Nhớ lại ngày xa xưa, tôi có đọc được một câu chuyện cảm động trong môt tạp chí Cơ Đốc rất cũ của cháu tôi, lúc tôi đến Hoa Kỳ năm 1998, để tiễn đưa mẹ tôi đến nơi an nghỉ chờ ngày về với Chúa. Lúc đó tôi là một “tín đồ không có Hội Thánh”, vì chỉ biết một vài nhà thờ của người Úc.  Khi đã biết và đến với Hội Thánh Chúa cho người Việt, đi thờ phượng đều đặn, thì câu chuyện này thỉnh thoảng trở về trong tâm tôi, ngoài sự cảm động theo nghĩa trần thế, đối với tôi nó nói lên tấm lòng “mềm mại” của một ông già theo Chúa đã làm sáng danh Ngài. Câu chuyện này như sau.

Khoảng đầu thập niên 1970, ông Smith sống ở một trang trại tại tiểu bang Alabama. Ông là một con cái Chúa già, theo lời vị Mục Sư quản nhiệm của Hội Thánh, ông Smith đi nhà thờ rất đều, ăn nói khiêm tốn, và rộng lượng với những con cái Chúa nghèo khác, nên được mọi người kính mến. Tại tư gia, ông lủi thủi sống một mình. Người đầy tớ da đen là người duy nhất nói vài câu với ông trong ba bữa ăn, sáng sớm, trưa và chiều. Tuy có một cậu con trai đã lập gia đình, nhưng mỗi lần nghĩ tới việc liên lạc với con trai và con dâu, ông cảm thấy có một sự khó khăn bực mình kéo đến vì cả hai đều sống không có Chúa, mặc dầu ông đã khuyên lơn nhiều lần. Tính tình hai vợ chồng con trai rất khác ông. Cả chồng lẫn vợ con ông đều là công chức chính phủ hạng thấp tại tiểu bang New Jersey, nên chỉ đủ sống, đôi khi còn túng thiếu. Tuy vậy, ông cũng chẳng biết làm gì được để giúp gia đình con ông. Đôi lúc nhìn những tấm ảnh của con trai và con dâu trong cuốn album cũ kỹ, ông vẫn cảm thấy thương yêu cả hai vô hạn.

Sau những ngày đầu năm buồn tẻ của người tuổi cao, một buổi tối, trước khi đi ngủ, ông cầu nguyện : “Lạy Chúa là Đấng Toàn Năng, con cảm ơn Ngài đã cho con sống thêm một ngày theo ý Ngài, Chúa ơi, hôm nay khi xem lại một tấm ảnh của đứa con trai bé bỏng ngày nào, lòng con đau đớn, nước mắt con đã chẩy cho đến lúc ăn bữa cơm chiều. Con xin Chúa dạy con phải làm sao để tình yêu thương của con đến với nó, và nhất là niềm mơ ước của con, nó tin nhận Ngài thành sự thật …..”.  và sau đó ông đọc Kinh Thánh như thường lệ. Tối đó ông đọc sách “Galatians” tức là sách “Ga-la-ti” có đoạn như sau : “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại….” (Ga-la-ti 6:1). Chúa đã đánh thức tâm tình “mềm mại” của ông, và cho ông cảm nhận được rằng sự “cứng cỏi” của ông đã khiến ông mất đi đứa con trai duy nhất, và quên đi một điều mà Chúa muốn con cái Ngài phải có “sự mềm mại mà sửa trị con mình”. Trong niềm vui, ông cảm tạ Chúa, và tối hôm đó ông đã có một giấc ngủ thật bình an.

Khi bình minh vừa ló rạng, sau khi ăn sáng xong, ông tháo trong album cũ kỹ hai tấm ảnh, một là hình cậu con trai lúc mới chào đời, trong cánh tay thương yêu của mẹ cậu, tấm thứ hai là hình ảnh vợ chồng cậu lúc làm lễ thành hôn, kèm theo một bức thư. Trong thư, sau khi thăm hỏi, kể lại một kỷ niệm nhỏ của ông và mẹ cậu với cậu, đoạn cuối của bức thư ông viết : “John và Helen yêu của bố, bố lúc nào cũng thương yêu hai con như thủa xa xưa. Bố cầu xin Chúa ban cho hai con những ngày êm ấm, bình an và hạnh phúc bên nhau. Điều ước mong của bố trước khi nhắm mắt vĩnh viễn là được nhìn thấy hai con cùng bước vào nhà thờ hàng tuần như những con cái Chúa trung tín, để hưởng phước hạnh Ngài ban cho trên trái đất, và ơn cứu rỗi để có sự sống đời đời……”. Và sau đó hàng tuần, ông gửi cho vợ chồng con trai ông một bức thư, hai tấm ảnh trong cuốn album, kỷ vật quý giá của đời ông, và kèm theo tấm ngân phiếu dặn mua quà cho cháu nội ông. Mười tháng lặng lẽ trôi qua, ông vẫn không nhận được hồi âm. Nhưng những chữ “yêu thương, nhịn nhục (kiên nhẫn), và mềm mại” trong câu Kinh Thánh :“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22) đã khiến ông kiên nhẫn tiếp tục liên lạc với gia đình con trai ông. Cho đến một hôm, người quản gia trịnh trọng trao cho ông một bức thư. Ông hồi hộp cẩn thận cắt phong bì và lấy bức thư ra đọc, vài hàng chữ của con trai ông, và vài câu cám ơn của hai đứa cháu ông.

