MÀU CỦA CON TIM

   

Vào năm 23 tuổi, thầy đến trường Kinh Thánh Đà Nẵng lần thứ nhất để học khóa trọn thời gian trong 8 tháng. Sau khi tốt nghiệp, được gọi là Truyền Đạo, thầy được bổ nhiệm đến tập sự tại Hội Thánh Ô Môn vào năm 24 tuổi, và tại nơi đây, thầy phục vụ Chúa trọn 2 năm. Thông thường thì người mới học một khóa đầu tiên không được bổ nhiệm ngay, nhưng vì tình trạng thiếu người hầu việc Chúa trên toàn quốc khá trầm trọng nên cùng với một số bạn học, thầy ra đi để phục vụ. Sau 2 năm tập sự, thầy trở lại trường Kinh Thánh để hoàn tất chương trình học, vì tình hình thế giới càng lúc càng khó khăn, nhà trường muốn giữ các học sinh ở lại học trọn khóa, e rằng không còn cơ hội.

Khóa học năm tốt nghiệp bắt đầu vào năm 1941-1942 và thầy cần phải ra đi sau khi phải giải quyết hai khó khăn quan trọng là học bổng và gia đình. Đầu năm 1942 chiến tranh Nhật – Mỹ bùng nổ nên học bổng dành cho học sinh nghèo không còn, nhà trường cho phép học sinh viết thư cho gia đình, bạn bè xin giúp đỡ và nhờ đó, thầy có đủ tiền để đóng học phí và cơm nước cho trường Kinh Thánh, kể cả lệ phí xe lúc đi và lúc về. Vấn đề còn lại là gia đình. Luật bất thành văn của trường Kinh Thánh là vào năm tốt nghiệp, nhà trường muốn người phối ngẫu của các thầy học năm cuối cũng phải đến trường, học ít nhất là một năm trước khi bước ra hầu việc Chúa chính thức với chồng.

Năm ấy, vợ chồng thầy có tất cả là 4 con, ba trai và một gái. Hai trai lớn là anh em sanh đôi, vừa tròn sáu tuổi. Cô con gái đẹp mỹ miều, hiền lành, ngoan ngoãn vừa tròn bốn tuổi. Một bé trai chỉ mới một tuổi, mẹ nó còn ẵm trên tay. Tất cả bốn con đều khắng khít bên mẹ, cha bận việc nhà thờ và việc học, chỉ còn nương nơi mẹ thôi. Cả bốn đứa chúng nó đều gầy như những chiếc đũa nhưng tiếng cười ngây thơ, giòn tan không hề thiếu trong gia đình. Người mẹ già của thầy được gởi cho một gia đình tín hữu giàu có, trong Hội Thánh của Ngài ở khắp mọi nơi, Đức Chúa Trời luôn luôn dự bị những người giàu với đầy lòng nhân đạo, thương yêu và giúp đỡ người nghèo. Nhưng ba đứa trẻ là một nan đề, vì trường Kinh Thánh chỉ cho phép mang một con theo mà thôi. Thầy phải giải quyết chuyện gởi cho ai, và ai là người muốn nhận nuôi một lúc ba đứa trẻ. Trong lúc không ngờ, một cặp vợ chồng Truyền Đạo tại một Hội Thánh xa xôi, biết được nan đề của vợ chồng thầy, họ ngỏ lời muốn nhận nuôi ba đứa trẻ trong 8 tháng, vì vợ chồng họ không con, thèm con nít lắm. Trong số tiền giúp đỡ gia đình thầy trong niên học cuối cùng cũng có một phần được dành cho việc trợ giúp người nhận nuôi ba đứa trẻ. Việc dàn xếp đã xong, ngày ra đi đã tới.

