Các nhà tâm lý học ví cay đắng như là một mụn nhọt nhức nhối nằm xâu kín trong tâm hồn. Nó nẩy sinh bởi sự cố ý hay vô tình của người nào đó không phải người bạn đời, làm thương tổn tự ái. Niềm đau đó đôi khi khó hóa giải, một mình mình biết, một mình mình hay. Nỗi cay đắng đó âm thầm phát triển như một thứ trùm bao ăn lan. Nó âm ỉ như ngòi thuốc súng chỉ chờ cơ hội là bùng nổ. Cay đắng trong lòng làm cho mặt mày kém vui lời nói thiếu ngọt ngào.

Ôi rễ đắng là gì ai biết được        Đã khiến đời tôi khốn khổ biết bao lần

Thứ rễ này khó diệt mọc lan nhanh Nhổ một rễ sẽ thêm nhiều rễ khác.

Sau đây là câu chuyện xẩy ra bên trời Tây. Có trường hợp cay đắng do sự vô tình của người phối ngẫu đã được hóa giải vì người vợ đã thố lộ tâm can với người bạn gái cho vơi nỗi sầu khổ. Hai vợ chồng lấy nhau trên bốn mươi năm vì sự bạc đãi của người chồng. Người vợ thổ lộ sự bạc đãi của chồng mình trong suốt bốn mươi năm chung sống là người chồng đã bắt bà ăn phần đầu của bánh mì ổ dài với người bạn gái thân, và toan tính ly dị. Người bạn gái thân của bà vội vàng cùng bà đi gặp ông chồng. Sau khi nghe về sự bạc đãi của mình xong, ông há hốc mồm với đôi mắt mở to hết sức ngạc nhiên. Người chồng quay sang vợ và nói với lời thắm thiết yêu thương :

- Em ơi, em nhớ ngày mới lấy nhau, anh nói anh thích ăn phần đầu bánh mì. Em nói em cũng thích ăn phần đầu bánh mì, anh đã nhường cái phần anh thích cho em. Anh bằng lòng ăn cái phần giữa bánh mì đến nhàm chán chỉ vì anh yêu em.

Bốn mươi năm, đến bữa ăn là cảm thấy chồng bạc đãi mình mà không hề hé môi thì thật khó tưởng. Chúng ta cũng nhiều lúc ngậm miệng cay đắng. Nguyên nhân có thể vì lúc nhỏ sống trong một gia đình quá nghiêm khắc, quen nín chịu. Lại cũng có thể vì kiêu ngạo, khinh kẻ người làm phật lòng mình, không thèm nói ra. Có thể vì bi quan và quá thận trọng, thêm vào sự nhút nhát, ngập ngừng, bi thảm hóa vấn đề và nghi ngờ có sự nguy hiểm nếu vấn đề được nêu ra, nên im luôn. Hoặc giả chúng ta ở cái thế chẳng thể mở miệng giãi bầy, đối chất với người, do sự độc đoán của các ông trưởng phòng nơi công tư sở, đã làm cho mình phải giữ im lặng. Thế là cay đắng phát sinh.

Cay đắng tình đời” đôi khi dường như chuyện đương nhiên nên chúng ta phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Trong tiếng Anh hai chữ bitter-đắng và peppery-cay riêng biệt, không như tiếng Việt cay đắng gộp chung.

Sigmund Freud một bác sĩ về thần kinh và nhà tâm lý học người Áo. Ông là người đặt nền móng và phát triển học thuyết phân tâm học, quả quyết chúng ta chỉ quên những gì chúng ta muốn quên. Trí nhớ có khả năng lọc đãi những gì quá cay đắng làm khổ chúng ta, giúp chúng ta quên quên chúng đi, thì chúng ta mới sống như thường được.

Trong bài hát The Way We Were có câu : Memories may be beautiful, and yet what is painful to remember we simply choose to forget. So it’s the laughter we will remember.

Thi sĩ Châu Sa phổ thơ như sau :

Trí nhớ của ta có tuyệt vời            Rằng quên đi đau đớn trên đời

Gợi lại chỉ làm thêm đau nhói      Chi bằng chỉ nhớ nụ cười tươi.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Lời Kinh Thánh dạy : “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác” (Ê-phê-sô 4:31). “Phải bỏ”, đôi khi không dễ gì bỏ nhữ gì người khác gây ra  khiến ta phải cay đắng. Nhưng giữ thì chẳng những không ích chi cho mình và cho người, mà còn tác hại cho mình và cho người nữa. Thế thì “phải bỏ”.

Con cái Chúa chân chính dễ “bỏ” vì “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Khi con cái Chúa chân chính chúng ta quyết định “bỏ” thì Chúa Thánh Linh “ban thêm sức” để đủ năng lực “bỏ”. Hơn thế nữa, con cái Chúa chúng ta đã “nếm biết Chúa là ngọt ngào” (I Phi-e-rơ 2:3) thì không thể giữ cay đắng trong tâm. Con cái Chúa phải đọc, học và suy gẫm lời Kinh Thánh. “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!” (Thi-thiên 119:103) thì nhất định hóa giải cay đắng.

Tại một thời điểm nào đó trong đời chúng ta có thể trực diện với cay đắng, nhưng chúng ta có quyền giữ cay đắng bay “bỏ”. Ngày nay, lâu lâu chúng ta dọn tủ lạnh, thế nào cũng có vài thứ phải bỏ. “Bỏ” một vật gì, chúng ta thường suy xét và nhận thức được nó không còn giá trị, vô dụng, choán chỗ và nhất là đã quá hạn, đã hư nên “bỏ”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta hãy dùng cách trên mà suy xét, nhận thức cay đắng. Chắc chắn cay đắng chẳng có giá trị nào, không ích gì cho mình mà còn gây tác hại nữa. Cay đắng khiến lời nói thiếu ngọt ngào, ánh mắt thiếu trong sáng, hành động thiếu nhân từ. Ôi ! Luyến tiếc chi mà giữ, mà chẳng “bỏ”. “Bỏ” rồi, chúng ta làm theo lời Chúa dạy : “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).

Chia ngọt sẻ bùi là lấy “nhân từ” đối với mọi người. “Nhân từ” là bản tính của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh minh định : “Chúa vốn một Đức Chúa Trời sẵn tha thứ, hay làm ơn, và thương xót, chậm nóng giận, và dư đầy nhân từ” (Nê-hê-mi 9:17). Sự “nhân từ” của Chúa bất biến, không hề thay đổi. Ngài phán : “Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của ta chẳng chuyển” (Ê-sai 54:10).

Con cái Chúa chúng ta sống trong sự “nhân từ” của Chúa, thì phải lấy “nhân từ” ăn ở với nhau, trong đó có việc giải tỏa sự cay đắng nhau.