Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta ai cũng phải tiếp xúc, chuyện trò với họ hàng, bè bạn, hoặc người quen nơi sở làm việc. Khi nói chuyện, những người cẩn thận thường “uốn ba tấc lưỡi” trước khi phát ngôn hoặc nghĩ kỹ trước khi hành động để qua đó ta nhận lại được “thiện cảm”, hoặc đạt được mục đích nào đó mà ta mong đợi. Sự mềm mại, đức khiêm nhường và lòng thành thật là ba đức tính đem kết quả tốt trong giao tế.

Nhưng đôi lúc chúng ta phải trực diện với những điều nhầm lẫn của một số anh chị trong Chúa. Hơn một lần tôi đã được nghe  vài anh chị “tín đồ bán thời” luận lý đại khái như sau: “Theo Chúa là theo đường trường, thờ Chúa là ở tâm mình, lúc này còn phải bận bựu chuyện mưu sinh, nên thỉnh thoảng lễ lạc đến là đủ. Khi nào hồi hưu sẽ đi đều vào ngày Chúa Nhật. Lễ Phục Sinh vừa qua, vì không biết ngày chính xác, nên đã hẹn đi chơi với bạn hoặc con cháu trước và không đến dự Lễ Thờ Phương Chúa được”. Tôi cúi đầu, yên lặng với nỗi buồn, “mềm mại” là phải làm gì đây ?. Nghĩ cho cùng, chắc những vị này không dành thì giờ, hoặc chưa có dịp nghe những bài giảng như “Tôi Thờ Phượng Chúa” của Mục Sư Nguyễn Thỉ, “Phương Cách Thờ Phượng Chúa” của Mục Sư Nguyễn Trọng Vinh, “Thực Tâm Thờ Phượng Chúa” của MS Lâm Văn Minh trong Website Vietchristian.com. Tôi chỉ biết nói rất nhẹ nhàng và khiêm tốn : “ Tôi ước mong anh/chị, bỏ một vài giờ nghe một hay cả ba bài giảng trên để cảm nhận được Chúa muốn con cái Ngài điều gì trong việc thờ phượng Ngài”.

Sau một thời gian, lúc gặp lại tôi cảm nhận được sự thay đổi trong suy nghĩ của một vị, mặc dầu chưa có trong hành động cụ thể. Nhưng với sự mềm mại và khiêm tốn của Chúa ban cho con cái Ngài, tôi mong rằng tôi sẽ mời gọi được một vài anh chị “con cái Chúa tùy tiện” này trở về nhà Chúa với tấm lòng muốn theo Ngài trọn vẹn.

Sự mềm mại của con cái Chúa chúng ta không có nghĩa là uyển chuyển chiều mọi người, sao cũng được trong mọi công việc, trong mọi cuộc đối thoại, hay trong mọi cách đối xử để lấy lòng tha nhân và được người ta thương. Con cái Chúa chúng ta cũng không dùng “nhu” thắng “cương” theo nghĩa thế gian, “chỉ để thắng cho thỏa lòng thách đố nhau” như câu chuyện ngụ ngôn sau đây :

Một hôm thần gió và thần mặt trời thách đố nhau làm sao cởi chiếc aó choàng của một cụ lão đang đi bộ trên 1 con đường. Thần gió ra tay trước. Ông phùng má lên thổi xuống những cơn gió lốc, tin rằng ông lão sẽ cởi chiếc áo ra, cuộn nhỏ và nắm bằng hai tay, để tránh cho chiếc aó rách tả tơi. Nhưng lạ thay, càng thổi mạnh bao nhiêu, thì ông cụ với hai cánh tay lại càng ôm áo sát chặt vào người, để gìn giữ nó. Thần gió đành gãi đầu. Đến phiên thần mặt trời, ông thần này nhè nhẹ chiếu xuống những tia nắng ấm, và từ từ tăng nhiệt độ nóng lên. Vì khí hậu trở nên nóng bức, đến chảy mồ hôi, ông lão tự động phải cởi chiếc áo choàng ra cho mát. Thế là thần mặt trời thắng cuộc. Câu chuyện này cho chúng ta thấy một điều: "nhu thắng cương; nhược thắng cường", đó cũng là một ý hay, nhưng không cho chúng ta thấy một điều trọng yếu, chúng ta thắng rồi, “Danh Chúa” có được tỏa sáng cho thế gian hay không, nếu không thì chỉ vì “mình" mà mềm mại.

