Trong thời gian niên thiếu sống tại quê nhà, tôi đã chứng kiến những trường hợp mà con người chỉ nhớ tới Ông Trời, thần thánh khi gặp hoạn nạn như lâm bệnh nặng, lâm cảnh về già gặp khó khăn, trực diện với cái chết, hoặc muốn cầu xin cho công ăn việc làm được xuôi chẩy rồi thăng quan tiến chức, buôn bán phấn trấn hơn. Người đời cũng chỉ mong được nhìn thấy phép lạ nào đó sau những lời cầu xin do một vị chức sắc thật cao, có uy tín và lời đồn đãi tốt trong xã hội, của tôn giáo, bất kể đó là tôn giáo gì. Lời cầu xin càng khó hiểu càng có vẻ linh thiêng, và khi chẳng ai hiểu gì được lời cầu xin đó, thì sự tin tưởng trước lúc biết kết quả càng cao. Và đến khi hoạn nạn qua đi, thì Ông Trời, thần thánh lại bị bỏ vào quên lãng.

Trong thời gian ở Saigòn, khoảng năm 1958, ông Năm, người hàng xóm nhà tôi, vì chứng tai biến mạch máu não (?), sau khi từ bệnh viện về, ông bị tê liệt chân tay không cử động được. Thời đó gia đình ông tin rằng ông bị ma ám. Trong tuyệt vọng, bà năm mời một thày pháp trừ ma đến để đuổi “ma gây bệnh” ra khỏi thân thể ông. Lúc làm lễ đuổi ma, tôi thấy ông thày pháp nói một thứ tiếng thật kỳ dị (phải chăng đây là tiếng lạ của tà thần?), mà ông gọi là “thần chú” trong tiếng trống, tiếng chiêng, và tiếng kèn cúng. Mấy ngày đầu, hàng  xóm thấy lạ, đến xem rất đông. Nhưng số ngừời này chỉ còn một hai người những ngày sau đó. Khoảng ba tuần lễ sau, ông Năm qua đời. Sự thất vọng của toàn thể gia đình ông Năm về việc “thần chú” của ông thày pháp bất tài nọ hiện rõ trên nét mặt mọi người đưa ông Năm đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó chẳng còn nghe gia đình ông Năm nhắc nhở gì đến chuyện ông thày pháp niệm thần chú nữa.

Năm 2004, đến lượt tôi trải qua một kinh nghiệm mà tôi cảm thấy chẳng biết được gì, chẳng học hỏi được gì về việc nói “tiếng lạ” để cầu nguyện của một vị linh mục trẻ ở Hoa Kỳ. Tôi đã trở về Úc với những câu hỏi và sự bâng khuâng khó tả.

Con cái Chúa chúng ta phải nghĩ làm sao, nói làm sao với nhau và với những người chưa biết Chúa về “ân tứ nói tiếng lạ” nhất là khi trong những người đó có những kỳ vọng vào sự cầu nguyện bằng tiếng lạ để chữa bệnh?  Trong sự khắc khoải của một con cái Chúa  già , cậy ơn Chúa, tôi đã kiếm được rất nhiều tài liệu tham khảo bằng Việt ngữ cũng như bằng Anh ngữ. Sau gần 10 năm đọc và học, tôi xin phép chia sẻ cùng quý anh chị con cái Chúa những gì mình hiểu biết được về ân tứ nói tiếng lạ và ân tứ thông giải tiếng lạ, dẫn chứng qua Kinh Thánh. Vì chỉ là một con cái Chúa như quý anh chị, nên nếu quý Mục Sư và quý anh chị thấy có gì thiếu xót, hoặc sai xót, xin chỉ giáo cho tôi.

