Lẩn tránh theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào” “mai danh ẩn tích” chờ thời như Lạn Tương Như thời Đông Chu Liệt Quốc ngày xưa quả đáng phục.

Trong thời Đông Chu Liệt Quốc, Lạn Tương Như và Liêm Pha đều là quan nước Triệu. Lạn Tương Như sau khi đi sứ hai lần sang nước Tần thành công được vua Triệu phong làm Thượng Tướng. Liêm Pha, một tay vũ dũng điều binh khiển tướng như thần, làm cho các chư hầu đều sợ. Vua Triệu phong cho làm Quốc Tướng.

Liêm Pha vẫn coi thường Lạn Tương Như, kẻ chỉ nhờ ba tấc lưỡi mà nên danh phận, lại được tước vị cao hơn. Liêm Pha ghét lắm và hăm he gặp Lạn Tương Như đâu là giết ngay.

Lạn Tương Như nghe như vậy bèn tránh vào chầu vua để khỏi giáp mặt Liêm Pha. Một hôm Lạn Tương Như ra đường, gặp đoàn tiền đạo của Liêm Pha, Lạn Tương Như bảo xa nhân đánh xe vào ngõ hẻm chờ Liêm Pha ra khỏi rồi mới đi. Bọn xa nhân thấy vậy tức giận thưa:

- Chúng tôi theo Ngài vì coi Ngài là bậc trượng phu, thế mà Liêm Pha mới dọa một câu mà Ngài không dám vào triều, mà còn lánh mặt cả ngoài đường. Chúng tôi xấu hổ thay cho Ngài và không muốn theo hầu Ngài nữa. Lạn Tương Như buồn rầu đáp :

- Ta lánh Liêm Pha có duyên cớ. Các ngươi xem Liêm Pha có uy lực bằng vua Tần không.

- Không bằng.

- Uy lực vua Tần không ai dám chống, thế mà ta mắng vua Tần. Ta đâu có sợ Liêm Pha. Ta nghĩ nước Tần sợ nước Triệu không dám đánh là vì nước Triệu có ta và Liêm Pha. Nếu ta cùng Liêm Pha xung đột, ghét nhau, hãm hại nhau thì chắc chắn nước Tần sẽ đánh Triệu. Ta xem việc nước là trọng.

Liêm Pha nghe được lời trên vội đến Lạn Tương Như quỳ xuống cúi đầu tạ tội :

- Bỉ nhân hẹp hòi, không hiểu được lượng khoan hồng của Thượng Tướng. Bỉ nhân dầu chết cũng chưa nhẹ tội. Lạn Tương Như đỡ Liêm Pha dậy và nói :

- Hai ta cùng chung phò xã tắc. Tướng Quân hiểu được lòng nhau như thế là một ân huệ đối với tôi rồi. Sau đó Lạn Tương Như và Liêm Pha kết nguyền sinh tử có nhau.

Ngày nay, cái lẩn tránh chúng ta cần chấm dứt là lẩn tránh sự thực, lẩn tránh bổn phận, lẩn tránh trách nhiệm, lẩn tránh dịp tiện, lẩn tránh thời cơ.

Kinh Thánh ghi lại con người lần đầu tiên lẩn tránh Đức Chúa Trời để lẩn tránh sự thực về tội bất tuân mạng lệnh của Ngài. Sau khi A-đam và Ê-va nghe theo lời ma quỉ, trái mạng lệnh của Đức Chúa Trời ăn trái cấm, thân thể liền mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, nhận thấy mình “lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân. Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Sáng-thế ký 3:7-8). Kể từ đó, con người hễ không muốn người khác nhìn thấy “thực chất” không tốt đẹp của mình đều che dấu lẩn tránh.

Trong thời Cựu Ước, phe chống nghịch Nê-hê-mi cũng muốn Nê-hê-mi lẩn tránh. Phe chống nghịch cử người tới cho Nê-hê-mi biết tai họa đang chờ đợi, và khuyên Nê-hê-mi vào “trong nhà của Đức Chúa Trời, chính giữa đền thờ, rồi chúng ta sẽ đóng các cửa đền thờ lại; vì chúng nó sẽ đến giết ông”. Nhưng Nê-hê-mi không chịu lẩn tránh. Ông đáp : “một người như tôi đây sẽ chạy trốn ư? Người nào như tôi đây vào trong đền thờ mà lại được sống sao? Tôi không vào đâu”  (Nê-hê-mi 6:10-11).

Lẩn tránh che dấu có nhiều hình thức : Ru rú ở nhà, nói theo cách người xưa, là chỉ biết “quanh quẩn xó bếp”. Lẩn tránh thời nay văn minh hơn, khoa học hơn. Thay tên, đổi họ với một lý lịch mới mẻ, nếu có chút tiền, nhờ bác sĩ thẩm mỹ thay hình đổi dạng khuôn mặt là kể như con người thật lẩn tránh an toàn. Lẩn tránh cao thượng thì “xuất gia”, “ẩn mình” nơi mật thất hay chốn tôn nghiêm nào đó.

Người lẩn tránh việc làm lành Chúa muốn sẽ bước vào tâm trạng co rúm người lại trong tư thế né tránh, chống đỡ dầu không bị ai tấn công. Người lẩn tránh loại này tâm trí thường bị áp lực nào đó đè nặng, thân xác như bị ép tứ bề để khỏi bật ra lời than thở, giải tỏa nỗi buồn nào đó nơi tâm tư, chỉ sợ anh chị em trong Chúa nghe biết.

Tai hại của sự lẩn tránh việc làm lành Chúa muốn là sự cô đơn, là sự kiềm chế mọi ước muốn, là sự ngăn trở sinh động. Thế thì tại sao ta không chấm dứt loại lẩn tránh này và bắt đầu lộ diên như tinh thần của tiên tri Ê-sai. Khi tiên tri Ê-sai nghe được tiếng Chúa : “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6:8). “Có tôi đây” là lộ diện, là chấp nhận con người mình, là chấp nhận được xử dụng vì cảm nhận còn năng lực, còn khả năng và còn cả thiện chí.

Đừng hăng hái lộ diện trong cộng đồng, trong công việc chung, nhất là trong công việc nhà Chúa, mạnh dạn  nói “Có tôi đây” và thay vì “xin hãy sai tôi” thì tôi nhanh nhẹn xin đề cử người khác đảm trách công việc. Lộ diện kiểu này là để “ngồi chơi sơi nước” và cũng là lẩn tránh đấy.