Chúa Jêsus truyền dạy người thuộc về Ngài : “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi… Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó” (Mác 12:30-31).

Trong bài này, tôi xin chia sẻ cùng quý anh chị con cái Chúa ý nghĩa của lời truyền dạy : “Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình” (Mác 12:31). Thể hiện yêu Chúa là “yêu kẻ lân cận như mình” trong đó có anh em trong Chúa như Lời Kinh Thánh khẳng định : “Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình” (I Giăng 4:21).

Ai là “kẻ (người) lân cận” của Cơ Đốc nhân ? Theo tập tục của dân Việt ta, “người lân cận” không phải là người trong một gia đình chung sống trong một nhà, mà là người hàng xóm láng giềng, hay bất cứ ai trong đời sống hằng ngày mà ta có thể “lân la, nói chuyện”, ta có giao tiếp và được tiếp nhận.

Trong xã hội Cơ Đốc nhân “yêu kẻ lân cận” trước hết là muốn “người lân cậnkhông bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16) như mình.

Có lần Chúa Jêsus giảng dạy, Ngài nhắc mọi người phải yêu kẻ lân cận”. Thầy dạy luật hỏi Chúa : “Ai là người lân cận tôi?” (Lu-ca 10-29), thì Chúa Jêsus đã dùng câu chuyện người Sa-ma-ri nhân từ được như sau :

“Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả. Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp? Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người.” (Lu-ca 10:30-37).

Người Sa-ma-ri đã cứu người Giu-đa, khác sắc tộc và khác cả giá trị tâm linh. Người Sa-ma-ri đã cứu “người lân cận” cách dễ dàng, vì người được cứu đã ở trong hoàn cảnh đáng thương, thụ động, không phản kháng. Còn người Giu-đa từ thành Giê-ru-sa-lem đến đã có một “người lân cận” mới, đó là người Sa-ma-ri nhân lành.

Trong sách Công-vụ các Sứ-đồ có ghi lại câu chuyện sau :

Được lịnh đó, đề lao bỏ hai người (Thánh Phao-lô và Si-la) vào ngục tối và tra chân vào cùm. Lối nữa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe. Thình lình, có cơn động đất rất lớn, đến nỗi nền ngục rúng động; cùng một lúc, các cửa mở ra, xiềng tù phạm thảy đều tháo cả. Người đề lao giựt mình thức dậy, thấy các cửa ngục đều mở, tưởng tù đã trốn hết, bèn rút gươm, toan giết mình. Nhưng Phao-lô kêu người lớn tiếng rằng: Chớ làm hại mình; chúng ta đều còn cả đây. Người đề lao bèn kêu lấy đèn, chạy lại, run sợ lắm, gieo mình nơi chân Phao-lô và Si-la. Đoạn, đưa hai người ra ngoài, mà hỏi rằng: Các chúa ơi, tôi phải làm chi cho được cứu rỗi? Hai người trả lời rằng: Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Hai người truyền đạo Đức Chúa Trời cho người, và cho những kẻ ở nhà người nữa. Trong ban đêm, chính giờ đó, người đề lao đem hai người ra rửa các thương tích cho; rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu phép báp-tem. Đoạn, người đề lao mời hai người lên nhà mình, đặt bàn, và người với cả nhà mình đều mừng rỡ vì đã tin Đức Chúa Trời.” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:24-34).

Sự quyết tâm chờ của Phao-lô buộc những người Giu-đa đã ra lệnh đánh đập ông một công dân La-mã và bỏ ông vào tù. Do đó Phao-lô có dịp tiếp xúc với những “người lân cận” mới, đó là người đề lao và mọi kẻ thuộc về người đó cùng cả nhà ngưới đó. Và những “người lân cận” mới này cảm nhận được tình thương yêu của Phao-lô nên họ đều đã “chịu phép báp-tem”.

Kinh Thánh có ghi lại rằng rằng “dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:1) :

 - Dùng taynâng đỡ những kẻ yếu đuối” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) với “sức mạnh của Đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 12:9).