Con người với bộ óc kỳ diệu có khả năng suy nghĩ. Con người cũng có cái mồm và cái lưỡi để diễn tả tư tưởng. Khi loài người mới được dựng nên, họ đã dùng lời nói để thông tri và giao cảm, A-đam và Ê-va dùng lời nói để tương giao cùng Đức Chúa Trờì. Ngay cả người câm không nói được bằng mồm, cũng cố nói bằng  các ngón tay.

Lúc ban đầu “cả thiên hạ đều có một giọng nói và một thứ tiếng” (Sáng-thế-ký 11:1), nhưng hậu thế chẳng biết tiếng nói khởi nguyên là tiếng thế nào. Theo Kinh Thánh, sau khi loài người đồng  tâm nhất trí “Nào chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời” (Sáng-thế-ký 11:4) để “làm cho rạng danh” (Sáng-thế-ký 11:4) loài người. Ý muốn của loài người muốn bằng hay hơn Đấng thọ tạo ra mình là nguyên nhân của tất cả các tội ác, như gây ra chiến tranh giữa loài người với nhau hầu làm danh và lợi của mình và nhóm mình được trội hơn các nhóm khác, bất tuân Lời Răn Dạy của Đức Chúa Trời trong sự ngạo mạn. Đức Chúa Trời đã phá vỡ dự tính  và công trình của loài người bằng cách “ làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia” (Sáng-thế-ký 11:7). Từ đó loài người bắt đầu chia từng toán nhỏ có cùng một tiếng nói và tản ra khắp nơi trên thế giới.

Tính đến tháng 3 năm 2013, theo “The You +1'd this publicly. UndoEthnologue Database”, hiện nay thế giới có 228 quốc gia, hơn 6700 ngôn ngữ khác nhau với dân số thế giới là 6,716,664,407.

Nếu có ai đó nói nói một thứ tiếng  mà chẳng ai hiểu người đó nói tiếng gì thì chắc chắn người đó đã nói tiếng lạ cần phải truy nguyên.

Trong I Cô-rinh-tô, Thánh Phao-lô có đề cập tới :” nói các thứ tiếng  .… nói tiếng lạ …. thông giải tiếng lạ” (I Cô-rinh-tô 12:28-30).

1. Tiếng lạ là tiếng ngoại quốc.

Trong bốn sách Tin-Lành, chỉ có Sách Tin-Lành Mác ghi lại lời Chúa Jêsus phán, có thêm câu, “………. dùng tiếng mới mà nói” (Mác 16:17). Từ ngữ tiếng mới ở đây đã được giải thích ra sao ? Trong sách Công-Vụ Các Sứ-Đồ, có ba chỗ ghi lại về việc nói tiếng lạ, hàm ý nói tiếng ngoại quốc.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh giáng xuống “Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói…. Lúc tiếng ấy vang ra, dân chúng chạy đến, ai nấy đều sững sờ vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:4,6). Các môn đồ nói rất nhiều thứ tiếng khác nhau. Các môn đồ đã dùng tiếng ngoại quốc để cho dân ngoại quốc hiểu. Sau đó chính những người ngoại quốc cũng đã nói cho nhau nghe bằng tiếng Giu-đa về “ những sự cao trọng của Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:11).

Tại nhà Cọt-nây, “Khi Phi-e-rơ đang nói, thì Đức Thánh Linh giáng trên mọi người nghe đạo.  Các tín đồ đã chịu phép cắt bì, là những kẻ đồng đến với Phi-e-rơ, đều lấy làm lạ, vì thấy sự ban cho Đức Thánh Linh cũng đổ ra trên người ngoại nữa.  Vì các tín đồ nghe họ nói tiếng ngoại quốc và khen ngợi Đức Chúa Trời.” Công-vụ các Sứ-đồ (10:44-46). Phi-e-rơ xác quyết về việc các người ngoại bang tin theo Chúa cũng được ân tứ như ân tứ như các môn đồ đã được trong ngày lễ Ngũ-tuần “Ta mới khởi sự nói, thì có Đức Thánh Linh giáng trên họ, cũng như ban đầu Ngài đã giáng trên chúng ta.” (Công-vụ các Sứ-đồ 11:15).

