Trong cuộc đời, hầu hết chúng ta ai cũng đã có lần nếm mùi cay đắng với tha nhân, tệ nhất là sự cay đắng với những người thân chung quanh  như vợ, chồng, con cái, bè bạn, họ hàng. Ở Việt Nam trong những năm xa xưa, đa số các bà mẹ thường cay đắng “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì thói hư, tật xấu của chồng, nào cờ bạc, nào rượu chè, nào “gái gẫm”. Tôi nhận thấy sự cay đắng như những mụn nhọt nhức nhối nằm sâu kín trong tâm hồn. Nó nẩy sinh ra bởi sự vô tình hay cố ý của ông chồng, làm tổn thương tự ái, gây nỗi đau đớn mà các bà vợ không dám giãi bày cùng ai, ngay cả bạn thân. Niềm đau đó, một mình mình biết, một mình mình hay. Nỗi cay đắng đó âm thầm phá phách niềm vui của cuộc sống, hủy hoại giấc ngủ lúc đêm về. Cay đắng trong lòng làm cho mặt chúng ta thiếu tươi vui, lời ăn tiếng nói thiếu ngọt ngào.

Cay đắng đúng (hợp lý) hay sai (vô lý) đi nữa, chúng ta nên mau chóng tìm ra đường bỏ cho kỳ được nó. Nơi đây, tôi xin chia sẻ niềm tin của tôi trên bước đường theo Chúa. Khoảng năm tôi 61 tuổi ba bốn tháng, tôi bị bệnh mất ngủ, sau khi nghỉ đi làm. Bề ngoài thì như vậy, nhưng bề trong thì hơi khác. Tôi bị buộc phải từ chức vì ý kiến về hướng tiến của kỹ thuật khác với mấy ông giám đốc. Ngồi nhà thấy chung quanh một sự hoang vắng, cảm thấy bất lực trước chuyện đi tìm một công việc mới, tôi bực bõ và cay đắng, kết quả tôi ăn không còn thấy ngon, ngủ không được vì những ám ảnh về tự aí bị tổn thương, về khó khăn của cuộc sống vật chất. Sau vài tuần lễ như vậy, tôi đành phải đến bác sĩ gia đình xin thuốc, và tôi được vị này cho biết phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa về tâm thần gấp. Nhưng sau khi gặp bác sĩ chuyên khoa về tâm thần, tôi hoàn toàn thất vọng, Tôi cứ ngỡ rằng vị bác sĩ này sẽ để cho tôi thổ lộ tâm can trước, và cho những lời khuyên làm sao quên được nỗi đắng cay, lo lắng để có được sự quân bình trong sự suy nghĩ, trước khi ông cho thuốc, thì ngược lại ông chỉ hỏi sơ sài về chuyện mất ngủ và cho một toa mua thuốc của bệnh trầm cảm. Ông bác sĩ còn nhấn mạnh, nếu tôi không uống thuốc trầm cảm này, thì sau sáu tháng tôi sẽ bị “điên”. Đây là loại thuốc rất mạnh, uống vào cũng chẳng ngủ hơn được bao nhiêu, mà những cay đắng, lo lắng vẫn còn nguyên đó. Sau khi nếm những phản ứng phụ tai hại của thuốc, tôi quyết định uống một lượng rất thấp (1/8 viên một ngày thay vì 1 viên), và dùng phương pháp “ngồi thiền”, mong quên đi được sự bực tức và cay đắng. Nhưng nó vẫn còn nguyên sau những ngày cố gắng. Sự sống và sự chết hình như chẳng cách nhau bao xa nữa. Lúc đó tôi mới chợt nhớ đến “tìm về nhà Chúa, cầu xin Chúa ban cho sự bình an, và nguyện sống chết theo ý Chúa”. Một lần nữa tôi trở về với Ngài như đứa con hoang đàng. Sau vài tuần đi thờ phượng Chúa, ngồi tâm tình với các con cái Chúa khác, cay đắng biến mất, lo âu về tài chánh thiếu hụt cũng không cánh  bay đi. Một điều lạ nhất là sau đó ít lâu, mặc dầu không dùng thuốc chữa trầm cảm, mà chỉ uống loại thuốc nam làm từ cây diệp hạ châu và rễ một loại cây ở biên giới Việt Miên, vậy mà bệnh mất ngủ từ từ giảm. Tôi và vợ tôi với lòng cảm tạ Chúa, đã quyết định theo lời dạy của Ngài, chia sẻ một số tài vật với những người bệnh tật và nghèo khó ở quê hương tôi. Nơi đây, tôi học được một bài học, dẫu chúng ta đang ở trong bất cứ tình trạng “cay đắng” nào đi nữa, hãy đến với Chúa trong sự cầu nguyện chân thành, xin ý Chúa. Và khi đó, bình an sẽ trở lại trong tâm ta, sự thông sáng bảo ta làm những gì đẹp lòng Chúa, tất cả những cay đắng, lo âu không còn chỗ trong trí chúng ta nữa. Khi  không còn cay đắng, lo âu, tôi cảm nhận thấy “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ:” (Ga-la-ti 5:22) trở về trong tâm trí tôi.