Cả gia đình thầy dọn về ở chung với đôi vợ chồng Truyền Đạo không con để ba đứa trẻ làm quen với ông bà. Họ chỉ ở chung nhau có ba ngày. Rạng sáng ngày ra đi, thầy cô dậy thật sớm, lúc hai giờ sáng, lúc trời còn tối mịt. Hai vợ chồng chỉ xách theo một chiếc bị nhỏ trong đó có một ít quần áo và cô bế đứa nhỏ nhất trên tay. Hai vợ chồng chuẩn bị trong yên lặng, không dám gây một tiếng động nào, sợ các con thức giấc. Nhưng trước khi bước ra khỏi nhà, vợ chồng thầy đến nhìn ba con lần cuối. Chúng nó nằm trên một bộ ván nhỏ, ngủ say như chết, giấc ngủ hồn nhiên của ba tâm hồn trẻ thơ trong trắng. Trong nhà tối lắm, không có lấy một ngọn đèn nên thầy cô không thấy mặt ba con, chỉ nghe tiếng thở đều, nhẹ nhàng của anh em chúng nó. Thầy thấy vợ mình giơ tay lên mặt, chùi nước mắt. Rồi hai vợ chồng bước ra khỏi nhà, cùng đi bộ đến bến xe đò cách đó không xa lắm. Từ đây đi xe đò về Sàigòn cũng mất cả ngày. Rồi từ Sàigòn phải đón xe đi đến một tỉnh miền trung, nơi có xe lửa đưa thầy cô đến Đà Nẵng. Mỗi một bước đi đưa thầy xa dần căn nhà nơi có ba con đang ngủ. Thầy không giơ tay chùi nước mắt vì nước mắt chỉ rơi trong lòng, nhưng mỗi bước đi là lời kêu xin các con tha thứ cho ba, vì ba đã xem việc học của ba và việc Chúa hơn các con. Thầy không dám nghĩ đến sáng mai, khi các con thức dậy, không thấy cha mẹ, sẽ chạy tìm, sẽ khóc la thảm thiết, sẽ không hiểu vì sao ba mẹ bỏ đi không một lời giải thích, không một lời từ giã. Các con sẽ không hiểu vì sao cha mẹ lại có thể bỏ con. Nỗi đau đớn và khoảng trống trong tâm hồn của các con trong giây phút ấy không có gì khỏa lấp được. Phải cần bao lâu để các con có thể quen với việc không nhìn thấy ba mẹ, không có ba mẹ bên cạnh, không biết ba mẹ đi đâu và ở đâu, điều này chỉ có Chúa biết và thầy cầu xin Chúa cho các con sớm quên và sớm quen với hoàn cảnh mới. Đức Chúa Trời của thầy làm được mọi phép lạ, thầy đã kinh nghiệm được. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh trong đêm tối. Cả hai vợ chồng không dám quay nhìn về hướng căn nhà nơi ba con đang ngủ. Cả hai cố gắng nhìn thẳng trước mặt dù trước mắt chỉ là bóng đêm đen.

Sau tám tháng học tại trường Kinh Thánh Đà Nẵng, thầy cô trở về. Ba đứa trẻ đã được ông bà Truyền Đạo không con nuôi nấng thật đầy đủ, hồng hào tốt tươi, lại còn được dạy dỗ thật chu đáo, cẩn thận. Ngày đoàn tụ mang đầy tiếng cười, đầy nỗi vui. Thầy cô tạ ơn Chúa không ngớt lời vì sự chăm sóc của Ngài, nhưng mãi đến nay, vẫn chưa làm sao đáp lại được tấm lòng nhân từ, giúp đỡ của hai vị ân nhân đặc biệt trong đời.

Giòng đời như những nhánh sông của miền Nam đưa gia đình thầy cô đến nhiều nơi trên quê hương nghèo đầy khói lửa. Thế chiến thứ hai chấm dứt vào tháng 4.1945, ai nấy đều thở phào nhẹ nhỏm. Không ngờ, đến tháng 8, Việt Minh lên nắm chính quyền và những cuộc tranh chiến đẫm máu giữa Pháp và Việt Minh gây cho không biết bao nhiêu thường dân vô tội bị chết oan. Với chức vụ Mục sư, ngoài việc thăm viếng, giảng dạy, Mục sư còn phải liên hệ rất nhiều với chính quyền Pháp để xin cho những con dân Chúa bị bắt oan. Giữa lằn tên mũi đạn, nhiều gia đình tín đồ phải bỏ chạy, hoặc di tản nhiều nơi khác nhau. Có rất nhiều người đến xin tạm trú ở nhà thờ và Mục sư phải trình với chính quyền để xin giấy tờ tạm trú hợp lệ cho họ. Căn nhà thờ bé nhỏ trở nên quá đông người, ồn ào, náo nhiệt, thiếu vệ sinh khiến Mục sư ăn ngủ không yên, sức thì có hạn mà việc quá nhiều. Nên một ngày kia, Mục sư thấy mình khạc ra máu. Dù vậy, Mục sư vẫn cố gắng làm việc. Cho đến khi không còn có thể cố gắng được nữa, Mục sư lên Sài gòn nhờ bác sĩ chiếu điện và được biết phổi bị lng lỗ lớn, phải nghỉ ngay mọi việc và dưỡng sức trong hai năm. Mục sư ngậm ngùi hiểu rằng bệnh phổi là bệnh của nhà giàu, chỉ ăn, ngủ, không làm việc cho đến khi phục hồi, còn mình là Mục sư nghèo, bây giờ phải giải quyết làm sao. Mục sư đành xin tạm nghỉ việc và gia đình phải rời khỏi tư thất của Hội Thánh.

