Chống đối rất cần yếu trong cuộc sống. Chỉ có những con cá chết mới chịu xuôi dòng, những con cá sống đều cố gắng chống trả với dòng nước xuôi, cố gắng lội ngược dòng. Cơ thể chúng ta có những kháng độc tố để chống đối những độc tố xâm nhập cơ thể. Bất cứ chỗ nào trong cơ thể đau đớn đều báo hiệu sự chống đối của các kháng độc tố. Dạ dày chúng ta chống đối tức khắc những thực phẩm không hợp với thân thể bằng cách nôn mửa. Thiếu sự chống đối của thân thể chắc chắn chúng ta khó sống.

Chống đối cũng tỏ ra bản tánh tự nhiên của con người. Đứa bé chẳng cần ai dạy cũng biết “lắc đầu” chống đối điều nó không ưa, không thích. Sự chống đối trong con người tăng dần theo sự trưởng thành của con người. Chống đối là biểu hiệu ý chí kiên cường, biểu hiệu ý chí kiên cường, biểu hiệu sự bày tỏ tư tưởng, bằng cớ phán xét tinh tường có lập trường, quan điểm.

Trong các buổi thuyết trình của các học giả và mục sư nổi tiếng, tôi thường thấy có những người lớn,  mà tôi tin rằng chưa trưởng thành đủ, ngạo mạn chống đối để chứng tỏ sự hiểu xâu biết rộng của mình, phát biểu “ý kiến” mình nhiều lần như để cho mọi người biết rằng chẳng thể “ai nói sao nghe vậy”. Hiển nhiên những người chống đối này không thuộc hàng thính giả bình thường. Những phát biểu chống đối của họ hầu hết chỉ có chủ đích : Có sự hiện diện của tôi.

Theo thiển ý của người viết bài này, có thể một vài điểm mà thuyết trình viên đề cập chưa sáng tỏ, còn lấn cấn, thiếu nhất quán.

Đối với thuyết trình viên, những điểm bị chống đối cần được sáng tỏ, cần được thông suốt, cần được nhất quán và tất nhiên họ rất mong người phát biểu giúp cho. Nhưng người chống đối loại “chứng tỏ sự hiện diện của cái tôi” này thường chẳng giúp được gì, mà chỉ nói lên cảm nhận của mình một cách cao ngạo.

Một người sạch sẽ tự nhiên chống đối dơ bẩn, một người nhân đức chống đối gian ác. Một người bất chính tự nhiên chống đối công chính, người phóng túng tự nhiên chống đối trật tự. Chống đối là bảo vệ điều mình quý trọng, hoặc điều hợp với bản tính của mình.

Bước vào quân trường, mấy tuần lễ đầu người tân binh học tập chấm dứt chống đối được định danh là những tuần lễ “huấn nhục”, học tập thuận phục : “thi hành trước, khiếu nại sau”. Triết gia người Đức, ông Feurzinger đã nói “Ai không biết thuận phục đừng mong làm lớn”.

Thuận phục vì áp lực có phần dễ dàng. Thuận phục vì tình yêu cũng không khó mấy. Thuận phục do lòng tin cậy có phần khó hơn. Trong niềm tin trên bước đường theo Chúa, thuận phục để hoàn tất một công việc khó khăn thì nhất định phải do lòng tin cậy vững chắc với ý chí kiên cường. Con cái Chúa chúng ta có thể tìm thấy sự thuận phục này nơi bà Ma-ri, mẹ phần xác của Đức Chúa Jêsus. Kinh Thánh ghi lại sự việc thiên sứ báo tin cho bà Ma-ri việc bà mang thai Chúa Jêsus : “Thiên-sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng. Ma-ri bèn thưa rằng: Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó? Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời. Kìa, Ê-li-sa-bét, bà con ngươi, cũng đã chịu thai một trai trong lúc già nua; người ấy vốn có tiếng là son, mà nay cưu mang được sáu tháng rồi. Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được. Ma-ri thưa rằng: Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Lu-ca 1:30-38).