- Dùng mắt để nhìn thấy “ họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9), và tìm cách giúp đỡ họ để họ “không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

- Dùng chân đi để “chúng ta (Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ) hãy đi đến cùng người (đến chỗ La-xa-rơ đã chết)” (Giăng 11:15) và để “rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao” (Rô-ma 11:15).

- Dùng miệng để  “khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin Lành” (Ê-phê-sô 6.19), và “Nguyện môi miệng tôi đồn ra sự ngợi khen Chúa” (Thi-thiên 119:171).

- Dùng tai để “nghe mọi điều ta (Đức Chúa Trời) sẽ phán cùng ngươi” (Ê-xê-chi-ên 44:5), thời nay là qua Kinh Thánh.

- Dùng vai để “mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.” (Lu-ca 9:23), là “làm xong công việc Cha giao cho làm” (Giăng 17:4) một cách trọn vẹn.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

 Kinh Thánh dạy con cái Chúa chúng ta rằng hãy “dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:1) nên trên bước đường theo Chúa, chúng ta hãy :

 - Dùng tay để giúp đỡ người khác.

- Dùng mắt để nhận biết sự khốn khổ của tha nhân.

- Dùng chân để đi đến với người cùng khổ.

- Dùng miệng để an ủi người bất hạnh.

- Dùng tai để nghe tiếng than vãn của người gặp tai họa.

- Dùng vai để gánh vác trách nhiệm mình, và chung vai với những anh chị em trong Chúa để hoàn tất trách nhiệm.

Nhưng Cơ Đốc nhân muốn “người lân cận” được cứu như mình, thường bị chống đối, hay không quan tâm khi được “làm chứng” về Cứu Chúa Jêsus đến họ. Tạ ơn Chúa, Ngài biết được khó khăn này, nên Ngài đã ban Đức Thánh Linh cho con cái Ngài, như lời Ngài phán : “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem (“người lân cận” rồi sau đó xa hơn), cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8).

Chính Đức Chúa Jêsus “đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15) cũng bị chống đối. “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng” (Giăng 1:4-5). Nhưng Cơ Đốc nhân chân chính vẫn kiên trì “làm chứng” về Chúa cho “người lân cận” chỉ vì nghĩ tới “người lân cận” để “người lân cận” cũng được cứu như chính mình, và đó là “yêu người lân cận như mình”.

Cơ Đốc nhân chân chính “yêu người lân cận” với “sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta (mình) bởi Đức Thánh Linh đã ban cho chúng ta (mình)” (Rô-ma 5:5). Nên dẫu bị chống đối vẫn tìm hết cách làm chứng cho “người lân cận”.

Tại Hoa Kỳ đã có một câu chuyện sau đây về cách làm chứng cho “người lân cận”. Một người Việt tị nạn tên Khang, với trình độ Anh ngữ làng nhàng, có tiệm sửa xe hơi rất đông khách, nên giầu có. Ông Khang mua một ngôi nhà trong khu giầu có. Bên cạnh nhà ông là nhà một giáo sư đại học người Mỹ. Khi ông này biết ông Khang là người chữa xe hơi, nên ông thường nhờ ông Khang chăm sóc mấy cái xe đắt giá của ông. Ông Khang thường giúp ông với giá phụ tùng nếu cần, và tiền công “free”. Hai người trở nên thân cận, ông giáo sư thường mời ông Khang qua nhà ăn tối, và sau đó đàm đạo, chuyện trò. Ông Khang là Cơ Đốc nhân, ông muốn “làm chứng” về Chúa cho ông giáo sư, nhưng rất ngại về trình độ học vấn và trình độ anh ngữ kém cỏi của mình, nên rất sợ khi “làm chứng” mà bị giáo sư hỏi thì không biết trả lời thế nào. Nhưng không “làm chứng” cho “người lân cận” là ông cảm thấy bất an. Ít lâu sau, ông quyết định “làm chứng” về Chúa cho ông giáo sư, vì tấm lòng “yêu người lân cận” muốn ông giáo sư được cứu như mình. Trong một buổi trà đàm, ông Khang nói với ông giáo sư :

