Những ai từ tuổi trung niên  trở đi đều thấm thía biết rằng bệnh là một nỗi khổ của toàn thể nhân loại, bệnh nặng là cửa ngõ đi vào sự chết. Thường thì bệnh gây ra bởi vi trùng, vi khuẩn, bởi tuổi già các chất hormone không sinh sản đủ. Bệnh cũng gây ra bởi tại sự ô nhiễm của môi trường sống, tại thiếu ăn, tại ăn dư thừa, ăn quá nhiều, ăn uống bậy bạ bừa bãi. Tại làm việc quá sức hay ngồi không quá lâu, tại vui chơi quá độ hay tại giao du với người có bệnh truyền nhiễm cũng sinh ra bệnh. Đối với người có tuổi phiêu bạt nơi hải ngoại, cô đơn, hiu quạnh với tâm tư người của thế hệ bị quên lãng, bị bỏ rơi cũng sinh ra bệnh tâm thần, rồi tiến đến bệnh thân xác. Những người già, người giầu, có thời giờ, hay tìm hiểu về triệu chứng của bệnh tật còn thêm bệnh tưởng nữa. Chưa có bệnh mà đã nghi là có bệnh, vì thấy mình có một vài triệu chứng giống như đã được biết của một bệnh nào đó. Người có bệnh thường cầu xin, mong ước, cố tâm làm sao cho được khỏe mạnh lại.

Một đôi lần đến bệnh viện, viên dưỡng lão, lòng tôi cảm thấy xót thương thân phận của những người bệnh tật, không hẹn ngày khỏi, và chỉ nằm để chờ giờ phút ra đi vĩnh viễn, trong khi thân xác không còn được gìn giữ sạch sẽ, mà không có Chúa.

Theo Kinh Thánh, sau khi loài người phạm tội thì nẩy sinh bệnh. Phần nhiều bệnh là do lối “sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta” (Ê-phê-sô 2:3). Bệnh có khi là hậu quả của đương sự, một số bệnh là do di truyền “Cha ăn trái nho chua, mà con ghê răng” (Ê-xê-chi-ên 18:2).

Có bệnh thì cần phải chữa trị, nên xã hội loài người luôn luôn dành sự kính mến cho các vị lương y. Nhiều vị lương y đã hy sinh cả cuộc đời của mình nghiên cứu những những căn bệnh hiểm nghèo, tìm phương cứu chữa. Nhiều vị dám dùng chính thân thể mình làm vật thử nghiệm các dược liệu. Nhân thế đã phải cúi đầu kính phục các vị đại lương y.  Như vậy đủ biết Như vậy đủ biết mạng sống, sức khỏe con người quý là dường bao.

Đầu năm nay, tôi đã phải chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của một bà người quen, không phải là con cái Chúa như chúng ta, vì chứng ung thư phổi. Nhìn bà tôi nhận biết sự tuyệt vọng, đau đớn của bà. Khi chúng tôi xin phép cầu nguyện cho bà, bà bằng lòng ngay, và trong ánh mắt của bà như lòe lên một hy vọng. Ít ngày sau khi gọi điện thoại lại hỏi thăm bà tôi cảm nhận được nỗi buồn trong lời nói của bà, khi bà không thấy có gì thay đổi trong con người sau ngày được cầu nguyện. Vợ tôi đã đến thăm bà một tuần sau, bóc cho bà ăn từng trái nho, vấn an bà. Bà thố lộ rằng bà vẫn mong ước được nhìn thấy phép lạ một lần trước khi chết. Lúc nghe tin bà qua đời, chúng tôi khổ tâm không ít, nhưng cũng biết rằng   chúng tôi, bốn con cái Chúa, bất lực trước bệnh của bà. Trong tâm, tôi chợt tự hỏi Chúa có chương trình chữa bệnh cho một người chưa phải là con cái Ngài không ?. Phải chăng chỉ có Mục-sư và các trưởng lão có được ân tứ chữa bệnh thân xác ? 