Cay đắng kéo chúng ta đến chỗ nhìn đời toàn mầu xám, sống trong nghi ngờ người chung quanh, không phân biệt kẻ xấu, người tốt. Với tấm lòng như vậy làm sao “yêu thương” “nhân từ” có thể nẩy sinh, năng động” trong chúng ta.

Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng” (Ê-phê-sô 4:31). Không dễ gì bỏ. Nhưng giữ thì chẳng những không ích gì cho mình và cho người, mà còn tác hại cho mình và cho người. Thế thì “phải bỏ”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta, có thể dễ bỏ vì trong Kinh Thánh khẳng định “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” (Phi-líp 4:13). Khi chúng ta quyết định tìm ý Chúa chắc chắn chúng ta sẽ được Đức Thánh Linh “ban thêm sức”  để đủ sáng suốt, đủ năng lực “bỏ” “cay đắng”. Hơn thế nữa chúng ta từng kinh nghiệm “nếm biết Chúa là ngọt ngào” (I Phi-e-rơ 2:3), “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi! “ (Thi-thiên 119:103), thì chúng ta phải tin chắc rằng vị ngọt ngào của lời Chúa sẽ hóa giải “cay đắng” trong lòng chúng ta.

Trên bước đường theo Chúa, chúng ta cũng không thể tránh đôi lúc “cay đắng” với những người chung quanh, nhưng chúng ta phải quyết tâm bỏ sự “cay đắng”, hầu chúng ta giữ được “sự tái sinh” trong Chúa một cách tốt lành.

Một người bạn của gia đình chúng tôi, theo Phật Giáo, bị bà manager xa thải. Chị nói chuyện với vợ tôi, lòng chị uất hận và cay đắng ra sao. Trong phần kết thúc chị cho biết chị đã nghĩ ra một cách phá cho section của chị cũng biến trong cơ sở chị đã phục vụ trên 20 năm. Vợ chồng chúng tôi đã khuyên chị, chuyện xẩy ra rồi, có trả đũa cũng vô ích, thôi thì vứt bỏ sự cay đắng và uất ức cho xong, nhất là sự “phá để trả thù”, hầu cho cuộc sống có sự bình an, thanh thản. Chị nói như quát lên mà rằng :“ Nói gì mà dễ quá vậy, con mẹ đó nó cứ kiếm chuyện đì mình, hết chuyện này qua chuyện khác, giờ đây nó sa thải mình, mà anh chị bảo tôi làm chuyện thỏ đế sao. Anh nhát rồi anh bảo người khác nhát như anh sao ?”.

Tôi cố gắng vui vẻ kể cho chị nghe vài mẩu chuyện mà tôi và một ông bạn già đã hành xử.