Căn nhà ấy rất lớn, nằm giữa một đám ruộng rất lớn, thuộc một gia đình tín hữu giàu có ở Bến Tre, trở thành nơi cư trú tạm thời cho gia đình Mục sư gồm có 11 người, hai vợ chồng Mục sư với 7 con, thêm một mẹ già và cô em chồng bị bệnh tâm trí bất thường. Căn nhà lớn này lại quá cũ kỹ, sập sệ, đã bỏ hoang lâu năm nên dột nát, bốn phía không có vách, không có nhà vệ sinh nên mùi hôi thối cả gia đình phải chịu đêm ngày. Trong lúc đau phổi nhưng Mục sư vẫn phải cố gắng sửa chữa đôi chút, che mái cho bớt dột vì mùa mưa sắp đến.

Khi không còn chịu đựng được nữa, Mục sư lên Sài gòn nằm bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị. Mỗi buổi chiều, Mục sư ra đứng trước bao lơn của bệnh viện, hướng về cổng, chờ xem có ai đến thăm không và cũng để ngóng về quê, nơi có mẹ già, vợ con nheo nhóc không có một đồng dính túi.

Căn nhà ở miễn phí, nhưng đồng tiền thì phải tự kiếm, vì Mục sư bị bệnh, không làm việc được, nên Hội Thánh mời vị quản nhiệm khác. Hai con lớn của Mục sư đi cạy dừa khô, lấy được chút tiền đem về cho mẹ đi chợ, Rau không ai trồng nhưng mọc đầy ở ven sông và đó là thức ăn miễn phí cho gia đình, vì bà Mục sư rất ít khi nào đi chợ. Trước nhà là con sông lớn, thỉnh thoảng có xác người chết trôi tấp vào, bà Mục sư và con trai lớn nhất trong nhà phải lấy cây sào đẩy cho xác trôi đi. Đó là những người bị Việt Minh giết thả trôi sông.

Trong căn nhà rộng lớn nhưng đổ nát, hoang tàn, bà Mục sư phải đối diện với một khó khăn mới. Ngoài việc không tiền lương hàng tháng vì chồng đang nằm bệnh ở Sàigòn, bà phải lo cho mẹ chồng, cô em chồng mắc tâm bệnh và 6 con nhỏ. Bà Mục sư không biết mỗi chiều chồng ra bao lơn của bệnh viện ngóng về quê nhà. Bà chỉ biết trong những đêm dài ngồi trông con bệnh, bà nhớ đến những lời nhạc thánh chồng mình thường hướng dẫn hội chúng hát để giúp con chiên Chúa trong hoàn cảnh khó khăn và không ngờ bài hát giờ đây áp dụng cho chính mình:

      Giờ bạn gặp gian truân chớ hoang mang. Nhờ Chúa lo liệu chu toàn....

     Chúa sẽ luôn luôn lo toan, Ngài luôn chu cấp thích đáng. Chúa sẽ lo sẵn từng giây...

Hai con trai sanh đôi bị sốt rét nằm liệt giường. Cô con gái đẹp mỹ miều đau ban trắng. Cô con gái thứ sáu, người được xem là đẹp nhất nhà, bị bệnh đậu mùa. Đây là bệnh hay lây mà nhà thì không có phòng, vách ngăn chi cả. Bà Mục sư phải dùng một tấm vải che tạm chung quanh cái giường nhỏ con đang nằm. Hai con nhỏ nhất phải nhờ bà mẹ chồng và cô em phụ trông coi. “Chúa sẽ luôn luôn lo toan, trong mỗi năm ngày, qua cả đời này...” lời thánh ca chỉ âm thầm trong tâm vì bà Mục sư không còn sức để hát nữa. Trẻ con có những linh tính ngoài sự suy tưởng của người lớn. Không hiểu sao cô bé gái đẹp nhất nhà hiểu rằng bé sắp chết và đã nói với mẹ: “Con sắp chết. Con rất buồn vì không có ba ở đây với con.” Trong nước mắt, bà Mục sư nhờ người đang có dịp lên Sài gòn gởi lời trối của bé cho cha.

