Đức Chúa Trời thực hữu, giác quan thứ sáu con người cảm nhận như vậy, tri giác con người xác quyết như vậy. Nhưng trí óc con người lại mù mịt về Ngài. Con người dễ dàng cảm nhận “Trời sinh Trời dưỡng” và khi chết thì “về chầu Trời”. Người Việt chúng ta lại còn nghĩ “trăm sự nhờ Trời”, như bài ca dao mà hầu hết dân mình đều nhớ :

Lạy Trời mưa xuống   Lấy nước tôi uống       Lấy ruộng tôi cầy

Lấy đầy bát cơm                                             Lấy rơm đun bếp

Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng nào, bản thể của Ngài ra sao, thì không một ai có thể biết chắc được.

Trong bộ Kinh Veda của Ấn Độ, dân Aryan cổ xưa (4000 BC, 3002 TC-Trước Công Nguyên) đã muốn biết về God - Đức Chúa Trời. Dân Aryan đã ca tụng Đức Chúa Trời Sáng Tạo như sau :

Ngài là Đức Chúa Cha, Đức Sáng Tạo, Định mệnh thiêng liêng đối với tất cả chúng ta. Ngài biết tất cả vũ trụ, Ngài là duy nhất, Vậy mà Ngài mang nhiều danh hiệu thần linh vô kể, Chính Ngài mà tất cả nhân loại trên mặt đất cố sức muốn biết.”  Rig Veda X. 82-83.

Dẫu trong Kinh Thi có viết : “Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu sắc” (Trời sinh ra muôn dân, cái gì hiện hữu, cái đó có sắc thái riêng), dẫu Đức Khổng Tử có lập ra lễ Giao để tế Trời, thì cũng chẳng biết gì hơn về Trời. Tuy không biết gì về ông Trời hay Đức Chúa Trời, thế mà  Đức Khổng Tử lại biết chắc Đức Chúa Trời biết mình, khi Ngài than với Tử Cống : “Biết ta chăng, chỉ có Trời” (Luận Ngữ).

Bước vào triết học Tây Phương, các triết gia Hy Lạp như Plato, Socrates và cả Aristotle đều cố gắng suy từ con người để biết về nội tại tính của Đức Chúa Trời (Divine Immanence), vì con người được dựng nên bởi Ngài. Những vị này cho rằng Đấng Nguyên Thủy vốn là nguồn cầu trợ tất nhiên của thế giới con người để tiến tới trật tự, và con người đã lãnh hội nội tại tính của Ngài, Đấng Vĩnh Cửu. Kết luận sau cùng của các triết gia Tây Phương là những hiện hữu trong thiên nhiên đang hàm chứa bản tính của Đức Chúa Trời.

Rồi đến thế kỷ thứ 17, một nhân vật nổi danh trong ngành vũ trụ học, ông Leibniz đã phát biểu : “Có sự chuyển thông gián tiếp của các đơn tử (nguyên tử) với nhau, qua sự trung gian của Đức Chúa Trời”.

Cả Đông lẫn Tây đều có nhiều triết thuyết về Đức Chúa Trời. Nhưng tất cả các triết gia và các nhà thần đạo đều bó tay trong sự tìm hiểu Đức Chúa Trời. Với trí óc giới hạn vào không gian thời gian và với tri thức hầu như không có về thế giới siêu nhiên, thần linh thì làm sao con người có thể hiểu được Đức Chúa Trời.

Theo chuyện cổ Việt Nam, Trời có trước tiên, quyền phép vô song, tạo dựng muôn vật. Trời có con mắt nhìn thấy tất cả nên biết mọi sự, nhờ vậy mà Trời thưởng phạt công minh. Mọi việc dưới Trời đều do Trời định.

Trời là Ngọc Hoàng Thượng Đế có vợ là bà Tây Vương Mẫu ở núi Côn Lôn là thế giới của các nàng tiên. Ông bà thường cãi vã, và những cơn mưa tầm tã là do nước mắt bà Trời. Mỗi lần Trời giận loài người thì giáng thiên tai.

