Ngày đầu tiên đặt chân xuống phi trường Kingsmith Airport (Sydney),  22 tháng 7 năm 1978, tôi gặp lại hai anh của tôi, lòng vui mừng khó tả. Hỏi thăm tin tức bố mẹ còn kẹt lại ở Việt Nam, các em ở Hoa Kỳ, và sau đó hỏi thăm gia đình của nhau. Chúng tôi đã có một bữa ăn đặc biệt tối hôm đó, rất thịnh soạn để đón mừng gia đình nhỏ của tôi. Nhưng điều tôi hơi ngạc nhiên là trước bữa ăn, anh cả tôi không cầu nguyện. Tôi buồn buồn không hiểu chuyện gì đã làm anh thay đổi.

Sau khi mua được căn nhà để ở vào tháng 12/1978, chuyện đầu tiên tôi hỏi anh cả của tôi về một nhà thờ Tin Lành mà MS là người Việt, thì anh tôi trả lời không biết, có hay không. Riêng anh tôi, người Kitô Giáo, cũng phải đi thờ phượng Chúa “part time” tại một nhà thờ Úc.

Tôi đi hỏi ông bà hàng xóm người Úc, Mark-Anne Barron, thì bà cho biết có một vài nhà thờ Tin Lành của người Úc gần chỗ tôi ở, nhưng bà đề nghị đi nhà thờ Kitô Giáo, để bà có thể chở tôi đi và hướng dẫn tôi tốt hơn. Theo bà thì cả hai bên Kitô Giáo và Tin Lành đều thờ phượng Chúa cả. Bà còn cho biết Tin Lành ở Úc và Hoa Kỳ có rất nhiều chi phái, phải cẩn thận, vì “I don’t think you can afford to die unreasonably (stupidly) because the wrong interpretation of the Bible about blood transfusion, about ignoring doctor advice how to cure some deseases of some Christian Churches” xin tạm dịch là “tôi không nghĩ ông có thể chấp nhận chết một cách vô lý (dại dột ) vì sự giải thích sai lầm về sự truyền máu, hay sai lầm về chuyện nên bỏ qua lời khuyên của bác sĩ về cách chữa bệnh của một vài giáo phái Tin Lành”. Lời khuyên này của ông bà Barron đã làm tôi suy nghĩ không ít.

Mấy tháng sau, con tôi theo học lớp 1 tại một trường Công Giáo gần nhà, để bà hàng sóm có thể giúp đỡ, vì những tháng đó tôi phải học lái xe. Con tôi do đó được làm lễ Baptism, và lễ Confirmation tại nhà thờ St. Charles, ngay bên cạnh trường tiểu học St.Charles Primary School. Trong thời gian này, tôi đưa con đi dự lễ hàng tuần vào lúc 9:00 sáng Chúa Nhật, và sau đó tôi đi kiếm một nhà thờ Tin Lành ở gần nhà. Tôi đã dự một buổi lễ thờ phượng Chúa tại nhà thờ Ryde Baptist Church. Thú thật, tôi hiểu lờ mờ và không cảm thấy gần gũi với những gì MS giảng, cũng như chứng kiến số con cái Chúa lác đác, chẳng được bao nhiêu. Hôm đó, tôi về nhà trong buồn bã, tôi tự hỏi có phải đành để hoàn cảnh chung quanh xoay vần gặp gì cũng chấp nhận? Tôi đã lặng lẽ cầu nguyện trong đêm : “ Lạy Chúa,  xin Ngài cho biết con phải là  sao“.

Từ ngày đó, tôi đã tạm thời đi nhà thờ St. Charles cùng với hai con của tôi. Và thời gian lặng lẽ trôi đi. Cũng trong thời gian đó, những gia đình người Úc chung quanh tôi cho tôi ấn tượng hình như họ chỉ đủ thì giờ nghĩ đến những nhu cầu vật chất, dọn dẹp vườn, cắt cỏ. Còn vấn đề tâm linh hầu như bị lãng quên. Thay vì đi nhà thờ sáng Chúa Nhật, tôi chỉ thấy khói của những bữa ăn BBQ.

Tôi còn nhớ, khi đi vay tiền ngân hàng để mua nhà, sau khi trình hết giấy tờ cần thiết, giấy chứng nhận có việc (employment certificate), cuốn sổ ngân hàng và số tiền hiện có, ông bank manager cho tôi biết tôi sẽ được vay, nhưng ông cũng hỏi tôi đã có kế hoạch nào để trả nợ hàng tháng nếu tôi bị mất việc bất ngờ, hoặc lâm bệnh trong thời gian dài không. Từ những sự kiện toàn liên quan đến vật chất trước mắt, trong tâm tôi một cảm giác lành lạnh bâng khuâng kéo đến.  Và cuộc đời gia đình nhỏ của tôi cũng trôi theo dòng sống của xã hội này.