Dear Dad,

Chúng con cám ơn bố về tình yêu và sự rộng lượng của bố đã dành cho chúng con. Con biết tính con không phải là tính của một đứa con bố mong đợi, nên mặc dầu cuộc sống chật vật, con cũng không bao giờ muốn hoặc mong đợi sự giúp đỡ của bố. Những bức thư và số tiền bố cho các cháu của bố đã khiến con biết được tình yêu bao la của bố dành cho gia đình của đứa con trai không tốt lành. Một lần nữa, gia đình con cảm ơn lòng thương yêu và sư rộng lượng của bố và con xin bố tha thứ cho con.

Hai đứa cháu của bố cũng cảm ơn ông nội, vì con đã mua được những món đồ chơi, sách vở cho chúng nó đầy đủ hơn.

Chúc bố hưởng những ngày bình an, khỏe mạnh, ăn ngon và ngủ yên.

Con Bố

Ông cố ngăn những giòng nước mắt đang chạy dài trên đôi má nhăn nheo để đọc thư của hai đứa cháu :

Dear grandpa,

Chúng cháu cám ơn ông đã cho chúng cháu nhiều toys và sách đọc dành cho tuổi thiếu niên.

Yêu ông nội nhiều,

Sau đó ông chỉ biết cảm tạ Chúa và bật khóc như đứa bé lên hai, ba tuổi. Ông cảm thấy có lại được đứa con và gia đình nó, mà ông ngỡ ông mất đi mãi mãi. Cuối năm, trước Lễ Giáng Sinh ông lặn lội đi xe hơi hơn 3 ngày, từ Alabama đến New Jersey, mang theo rất nhiều quà bánh cho gia đình đứa con trai ông. Gia đình đoàn tụ thật ấm cúng, ngày ngày ông đùa rỡn với hai đứa cháu nội, ăn uống với gia đình đứa con trai. Trước ngày Lễ Giáng Sinh, ông hỏi con ông địa chỉ của một nhà thờ gần nhà con ông nhất. Con ông vui vẻ cung cấp hết chi tiết về nhà thờ đó. Tối Giáng Sinh, ông nhờ con ông gọi taxi và định đi một mình đến nhà thờ, nhưng cả gia đình con ông như đã chuẩn bị đưa ông đi, nên con trai ông, John nói trong sự cảm động : “Chúng con sẽ đi với bố”. Và tại nhà Chúa đêm đó, sau sự kêu gọi của Vị Mục Sư vừa giảng luận, tất cả gia đình John tin nhận Chúa.

Đọc đến đó, chính bản thân tôi cũng để cho nước mắt chẩy dài trên đôi má. Cám ơn Chúa đã dạy dỗ tôi thêm một bài học nữa : “Hãy lấy lòng yêu thương, mềm mại dạy những đứa con cứng đầu với sự kiên nhẫn và nhịn nhục”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cảm ơn Chúa đã dẫn dắt ông Smith vào con đường có sự mềm mại, tình yêu thương và tính kiên nhẫn (nhịn nhục), để cả gia đình con trai ông đến trong vòng tay nhân từ của Ngài.

Chắc chúng ta, những con cái Chúa, đều cảm nhận được sự dạy bảo của Ngài qua Thánh Kinh. Và qua sự mềm mại của chúng ta mà có người về với Chúa, thì đó là kết quả của sự tin cậy và vâng lời của chúng ta đối với Ngài.

Con cái Chúa muốn “mềm mại” trước hết phải uyển chuyển, quên đi cái “hơn người” về tiền bạc, địa vị ngoài đời hay trong Hội Thánh, danh vọng mình , cái “oai” cái “quyền” mình có. Vì cái oai quyền nó dễ làm mình cứng rắn, dễ đem mình làm tổn thương người khác mà không bị lương tâm mình cáo trách. Là con cái Chúa chúng ta sẽ cảm nhận được ngay rằng điều này chắc chắn không làm Chúa đẹp lòng.

