Tùy theo tuổi, tùy theo hoàn cảnh, trình độ tri thức mà mỗi người có những ước mơ, khát vọng khác nhau. Khi ở lứa tuổi trưởng thành, mọi thanh niên, thanh nữ đều có những ước vọng chung, khao khát chung, đó là đủ điều kiện tài chánh, khả năng suy xét, để có tự do không bị lệ thuộc vào bố mẹ. Có trường hợp, bởi những biến cố mà mọi người có một ước vọng, khao khát chung.

Nhớ lại mùa thu năm 1953, lúc đó tôi học lớp nhất trường tiểu học Quang Trung ở Hà-nội, tôi ước mơ sao mình đậu bằng tiểu học và được nhận vào trường Chu Văn An. Tôi cố gắng học hành,và háo hức chờ những ngày đó. Nhưng trong tiềm thức, tôi cũng có ước mơ được sống bình yên, no đủ như những gì gia đình tôi đang có, để quên đi những cơ cực, những sợ hãi trong thời gian gia đình tôi tản cư từ Hà-nội, qua Ninh-bình rồi vào Thanh-hóa.  

Thời trung học tôi lại ước mơ sao mình được học y khoa, ở Sài-gòn. Đến khi vào lớp dự bị y khoa, vì hoàn cảnh gia đình, tôi cảm thấy bị tù túng, lúc thì thiếu tiền mua sách tham khảo, lúc thì thư viện không có sách cho mượn, nên tôi lại ước mơ một cái khác, đó là học bổng đi ngoại quốc học, hầu không phải lo tiền bạc mua sách tham khảo và dụng cụ thí nghiệm, tự do trong mọi chuyện, không phải ngửa tay xin tiền bố mẹ, không phải xin phép bố mẹ khi muốn đi chơi với mấy cậu bạn thân. Nghĩ đến hai chữ “tự do” tôi cảm thấy quá phấn khởi, nhất là lúc được tin mình được học bổng đi Nhật Bản.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số không nhỏ người Việt đã bỏ nước ra đi. Lý do thầm kín có thể khác nhau, nhưng lý do thể hiện chỉ có một, ước vọng có “tự do”.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, hơn hai triệu người bỏ nước ra đi, hầu hết đã được định cư ở các quốc gia tây phương tự do. Sau một thời gian định cư, ai nấy đều ao ước “có một ngày về”. Rất nhiều người không muốn về sống luôn ở quê hương, chỉ bằng lòng thỉnh thoảng “về thăm nhà”. Lý do thầm kín có khác nhau, nhưng lý do thể hiện chỉ có một, tình yêu quê hương, nhớ họ hàng thân thuộc.

Cái khát vọng ước ao về một lý tưởng, về một tình yêu nhân thế bao la bao giờ cũng đem con người cao hơn hiện hữu. Nhưng trong đời, những người có khát vọng đó hầu như rất hiếm hoi. Một thi nhân Việt nam đã phải than :

          Rằng đời nát bấy như tương                                                                             Chỉ vì quá thiếu tình thương mặn mà.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trở về với Kinh Thánh, lời cầu xin của Phao-lô cho con cái Ngài : “nguyền xin Chúa làm cho anh em thêm và đầy lòng yêu thương đối với nhau cùng đối với mọi người” (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:12) đã cho chúng ta  cảm nhận được ngay mình phải ao ước gì trên bước đường theo Chúa, đó là tình yêu thương dành cho anh chị em trong Chúa cũng như mọi người.

Chúng ta thường ước ao hưởng được tình yêu thương dồi dào nơi mọi người hơn là ước ao mình có được một tình yêu thương bao la dành cho tha nhân. Mà nếu ai đó thật sự có ước ao cao đẹp ấy cũng quá khó hay vô phương đạt được. Vâng, một đêm nào đó, chúng ta thử xét kỹ lòng mình, chúng ta sẽ nhìn thấy con ngời thật của mình. Tình yêu thương tha nhân của chúng ta, lúc ẩn thật nhiều, lúc hiện quá ít, số vốn tình yêu thương tha nhân của chúng ta thật nghèo nàn. Chỉ nội thời gian yêu thưong mình, lo cho mình, gia đình nhỏ bé của mình cũng đã đủ làm bế tắc “lòng yêu thương dành cho mọi người”, đừng nói đến “đầy lòng”. Nhiều lúc chúng ta có ảo tưởng rằng chúng ta có tình thương yêu, lòng bác ái đủ. Chúng ta hài lòng tạm thời bằng sự ban cho một số người nghèo khó vài chục, vài trăm bạc, trong khi một số người trong chúng ta nhà cao cửa rộng, có tiền dự trữ dư thừa để đầu tư, hoặc để trong các chương mục tiết kiệm ở ngân hàng. Nghĩa là chúng ta còn có thể làm tốt hơn. Cái nghèo tình yêu của chúng ta đã làm cho chúng ta tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng khi xử dụng, và luôn luôn đề phòng “tối đa” cho mình, “nhỡ tháng tới, việc buôn bán gặp trắc trở, mất công ăn việc làm, hoặc bị buộc phải hồi hưu non” thì làm sao. Do đó chúng ta lo xong cho chúng ta đã hụt hơi ở cái xã hôi, bị vật chất, cá nhân chủ nghĩa đè bẹp hẳn sự thương yêu tha nhân, cho nên nghĩ được cho ai chút nào là tốt chút đó, muốn thêm cũng chẳng làm gì hơn được.  Phải chăng ngày nay chúng ta đành chấp nhận sự nghèo túng “tình thương yêu” của con người mình? Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy thật băn khoăn xen lẫn đôi chút bất lực.

