Người đời thường có quan niệm “Trông mặt mà bắt hình dong”, có một nghĩa là phân biệt người tốt kẻ xấu qua tướng mạo, điều này đúng ít sai  nhiều. Trong thời này ai cũng cho rằng nên nhận biết người tốt không qua tướng mạo mà qua hành động làm lành, làm thiện. Nhưng nếu căn cứ vào việc lành, việc thiện để xác chứng “lòng tốt” thì đôi khi chưa chính xác. Được nhìn thấy một tấm lòng tốt, trong một con người đơn sơ, quả là một món quà Đấng Tạo Hóa ban cho ta, một bài học Đấng Tạo Hóa nhắc nhở ta.

Từ lâu, quần chúng Úc vẫn thường được nghe về những vị chủ tịch hãng này, công ty nọ có lòng tốt tặng cho các cơ quan từ thiện cả triệu Úc kim. Và những nơi nhận được sự giúp đỡ chỉ biết cúi đầu cảm tạ, còn xã hội cũng sẽ ca ngợi những tấm lòng tốt, nhân từ đó. Chỉ gần đây chúng ta mới biết một số trường hợp “trông vậy mà không phải vậy”. Họ làm lành chỉ để chứng tỏ với người đời mình là người đạo đức, có lòng tốt, hầu tạo cho mình một giá trị trong xã hội và nhất là tránh được góc họ không muốn người đời nhìn tới. Họ làm lành với tính toán “bỏ con tép, ăn cắp con tôm” và đánh lừa lương tâm mình.

Trong những cuộc tranh cãi về loại thuế thải thán khí (carbon tax) tại Úc Đại Lợi, chính phủ và thành phần nghèo đã lên tiếng cho rằng thuế này chỉ đem lại một sự công bằng khiêm tốn, vì đất là của chung dân Úc, mà lợi nhuận của các hãng, sau khi trừ tiền lương và phụ cấp cao của ban lãnh đạo và ban quản lý, cùng tiền trả cho các kỹ sư và công nhân hậu hỹ rồi, cũng là cỡ gần 50 tỷ Úc Kim. Tiền này hầu hết được trả cho những nhà đầu tư từ Trung Hoa, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các quốc gia thuộc nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế vững mạnh nhất trên thế giới. Có những nghị sĩ Hạ Viện đã cho rằng tập đoàn lãnh đạo và quản lý của các công ty khoáng sản là những kẻ tham lam, thiếu lương thiện. Một trong số các ông tổng giám đốc ngành hầm mỏ, phản đối kịch liệt thuế thải thán khí, đã có lần lên TV, tuyên bố rất hùng hồn : “Tôi và công ty của chúng tôi đóng thuế đàng hoàng. Chúng tôi cũng đã tặng cho các cơ quan từ thiện gần 2 triệu Úc kim hàng năm, trong mấy năm rồi. Tôi xin hỏi bà thủ tướng, các bộ trưởng họ đã đóng thuế đàng hoàng và có bao giờ tặng cho hội từ thiện chưa mà bảo tôi thiếu lương thiện, tham lam”. Một chuyên gia về kế toán hồi hưu cho ý kiến : “Thôi xin ông đừng nói đến tiền thuế và tiền làm việc thiện của các ông. Nó quá ư ít ỏi so với lợi nhuận mà các ông kiếm được qua đất đai của toàn thể dân Úc. Từ thiện kiểu ông chỉ là một loại né trả thuế (tax avoidance), mà lại được tiếng”.

Lắm người còn nói rất nhiều đến “lòng tốt” nhưng tâm họ chẳng bao giờ nghĩ đến làm lành, mà đôi khi trong họ, lại có những người còn dám làm điều ác, điều xấu xa. Lòng tốt giả tạo qua lời nói được xủ dụng như một miếng mồi bao ngoài cái lưỡi câu. Và chỉ có những người khôn ngoan, giầu kinh nghiệm, biết đắn đo, xuy xét, mới tránh khỏi cảnh bị lừa đảo, hoặc “ăn xôi chùa nghẹn họng”.

Là một con cái Chúa, khi phải trực diện với những sự việc như trên, tôi cảm thấy một nỗi bâng khuâng xen vào khắc khoải cho thời đại này. Người đời thường nghĩ dầu thiếu ngay thẳng, thì hành động lành có vì “lòng tốt” là một loại “công quả” của cuộc sống tâm linh, lòng tốt tức thiện tâm là thứ “nhân” tạo “quả” trong trần thế. Và đúng tại những thời điểm đó, một hình ảnh đẹp, một bài học đơn sơ đã trở về với tâm hồn tôi.