Trong Kinh Thánh, chữ “mềm mại” thường đi đôi với “khiêm nhường”. Chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh, Thánh Phao-lô đã cho hai mỹ đức này đi đôi với nhau : “phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều” (Ê-phê-sô 4:2), hay :”Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục” (Cô-lô-se 3:12).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Lời Chúa trong sách Ma-thi-ơ, phân đoạn “Đạo Tin Lành tỏ ra cho con trẻ ( con cái Chúa )”, Chúa Jêsus phán “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng ” (Ma-thi-ơ 11:28-30). Ngài đã nhắc nhở con cái Chúa chúng ta rằng trên đường bước theo Ngài, chúng ta sẽ gặp những khốn khó khiến chúng ta mệt mỏi với những gánh nặng trên vai. Nếu chúng ta đến với Ngài để nhìn và học lòng nhu mì và khiêm nhường của Ngài, thì những gánh nặng sẽ không hiện hữu nữa, và linh hồn chúng ta sẽ được yên nghỉ.

Đối với con cái Chúa chúng ta, khiêm nhường là đặc tính của chúng ta ngay khi quyết định tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của đời mình. Sự khiêm nhường được bày tỏ cùng Đức Chúa Trời.

Sau khi loài người phạm tội, với tâm tình kiêu ngạo, hầu hết ai cũng muốn quên đi, muốn thoát ly với Đấng Tạo Hóa. Một số người đôi khi còn muốn chính mình là “Thượng Đế”. Tờ Hoa Nghiêm số 4, phát hành tháng 4 năm 1997. Trong bài “Cái một trong Phật Giáo”, Thượng Tọa Mật Nghiêm đã viết : …. Cái Một mà đạo Phật tìm về là “Con Người”, con người sống đúng chân lý là “Lẽ Thật” của sự sống, chứ không phải chân lý của một Đấng nào đặt ra, hay là chính Đấng đó. “Con Người” chính là “Thượng Đế” của mình”.

Con cái Chúa chúng ta khởi đầu nhận biết mình là tội nhân, chúng ta đã “khiêm nhường” đối với Chúa. Thái độ này phải bất di bất dịch trong con cái Chúa chúng ta. Kinh Thánh có chép “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.  (Gia-cơ 4:6).

Tính “khiêm nhường” của con cái Chúa thường được bày tỏ theo hai cách :

-       Ý thức chúng ta không thể làm việc gì để Đạo Chúa được mở mang, danh Chúa được tỏa sang nếu không có Chúa đồng công

-       Quyết định không làm bất cứ điều gì ngoài ý muốn của Chúa

Chính Chúa Jêsus đã bày tỏ sự “khiêm nhường” của Ngài đối với Đức Chúa Trời, Ngài phán : Vậy, Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy. Cha yêu Con và tỏ cho mọi điều Cha làm; Cha sẽ tỏ cho Con công việc lớn lao hơn những việc nầy nữa, để các ngươi lấy làm lạ lùng. Vả, Cha khiến những kẻ chết sống lại và ban sự sống cho họ thể nào, thì Con cũng ban sự sống cho kẻ Con muốn thể ấy. Cha cũng chẳng xét đoán ai hết, nhưng đã giao trọn quyền phán xét cho Con, đặng ai nấy đều tôn kính Con, cũng như tôn kính Cha vậy. Ai không tôn kính Con, ấy là không tôn kính Cha, là Đấng đã sai Con đến. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, giờ đến, và đã đến rồi, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Đức Chúa Trời, và những kẻ nghe sẽ được sống. Vì như Cha có sự sống trong mình, thì Cha cũng đã ban cho Con có sự sống trong mình vậy. Cha đã ban quyền thi hành sự phán xét cho Con, vì là Con người. Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán. Ta không thể tự mình làm nổi việc gì; ta xét đoán theo điều ta nghe, và sự xét đoán ta là công bình, vì ta chẳng tìm ý muốn của ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai ta…Bởi ta chẳng nói theo ý riêng ta; nhưng Cha sai ta đến, đã truyền lịnh cho ta phải nói điều chi và phải nói thể nào.” (Giăng 5:19-30, 12:49).

