Trong cuộc đời, chẳng ai thắng hoài, cũng chẳng ai thua mãi. Nhớ lại cuộc chiến huynh đệ tương tàn của dân tộc mình, bên nào cũng tuyên bố “Đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh lớn thắng lớn”, nhưng thực ra  đánh nhỏ có thể “thắng nhỏ” hay “thua nhỏ”, đánh lớn có thể “thắng lớn” hay “thua lớn”. Vậy mà khi đưa tin trên truyền thanh, bao giờ phần “thắng” cũng về phía mình, phần “thua” cũng về phía địch.

Người đời không vấp ngã, không thua không học khôn được. Mỗi lần vấp ngã, mỗi lần thua là một bài học, một kinh nghiệm có thể tạo nên một thành công nào đó trong tương lai. Ngạn ngữ ta có câu “thất bại là mẹ thành công” bất hủ để đời. Nhưng “thất bại là mẹ thành công” không phải là một định lý. Có nhiều người hết thất bại này đến thất bại khác vẫn chưa tìm ra một yếu tố nào để cái thất bại của mình là “mẹ” sinh sản được sự thành công. Nên đành tự an ủi “không thành công cũng thành nhân”.

Các nhà tâm lý có ba hạng người đối phó với thất bại.

Hạng thứ nhất bị thất bại giáng cho một đòn là quỵ luôn, “trượt vỏ dưa thấy vỏ dừa cũng sợ”. Hạng người này bị cái thất bại ám ảnh suốt cuộc đời, đã ngã là nằm luôn, khiếp nhược nằm chờ chết, đổ tội cho số mệnh, cho trời đất.

Hạng thứ hai bị thất bại giáng cho một đòn là quỵ, nhưng còn bầu nhiệt huyết đứng lên, “thua keo này bầy keo khác”. Nhưng cái keo khác có kết quả ra sao không cần biết, vì không chịu nhìn vào thất bại mà phân tích, để đi đến kết luận tìm ra nguyên nhân thất bại. Đây là hạng người hữu dũng vô mưu.

Hạng thứ ba bị thất bại giáng cho một đòn cũng quỵ, nhưng nhờ bầu nhiệt huyết đứng lên, phân tích các yếu tố đưa đến thất bại, lượng định thời thế, thời điểm có thuận hay chưa phải lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đây là hạng người trí dũng song toàn.

Điều chỉnh bản thân, biết đâu nhận ra mình là hạng “thấy người đào khoai, vác mai chạy quấy” nên thất bại. Chúng ta dễ nhận “nhân vô thập toàn”, nhưng nhận ra chỗ không toàn, chỗ khiếm khuyết, chỗ lỗi lầm của mình không dễ. Thất bại lớn nhất là che dấu thất bại vì lỗi lầm của mình, không muốn phân tích để tìm nguyên nhân. Chỉ có người sáng suốt mới nhận ra sai lầm của mình.

Kiểm điểm phân tích sai lầm, biết đâu thất bại chỉ vì “sai một ly đi một dặm”. Nhận ra cái “sai một ly” hoàn chỉnh là có cơ thành công, thêm một kinh nghiệm.

Tổng kết kinh nghiệm trên trong mình, yếu tố “là mẹ thành công” sẽ hiện hữu trong chúng ta. Hạng người này  được kể là có trí dũng, thì những bước th “thất bại” dẫn đến “thành công” không xa mấy.