Đối với con cái Chúa, tình trạng nghèo thiếu tính yêu thương tha nhân không được chấp nhận. Đức Chúa Trời không chấp nhận, vì “ Đức Chúa Trời là sự yêu thương.” (I Giăng 4:8). Đức Chúa Trời ban tình yêu của Ngài cho chúng ta để chúng ta phong phú trong tình yêu, xử dụng đem tình yêu này đến cho tha nhân. Thánh Phao-lô đã khuyến khích con cái Chúa “Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết” (I Cô-rinh-tô 12:31).  Đó là tình yêu của Đức Chúa Trời mà ông mô tả như sau “Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi. Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ. Vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn, nói tiên tri cũng chưa trọn vẹn; song lúc sự trọn lành đã đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ. Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ. Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy. Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.” (I Cô-rinh-tô 13).

Sống trong trần thế, có lẽ chúng ta chỉ cần ngày ba bữa cơm, quần áo tươm tất, nơi cư trú khan trang và đồ dùng trong nhà để làm đời sống tiện nghi, tài chánh trong việc học của con cái. Giả sử chúng ta có được một số tiền dư khá lớn sau những đòi hỏi trên, chúng ta sẽ làm gì đây. Sự thách đố con cái Chúa chúng ta là không để cho số tiền này trở thành vô giá trị đối với những việc mà Chúa muốn con cái Ngài phải làm, ban phát một phần cho tha nhân, để tình yêu lớn của Chúa đến trong lòng những người này. Điều này quả không dễ. Nhưng đó là biểu hiện cho tình yêu thương, để đem những người anh chị em trong Chúa khắng khít với nhau hơn, đem những người chưa biết Chúa thành tâm về với Ngài nhanh hơn. Trong số quý Mục Sư và con cái Chúa chúng ta, một số đã hành động để “Ý Chúa được nên”. Nhưng một số không nhỏ đã để cho tình yêu lớn của Chúa đã trở thành vô giá trị với lòng vị kỷ. Cầu xin Chúa nhắc nhở những vị này hầu cho họ chấp nhận và hành đông  bằng tấm lòng “yêu mến Chúa” chân thành để sống thật trong tình yêu lớn của Ngài.

Thật đáng buồn khi phải nhìn thấy những Cơ-đốc nhân an tâm trong sự nghèo túng tình yêu của mình. Không hiểu đến thời diểm nào, dịp nào thì họ sẽ ao ước “sự ban cho lớn” của Đức Chúa Trời, và bỏ ý tưởng “yêu tha nhân chi lắm cho mệt”. Tôi tin rằng chúng ta không mệt vì yêu thưong, nhưng mệt vì phải sống dật dờ với tấm lòng trống rỗng không tình yêu thương tha nhân.

Ngày nay, Đức Chúa Trời chỉ có thể bày tỏ tình yêu của Ngái với thế gian qua Hội Thánh Chúa và Cơ-đốc nhân. Hội Thánh Ngài và Cơ-đốc nhân là ống dẫn tình yêu của Đức Chúa Trời đến với người trần thế. Tình yêu của Ngài phải được Hội Thánh Chúa và Cơ-đốc nhân xử dụng trong “Ý Ngài” để làm vinh hiển “Danh Ngài”, theo đó thế gian được phước hạnh.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

 

Trong niềm tin Cơ-đốc chân thành, chúng ta đem tâm tình vì Chúa, vì đồng bào, đồng loại, cùng nhau “Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết” của Đức Chúa Trời để đủ tình yêu mà xử dụng. Tôi mong rằng đây là ước mơ của chúng ta trên bước đường theo Chúa, và chúng ta cùng nhau thực hiện ước mơ này.