Một buổi sáng, tôi đến hồ bơi như thường lệ. Khi bước vào phòng thay quần áo, tôi gặp Nathan, một thanh niên có nhiệm vụ canh hồ bơi (pool attendant). Tôi chưa nói chuyện với Nathan lần nào, và lần đầu tiên gặp Nathan, nhìn vào bề ngoài của thanh niên này, tôi có cảm tưởng anh là người khô khan, lạnh lùng, không để lộ một tình cảm vui buồn nào trên khuôn mặt. Nhưng tôi lầm, vì sau đó, tấm lòng tốt của Nathan trong việc săn sóc những cậu bé khuyết tật trong phòng tắm và thay quần áo, mặc dầu không phải bổn phận của mình, đã cho tôi thấy lòng thương xót của Nathan đối với những cậu bé thiếu may mắn. Sự kiên nhẫn lựa từng lời nói, lời khích lệ thật ngắn, dễ hiểu để cho các cậu bé khuyết tật làm theo, cầm khăn bông lau người cho mấy cậu, chỉ cho mấy cậu mặc quần áo, mặc dầu tay chân không còn hoạt động bình thường, lời nói ngọng nghịu không rõ ràng, thỉnh thoảng còn phát ra những tiếng hú rờn rợn. Và tôi được biết, mấy năm trước, Nathan học ở trường trung học Holy Cross, một trường Công Giáo. Cám ơn Chúa. Hôm đó tôi thấy Nathan hơi lúng túng giúp một người khuyết tật, tôi mạnh dạn hỏi Nathan có cần phụ một tay không, Nathan gật đầu. Sau khi công việc xong tôi mới biết cổ của Nathan bị đau, sau khi bị té mấy hôm trước. Tôi cứ để cho nước mắt chẩy. Cảm ơn Chúa, Lời Ngài đã đi vào trong tâm của Nathan, và tôi tin rằng việc làm tốt lành của Nathan chắc chắn làm đẹp lòng Ngài. Cám ơn một cậu thanh niên theo Chúa có lòng tốt. Tôi một ông già gần 70 đã học được một bài học từ một thanh niên tuổi con, đó là “làm lành trong bất cứ hoàn cảnh, trạng huống nào”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta con cái Chúa phải có “lòng tốt”, phải là “hiền nhân”. Con cái Chúa phải làm lành, chúng ta không làm lành để được cứu, nhưng chúng ta đã được cứu nên phải làm lành. Lời Kinh Thánh dạy rằng : Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:8-10).

Con cái Chúa chúng ta nhất định không phô trương việc làm lành, chúng ta cũng phải làm lành với thiện tâm. Nếu chúng ta cho mọi người biết mình làm chỉ để được mọi người kính trọng, biết ơn, thì chúng ta được liệt vào hạng “giả hình” vì Chúa Jêsus dạy rằng :Vậy, khi ngươi bố thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn kính. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi  (Ma-thi-ơ 6:2). Giá trị của việc làm đó không phải là việc làm lành theo đúng nghĩa của nó. Việc làm này có vì mình muốn được tán tụng, không phải vì thiện tâm của người có Chúa, do đó không được Đức Chúa Trời ghi nhận, và vì sự ngợi khen của người đời đã là “phần thưởng của mình rồi” (Ma-thi-ơ 6:2).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tôi tin rằng chúng ta đều biết lời Chúa dạy chúng ta :Song khi ngươi bố thí, đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì, hầu cho sự bố thí được kín nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:3-4). Lời dạy này không có nghĩa là con cái Chúa chúng ta làm việc lành, việc thiện một cách lén lút để mọi người không hay biết, nhưng làm lành, làm thiện với tấm lòng tốt, không mang tính cách phô trương để mọi người kính phục hoặc khen tặng. Được người đời biết tới như là một sự kiện hiển nhiên của những con cái Chúa có trái Thánh Linh trong lòng, làm lành với lòng tốt của con cái Chúa phải được người đời biết đến như lời Chúa Jêsus dạy “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).

Con cái Chúa chúng ta làm việc lành không cốt tỏ ra mình đạo đức, nhưng tỏ ra mình là “con cái Chúa”, “được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo”( Ê-phê-sô 2:10).

Chúa Jêsus đã ví “việc lành của con cái Chúa là sự sáng của thế gian tăm tối, tội lỗi này. “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những VIÊC LÀNH của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trong cuộc đời đi theo Chúa, chúng ta chắn chắn đã nhìn thấy một số việc làm lành từ những người được Chúa ban cho ân tứ Mục Sư, giảng dạy chúng ta “Lời Chúa”, cũng như luôn luôn khuyến khích chúng ta làm lành. Cám ơn Chúa. Chúng ta cũng không thể quên lời cảm tạ tự đáy lòng gửi đến qúy Mục Sư đã đi qua cuộc đời chúng ta.