Kinh Thánh có ghi lại chuyện một người phụ nữ khôn ngoan, khiêm nhường và mềm mại, tên A-bi-ga-in vợ của Na-banh, nhờ bà mà toàn thể gia đình, và xúc vật của đại gia này không bị tàn sát. Câu chuyện được ghi lại như sau :có một người ở Ma-ôn, còn sản nghiệp nó thì ở Cạt-mên. Người rất giàu, có ba ngàn chiên, và một ngàn dê; người đang ở Cạt-mên đặng hớt lông chiên mình. Người nầy tên là Na-banh, và vợ là A-bi-ga-in; vợ thì thông minh tốt đẹp, còn chồng thì cứng cỏi hung ác, thuộc về dòng Ca-lép. Đa-vít ở trong rừng hay rằng Na-banh hớt lông chiên, bèn sai mười gã trai trẻ đi mà dặn rằng: Hãy đi lên Cạt-mên, tìm Na-banh, nhân danh ta chào người, và nói rằng: Nguyện ông được bình yên, nguyện nhà ông cũng được bình yên; phàm vật gì thuộc về ông đều được bình yên! Và bây giờ, tôi có hay rằng ông có những thợ hớt lông chiên. Trong lúc các kẻ chăn chiên ông ở gần chúng tôi, chúng tôi chẳng hề khuấy khuất chúng nó; và trọn hồi chúng nó ở tại Cạt-mên, chẳng có thiếu mất gì hết. Hãy hỏi tôi tớ ông về điều đó, chúng nó sẽ nói cùng ông. Vậy, xin các gã trai trẻ được ơn trước mặt ông, vì chúng tôi đến trong ngày tốt lành; hễ tay ông tìm thấy vật gì, hãy ban cho các tôi tớ ông, và cho con ông là Đa-vít. Vậy, các gã trai trẻ của Đa-vít đi đến nhân danh Đa-vít lặp lại cho Na-banh mọi lời ấy; đoạn nín lặng; Nhưng Na-banh đáp cùng các tôi tớ Đa-vít rằng: Ai là Đa-vít? Ai là con trai của Y-sai? Những tôi tớ trốn khỏi chủ mình, ngày nay lấy làm đông thay! Lẽ nào ta sẽ lấy bánh, nước, và thịt ta dọn sẵn cho các thợ hớt lông chiên mà cho những kẻ chẳng biết ở đâu đến sao? Những gã trai trẻ của Đa-vít thối đường trở về. Đến nơi, chúng nó thuật lại các lời ấy cho Đa-vít nghe. Đa-vít bèn nói cùng các người theo mình rằng: Mỗi người trong chúng ta hãy đeo gươm mình. Chúng đeo gươm mình, và Đa-vít cũng đeo gươm của người. Ước chừng bốn trăm người đi lên theo Đa-vít, còn hai trăm người ở lại giữ đồ vật. Có một đứa đầy tớ báo tin cho A-bi-ga-in, vợ của Na-banh, rằng: Đa-vít có sai những sứ giả từ đồng vắng đến chào chủ chúng tôi, nhưng Na-banh ở gắt gỏng cùng họ. Song trọn lúc chúng tôi ở gần những người ấy tại trong đồng, thì họ rất tử tế cùng chúng tôi, chúng tôi không bị khuấy khuất, và chẳng thiếu mất vật chi hết. Bao lâu chúng tôi ở gần các người đó, lo chăn bầy chiên chúng tôi, thì ngày và đêm họ dường như tường che cho chúng tôi. Vậy bây giờ, khá xem xét điều bà phải làm; vì đã định giáng tai họa trên chủ chúng tôi và trên cả nhà người; chủ dữ quá, không có ai nói cùng người được. A-bi-ga-in vội vàng lấy hai trăm ổ bánh, hai bầu da rượu nho, năm con chiên đực nấu chín, năm đấu hột rang, một trăm bánh nho khô, và hai trăm bánh trái vả khô, chất trên lưng lừa. Đoạn, người nói cùng các tôi tớ rằng: Hãy đi trước ta, ta sẽ đi theo các ngươi. Nhưng nàng không nói chi hết cùng Na-banh, chồng mình. Nàng cỡi lừa đi xuống theo một con đường có núi bao phủ, thì