Sau khi nghe lời giải thích tường tận của thiên sứ, bà Ma-ri không xin phép thiên sứ cho một thời gian để suy nghĩ chín chắn “đề nghị” của Đức Chúa Trời qua thiên sứ.

Con cái Chúa chúng ta thường suy nghĩ chín chắn khi được giao phó một công việc nào đó. Nếu chúng ta ở trong trường hợp của bà Ma-ri, phải chăng chúng ta sẽ bối rối đến hỗn loạn để thưa với Chúa :

- Cuộc hôn nhân của con với Giô-sép tính sao đây. Lạy Chúa, con đã được hứa gả cho anh ấy. Tuy chưa là vợ chồng, nhưng con đã thuộc về anh ấy. Việc trọng đại thế này làm sao con có thể quyết định. Chúa ôi, Ngài chiếm hữu thân thể con, thì anh ấy sẽ nghĩ gì ? Cuộc hôn nhân của con sẽ ra sao ? Chúa ôi, giải quyết cho con việc này trước đã.

- Đem việc này bàn luận với anh ấy, làm sao anh ấy tin nổi. Chắc chắn anh ấy cho con là hạng người thay lòng đổi dạ, mượn cớ Chúa để khước từ tình yêu của anh ấy. Chúa ôi, con khổ quá, con chẳng biết làm sao ? Hay Chúa chọn người khác, chưa hứa gả cho ai thì dễ tính hơn.

- Ai hiểu được tình trạng độc nhất vô nhị “không chồng mà chửa” này trong nhân thế mà không kết tội con như những cô gái trắc nết khác. Người kế tội con đầu tiên là Giô-sép, người con yêu. Chúa ôi, chỉ cần nhìn nét mặt đau khổ, tủi nhục của anh ấy khi mắt anh ấy nhìn thấy bụng con nẩy nở khác thường. Chúa ôi, làm sao con chịu nổi.

- Lạy Chúa, con làm sao ru rú trong nhà chín tháng mười ngày, để làng xóm không biết con mang thai ngoại hôn. Biết bao cô gái đã bị ném đá chết. Thân con có lẽ cũng đến thế thôi. Chúa ôi, con biết Chúa có quyền cứu con như Chúa đã cứu ba người bạn Hê-bơ-rơ của Đa-ni-ên và Đa-ni-ên. Ba người bạn Hê-bơ-rơ bị quăng vào lò lửa rồi Chúa mới ra tay. Đa-ni-ên bị ném vào hang sư tử rồi Chúa mới ra tay. Họ là không bị nhục về tinh thần trong quyết định làm theo Ý Chúa. Còn con sẽ sống những ngày ê chề, nhục nhã và có thể bị ném đá cho tới chết.

Trong niềm tin của người viết bài này, những người như bà Ma-ri phải có tấm lòng tin cậy và vâng lời tuyệt đối. Bà dễ cảm nhận được : “Chúa biết hết mọi việc” và sự kính yêu Chúa “Chúa biết rằng tôi yêu Chúa!” (Giăng 21:17). Vậy nên bà mới có thể quên đi hạnh phúc của mình trong hôn nhân, danh giá người con gái trong xã hội, để bà bằng lòng : “bỏ mọi điều lợi (sự) đó” (Phi-líp 3:8).

Bà Ma-ri yêu mến Chúa hết lòng, bà tin cậy Chúa hết lòng và với ý chí tin cậy và vâng lời, chấp nhận mọi khó khăn, bà Ma-ri thuận phục ý chỉ của Đức Chúa Trời. Bà Ma-ri không do dự, không trì hoãn, đã thưa với Chúa qua thiên sứ : “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Lu-ca 1:38).