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đức Chúa Jêsus trong những năm thi hành chức vụ tại thế, Ngài “đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin Lành của nước Đức Chúa Trời và chữa lành mọi thứ tật bịnh trong dân. Vậy, danh tiếng Ngài đồn ra khắp cả xứ Sy-ri, người ta bèn đem cho Ngài mọi người đau ốm, hay là mắc bịnh nọ tật kia, những kẻ bị quỉ ám, điên cuồng, bại xuội, thì Ngài chữa cho họ được lành cả” (Ma-thi-ơ 4:23-24). Chúa Jêsus chữa bệnh bằng quyền năng chứ không bằng dược liệu. Nhưng mục đích chính Chúa Jêsus “đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15), chớ không phải để chữa bệnh. Khi Chúa Jêsus sai các Sứ Đồ đi ra giảng đạo, Ngài ban cho họ “quyền năng phép tắc để trị quỉ chữa bịnh” (Lu-ca 9:1) như Ngài. Các Sứ Đồ đã đi ra “rao giảng Tin Lành khắp nơi và chữa lành người có bịnh” (Lu-ca 9:6). Sau khi Chúa Jêsus chịu chết và sống lại, trước khi Ngài về Trời, Ngài nhắn nhủ :” Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ các Sứ Đồ 1:8). Sứ mạng chót mà Chúa truyền cho các môn đồ Ngài là : “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:19-20).  Ngài không truyền dạy những người đi ra rao giảng Tin Lành phải làm thêm công tác chữa bệnh. Thế mà Sứ Đồ Giăng và Phi-e-rơ đã chữa lành cho một người “Vả, có một người què từ lúc sanh ra, cứ hằng ngày người ta đem đặt tại cửa đền, gọi là Cửa Đẹp, đặng ăn mày những người vào đền. Người thấy Phi-e-rơ và Giăng vào, thì xin hai người bố thí. Phi-e-rơ với Giăng ngó chăm người, rồi nói rằng: Hãy nhìn xem chúng ta. Vậy, người bèn nhìn chăm chăm hai người, tưởng sẽ được chút gì. Nhưng Phi-e-rơ nói với người rằng: Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi! Phi-e-rơ nắm tay hữu người đỡ dậy. Tức thì bàn chân và mắt cá người trở nên cứng vững; người liền nhảy, đứng lên và bước đi cùng hai người vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy, vừa ngợi khen Đức Chúa Trời.” (Công-vụ các Sứ-Đồ 3:2-8). Thày Giảng Đạo Phi-líp cũng có quyền năng chữa bệnh “Phi-líp cũng vậy, xuống trong thành Sa-ma-ri mà giảng về Đấng Christ tại đó. Đoàn dân nghe người giảng và thấy các phép lạ người làm, thì đồng lòng lắng tai nghe người nói; vì có những tà ma kêu lớn tiếng lên mà ra khỏi nhiều kẻ bị ám, cùng kẻ bại và què được chữa lành cũng nhiều.”  (Công-vụ các Sứ-Đồ 8:5-7). Sứ Đồ Phao-lô cũng đã chữa bệnh cho một người què  từ  lúc mới sinh ra : “Nơi thành Lít-trơ có một người liệt chân, què từ lúc mới sanh ra, chẳng hề đi được. Người ngồi và nghe Phao-lô giảng. Phao-lô chăm mắt trên người, thấy có đức tin để chữa lành được, bèn nói lớn tiếng rằng: Ngươi hãy chờ dậy, đứng thẳng chân lên. Người nhảy một cái, rồi đi.” (Công-vụ các Sứ-Đồ 14:8-10) . Hơn thế nữa : “Đức Chúa Trời lại dùng tay Phao-lô làm các phép lạ khác thường, đến nỗi người ta lấy khăn và áo đã bận vào mình người mà để trên các kẻ đau yếu; thì họ được lành bịnh, và được cứu khỏi quỉ dữ” (Công-vụ các Sứ-Đồ 19:11-12). Thế mà người bạn đồng hành trong cuộc truyền giáo với Sứ Đồ Phao-lô là Trô-phin bị bệnh, Sứ Đồ Phao-lô đã không chữa được bệnh cho Trô-phin và đành phải  “để ở lại tại thành Mi-lê” (II Ti-mô-thê 4:20). Ép-ba-phô-đích, người đồng công với Sứ Đồ Phao-lô đã “mắc bệnh gần chết” mà Sứ Đồ Phao-lô chẳng giúp gì được.  Chúa đã chữa bệnh cho Ép-ba-phô-đích vì cớ “Đức Chúa Trời đã thương xót người, và chẳng những người mà thôi, cả đến tôi nữa, đặng tôi khỏi buồn rầu càng thêm buồn rầu” (Phi-líp 2:27). Phao-lô biết Ti-mô-thê bị bệnh dạ dày, Phao-lô không chữa bằng quyền năng chữa bệnh siêu nhiên cho Ti-mô-thê, nhưng khuyên Ti-mô-thê “Đừng chỉ uống nước luôn; nhưng phải uống một ít rượu, vì cớ tì vị con, và con hay khó ở” (I Ti-mô-thê 5:23). Chính Phao-lô bị đau mắt, ông đã ba lần cầu xin Chúa chữa, nhưng Ngài không chữa. Ngài phán với Phao-lô rằng “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi” (II Cô-rinh-tô 12:9).