Nếu chúng ta muốn “mềm mại” , hãy nghĩ đến bổn phận và trách nhiệm thay vì oai quyền. Muốn làm tròn bổn phận, hoàn thành trách nhiệm, chúng ta chắc chắn phải “mềm mại”, và Chúa là Đấng Công Bình sẽ ban cho chúng ta ơn phước “hưởng được đất (nguồn thịnh vượng)” như lời Chúa Jêsus có phan : “Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!” (Ma-thi-ơ 5:5). Lời Kinh Thánh có viết trong sách Tít, đoạn “Bổn phận tín đồ là người Đức Chúa Trời thương xót”,  “chớ nói xấu ai, chớ tranh cạnh, hãy dong thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm mại trọn vẹn” (Tít 3:2). Trong sách Cô-lô-se, Kinh Thánh cũng có khuyên con cái Chúa về cách ăn ở trong xã hội và gia đình  : “ . . . . hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục” (Cô-lô-se 3:12).

Ê-tiên, vị chấp sự của Hội Thánh Chúa đầu tiên đã bình an và “mềm mại” trước những kẻ cuồng tín với thầy cả thượng phẩm hung dữ, ông đã trả lời sự chất vấn của thày cả thượng phẩm : “ . . . .Hỡi các anh, các cha, xin nghe lời tôi!. . .” (Công-vụ các sứ-đồ 7:2). Và khi những kẻ hung dữ cuồng tín muốn giết Ê-tiên bằng những hòn đá ném tới tấp vào người ông, bản chất “mềm mại” của Ê-tiên vẫn còn nguyên. Trước khi qua đời, Ê-tiên cầu nguyện cho những kẻ ném đá minh : “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ!” (Công-vụ các sứ đồ 7:60).

Khi tôi nói về Chúa cho những người chưa biết Ngài, nếu gặp người “vô thần, hỗn sược với Đấng Tạo Hóa” với những lời lẽ “coi Trời bằng vung”, hoặc với những luận lý của thuyết Darwin trong “tiến hóa luận”, thì tôi yên lặng, vì tôi biết, có nói gì đi nữa, tại thời điểm đó, cũng chỉ vô ích. Nhưng nếu gặp người bằng lòng nghe, và muốn tìm hiểu, chúng ta  sẽ phải : “sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ” ( I Phi-e-rơ 3-15).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta đối với nhau lại càng phải “mềm mại” hơn. Kinh Thánh dạy rằng : “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại. . .” (Ga-la-ti 6-1). Đừng nên đứng trên tiêu chuẩn của một kẻ thánh thiện hơn, hiểu biết hơn, mà chỉ trích anh chị em mình, nhưng phải “lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại”, đó là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta. Lấy “lòng mềm mại” là thông cảm sự yếu đuối của anh chị em mình, là nhận biết tình trạng thiếu hiểu biết hay thiếu nghị lực của anh chị, em mình và tìm phương cách tốt nhất để đưa anh chị em mình ra khỏi tình trạng đó, cùng nhau cầu nguyện xin Chúa ban sự thông sáng và sức mạnh để kéo anh chị em mình ra khỏi hố sâu tội lỗi lên con đường chính đáng để cùng nhau vui thỏa bước đi với Chúa.

Trong Hội Thánh chúng ta, tôi cảm nhận được sự mềm mại của ban Mục Vụ, luôn luôn nhớ đến trách nhiệm và bổn phận của mình đối với con cái Chúa. Quý Mục Sư thường “có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật, và họ tỉnh ngộ mà gỡ mình khỏi lưới ma quỉ, vì đã bị ma quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó” (II Ti-mô-thê 2:24-26).

Khi chúng ta đã biết cái khó mà quý Mục Sư phải trực diện, đó là biết “nhịn nhục” và “dùng cách mềm mại mà sửa dạy” con cái Chúa chúng ta, thì chúng ta nên luôn luôn lắng nghe sự khuyên bảo của quý Mục Sư, suy gẫm theo lời dạy trong Thánh Kinh, để hành động sao cho “Ý Chúa được nên ở đất như Trời”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Bản thân tôi cũng đang trực diện với vợ chồng đứa con út của tôi, không muốn biết về Chúa, lý do vì quá bận rộn với công ăn việc làm, lúc nào cũng bị sức ép “dead line” của công việc hãng. Nhưng dầu lý do nào đi nữa tôi cũng sẽ  lấy lòng yêu thương, mềm mại giảng giải cho đứa con chưa có Chúa với sự kiên nhẫn và nhịn nhục, để một ngày nào đó hai vợ chồng nó đến với Ngài.