Cứ khoảng vài tháng, tôi xem lại tủ thuốc gia đình, và có một lần tôi đã khám phá ra bốn hộp Linh Chi lớn, mỗi hộp có sáu chai, mỗi chai uống một tháng, và một số thuốc khác đã bị quá hạn. Mặc dầu Linh Chi đắt, nhưng uống Linh Chi quá hạn vào chắc mang họa chưa biết chừng, nên tôi phải vứt “bỏ” đi cùng một số thuốc khác quá hạn. Cái gì không tốt mà lại có hại thì phải “bỏ”. Tôi chắc chị cho rằng tôi mất khoảng 2,000 đồng đô la Úc chứ bao nhiêu, vâng, điều đó đúng. Nhưng tôi xin chị nghe chuyện của một ông bạn tôi. Chúng tôi là con cái Chúa, nên nếu chị muốn tìm hiểu xem lời tôi nói đúng hay sai, tôi sẽ cho chị biết tên và số điện thoại của ông ấy.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông L. và một số người quen kiếm cách “vượt biên”. Ông vốn là một thương gia khá giả, nên khi mọi người đưa ý kiến xong, ông bằng lòng bỏ vàng mua một chiếc tàu đánh cá, và bè bạn tìm người điều khiển chiếc tàu. Theo quy định với nhau thì chi phí sẽ lấy lại qua số người lên tàu vượt biển. Tất cả kế hoạch vượt biên được thành công. Tuy nhiên khi đến trại tị nạn ở Thái Lan, ông mới hay số người quen lãnh trách nhiệm kiếm người vượt biên, thu “vàng” đã cố ý kiếm lý do nói láo đánh lừa, không chịu đưa lại số vàng ông bỏ ra như đã thỏa thuận, quy định với nhau. Gia đình ông không còn một đồng bạc nào, tay trắng. Mỗi buổi sáng ông đứng sắp hàng đợi hàng giờ để tới phiên lãnh phần ăn, một bát cơm “vừa nguội vừa hôi”, một ít con cá nhỏ kho trong cay đắng, vì ông nhìn thấy những người quen “đã đánh lừa” ông, ra khu chợ trước cửa trại tị nạn mua đồ ăn, nào thịt bò, thịt gà, nào cá lớn nhỏ, nào rau. Ông nói với tôi rằng, ông là người không hề biết khóc từ khi trưởng thành đến lúc nhìn thấy cảnh “lừa lọc” đạp lên lòng tin sự khổ đau của ông để sống sung sướng một cách bỉ ổi, và ông đã để cho nước mắt chẩy, nhìn vào khoảng không trong đắng cay. Ông đã nhiều lần nghĩ cách trả thù. Nhưng một hôm, trong lúc đang nhìn vào khoảng không với lòng buồn hận, ông đã được một vị mục sư người Hoa Kỳ, thông thạo tiếng Việt đến cạnh gạn hỏi, và khuyên ông nên hướng lòng về Chúa để nghe vị MS này cầu nguyện cho ông. Sau khi nghe lời cầu nguyện, ông cám ơn vị MS có lòng tử tế này, ngồi một mình suy nghĩ. Vài ngày sau, ông L. đã xin vị MS cho gặp để ông “tin nhận Chúa”. Ông và tôi chẳng ai bảo ai đều nói “Cám ơn Chúa”. Ông kể tiếp, sau khi tin nhận Chúa một thời gian, ông cảm thấy lòng bình an, những hận thù, nhất là “cay đắng” cũng từ từ biến dần. Ông còn cảm ơn Chúa đã cho ông và gia đình ông được thoát hiểm, và nhất là sự sống đời đời mà Ngài ban con cái Ngài.

Và giờ đây, tại Úc, sau những ngày tháng theo Chúa, làm ăn cần cù, dạy dỗ con cái trong tình yêu thương, cuộc sống của gia đình ông đã hoàn toàn ổn định, có phần dư giả. Con cái đều có nghề nghiệp cao hoặc khá trong xã hội và nhất là người con trai trưởng là một vị bác sĩ, một con cái Chúa trung tín. Ông bà L. đã theo lời dạy của  Chúa, trong tình yêu thương, gửi tiền về giúp họ hàng, và những người khuyết tật ở Việt Nam.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tôi cầu nguyện xin với Chúa ban cho người bạn của vợ tôi, đang cay đắng, một sự thông sáng, để nhận biết “cay đắng” chẳng có một giá trị nào, chỉ tác hại trên đời sống của chị, tác hại trên những hành động của chị, khiến chị thiếu lòng “nhân từ” trong “khổ đau”.

Và tôi cũng ước mong, trong chúng ta, con cái Chúa, ai đang có lòng “cay đắng”, hãy cầu nguyện cùng Chúa, xin Chúa “ban thêm sức” để dứt khoát “bỏ” hẳn. Và khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình an ngọt ngào của Chúa ban cho con cái Ngài.