Như vậy quyền năng chữa bệnh siêu nhiên chữa bệnh của Ngài chữa khỏi bệnh cho tất cả những người được Ngài chữa và chứng tỏ Ngài là Con Đức Chúa Trời toàn năng. Nhưng quyền năng chữa bệnh siêu nhiên của các Sứ-đồ có thể không chữa lành cho một số trường hợp, như đã được dẫn chứng ở trên, quyền năng này dành cho các Sứ-đồ chứng tỏ các Sứ-đồ là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Cũng như vậy, các tôi tớ Chúa ngày nay, được quyền năng của Chúa Thánh Linh để cứu  người ra khi tội lỗi, ra khỏi án phạt của Đức Chúa Trời, ra khỏi sự chết đời đời. Tuy nhiên Chúa vẫn ban cho đầy tớ Ngài, con cái Ngài “ơn chữa bệnh” “Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh….. Đức Chúa Trời đã lập trong Hội thánh, thứ nhứt là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng.”  (I Cô-rinh-tô 12:9,28). Cũng như trường hợp của các Sứ-đồ, tôi tớ Chúa và con cái Chúa không thể chữa bệnh cho bất cứ trường hợp nào.

Khi nói đến ân tứ chữa bệnh, chúng ta thường nghĩ ngay đến bệnh tật thể xác, nhưng thực ra ai cũng biết còn bệnh tâm thần. Con cái Chúa chúng ta biết còn có bệnh tâm linh nữa. Như vậy có người được ân tứ chữa bệnh thể xác, có người được ân tứ chữa bệnh tâm thần, và cũng có người được ban ân tứ chữa bệnh tâm linh.

Bây giờ tôi xin được phép chia sẻ những gì tôi học biết được về  ba loại chữa bệnh. Trước hết là chữa bệnh thể xác.

Trong sách Công-vụ các Sứ-đồ, Phi-e-rơ, Phi-líp và Phao-lô được ân tứ chữa bệnh thể xác. Xong cả ba không xử dụng thường xuyên. Nhưng khi họ chữa bệnh, lập tức người bệnh được chữa lành, không cần đến y dược phẩm hay y khoa. Ngày nay, tôi tin rằng một số con cái Chúa cũng được Chúa ban cho ân tứ chữa bệnh tâm linh, quý Mục-sư có ân tứ cữa cả ba loại bệnh, nhưng bị giới hạn trong ý chỉ của Chúa. Có bốn thứ bệnh Chúa không chữa lành.

1. Bệnh tật cuối cùng của đời người, đó cũng là cửa ngõ đi vào sự chết “bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người ” (Rô-ma 5:12).

2. Bệnh tật Chúa cho phép xẩy ra để thử người thuộc về Ngài “Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt. Đức Giê-hô-va phán với Sa-tan rằng: Kìa, người ở trong tay ngươi; nhưng chỉ hãy giữ mạng sống người. Sa-tan bèn lui ra khỏi trước mặt Đức Giê-hô-va, hành hại Gióp một bịnh ung độc, từ bàn chân cho đến chót đầu. Gióp lấy một miếng sành đặng gãi mình, và ngồi trong đống tro. Vợ người nói với người rằng: Ủa? Ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao? Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời, và chết đi! Người đáp lại rằng: Ngươi nói như một người đàn bà ngu muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao? Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình.” (Gióp 2:5-10).

