Theo tâm lý học, người thiếu năng động là người sa sút tinh thần, bị chứng trầm cảm (depression), rối loạn về giấc ngủ (mất ngủ hay ngủ li bì), ăn mất ngon, đầu hay nhức, không tập trung được tư tưởng, kém trí nhớ, giảm sự ham muốn làm việc, nên làm gì cũng chậm chạp, khuôn mặt lúc nào cũng bơ phờ, lãnh đạm. Tình trạng như vậy làm sao có thể năng động.

Người năng động thường được nội tâm thúc đẩy. Trẻ nhỏ năng động vì chúng khỏe và sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì trước mắt mà chúng thấy lạ. Thiếu hướng dẫn, năng động của chúng là phá phách.

Người trưởng thành năng động bởi ham muốn thúc đẩy. Ham muốn ở lãnh vực nào thì năng động theo chiều hướng đó. Có người khi “lực bất tòng tâm” thì năng động bị tụt giảm, khởi đầu cho việc thối lui “làm chi cho mệt một đời”. Song cũng có người vẫn năng động, dầu “mỏi gối, chồn chân vẫn cứ trèo”.

Tại Hoa Kỳ, bác sĩ hồi hưu Châu Ngọc Hiệp vẫn là con người năng động. Ông làm chủ bút tờ Nếp Sống Mới, một tờ báo dưỡng sinh, dưỡng tâm linh. Năng động trong việc gợi ý cho quý vị cao niên làm sao năng động để đời sống có ý nghĩa. Ông thuật lại câu chuyện các bạn già tới dự bữa tiệc mừng một người bạn mới về hưu :

“Tháng này nhóm “kim cổ mín (mạn?) đàm” họp lại mừng một bạn già mới về hưu. Những người này vui, hay đùa. Một người phát pháo : “Chúc mừng anh được cưỡi hươu trước khi cưỡi hạc qui tiên”, một người Công Giáo tiếp : “được hưởng nhàn trước khi hưởng nhan Thiên Chúa”. Thi sĩ Phong Trần chúc : “Mong anh đừng quên hưởng thụ vì có ngày nào đó, mục cáo phó trên báo sẽ đăng anh hưởng thọ bao nhiêu”. Một bạn khác nói : “Hãy tiêu dao nơi cõi hồng trần, trước khi tiêu diêu miền cực lạc”. Sau mỗi lời chúc đùa, mọi người tham dự vỗ tay cười vui vẻ. Sau cùng mấy ông bạn già hẹn nhau tháng tới.”

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tôi tin rằng Cơ Đốc nhân chân chính luôn năng động ở bất cứ tuổi nào. Chúng ta lúc nào cũng “nhắm mục đích mà chạy” (Phi-líp 3:14), trước khi “ đi ở với Đấng Christ” (Phi-líp 1:23).

Mục đích” năng động trong Cơ Đốc nhân không phải để tìm “danh, lợi, quyền” như cách thế thường, nhưng “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm (năng động)” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Ngày nay, không thiếu gì những Cơ Đốc nhân năng động trong công trường thuộc linh, mạo nhận “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” hay được sự “kêu gọi của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 11:29) mà thực tế “vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh” (Phi-líp 2:3) và “chăm về lợi riêng mình”(Phi-líp 2:4) cùng “hầu việc cái bụng họ” (Rô-ma 16:18)  vì “họ lấy bụng mình làm chúa mình” (Phi-líp 3:19).

Ngày nay, không thiếu gì những Cơ Đốc nhân chân chính năng động trong công trường thuộc linh, “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm”, có thể bị bạn đạo né tránh hoặc “làm khó” (Ga-la-ti 6:17), người đời khinh khi, coi như “rác rến của thế gian, cặn bả của loài người” (I Cô-rinh-tô 4:13). Nhưng họ vẫn không sờn lòng, nản chí, xong vẫn tiếp tục năng động.

Những Cơ Đốc nhân năng động này có thuộc loại “cuồng tín” chăng ? Xin thưa “Không, Song bởi đức tin năng động”.

Đức tin là nguồn năng lực để Cơ Đốc nhân chân chính năng động “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” như lời Kinh Thánh khẳng : “Đấng đã làm cho chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đang đứng vững; và chúng ta khoe mình (năng động) trong sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời” (Rô-ma 5:2). Phao-lô đã năng động “khoe mình” chẳng giống ai : “Chúng tôi là kẻ ngu dại vì cớ Đấng Christ, nhưng anh em được khôn ngoan trong Đấng Christ; chúng tôi yếu đuối, anh em mạnh mẽ; anh em quí trọng, chúng tôi khinh hèn” (I Cô-rinh-tô 4:10). Nhưng bởi đức tin, Cơ Đốc nhân chân chính tin chắc vào Lời Chúa Jêsus phán : “ai hầu việc ta (năng động đúng cách), thì Cha ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:26) là đủ công giá năng động.

Chúng ta tin những điều Kinh Thánh dạy và năng động trong niềm tin. Nhưng phải cẩn thận học Kinh Thánh, “suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1:8) và Đức Chúa Thánh Linh, Đấng ngự trong Cơ Đốc nhân, “Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật” (Giăng 16:13), hầu Cơ Đốc nhân chân chính đặt niềm tin chính xác khi năng động.

