Nguyễn Bá Học đã nói một câu để đời : “Đường đi khó, không khó vì vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”. Thách thức là chấm dứt “ngại núi e sông”,  để bắt đầu vượt núi qua sông. Nhà thơ Thế Lữ lâm vào cảnh

Cát bụi tung trời, đường vất vả    Còn dài, nhưng hãy tạm dừng chân

Thách thức là biết thời điểm chấm dứt “tạm dừng chân” để bắt đầu lên đường, vì biết đường “còn dài”.

Chúng ta có lúc sa cơ như

Phượng hoàng gặp lúc cheo leo   Sa cơ, thất thế phải theo đàn gà

Bao giờ mưa thuận gió hòa Thay lông, đổi cánh lại ra phượng hoàng

Thách thức là chấm dứt “theo đàn gà” và bắt đầu “thay lông, đổi cánh lại ra phượng hoàng”.

Thách thức là sự chuyển mình, chuyển mình như loài trăn nằm ngủ suốt mùa đông, sống nhờ chất mỡ thặng dư trong người. Chuyển mình là chấm dứt sống nhờ mỡ thừa và bắt đầu trườn mình đi kiếm ăn.

Thách thức là sự chuyển mình như cây cối chấm dứt thân trơ, trụi lá trong mùa đông giá lạnh, bắt đầu tuôn nhựa sống để đâm chồi nẩy lộc với sự ấm áp của mùa xuân.

Đi vào thách thức, chúng ta tự nhủ phải “Chấm dứt tính Mất - Bắt đầu tính Còn”.

Người Việt miền Nam Việt Nam, sau tháng 4 năm 1975 phải nói “Mất” nhiều lắm, tính sao cho hết. Song “Còn” mạng sống là quý rồi.

Người Việt ở hải ngoại, càng lớn tuổi, càng nhớ cái “mất” của mình. Quý vị H.O., cựu sĩ quan cao cấp trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, những ngày hội Cựu Quân Nhân, Không Quân, Dù, Thủy Quân Lục Chiến, gặp nhau “chào kính” lại thấy cái “mất” bấy lâu che khuất lộ diện. Tâm sự Quý vị gửi vào câu cuối của bài thơ Nhớ Rừng của thi sĩ Thế Lữ “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”. Một số vị lại còn vì cớ chán hiện tại và sợ tương lai nên đành sống với quá khứ. Cái quá khứ “sống” đó cũng lại làm phiền những vị đó không ít.

Nhớ chi nhớ mãi thế này      Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn

Quên” là chấm dứt tính những điều mình mất, không bận tâm đến những thành quả đã đạt được, những ê chề mình lãnh chịu trong quá khứ. Điều này cho ta một chút kinh nghiệm vượt quá khứ để “còn” trong hiện tại.

Anh nhìn tay anh đếm từng cái mất Bỗng chợt thấy ra một cái vẫn còn

                                                                                 Bùi Khiết

Có lẽ trong tất cả cái mất, may ra “còn một chút gì để nhớ để thương”, mà không để góp vào cái “còn” cho hành động.

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy Ngàn năm đâu dễ mấy ai quên. Thế Lữ

Hãy để sự hiện diện của chúng ta trong gia đình, trong xã hội là cái “còn” căn bản.

Tôi rất thích câu “còn nước còn tát”. Đó là lời khích lệ chúng ta nghĩ tới cái “còn” mà tiếp tục đi tới. Hai vợ chồng người Việt sống ở đất Úc buôn bán không may bị sạt nghiệp, chẳng còn gì. Chồng ủ rũ tính những cái mất hơn nửa đời người tạo dựng. Người vợ ngồi bên chồng thỏ thẻ :

- Chúng ta còn gì anh ? Chồng buồn bã đáp :

- Chẳng còn gì em ạ. Người vợ âu yếm vuốt trán chồng nói :

- Anh còn em, em còn anh, chúng mình còn đầy đủ sức khỏe, chân tay để chúng mình gây dựng lại. Nào, anh “còn” gì nữa? Người chồng mỉm cười :