Đa-vít và những kẻ theo người cũng đi xuống đụng mặt nàng; nàng bèn gặp các người đó. Vả, Đa-vít có nói rằng: Vậy, thật lấy làm luống công cho ta đã gìn giữ mọi vật của người nầy có trong đồng vắng, đến đỗi chẳng thiếu mất gì hết. Còn hắn lại lấy oán trả ơn. Nguyện Đức Chúa Trời xử kẻ thù nghịch của Đa-vít thật cho nặng nề! Từ đây đến mai, phàm vật gì thuộc về Na-banh, ta sẽ chẳng để còn lại vật nhỏ hơn hết. Khi a-bi-ga-in thấy Đa-vít, liền lật đật xuống lừa mình, và sấp mình xuống đất tại trước mặt Đa-vít mà lạy. Vậy, nàng phục dưới chân người mà nói rằng: Lạy chúa, lỗi về tôi, về tôi! Xin cho phép con đòi ông nói trước mặt ông; xin hãy nghe các lời của con đòi ông. Xin chúa chớ kể đến người hung ác kia, là Na-banh; vì tánh hắn thật hiệp với nghĩa tên hắn: tên hắn là Na-banh, và nơi hắn có sự điên dại. Còn tôi, là con đòi chúa, chẳng có thấy những người chúa đã sai đến. Bây giờ, Đức Giê-hô-va đã ngăn chúa đến làm đổ huyết ra, và lấy chính tay mình mà báo thù; tôi chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống và mạng sống của chúa mà thề: nguyện các thù nghịch chúa và kẻ tìm hại chúa đều như Na-banh! Và bây giờ, nầy là lễ vật mà con đòi chúa đem đến dâng cho chúa, để phát cho các người đi theo sau. Xin hãy tha lỗi cho con đòi chúa! Đức Giê-hô-va quả hẳn sẽ lập nhà chúa được bền lâu, vì chúa đánh giặc cho Đức Giê-hô-va, và trọn đời chúa sẽ chẳng tìm thấy một sự ác nơi chúa. Nếu có ai dấy lên đặng bắt bớ và hại mạng sống chúa, thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúa sẽ gìn giữ mạng sống của chúa trong bọc những người sống; còn mạng sống của kẻ thù nghịch chúa, Đức Giê-hô-va sẽ ném ra xa như khỏi trành ném đá vậy. Khi đức Giê-hô-va đã làm cho chúa tôi mọi sự lành mà Ngài đã hứa, và khi Ngài đã lập người làm đầu Y-sơ-ra-ên, thì ước gì chúa tôi không phàn nàn và không bị lòng cắn rức vì đã vô cớ làm đổ máu ra và báo thù cho mình! Lại khi Đức Giê-hô-va đã làm ơn cho chúa tôi, nguyện chúa nhớ đến con đòi của chúa! Đa-vít đáp cùng A-bi-ga-in rằng: Đáng ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay! Đáng khen sự khôn ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết và ngăn ta dùng chính tay mình mà báo thù cho mình. Nhưng ta chỉ Giê-hô-va Đức Chúa Trời hằng sống của Y-sơ-ra-ên, là Đấng đã cản ta làm điều ác, mà thề rằng, nếu nàng không vội vàng đến đón ta, thì đến sáng mai, phàm vật gì thuộc về Na-banh sẽ chẳng còn lại vật mọn hơn hết” (I Sa-mu-ên 25:1-34).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta thường có sự khiêm nhường trong tâm, vì đó là điều Chúa dạy chúng ta, nhưng đôi khi chúng ta không giữ được sự khiêm nhường, chỉ vì chúng ta thiếu mềm mại - cứng đầu hoặc ương ngạnh. Có lẽ vì cớ đó mà Đức Thánh Linh muốn con cái Chúa học nơi Ngài sự mềm mại trước hầu sự khiêm nhường được năng động trong chúng ta.

Ước mong con cái Chúa chúng ta lúc nào cũng có tấm lòng mềm mại.