thương xót qua gương mặt, qua vài câu nói. Còn thương xót qua hành động cụ thể hơi ít, “thưong người như  thể thương thân “ , tiêu chuẩn tuyệt đỉnh của lòng nhân từ, hầu như rất hiếm hoi. Con người không thể thương người mà tổn hại  đến mình. Lòng thương xót bị hạn chế.

Lòng thương xót thường được khơi động từng hoàn cảnh, từng thời điểm trong những trạng huống thương đau đặc biệt. Nhưng khi sự đau thương trải rộng trên nhiều người thì hết đặc biệt và trở nên bình thường. Sự bình thường là yếu tố làm tê liệt thương xót.

Kinh-thánh ghi rằng : “Đức Chúa Jêsus ở thuyền bước ra, thấy đoàn dân đông lắm, thì Ngài động lòng thương xót đến, vì như chiên không có người chăn” (Mác 6:34). “Ngài động lòng thương xót” vì sự cùng khốn tâm linh của đoàn dân. Họ “như chiên không có người chăn”, ở giữa bầy sói đội lốt người với linh hồn hư mất. Họ “như chiên không người chăn”  nên chẳng được hưởng : “… đồng cỏ xanh tươi,…… mé nước bình tịnh” (Thi-thiên 23:2). Chẳng ai có thể động lòng thương xót người khác, nếu không thấy tình trạng khốn khổ, cùng nhu cầu cần thiết, cấp bách nơi họ.

Trong Kinh-thánh, Chúa cho chúng ta thấy sự thương xót loại “thương người như thể thương thân” của người Sa-ma-ri nhân lành đối với một người Giu-đa. “Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả” (Lu-ca 10:30-35) .

Thày tế lễ thấy, thày nghĩ người này có thể chết, nên thày không dám đến gần, sợ bị ô uế bảy ngày “Ai đụng đến một xác chết của người nào sẽ bị ô uế trong bảy ngày” (Dân-số-ký 19:11), và thày có thể mất phiên được hầu việc Chúa trong đền thờ. Thày bị chức vụ trói buộc lòng thương xót.

Người Lê-vi đi qua, thấy, bèn lại gần rồi vội vã đi.  Người Lê-vi thấy tai họa xẩy đến cho người, thì lo tai họa xẩy đến cho mình. Người Lê-vi bị sự an toàn bản thân trói buộc lòng thương xót.

Người Sa-ma-ri nhân lành đi qua, thấy một người Giu-đa nằm “nửa sống nửa chết”. Người Sa-ma-ri và người Giu-đa chẳng ưa gì nhau, lại còn thù nghịch nhau nữa. Nhưng người Sa-ma-ri nhân lành không nhìn người “nửa sống nửa chết” là người Giu-đa, mà chỉ thấy một người bị tai nạn, bèn “động lòng thưng xót ” và cứu giúp tận tình.

Thấy rõ hoàn cảnh khốn khổ, tình trạng bi đát của người thì lòng thương xót mới có dịp hiện rõ trong tâm. Chỉ có lòng thương xót mới đủ năng lực giúp chúng ta tạm quên mình, không còn tính hơn thiệt, không còn ngại mất thì giờ, tốn tiền của trong việc cứu giúp

Vì những cớ đó, Đức Chúa Trời phải ban ân tứ thương xót cho một số người để sẵn sàng làm ơn cho người khàc một cách hết lòng. Người được ân tứ thương xót không để lý trí tính toán lợi hại, hơn thiệt. Người được ân tứ  thương xótdám quên mình để nghĩ đến người cùng khổ bởi “tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi” (II Cô-rinh-tô 5:14). Bởi “tình yêu thương của Đấng Christ cảm động ” nên tình yêu thương được khơi động liên tục và sâu đậm. Hành động thương xót được hướng dẫn bởi Chúa Thánh-Linh có năng lực siêu nhiên, với một mục đích “thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16). Kinh-thánh ghi lại bà Đô-ca có ân tứ thương xót. Khi bà chết, người ta mời Phi-e-rơ tới. “Khi tới nơi, người ta dẫn Phi-e-rơ đến chỗ phòng cao; hết thảy các đàn bà góa đều đến cùng người mà khóc, và giơ cho người xem bao nhiêu áo xống và áo ngoài, lúc Đô-ca còn sống ở với mình đã may cho” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:39).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trong các Hội Thánh Chúa ngày nay, phần nhiều quý chị được ân tứ thương xót. Hãy nhớ lời Chúa Jesus phán : “Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!” (Ma-thi-ơ 5:7).