Tại Ê-phê-sô, “Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói tiếng ngoại quốc và lời tiên tri.” (Công-vụ các Sứ-đồ 19:6).

Như vậy, ngày nay người được ân tứ nói tiếng lạ là người được ân tứ học và nói tiếng ngoại quốc, không phổ thông, một cách dễ dàng. Chúa thường ban cho những nhà truyền giáo, nơi hải ngoại hay nơi có các sắc dân thuộc thành phần dân tộc thiểu số, có ân tứ này.

2.Tiếng lạ là tiếng thần linh.

Khi Đức Chúa Trời cần phán điều gì với loài người, Ngài dùng tiếng loài người để phán với loài người. Ngài không cần dùng tiếng thần linh của Ngài, rồi ban cho loài người sự thông hiểu về tiếng thần linh để hiểu lời Ngài phán dạy.

Trong thời Cựu Ước, chỉ có một lần Đức Chúa Trời dùng tiếng của Ngài để nói về vua Bên-xác-sa. Tiếng đó được viết thành chữ trên tường mà chỉ có Đa-ni-ên đọc được và hiểu được ý nghĩa. Hàng chữ đó được phát âm theo tiếng Aramaic như sau : “ Mê-nê, Mê-nê, Tê-ken, U-phác-sin.  Nầy là nghĩa những chữ đó: Mê-nê là: Đức Chúa Trời đã đếm nước vua và khiến nó đến cuối cùng.  Tê-ken là: Vua đã bị cân trên cái cân, và thấy là kém thiếu.  Phê-rết là: Nước vua bị chia ra, được ban cho người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ.” (Đa-ni-ên 5:25-28).

Trong thời Tân Ước, một trong các ân tứ của Chúa Thánh Linh là ban cho con cái Ngài là dùng tiếng thần linh để ca ngợi Chúa hay tương giao với Chúa bằng cả tấm lòng kính mến yêu thương vô bờ, mà thiết tưởng không một ngôn ngữ nào có thể diễn tả được. Tiếng đó có thể là tiếng của thiên sứ :” Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ “ (I Cô-rinh-tô 13:1), dùng để ngợi khen, tôn vinh Đức Chúa Trời. Phao-lô khẳng định với kinh nghiệm của chính mình, là người “đã được ơn nói tiếng lạ nhiều hơn hết thảy anh em” rằng “Vì người nào nói tiếng lạ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm)…… Kẻ nói tiếng lạ, tự gây dựng lấy mình” (I Cô-rinh-tô 14:2,4).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Sau khi tìm hiểu Kinh Thánh, và với một vài kinh nghiệm qua các sách tham khảo, về ân tứ nói tiếng lạ, tôi cảm nhận được rằng trong Hội Thánh Chúa thời xa xưa, có người nói tiếng lạ. Người nói tiếng lạ có thể nói bởi thần linh, nhưng cũng có thể nói bởi tà thần. Ngày nay, trong các buổi lễ thờ phượng của các Hội Thánh Chúa, chúng ta rất ít nghe nói đến mục sư hay một con cái Chúa nào đó có ân tứ nói tiếng lạ. Tôi rất thông cảm cho trường hợp một số Hội Thánh, trong đó có mục sư và con cái Chúa bởi sự xúc động tâm lý tự tạo ra tiếng lạ mà cầu nguyện, mong được Chúa trả lời những cầu xin của mình, theo ý mình, hay mong sẽ  được các con cái Chúa khác nể vì và những người chưa biết Chúa cảm thấy rằng Hội Thánh Chúa tại đó có sự thiêng liêng, hầu có thể phấn hưng Đạo Chúa tại Hội Thánh Chúa mình đang đến thờ phượng Chúa. Chỉ mong rằng những vị này để ý, thận trọng để Danh Chúa được người trần thế biết tới, chớ không làm Đạo Chúa bị mang tiếng. 