Đến khi được Chúa, qua sự hướng dẫn của Ông Bà MS Thiện, đưa dắt vợ chồng tôi trở về Hội Thánh của Ngài, tại Kingsgrove, tôi mới bắt đầu được nghe Thánh Ca, các bài giảng luận bằng tiếng mẹ đẻ, tôi cảm thấy xúc động nhiều, vì hiểu được, cảm nhận được những ơn phước của Chúa  trong cuộc đời. Thời gian trôi  đi thật nhanh, thấm thoát đã hơn 8 năm trôi qua. Trong những giờ thờ phượng Chúa, rồi thông công với  các anh chị em trong Chúa, tôi cảm nhận được ngày một rõ ràng rằng Hội Thánh Chúa ngày nay đang gặp một thực tế, con người đang ngụp lặn trong vật chất chủ nghĩa, nên thế hệ tôi và các thế hệ kế tiếp sẽ gặp những khó khăn trong chuyện đi thờ phượng Chúa. Phải chăng đây là thử thách sự trung tín của chúng ta đối với Đấng Tạo Hóa ?

Con cái Chúa đến thờ phượng Chúa tại Hội Thánh Kingsgrove có tăng chút đỉnh, mặc dầu được một số thân hữu kha khá tin nhận Chúa, nhưng lại mất đi một số con cái Chúa khác, lý do một số người qua đời, một số không còn lái xe được, một số đi Hội Thánh khác, một số không đến thờ phượng  Chúa nữa. Còn các Hội Thánh khác thì sao ? Tôi có nói chuyện với một số con cái Chúa người Việt, người Hoa, người Úc ở những Hội Thánh khác kể cả một vị Mục Sư trẻ người Đại Hàn, tôi được nghe nhiều điều tiêu cực. Số con cái Chúa sút giảm đáng kể trong mọi lứa tuổi. Hình như con cái Chúa thời nay thường: “ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời” (II Ti-mô-thê 3:4). Điều này cũng có thể hiểu được, mặc dầu khó chấp nhận, nếu chúng ta vững niềm tin nơi Chúa. Cuộc sống ở các xã hội văn minh với quá nhiều nhu cầu vật chất, nhưng lại phải khổ sở vì công ăn việc làm để thỏa mãn những đòi hỏi đó, bất an về sự liên hệ vợ chồng, về sức khỏe, về giáo dục con cái, nên vui chơi được lúc nào là dễ nhào vào liền. Cũng vì thế, đối với những lời răn dạy, chân lý trong Kinh Thánh, con cái Chúa loại này hình như : “không chịu nghe đạo lành; …… bịt tai không nghe lẽ thật” nhưng “ham nghe những lời êm tai, theo tư dục …… xây hướng về chuyện huyễn.” (II Ti-mô-thê 4:3,4). Khi viết đến đây, tôi chợt cảm thấy mình và những con cái Chúa trung tín như những khách lữ hành đang đi trong bãi sa mạc.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Nhìn quanh, con cái Chúa chúng ta cũng đã cảm nhận được rằng, trước tình trạng này, công việc nhà Chúa cần được hệ thống hóa, nhân viên làm việc trong Hội Thánh được tuyển chọn theo khả năng và tri thức. Hầu hết các Hội Thánh Chúa đặt các mục tiêu cho hàng năm, năm năm hay mười năm. Để đạt được những mục tiêu, ban Mục Vụ, Ban Trưởng Lão và Chấp Hành tìm ra một số phương cách để số con cái Chúa Hội Thánh tăng trưởng. Một số nhỏ Hội Thánh có tăng trưởng về lượng đi nữa, nhưng về chất (đức tin đích thực vào đạo Chúa, hành động theo lời dạy của Kinh Thánh) thì tôi thấy không ổn.

Thực trạng Hội Thánh ngày nay, tại mỗi địa phương, công việc nhà Chúa dường như được giao trọn cho ban mục vụ (đôi khi chỉ có một Mục Sư quản nhiệm), ban trưởng lão và ban chấp hành. Cảm ơn Chúa, Hội Thánh Chúa tại Kingsgrove, nơi tôi đi thờ phượng Chúa, còn có thêm ban nam giới, ban phụ nữ, ban thanh thiếu niên, ban nhi đồng và ban vệ sinh. Tuy nhiên đây là một trong số ít những Hội Thánh Chúa được ơn. Con cái Chúa trong Hội Thánh kể như làm tròn “bổn phận” đối với Chúa, đối với Hội Thánh, đối với người hư mất nếu trung tín nhóm lại thờ phượng Chúa với Hội Thánh, dâng một số tiền vào Hội Thánh, tham gia vào vài công tác Hội Thánh đề ra. 

Con cái Chúa trên phương diện tổ chức là thành viên của Hội Thánh. Trong đức tin của con cái Chúa chúng ta, mỗi con cái Chúa là một phần trong thân thể Đấng Christ, cùng hưởng đồng một sự sống với chính Ngài và mỗi con cái Chúa phải dự phần sinh động với chính Ngài, nên Ngài ban cho mỗi người một hoặc nhiều ân tứ để có thể sinh động mạnh mẽ.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đứng trước thực trạng của toàn thể Hội Thánh Chúa trên thế giới, ngày một nhỏ lại, phân tán, chúng ta phải cố gắng để chận đứng khuynh hướng này, hãy cố gắng tìm hiểu về Ân-Tứ của Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta, trau rồi ân tứ ấy và xử dụng ân tứ đó cùng phát huy 9 mỹ đức của trái Thánh Linh lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Ga-la-ti 5:22), mà Chúa ban cho mình để đem những linh hồn hư mất về với nhà Chúa ngay từ giờ phút chúng ta cảm nhận được điều này cho đến ngày Chúa trở lại. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để làm việc này.