Tất cả chuyện cổ mô tả về Đức Chúa Trời của mọi dân tộc trên thế giới đều mang tính chất giả tưởng, nhưng đủ nói lên khát vọng của con người muốn tìm biết về Đức Chúa Trời, Đấng Sinh Thành, mong sự quản trị của Ngài trên xã hội loài người đem an bình cùng trật tự cho con người.

Đức Chúa Trời muốn nhân loại hiểu biết về Ngài một cách chính xác và hành xử theo ý Ngài. Nhưng con người muốn bằng Đức Chúa Trời, như Đức Chúa Trời hơn là muốn hiểu biết Ngài.

Khi Sa-tan cám rỗ tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va, nó đưa ra tiêu chuẩn tối thượng là con người sẽ “sẽ như Đức Chúa Trời” (Sáng-thế ký 3:5). Một vài người Việt mình ưa “làm Trời”, đó là các ông lãnh đạo miền Bắc Việt ngày xưa xấc láo ngu si phát ngôn có tính cách “nâng tinh thần” nông dân đang chịu đựng hạn hán bằng hai câu thơ :

Thằng Trời đứng lại một bên        Để cho nông hội đứng lên làm Trời

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chúng ta phải hiểu biết Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán : “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 46:10). Lời Chúa còn dạy chúng ta : “Hãy phục Đức Chúa Trời.. Hãy đến gần Đức Chúa Trời.. Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa..” (Gia-cơ 4:7-10). Như vậy chúng ta phải hiểu biết Đức Chúa Trời ngày càng hơn. Vua Đa-vít truyền ngôi cho Sô-lô-môn và đã dạy Sô-lô-môn điều quan trọng nhất trong cuộc đời : “Còn ngươi, là Sa-lô-môn, con trai ta, hãy nhận biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phục sự Ngài; vì Đức Giê-hô-va dò xét tấm lòng, và phân biệt các ý tưởng. Nếu con tìm kiếm Ngài, Ngài sẽ cho con gặp; nhưng nếu con lìa bỏ Ngài, ắt Ngài sẽ từ bỏ con đời đời” (I Sử-ký 28:9).

Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài” (Thi-thiên 100:3). Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người : “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta (Sáng-thế ký 1:26).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta học biết Đức Chúa Trời nhiều chừng nào, chúng ta sẽ hiểu biết về Ngài nhiều chừng đó. Những điều có nơi Đức Chúa Trời đều ảnh hưởng đến chúng ta vì chúng ta là ảnh tượng của Ngài dầu đã bị tội lỗi làm hư hỏng. Sự hiểu biết của con người dẫu cao rộng bao nhiêu đi nữa, nó vẫn nằm trong sự toàn tri của Đức Chúa Trời. Sự toàn năng của Đức Chúa Trời có trong tính bá chủ của loài người.

Xưa kia Gióp ước ao : “Ôi! Chớ chi tôi biết nơi nào tìm được Chúa, Hầu cho đi đến trước tòa của Ngài” (Gióp 23:3). Nhưng ngày nay, qua Kinh Thánh, chúng ta sẽ toại nguyện ngay khi chúng ta muốn tìm biết Đức Chúa Trời.

Trước hết, Lời Đức Chúa Trời phán trong Kinh Thánh : “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng” (Giê-rê-mi 29:13). Và : “Người đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Đó là điều cần để tìm gặp Đức Chúa Trời.

Kế đến qua Đức Chúa Jêsus Christ, như lời Ngài phán : “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6), chúng ta chỉ có thể tìm gặp Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jêsus tức là qua đức tin.

Tiếp theo, Chúa Thánh Linh trong lòng con cái Chúa chúng ta giúp chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời là Cha : “Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: A-ba! Cha” (Ga-la-ti 4:6).

Cuối cùng, chúng ta biết Đức Chúa Trời qua Lời Ngài trong cả Kinh Thánh và qua Chúa Jêsus là “Lời Đức Chúa Trời” (Khải-huyền 19:13).