- Tôi rất yêu mến giáo sư, và muốn nói với giáo sư một điều rất quan trọng, và cần thiết cho giáo sư, nhưng với điều kiện giáo sư đừng hỏi tôi điều gì sau khi tôi đã nói xong. Vị giáo sư nghe như vậy, bèn nói :

- Ông cứ nói, tôi lắng nghe đây. Thế là ông Khang “làm chứng” về Chúa với cả nhiệt tình và lòng chân thành. Nghe xong vị giáo sư nói :

- Xin cho tôi hỏi một câu. Ông Khang ngần ngại trả lời :

- Tôi đã nói trước với giáo sư rồi, xin giáo sư đừng hỏi gì hết.

- Xin cho tôi hỏi một câu thôi, hãy cho tôi hỏi một câu thôi. Ông Khang bèn gật đầu. Vị giáo sư nói với sự cảm xúc :

- Cám ơn ông Khang. Sao một điều quan trọng như vậy, mà bây giờ ông mới nói ? Và sau đó vị giáo sư đã tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của mình.

Cơ Đốc nhân có Đức Thánh Linh trong chúng ta sẽ giúp chúng ta mạnh dạn “làm chứng” về Chúa.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Còn con cái Chúa chúng ta cùng sinh hoạt trong Hội Thánh, nên tất cả anh chị em trong Chúa đều là “người lân cận” của mình. Tạ ơn Chúa, tất cả con cái Chúa đều có cùng một Cha ở trên Trời : “Cha chúng ta ở trên trời” (Ma-thi-ơ 6:9), nên con cái Chúa là anh em trong một đại gia đình, và “yêu người lân cận” có nghĩa là : “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).

Người Việt mình có câu : Thật thà, tha thứ thường thua thiệt, chúng ta chấp nhận thua thiệt cho mình, để đem lợi ích đến cho người. Nhưng cùng là con cái Chúa, nếu thua thiệt nhưng đem lợi ích đến cho người khác, thì tôi tin rằng chấp nhận là chuyện nên có.

Người đem lợi ích đến cho người là người biết dùng chi thể mình :

- Dùng tay để giúp đỡ người khác.

- Dùng mắt để nhận biết sự khốn khổ của tha nhân.

- Dùng chân để đi đến với người cùng khổ.

- Dùng miệng để an ủi người bất hạnh.

- Dùng tai để nghe tiếng than vãn của người gặp tai họa.

- Dùng vai để gánh vác trách nhiệm và chung vai với người khác để hoàn tất trách nhiệm.

Con cái Chúa chúng ta “yêu người lân cận” là anh chị em trong Chúa phải biết tận dụng “thân thể mình” để gây dựng “thân thể Đấng Christ, là Hội thánh” (Cô-lô-se 1:24) mà trọng tâm là giúp đỡ lẫn nhau trong công tác hầu việc nhà Chúa.

Tất cả con cái Chúa đều là người hầu việc nhà Chúa như lời Kinh Thánh khẳng định : “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:8-10), làm việc lành là những việc mà Chúa Jêsus đã phán cùng các môn đồ, và những việc Kinh Thánh đã xác định : “kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm” (Giăng 14:12), “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22).

Con cái Chúa chúng ta làm việc “làm việc” Chúa theo “ơn đã ban cho chúng ta” (Rô-ma 14:2) tức là theo các ân tứ mà Chúa đã ban cho con cái Chúa chúng ta.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Mong rằng con cái Chúa chúng ta đều “yêu người lân cận như mình”, có nghĩa là trong xã hội chúng ta mạnh dạn “làm chứng” về Chúa, tạo dịp cho nhiều người tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của mình, trong Hội Thánh Chúa, anh chị em trong Chúa giúp đỡ lẫn nhau trong công tác hầu việc nhà Chúa và khi “chúng ta yêu nhau, thì … sự yêu mến Ngài (Đức Chúa Trời) được trọn vẹn trong chúng ta” (I Giăng 4:12).