- Anh còn cái đầu biết suy nghĩ, con đôi tay mạnh sức, còn dòng máu nóng, con sức kiên trì chịu đựng, còn em và còn cả những thứ em “còn” đó. Anh và em sẽ xử dụng tất cả cái “còn” xem sao.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Bất cứ cảnh ngộ nào, thách thức nào, con cái Chúa chúng ta có ơn “còn” Chúa và niềm tin để tin tưởng “Có Chúa có muôn sự rồi”, như lời của một bài Thánh Ca. Quyền năng của Ngài thêm sức cho chúng ta hầu chúng ta tiến tới mục tiêu theo Ý Ngài.

Phao-lô chẳng những không tính “mất”, mà còn tự nguyện “mất” tất cả để chỉ “còn” Chúa mà thôi. Phao-lô quyết định : “Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ (mất), vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ” (Phi-líp 3:7-8).

Lời Đức Chúa Trời hỏi Mô-se trước khi Ngài trao cho ông trách nhiệm giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô là nơi họ đang làm nô lệ, Ngài hỏi : “Trong tay ngươi cầm vật chi? Thưa rằng: Một cây gậy” (Xuất Ê-díp-tô ký 4:2). Đức Chúa Trời nhắc nhở cho Mô-se biết rằng ông “còn” “một cây gậy” với quyền năng của Ngài đủ năng lực giải cứu dân Y-sơ-ra-ên.

Lời Đức Chúa Jêsus hỏi các môn đồ trước khi Ngài hóa bánh cho khoảng năm ngàn người ăn, “Ngài hỏi rằng: Các ngươi có bao nhiêu bánh? Hãy đi xem thử. Môn đồ xem xét rồi, thưa rằng: Năm cái bánh và hai con cá” (Mác 6:38). Các môn đồ trao cho Ngài cái “còn” “năm cái bánh và hai con cá”, và với quyền năng của Ngài, “năm cái bánh và hai con cá” đã được hóa ra nhiều và “Đức Chúa Jêsus lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn, rồi bẻ bánh ra mà trao cho môn đồ, đặng phát cho đoàn dân; lại cũng chia hai con cá cho họ nữa. Ai nấy ăn no nê rồi; người ta lượm được mười hai giỏ đầy những miếng bánh và cá còn thừa lại. Vả, số những kẻ đã ăn chừng năm ngàn người” (Mác 6:41-44).

Nhớ lại hơn 18 năm về trước, lúc mới trở về nhà Chúa tại Hội Thánh Kingsgrove, tôi cố gắng lập một Website cho Hội Thánh. Sau vài năm nếm hết thất bại này qua thất bại khác, tính ra mất nhiều thời gian mà chưa có cơ hoàn thành. Buồn, làm sao tiến tới đây. Tại thời điểm đó, tôi tin rằng Chúa đã nhắc tôi, tôi còn Hội Thánh, mà quý Mục Sư và anh chị con cái Chúa có thể giúp việc hoàn thành công việc một cách tốt đẹp. Quả thật vậy, Mục Sư Sơn và một con cái Chúa, anh Hồ Hải Đăng khi biết được điều này, đã đóng góp giúp Hội Thánh có được một Website với nội dung phong phú hơn, và tôi chỉ đóng góp phần bài viết Chia Sẻ Niềm Tin. Sau đó ít lâu, MS Sơn đã có sự giúp việc của một con cái Chúa ở VN đã thiết kế Website hiện tại thật đẹp, và nội dung phong phú hơn. Hiện tại kênh www.tinlanhsydney.com.au đang được sự quản lý của anh Trần Thế Cường, một kỹ sư điện toán, đầy kinh nghiệm và chuyên nghiệp. Nơi đây, tôi chỉ còn cúi đầu cảm tạ Chúa. Ngài đã nhắc tôi “Chấm dứt tính Mất, Bắt đầu tính Còn”. Tôi cũng không quên cảm ơn Mục Sư Đào Minh Sơn, anh Hồ Hải Đăng, anh con cái Chúa ở Việt Nam, và anh Trần Thế Cường.