Hàng năm, mỗi độ mùa Giáng Sinh về, thiên hạ lũ lượt rủ nhau đi mua sắm, nào là quà Giáng Sinh cho con cái, họ hàng, hoa quả, rượu, bia, thức ăn hải sản, thịt bò, thịt trừu, thịt gà tẩm gia vị, để nấu hoặc nướng, dành cho các bữa tiệc với bè bạn và người quen. Và trong mùa này biết bao nhiêu bữa tiệc, biết bao người say sưa nghiêng ngửa, ăn quá độ. Đối với tôi, mùa Giáng Sinh đưa tôi về với những kỷ niệm xa xưa, buồn có vui có. Nhưng chỉ có một kỷ niệm của mùa Giáng Sinh đã in đậm trong tâm tư tôi.

Trước ngày lễ Giáng Sinh năm 1969 ít hôm, nhằm ngày thứ bẩy, tôi bỏ trong ví một số tiền khá lớn để đi ăn “bonenkai” (tiệc tất niên) với bè bạn Nhật Bản cùng lớp. Trưa hôm đó, chúng tôi có ý định xả láng. Sau một ly bia loại lớn và một đĩa sashimi nhập cuộc, tôi đã cảm thấy bị men bia làm hơi ngà ngà. Tôi biết nếu chỉ uống thêm một ly nữa, là tôi bắt đầu khó kiểm soát được sự đi đứng. Trong khi đó bè bạn Nhật có thể uống bảy, tám ly không sao. Tại thời điểm đó, bỗng hình ảnh Mục Sư Ota hiện đến trong tâm tôi, phải chăng ông đang cùng một vài con cái Chúa nghèo khác, cặm cụi gói quà Giáng Sinh cho các em bé thiếu may mắn trong các trung tâm săn sóc trẻ mồ côi, những cụ già trong nhà dưỡng lão, bị xã hội quên lãng. Còn tôi, uống bia, ăn sashimi, ngà ngà say rồi, mà còn định làm thêm vài ly nữa, thì quả thật, thiếu sự tự chế, sự tiết độ phải có của một con cái Chúa. Và tôi tự hỏi tại sao tôi lại có thể “vô tâm” như thế này. Trong sự ân hận, và một nỗi buồn khó tả, tôi đưa số tiền nhỏ mình phải trả cho cậu bạn thân của tôi, và chào mọi người để ra khỏi “tiệm nhậu”. Lòng tôi lúc đó thanh thản lại, và tôi leo lên xe điện rồi xe bus, đến nhà Mục Sư Ota. Quả như sự dự đoán của tôi, Mục Sư Ota và một số con cái Chúa đang gói những món quà Giáng Sinh. Mọi người hơi ngạc nhiên. Sau khi chào những con cái Chúa, có tấm lòng yêu thương tha nhân, tôi lặng lẽ trao số tiền còn lại mà tôi đã định dùng nó để say sưa trong tiệc tất niên, đưa cho vị Mục Sư, và xin MS mua thêm quà Giáng Sinh tặng những cụ già trong nhà dưỡng lão. Trên đường về nhà trọ, tôi cảm ơn Chúa đã nhắc nhở tôi, bỏ đi những hành vi tội lỗi của con người cũ, và nhớ đến chữ tiết độ của con người mới trong Chúa.

Trong đời trần thế ngày nay, nghĩ đến cuộc sống ở các xã hội văn minh với quá nhiều nhu cầu vật chất, nhưng lại phải khổ sở vì công ăn việc làm để thỏa mãn những đòi hỏi đó, bất an về sự liên hệ vợ chồng, về sức khỏe, về giáo dục con cái, lòng tôi thấy nao nao, bâng khuâng. Càng bị sức ép kể trên nặng bao nhiêu, thì con người càng thiếu tiết độ, thiếu sự tự kiềm chế bấy nhiêu. Hễ có dịp rượu chè là uống cho đến say mèm, gặp món ăn khoái khẩu là ăn cho đến tức bụng, hoặc tệ hơn nữa là ói mửa. Kiếm được 100,000 một năm, thì năm tới lại muốn kiếm sao cho được ít nhất là 110,000 một năm, dẫu cực khổ bao nhiêu cũng chịu, ngay cả phải bỏ đi thờ phượng Chúa cũng không sao, hầu cho số tiền dự trữ đủ khi đau ốm bất tử, hoặc mất công ăn việc làm bất tử. Số người ngoại tình, ly dị ngày một nhiều. Con người hình như cũng chẳng “tự kiềm chế” lúc gặp hoạn nạn khổ đau do người khác gây ra. Nghĩ cách trả thù cho kỳ được. Tất cả cũng chỉ vì thiếu tiết độ, thiếu sự tự kiềm chế, quá “trần tục”. Từ những con người này, làm sao còn có lòng thương yêu chân thật, làm sao có sự vui mừng, làm sao có sự bình an, làm sao có lòng nhân từ. Và hậu quả là loài người ngày một xa cách Chúa.

Nhưng cũng lại có một loại đam mê của một số tiền bối nổi tiếng đã giúp đời, và tôi không thể không kính phục. Thoạt đọc qua cuộc đời của những vị này, tôi nghĩ :” chắc những ông này vì háo danh, nên đã làm việc quên mệt mỏi, quên “tiết độ” để giữ sức khỏe”. Nhưng nghĩ kỹ, họ là những người có cuộc sống không ham tiền bạc, vật chất và danh vọng cho mình, mà đam mê tìm ra một cái gì mới hữu dụng cho nhân loại, sáng tác ra những tác phẩm văn chương nghệ thuật để truyền lại cho hậu thế. Và do đó tôi đã cảm thấy họ là những người đáng kính phục.

Edisonmột một nhà thông thái và phát minh đã làm việc trung bình 16 giờ một ngày và vẫn không thấy chán nản và mệt mỏi. Ông hưởng thọ 90 tuổi. Ông cho biết sự thành công được tạo bằng 1% cảm hứng, với 99% mồ hôi, nhưng vẫn vui thỏa, không mệt nhọc. Tất cả chỉ vì ông thích thú trong công việc với ước vọng làm sao đạt được mục đích càng sớm càng tốt.

La Fontaine, Jean Jaques Rousseau, Gustave Flaubert cũng đã đam mê, không cần biết đến hai chữ “tiết độ” để giữ gìn sức khỏe. Những vị này đã chọ lối làm việc “lao động khổ sai” để có được những áng văn bất hủ cho nhân loại.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Theo nghĩa thông thường, thì tiết độ là chừng mực vừa phải, tự kiềm chế để tránh những gì vượt quá tri thức thông thường của xã hội, có thể bị luật pháp làm phiền. Nhưng đối với con cái Chúa chúng ta, tiết độ, tự kiềm chế sẽ dẫn chúng ta đi vào một thế giới có tình người. Chúng ta tiết độ trong những nhu cầu của cuộc sống, hầu chia sẻ phần có được do sự tự kiềm chế để chia sẻ lại cho những người thiếu may mắn. Tôi tin rằng đó là tình thương yêu tha nhân mà Chúa muốn con cái Ngài phải có trong tâm. Chúng ta ăn vừa no thì ngừng, uống vừa đủ để chia vui với người thân thì ngừng.

Khi chúng ta làm công việc nhà Chúa, đưa người “hư mất” về với Chúa, đưa người “hư mất” vào phước hạnh, làm sao chúng ta có thể “tiết độ” được đây. Hãy cúi đầu xin Chúa soi đường cho chúng ta.