Chúa Jêsus khi sai các sứ đồ đi giảng đạo, “Đức Chúa Jêsus nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỉ chữa bịnh. Rồi Ngài sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bịnh” (Lu-ca 9:1-2). “Rao giảng về nước Đức Chúa Trời” là phần chính, “chữa lành kẻ có bịnh” là phụ. Vị Mục Sư ở Hoa Kỳ mà tôi kính mến trong một bài giảng luận đã có đoạn sau : “Khi tôi hầu việc Chúa tại Việt Nam, tôi đã ba lần “trừ quỉ” và vài lần “chữa bệnh” bằng lời cầu nguyện. Nhưng cũng có một vài lần lời cầu nguyện không được Chúa trả lời. Tôi tin những việc “trị quỉ chữa bịnh” đó chỉ là phần nhỏ “quyền năng” sử dụng khi cần. “Quyền năng” Cơ Đốc nhân chân chính cần là đưa người trần thế có tội đến tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của họ “hầu cho họ từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời, và cho họ bởi đức tin nơi ta được sự tha tội, cùng phần gia tài với các thánh đồ” (Công-vụ các Sứ-đồ 26:18)”.

Ngày nay vẫn còn một số mục sư và con cái Chúa thuộc phái Ngũ Tuần rất chăm về “trừ quỉ”, “chữa bệnh” hơn là “rao giảng về nước Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Jêsus đã phán về hiện trạng này “Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:22-23).

Còn việc “bắt rắn trong tay; nếu uống giống chi độc, cũng chẳng hại gì” (Mác 16:18) mà sau khi Đức Chúa Jêsus sống lại, Ngài lấy hình khác hiện ra cho hai người trong bọn môn đồ đang đi đường về nhà quê, thì thật khó hiểu. Chắc chắn Ngài không cho con cái Ngài năng lực phi thường này chỉ để biểu diễn chứng tỏ quyền năng Chúa có trong mình, quên đi mục tiêu chính “rao giảng về nước Đức Chúa Trời” hầu đem người về đầu phục Chúa. Nhiều năm về trước, có hai vị mục sư ở Hoa Kỳ, đã mở một cuộc truyền giáo có mục biểu diễn để chứng tỏ quyền năng Chúa ban cho mình như Lời Chúa phán. Trước một số cử tọa đông đảo, hai vị mục sư bắt những con rắn độc bằng tay không, chuyền qua chuyền lại, lắc lư như người lên đồng. Hai vị mục sư được an toàn trong trò chơi với rắn. Hai vị mục sư được tán thưởng thán phục. Nhưng đến mục thứ nhì, hai vị mục sư cầm mỗi người một ly nhỏ chất cường toan (acid mạnh), đưa lên miệng uống cạn, chỉ ít phút sau hai vị lìa trần. Trong lễ an táng, thi hài hai vị được đặt trong quan tài, trên bụng hai vị có cuốn Kinh Thánh mở ra và ngón tay trỏ được đặt ngay trên câu 18 chương 16 của sách Mác. Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho rằng lời này chỉ tỏ ra Chúa bảo vệ con cái Ngài như lời trong sách Ê-sai : “Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi” (Ê-sai 43:2). Quyền năng Chúa thực sự trên đời sống Cơ Đốc nhân là : “hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian” (Phi-líp 2:15).

Chúa Jêsus truyền mạng lệnh chủ yếu cho Cơ Đốc nhân : “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép (“rao giảng về nước Đức Chúa Trời”, không phải là “trừ quỉ”, “chữa bệnh”), và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8), là  nói cho mọi người biết : “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (I Ti-mô-thê 1:15).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đức tin năng động của Cơ Đốc nhân chân chính là “chúng tôi tin, cho nên mới nói” (II Cô-rinh-tô 4:13) để mọi người biết về Tin Lành Cứu Rỗi. Cơ Đốc nhân chân chính luôn năng động vì “vì đạo Tin Lành mà chiến đấu” (Phi-líp 4:3). Cơ Đốc nhân chân chính luôn năng động “mà chịu khổ vì Tin Lành” (II Ti-mô-thê 1:8), có khi “vì Đấng Christ (Tin Lành) mà chịu xiềng xích” (Phi-líp 1:13) vẫn năng động. Đức tin của Cơ Đốc nhân chân chính thế nào thì năng động thế ấy. Chính năng động bày tỏ niềm tin của một con cái Chúa.

Vấn đề vâng phục

Ngày nay một số mục sư thường dùng câu Kinh Thánh: “Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình” (Rô-ma 13:1-2), để chứng minh sự “vâng phục” nhà cầm quyền hay mục sư và ban chấp sư là phải lẽ, và bỏ qua câu Kinh Thánh kế tiếp : “Vả, các quan quyền (hay mục sư) không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ” (Rô-ma 13:3). Chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao đôi khi hành xử ngay cả điều phải lẽ mà “người làm lành sợ” bị cơ cấu cai trị hay mục sư cùng ban chấp sự trừng phạt ? Thế thì làm sao gọi là “vâng phục” được ? Đối với những trường hợp như vậy, chỉ có thể nói như Phi-e-rơ tuyên bố “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ các sứ-đồ 5:29), tức là trên nguyên tắc căn bản của sự thuận phục, chúng tôi chỉ thuận phục những mục sư hành sử theo đúng lời Kinh Thánh để dậy dỗ chúng tôi, chứ không lạm dụng quyền thế để mưu tìm phúc lợi cho riêng mình và lại còn lạm dụng quyền thế mong áp đảo chúng tôi. Tôi tự hỏi : “Liệu thời đại này có chuyện hớt hết lông chiên (con cái Chúa) và mần thịt nó mà nó phải vâng phục không?”