Mục sư  xin phép bệnh viện được về quê thăm con lần cuối. Họ không bằng lòng và còn giận dữ. Mục sư phải hứa sẽ đi và về trong vòng một ngày, nếu không, bệnh viện không muốn nhận một bệnh nhân không tuân lời bệnh viện. Đường Sài gòn - Bến tre bao xa, mỗi bước chân đi và mỗi bước chân trở lại Sài gòn mang theo những đau đớn âm thầm của người đặt định mệnh đời mình trong tay Chúa. Hai cha con gặp nhau chỉ vài giờ đồng hồ. Em bé gái sắp chết nhìn cha trong sung sướng: “Ba, ba về thăm con hả ba?” Đường trở về Sài gòn trở thành con đường thiên thu trong vạn nỗi sầu. Mục sư nhớ đến tác giả Thi Thiên 42:7 “Vực gọi vực theo tiếng ào ào của thác nước Chúa, các lượn sóng và nước lớn của Chúa đã ngập tôi” và không hiểu trong hoàn cảnh nào mà tác gỉả lại mang tâm trạng này, có phải giống như hoàn cảnh gia đình Mục sư hôm nay không.

Trở về bệnh viện Chợ Rẫy, Mục sư không biết rằng cô bé đẹp nhất nhà qua đời vào ngày thứ năm kế đó. Mục sư không biết rằng gia đình không có tiền mua quan tài, nhưng nhờ một Mục sư gần đó cho vài miếng ván, anh em tín hữu giúp bà Mục sư đóng một chiếc hòm thật đơn sơ, thật bé nhỏ, chỉ vừa cho một em bé. Nhưng lại có trục trặc xảy ra. Miếng ván hơi ngắn nên khi để bé vào thì không lọt. Mọi người đứng sững sờ, không biết phải làm sao và cũng không dám có ý kiến gì với bà Mục sư cả. Người mẹ bé nhỏ, gầy trơ xương phải vừa khóc vừa xin con tha lỗi cho má, vừa dùng hai tay nhấn bé vào quan tài. Mục sư không biết những chi tiết của buổi an táng và sau đó cũng không ai cho Mục sư biết.

Tại sao trong giờ gian truân thời gian không qua mau mà lại kéo dài như vô tận? Những đêm ngồi bên cạnh con khi con bệnh là những đêm dài ghê rợn, những đêm không tàn, trời không chịu sáng dù người mẹ mòn mỏi trông chờ. Nhưng khi đêm vừa qua, ngày đến rồi thì ánh sáng của ban ngày soi rõ gương mặt sắp chết của con, sự bất lực của người mẹ trong sự cung cấp thuốc men, sự cố gắng chịu đựng như đang cạn dần và sự tuyệt vọng tăng dần theo với ngày qua.

Chôn cất bé gái xong thì đến người con trai út trong gia đình, vì lây bệnh của chị, đã đến lúc trầm trọng. Lần này, bà Mục sư không có thì giờ để nhờ ai nhắn tin cho chồng, bởi em bé gái qua đời ngày thứ năm thì thứ ba sau đó, người con trai út qua đời. Cũng vị Mục sư quản nhiệm, cũng những anh em cùng niềm tin đứng ra giúp đỡ cho tang lễ, cũng vài miếng ván để đóng hòm, nhưng lần này, rút kinh nghiệm của lần trước, miếng ván to hơn, dài hơn những miếng ván trước. Số ít người tham dự tang lễ không nói được một lời nào để an ủi người mẹ và họ cũng không biết phải nói sao. Không biết bao nhiêu ngày sau tang lễ thứ nhì Mục sư mới nhận được hung tin, nhưng khi nhận được tin thì mọi sự đã xong rồi. Người ta vẫn nói rằng một gánh nặng mà hai người khiêng thì sẽ không còn là gánh nặng nữa, vợ chồng cùng chia nhau hạt muối, hạt đường, vui buồn có nhau thì tình yêu và hạnh phúc gia đình được mặn nồng hơn. Nhưng trong những tuần lễ đặc biệt, trong những giờ gian truân có một không hai, đôi vợ chồng này ở cách nhau, Sài gòn - Bến tre, không điện thọai, không nhắn tin kịp...nên giờ gian truân chồng không giúp vợ, cha không giúp con, chỉ “nhờ Chúa lo liệu chu toàn.”