Về sự kiện nói tiếng lạ trong Hội Thánh Chúa thời thế kỷ thứ nhất, ngoài Thánh Phao Lô ra, không có sách nào của các Sứ Đồ đề cập tới. Trong các thư tín của Thánh Phao Lô, Ông chỉ đề cập đến ân tứ nói tiếng lạ trong thư thứ nhất gửi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô mà thôi. Lý do Thánh Phao Lô đề cập tới là vì sự lộn xộn trong Hội Thánh do sự nói tiếng lạ gây nên (I Cô-rinh-tô 14). Nhưng ngày nay, một số Hội Thánh trong giáo phái “Ngũ Tuần” đã đề cao ân tứ nói tiếng lạ, như là dấu hiệu của người được phép Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, dấu hiệu của người trong Chúa, dấu hiệu của người thiêng liêng. Tôi xin phép trình bày qua về những dấu hiệu trên, và nhường sự nhận thức sau cùng cho quý anh chị con cái Chúa. 

1. Phép Báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

Giăng Báp-tít đã nói về Chúa Jêsus với quần chúng như sau : “Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.” (Ma-thi-ơ 3:11). Ai tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa, “nhờ nước và Thánh Linh mà sanh (tái sanh)” (Giăng 3:5) thì : “đều đã chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng tôi đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.” (I Cô-rinh-tô 12:13). Người được tái sanh là người đã chịu phép Báp-têm bằng Thánh Linh. Cả người đầy dẫy Đức Thánh Linh cũng không nói tiếng lạ. Phi-e-rơ đứng trước tòa công luận nói bình thường : “Bấy giờ Phi-e-rơ, đầy dẫy Đức Thánh Linh, nói rằng: Hỡi các quan và các trưởng lão” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:8).” Ê-tiên, là người đầy đức tin và Đức Thánh Linh” (Công-vụ các Sứ-đồ 6:5) cũng không nói tiếng lạ, Như vậy nói tiếng lạ là một ân tứ của Chúa Thánh Linh ban cho, chứ không phải là “dấu hiệu của người chịu phép Báp-têm bằng Thánh Linh, được đầy dẫy Thánh Linh”.

2. Người trưởng thành trong Chúa.

Có thể một số người có ân tứ nói tiếng lạ được trưởng thành trong Chúa. Nhưng không thể coi “người trưởng thành trong Chúa phải nói tiếng lạ” như là một định lý. Trong tất cả các thư tín của các Thánh Phao-lô, Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ, đề cập đến đời sống tăng trưởng của người Cơ-đốc, không có chỗ nào đề cập đến sự nói tiếng lạ, nhưng luôn đề cập đến sự thánh khiết, khiêm nhường, tấn tới trong sự hiểu biết Chúa, hầu việc Chúa một cách trung tín và rao giảng Tin Lành. Thánh Phao-lô còn nói : “thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng tiếng lạ.” (I Cô-rinh-tô 14:19).

Như vậy nói tiếng lạ là một ân tứ Chúa ban cho, chớ không phải là dấu hiệu của người được trưởng thành.