Thấy thì dễ xúc động hơn. Nhưng nhiều hoàn cảnh, chúng ta không thể thấy mà vẫn xúc động vì được nghe.

Chúng ta đã có lần nghe trên đài phát thanh SBS Tiếng Việt, về sự cùng khổ của những người Việt sau các trận bão lụt lớn, nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần của các em bé gái Việt Nam, tuổi từ 6 đến 18, bị cha mẹ vô lương tâm hoặc bị bắt cóc và bọn bất lương đem bán vào các ổ mãi dâm ở Nga, Trung Hoa, Đài Loan, Căm Bốt, Thái Lan. Chúng ta, con cái Chúa, xúc động, và tôi tin rằng đa số đã đóng góp tiền bạc, quần áo, để giúp đõ phần nào những mảnh đời thiếu may mắn, cơ cực.

Trong thời Chúa Jêsus, người khốn cùng cũng đã biết kêu cứu cùng Chúa, mà họ biết là “Đấng hay thương xót”, với cả niềm hy vọng “Đức Chúa Jêsus ở đó ra đi, có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: Hỡi con cháu vua Đa-vít, xin thương chúng tôi cùng!” (Ma-thi-ơ 9:27). Ngày nay những người đau khổ cũng biết kêu cứu đến con cái Chúa. Họ biết con cái Chúa thường có lòng thương xót qua hành động vì “có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi-líp 2:5). Chúa Jẽsus chẳng những nghe và đáp ứng lời kêu cứu của chính nạn nhân. Ngài còn nghe và đáp ứng tiếng kêu cứu của những người kêu thay cho nạn nhân. Người mẹ đã kêu cứu cho con gái mình “Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vít, xin thương xót tôi cùng! Con gái tôi mắc quỉ ám, khốn cực lắm.” (Ma-thi-ơ 15:22), người cha đã kêu cứu cho con trai mình : “Lạy Chúa, xin Chúa thương đến con trai tôi! vì nó mắc bệnh phong điên, phải chịu đau đớn quá; thường khi té vào lửa, và té xuống nước.” (Ma-thi-ơ 17:15).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Quý chị có ân tứ thương xót thường cảm nhận dễ dàng nhu cầu cấp thiết của người khổ sở, hiểu và cảm thông hoàn cảnh khó khăn, vui mừng trong sự giúp đỡ, cảm xúc rất nhanh và giúp đỡ theo cảm xúc thương xót.

Chúng ta, con cái Chúa nói chung, trước hết hãy để tâm đến những anh chị em con cái Chúa khác đang gặp nghịch cảnh, bệnh tật hành hạ thân xác, con cái bị xa ngã. Chúng ta nên thương xót những anh chị em con cái Chúa này bằng những lời khích lệ, an ủi, cũng như hành động cụ thể hầu cho tình thương yêu mà Chúa Thánh Linh đã dặt để trong lòng chúng ta được sinh động. 

Chúng ta thấy và nghe nhiều tiếng kêu cứu trong cơ hàn, bệnh tật của người nghèo ở Việt Nam, trong sô đó có cả con cái Chúa như chúng ta. Chúng ta hãy nhắn nhủ nhau đem sự thương xót của Chúa đến tha nhân bằng tài vật với tấm lòng thương yêu, nhân từ mà Chúa Thánh Linh đã dạy chúng ta, qua trái Thánh Linh của Ngài, và cố gắng với cả tấm lòng để có thể thương người như thể thương thân, điều mà Chúa muốn con cái Ngài đạt tới.

 

Cùng nhau chúng ta vững niềm tin nơi Chúa trong việc làm lành với tấm lòng thương xót.