3 . Bệnh tật để làm ích lợi cho đời sống thuộc linh “Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.” (II Cô-rinh-tô 12:7-10).

4. Bệnh tật để chứng tỏ quyền năng của người mới “dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (II Cô-rinh-tô 4:16). 

Người được ân tứ chữa bệnh thể xác nổi danh trong những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 là cô Kathryn Kuhlman, quê ở Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Cô đã chết năm 1976 vì chứng bệnh đau tim. Những TV show về việc chữa bệnh của cô hầu hết thiếu tính cách trung thực và phóng đại.

Kế đến là chữa bệnh tâm thần.

Chúa Jêsus đến, ứng nghiệm lời tiên tri Ê-sai nói về Ngài “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục” (Ê-sai 61-1,   Luca 4:18-19). Chúa Jêsus đã chữa lành cho biết bao tấm lòng tan vỡ. Ngày nay, người nào được ân tứ chữa bệnh cũng có quyền năng “rịt những kẻ vỡ lòng”. Từ ngày theo Chúa đến nay, tôi đã gặp một số các anh chị con cái Chúa có ơn này, đã giúp nhiều tâm hồn đau đớn,  sầu khổ, buồn bã lấy lại được sự bình an, vui vẻ trong ơn Chúa. Các anh chị này đã trở thành những người chữa bệnh tâm thần, người cố vấn tâm lý rất hữu hiệu. Gần đây, theo thống kê, trong mười đứa trẻ sinh ra thì có một đứa bị mắc bệnh tâm thần, ba mươi phần trăm người đi làm công trên năm mươi tuổi bị bệnh trầm cảm tấn công bất ngờ vì mất công ăn việc làm thình lình, vì gia đình đổ vỡ, vì con cái hư hỏng, vì nghiện cờ bạc, rượu chè, vì bệnh tật. Tôi tin rằng Chúa đã ban phát ân tứ chữa bệnh tâm thần cho các anh chị con cái Ngài để đem lại sự bình an và chữa lành cho những người kể trên, đáp ứng những nhu cầu trong Hội Thánh và ngoài xã hội.

Sau hết là bệnh tâm linh.

Tiên-tri Ê-sai cũng nói đến bệnh tâm linh của con người như sau :” Các ngươi hãy nghe, nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem, nhưng chẳng thấy chi…..dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt “ (Ê-sai 6:9-10) “” (Ma-thi-ơ 13:14-15).  Phần tâm linh của con người bị “chúa đời nầy đã làm mù lòng họ” (II Cô-rinh-tô 4:4). Phi-e-rơ nói đến sự chữa lành tâm linh bởi quyền năng của Chúa Jêsus như sau : “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh ” (I Phi-e-rơ 2:23). Tôi cảm nhận được Mục-sư và một số ít anh chị con cái Chúa có ân tứ này. Những lúc đức tin bị trao đảo, đầu óc quay cuồng với những ý tưởng tiêu cực, thì tôi đã được sự cầu nguyện của một Mục-sư ở Hoa Kỳ và một con cái Chúa, bạn đạo, giúp tôi lấy lại được đức tin trong Chúa, và lòng bình an đã trở lại trong tâm.

Người được ân tứ chữa bệnh không phải là người được Chúa ban cho năng lực siêu nhiên để chữa bệnh, mà là người được Chúa dùng, để chính Chúa chữa bệnh qua lời cầu nguyện hay qua hành động của người này.

Trong Tân-ước chỉ có Gia-cơ đề cập đến sự chữa bệnh “Trong anh em có ai đau ốm chăng? hãy mời các trưởng lão hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha. Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh: người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều.” (Gia-cơ 5:14-16). Kinh-thánh không dạy người có bệnh phải tìm gặp người được ân tứ chữa bệnh để được chữa lành. Kinh-thánh dạy người có bệnh nặng phải biết “mời các trưởng lão Hội-thánh đến“.Điều này chứng tỏ người bệnh hết lòng nhờ cậy Chúa cữa bệnh cho mình qua việc xức dầu và lời cầu nguyện bởi đức tin của các trưởng lão.