Sau khi đã tự tay chôn cất hai con rồi, bà Mục sư không có thì giờ để ngồi than thân trách phận vì việc nhà rất nhiều, còn 5 con phải chăm sóc, thêm mẹ chồng và em chồng nữa. Trong đời sống bận rộn, bà Mục sư không có dịp để suy nghĩ tại sao mình phải gặp gian truân. Bà không cần phải tâm sự với ai vì chuyện buồn của gia đình bà diễn ra trước mắt hội chúng, bà chỉ cần một lời giải thích tại sao. Nhưng lời giải thích đến nay vẫn chưa đến. Hằng trăm câu hỏi “tại sao” tiếp tục theo bà trong con đường chức vụ, những câu hỏi tại sao không có câu trả lời. Theo với giòng đời, theo với những năm chức vụ, bà Mục sư dần dần thấy rằng qua những kinh nghiệm của chính mình, bà đã hiểu cho những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người đối diện với cảnh không miếng cơm, không manh áo, những người không biết ngày mai sẽ ra sao. Bà thương những người ấy, thông cảm cho những người ấy và sẵn sàng giúp đỡ những người ấy bằng bất cứ cách nào bà có thể giúp được. Những người đi trên đường đau thương hiểu cho người cùng hoàn cảnh. Dù chỉ theo chồng học 8 tháng tại trường Kinh Thánh, trên tay lại bế con thơ nên việc học gặp nhiều khó khăn, nhưng bà Mục sư hiểu rằng một trong những lý do Cứu Chúa của bà đã xuống thế làm người là để hiểu trọn vẹn cuộc sống của một người trong thân thể và hoàn cảnh giới hạn, đã trải qua mọi con đường đau thương để thương cảm cho đàn chiên của Ngài.

Bệnh tình của Mục sư không thuyên giảm chút nào, các bác sĩ khuyên Mục sư nên chịu thử phương pháp chót là bơm phổi, có thể trở về với gia đình, chỉ mỗi hai tuần lên Sài gòn bơm phổi một lần . Mục sư đồng ý với phương pháp này nhưng sau khi đi bơm phổi vài lần, vừa quá tốn kém, vừa mệt mỏi, Mục sư quyết định ngưng. Nhiều người tin rằng đang khi trị bệnh phổi mà ngưng bất ngờ, chắc gia đình Mục sư sắp có tang lễ thứ ba. Nhưng Chúa có chương trình khác cho gia đình Mục sư. Đấng giàu lòng thương xót “không bẻ cây sậy đã giập, không tắt ngọn đèn gần tàn.”

Trở về với gia đình lần này, cảnh cũ vẫn còn đó, vẫn căn nhà thật rộng lớn nhưng hoang tàn, đổ nát, gia đình mất đi hai miệng ăn, vẫn không việc làm, không tiền trong túi. Mục sư đã hướng dẫn con chiên của Chúa biết nhờ cậy “Chúa sẽ lo toan” trong những giờ phút gian truân của cuộc đời. Hôm nay, Mục sư và gia đình sống trong bài học “Chúa sẽ lo toan” trước mắt hội chúng. Lần trở lại với gia đình, với chức vụ, Mục sư được Chúa thăm viếng qua một lời nhắc nhở đặc biệt: “Hỡi gió bắc, hãy nổi dậy, hỡi gió nam, hãy thổi đến. Hãy thổi trong vườn tôi, hầu cho các mùi thơm nó bay ra. Nguyện lương nhân tôi vào trong vườn người, và ăn các trái ngon ngọt của người.”

Trong những giờ quặn thắt con tim, trong những giọt nước mắt âm thầm, trong những đêm dài ghê rợn, trong những lúc không hiểu tại sao, nguyện Chúa của chúng con vào trong tâm hồn chúng con và giúp chúng con tỏa hương thơm của những cuộc đời đã nhận biết Ngài.

Đoàn thu Cúc