Trải qua hơn hai ngàn năm, biết bao mục sư, con cái Chúa đã thuận phục như bà Ma-ri. Khi được Chúa giao phó bất cứ công việc nào “thì lập tức tôi chẳng bàn với thịt và máu” (Ga-la-ti 1:16), là bàn luận với chính mình, chẳng nghĩ đến lợi hại do công việc đem tới. Họ thưa với Chúa : “Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6:8).

Thời nay, dựa vào Kinh Thánh chúng ta có thể biết được Chúa giao phó cho chúng ta điều gì qua ân tứ Thánh Linh, Chúa muốn chúng ta phải biết làm những việc lành như Lời Chúa Thánh Linh đã đặt trong tâm chúng ta : lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22), nhất định từ bỏ tội lỗi : “gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy” (Ga-la-ti 5:19-21), “sa vào sự ô uế theo lòng ham muốn mình, đến nỗi tự làm nhục thân thể mình nữa, vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men. Ấy vì cớ đó mà Đức Chúa Trời đã phó họ cho sự tình dục xấu hổ; vì trong vòng họ, những người đàn bà đã đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với tánh tự nhiên. Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người nầy với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo ứng xứng với điều lầm lỗi của mình. Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng. Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót. Dầu họ biết mạng lịnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa.” (Rô-ma 1:24-32). Và qua đời sống vui vẻ, yêu thương và giúp đỡ tha nhân một cách đều đặn, chúng ta có thể đã giao rảng tin lành cách hữu hiệu. Và đó là chúng ta đã thuận phục Ý Chúa. Chúng ta cũng đã thuận phục Ý Chúa khi tránh xa được những cám dỗ thay đổi Hội Thánh, thay đổi giáo hội, thay đổi tín lý chỉ vì tình cảm cá nhân hay vì có lợi kim tiền cho mình, cho gia đình mình mà kẻ vô tín sẽ có cớ dèm chê Đạo Chúa và người theo Chúa.

Tại các quốc gia có thể chế độc tài chuyên chế quá khích như Việt Nam trong thập niên 50, cán bộ chính trị tìm đủ mọi cách chống đối đạo giáo, chống đối Đức Chúa Trời. Họ ngạo mạn hỗn hào tuyên bố cùng nông dân :

Thằng Trời đứng qua một bên      Để cho nông hội đứng lên làm trời

Ngày nay một số mục sư ở Việt Nam được nhà nước ưu đãi thường dùng câu Kinh Thánh: “Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình” (Rô-ma 13:1-2), để chứng minh sự “vâng phục” nhà cầm quyền là phải lẽ, và họ yên lặng cùng nhà cầm quyền bỏ qua câu Kinh Thánh kế tiếp : “Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ” (Rô-ma 13:3). Chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao đôi khi hành xử ngay cả điều phải lẽ mà “người làm lành sợ” bị cơ cấu cai trị trừng phạt ? Thế thì làm sao gọi là “vâng phục” được ? Đối với những trường hợp như vậy, chỉ có thể nói như “Phi-e-rơ và các sứ đồ trả lời (nhà cầm quyền) rằng: Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ các sứ-đồ 5:29).

Trên nguyên tắc căn bản của sự thuận phục, chúng ta không thể tuân hành những huấn lệnh nghịch với luân lý, tình nghĩa con người. Đối với con cái Chúa thì chắc chắn không thuận phục những điều trái với Kinh Thánh dạy.

Trên nguyên tắc căn bản của sự thuận phục, chúng ta chỉ thuận phục những ai có lý tưởng cầm quyền để phụng sự người dân, chứ không lạm dụng quyền thế để mưu tìm phúc lợi cho riêng mình và lại còn lạm dụng quyền lực mong uy hiếp người dân.

Trên nguyên tắc căn bản của sự thuận phục, cứ xét nghiệm : “phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:8) thì thuận phục.

Những điều chúng ta thuận phục nói lên tính chất con người của chúng ta.