Xức dầu” không phải nghi thức tôn giáo, mà là phương cách, thuốc chữa bệnh của người xưa. Vậy nên ngày nay chúng ta nhân danh Chúa dùng thuốc, như ngày xưa người ta nhân danh Chúa xức dầu. Đức Chúa Trời cũng dùng thuốc để chữa bệnh cho chúng ta, Ngài cũng dùng y sĩ và y khoa để giúp chúng ta khỏi bệnh. Trong các cuộc truyền giáo, Chúa biết Phao-lô phải : “ chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá” (II Cô-rinh-tô 11:23-25) , Chúa đã sai bác sĩ Lu-ca đi theo Phao-lô để săn sóc Phao-lô mỗi khi đau ốm.

Không  phải mọi trường hợp đau yếu đều do tội lỗi gây nên. Nhiều “kẻ Chúa yêu mắc bệnh” (Giăng 11:3). Nhưng có lắm trường hợp đau yếu do tội lỗi gây nên, do lòng xấu xa, do việc ăn uống say sưa quá độ “gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống” (Ga-la-ti 5:19-21). Bệnh nhân nào cảm nhận mình đang bị Chúa Thánh Linh cáo trách về tội lỗi nào, hãy xưng tội ấy. Nếu mắc tội cùng Chúa, hãy xưng tội cùng Chúa và xin Chúa tha thứ. Lời Kinh-thánh dạy rằng “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1:9). Mắc tội với Chúa là khi chúng ta không làm theo ý Ngài, không vâng lời Ngài, coi thường Lễ Tiệc Thánh “Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa. Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình. Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ” (I Cô-rinh-tô 11:27-30).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tôi có cảm nhận chỉ có Mục-sư và trưởng lão là có thể có ân tứ chữa bệnh thuộc thể (rất giới hạn?), tâm thần và tâm linh. Còn con cái Chúa chúng ta chỉ có thể có ân tứ chữa bệnh tâm thần.

Đối với thân xác, chúng ta chưa bị bệnh đã lo đề phòng. Bị bệnh thì lo chữa ngay. Chúng ta tìm đến vị Mục-sư quản nhiệm xin cầu nguyện, đến bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng để được chữa trị. Mỗi lần đi thăm những bè bạn, họ hàng, người quen có bệnh thuộc thể, lòng tôi bối rối không ít, và cảm thương cho thân phận họ, nhất là những người trẻ tuổi mắc bệnh nan y, buồn hơn nữa khi thấy họ cũng là con cái Chúa trung tín.

Đối với tâm linh vô cùng quý giá và cao trọng, hầu hết chúng ta thường lơ là, an tâm trong sự yếu đuối, bệnh hoạn thuộc linh, chỉ vì chúng ta không thấy hậu quả trước mắt. 

Tôi đã nghe về việc một vài Mục-sư thi thố ân tứ chữa bệnh thuộc thể, nhưng chỉ thành công trong trường hợp bệnh nhẹ. Các vị Mục sư này có lẽ được trọng vọng nổi danh. Ngược lại, Mục sư nào được ân tứ chữa bệnh thuộc linh “giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 4:11), dùng lời Ngài “dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16), thường bị phiền trách, buồn giận.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Qua Kinh-thánh, con cái Chúa chúng ta biết mình có thể đem lại bình an và chữa bệnh tâm thần qua sự cầu nguyện, nếu chúng ta được Chúa ban cho ân tứ chữa bệnh. Xin Chúa nhắc nhở chúng ta :

- Thương xót kẻ bệnh tật

-  Cảm thông nỗi sầu khổ của người bệnh

-  Đau buồn với con cái Chúa yếu đuối, sa sút

-  Ý thức về quyền năng của Ngài

-  Ngài muốn chúng ta chữa bệnh

-  Phải vững niềm tin nơi Ngài

để chúng ta có thể hầu việc Ngài trong việc phát huy quyền năng chữa bệnh khi cần đến.