3. Người thiêng liêng.

Trong những ngày đầu tiên sau 30 tháng tư năm 1975, từ trong nước đến hải ngoại, chúng ta thấy có những ông những bà, hở ra là lời bác thế này lời bác thế nọ, để chứng tỏ rằng ta là người theo cách mạng, theo chính nghĩa, giờ đây ta có quyền nói, dạy bảo những người đã theo “ngụy”. Và những người tị nạn qua các nước tây phương, mặc dầu nói chuyện với bè bạn cùng nước, cũng phải có thói quen “đá vào vài chữ của sứ họ đang sống”, chẳng hạn như “tôi mới có job mới, với better salary”. Từ ngày theo Chúa đến nay, tôi mới biết hai trường hợp trong đó một linh mục và một mục sư nói tiếng lạ, phải chăng hai vị này muốn chứng tỏ mình là người thiêng liêng trong Chúa, và kết quả là họ đã làm những con cái Chúa như tôi cảm thấy bối rối, không hiểu thật hư ra sao. Nếu có con cái Chúa nào cảm nhận mình là người thiêng liêng, tâm tư thuộc về trời, muốn nói một vài câu tiếng lạ thần linh để xác nhận con người thiêng liêng của mình trước mặt người trần thế, thì xin hãy nhớ lại phân đoạn Kình Thánh sau đây của Thánh Phao-lô : “Anh em cũng vậy, nếu dùng lưỡi nói chẳng rõ ràng cho người ta nghe, thì làm sao họ được biết điều anh em nói? Vì anh em nói bông lông.  Trong thế gian có lắm thứ tiếng, mỗi thứ đều có nghĩa.  Vậy nếu tôi chẳng biết nghĩa của tiếng nói đó, thì người nói tiếng đó sẽ coi tôi là mọi, và tôi cũng coi họ là mọi nữa.” (I Cô-rinh-tô 14:9-11).

Như vậy, nói tiếng lạ là một ân tứ Chúa ban cho chớ không phải là “dấu hiệu của người thiêng liêng”.

Thánh Phao-lô đã nói về sự cầu nguyện bằng tiếng lạ, tương giao với Chúa, qua kinh ngiệm của mình, như sau “nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ lửng. “(I Cô-rinh-tô 14:14). Khi cầu nguyện bằng tiếng lạ để tương giao với Chúa, Thánh Phao-lô ở trong trạng thái ngất ngư, không còn được kiểm soát bằng lý trí hay sự khôn ngoan. Người nói tiếng lạ không biết mình nói gì, nhưng tâm thần rất thỏa mãn trong sự tương giao với Chúa. Tôi không có kinh nghiệm này, nên không lường được sự thỏa mãn đó thế nào. Nhưng nhiều con cái Chúa vẫn tìm được sự mãn nguyện khi tương giao với Ngài bằng “tiếng mẹ đẻ”. Nếu trong Hội Thánh Chúa chỉ có người nói được tiếng lạ mà không có người có ân tứ hiểu biết tiếng lạ và thông dịch để mọi người hiểu người đó cầu nguyện gì, thì việc nói tiếng lạ trở nên vô nghĩa : “Bằng không, nếu ngươi chỉ lấy tâm thần mà chúc tạ, thì người tầm thường ngồi nghe, chẳng hiểu ngươi nói gì, thể nào họ theo lời chúc tạ mình mà đáp lại "A-men" được?” (I Cô-rinh-tô 14:16). Nếu chúng ta thấy một vị nào đó người Việt đứng trên bục giảng nói vài câu tiếng lạ rồi chính vị đó dịch ra tiếng Việt, thì tôi tin chắc thứ tiếng lạ đó không bởi ân tứ nói tiếng lạ mà có. Đức Chúa Trời phán với con cái Ngài qua Kinh Thánh, Ngài không dùng tiếng lạ qua sự thông dịch của người khác.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tôi tin rằng ân tứ nói tiếng lạ vẫn có trong Hội Thánh Chúa. Nhưng chúng ta nên cẩn thận trong nhận thức mình có ân tứ đó hay không. Và giả sử chúng ta cảm nhận mình có đi nữa, chớ đề cao nó và thi thố nơi có người khác, vì:  Bằng không, nếu ngươi chỉ lấy tâm thần mà chúc tạ, thì người tầm thường ngồi nghe, chẳng hiểu ngươi nói gì, thể nào họ theo lời chúc tạ mình mà đáp lại "A-men" được?” (I Cô-rinh-tô 14:16), và nên dùng sự cầu nguyện bằng tiếng lạ để tương giao với Chúa mà thôi.