Trong đời, lại có người thành công, thắng lớn ở một lãnh vực nào đó rồi chỉ sống với cái “tháp ngà”, tự đại, dậm chân tại chỗ, không muốn tiến bước nghiên cứu thêm, vì lỡ thất bại thì cái hào quang thành công mình đang có bị phá vỡ chăng. Đây là cách chấp nhận giật lùi theo thời gian với chính mình.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Bước vào lãnh vực tâm linh, một số không nhỏ trong chúng ta dễ dàng chấp nhận chịu thua, nhất là chịu thua bản ngã, chịu thua những thứ bất chính lôi cuốn: “ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy” (Ga-la-ti 5:19-21). Chúng ta thua dài dài dầu nhiệt tâm của chúng ta có, trí phán đoán của chúng ta cũng không tệ. Sau đó có người lại tự lừa dối mình mà nói với lòng mình rằng, Thánh Phao-lô đã thú nhận cái thua của mình, được ghi trong sách Rô-ma 7:19, 21 như sau : “vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Rô-ma 7:19), “khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi” (Rô-ma 7:21). Trong Sách Rô-ma 7:19,21, Thánh Phao-lô chỉ dẫn cho những con cái Chúa, những người ông chưa hề gặp mặt, nói lên sự yếu đuối của con người trước tội lỗi một cách khiêm nhường, nhưng ông không để thua luôn. Thánh Phao-lô đã nhận định cái thua, đã cố gắng điều chỉnh bản thân vẫn thua, thay đổn chiến thuật, chiến lược vẫn thua. Thua đậm, thua đau đớn phải thốt lên lời than “” “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” (Rô-ma 7:24). Nhưng sau đó ông phải chấm dứt thua bằng quyết định hành động theo đức tin vào Chúa Cứu thế thuận phục trọn vẹn nơi luật pháp, trung tín với luật pháp của Đức Chúa Trời trong tấm lòng cảm tạ Ngài : “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta! Như vậy, thì chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi.” (Rô-ma 7:25). Chẳng những hết thua mà còn thắng : “Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn” (II Cô-rinh-tô 2:14).

Trong những con người bình thường kể cả những con cái Chúa chúng ta cứ thua riết nên đành chấp nhận thua luôn, và buông trôi cuộc đời mình trong tội lỗi. Một số vị thỉnh thoảng tham dự khóa học “tĩnh tâm” học tránh tội lỗi do “tham sâm si” dẫn tới, ở một nơi vắng vẻ nào đó để “thắng” việc tái phạm tội. Nhưng khi trở về với cuộc sống bình thường lại thua tiếp.

Có một con cái Chúa trẻ tuổi bị người quen ngoại đạo xúc phạm nặng nề. Con cái Chúa này tâm sự cùng một đạo hữu rằng anh cố nén cơn giận và chưa biết phải xử trí ra sao để trả đũa, dạy cho người đó một bài học. Người đạo hữu cho rằng làm như thế là “thua”, và nhắc nhở lời Kinh Thánh dạy : “Ví bằng anh em đang cơn giận, thì chớ phạm tội” (Ê-phê-sô 4:26) cùng tấm lòng cầu xin Chúa, “nhờ” Chúa giúp mình thực thi lời Kinh Thánh dạy : “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32), và vị đạo hữu khích lệ “tôi biết ông là con cái Chúa trung tín trong bao nhiêu năm, tôi tin rằng cuối cùng ông sẽ làm theo lời Chúa, thay vì phục thù”. Thế là cơn giận lui đi, nhường chỗ cho sự “thương xót” và “tha thứ”, chàng trai trẻ đã “thắng”.

Cái thắng của người Cơ Đốc có khi chỉ một mình mình biết. Nhìn vào đầy tớ trung thành của Chúa, người ta thấy Phao-lô “ngu dại…yếu đuối…khinh hèn…đói khát…trần mình, bị người ta vả trên mặt, lưu lạc rày đây mai đó…làm việc khó nhọc; khi bị rủa sả…bị bắt bớ… bị vu oan…giống như rác rến của thế gian, cặn bả của loài người, cho đến ngày nay” (I Cô-rinh-tô 4:10-13), thì rõ ràng thua quá, chớ thắng gì. Ấy thế mà thắng đấy. Thắng ở cái thế vẫn còn có thể “chúc phước…khuyên dỗ” để bầy con của Chúa được “khôn ngoan…mạnh mẽ… quý trong”.

Trên đường đời chúng ta cảm thấy mình sẽ có đôi lúc thua - thất bại dài dài, hãy nhớ con cái Chúa chân chính có Chúa Jêsus ngự trong lòng nhờ cậy Ngài, nhớ bài học từ thánh Phao-lô, cuối cùng chúng ta cũng sẽ thắng, một cái thắng của người Cơ Đốc, một mình mình biết, một mình mình hay.