HAI MÀU ÁO

black and white 

 

 

1. Nếu phải tìm một người mà điểm gì cũng tốt, ta không cần phải tìm lâu lắm đâu, và người ấy cũng không xa ta lắm đâu. Người ấy ở ngay trên đất Úc, tại thành phố Sydney, làm việc tại một vùng lừng danh của Sydney được gọi là Kings Cross, thủ đô của tội lỗi,  của cần sa ma túy và của những người gái giang hồ.

Từ khi còn bé, cô đã là một em bé gương mẫu, một học sinh giỏi và ngoan  hiền, vâng lời cha mẹ, chỉ biết đi học rồi về nhà, chăm chỉ học hành, không ham chơi, không ham computer games, chỉ biết sách đèn. Xuất thân từ một gia đình khá giả, cha mẹ cô bé là đôi vợ chồng hạnh phúc, trí thức, chỉ sanh một con, là người con gái gương mẫu, yêu dấu của gia đình và cô bé đã lớn lên, theo đúng gương, đúng hình ảnh, đúng con đường của cha mẹ. Trong gia đình ấm êm, hạnh phúc chan hòa, trong một nền giáo dục dạy con biết ngăn nắp, kỷ luật, biết đúng biết sai, biết phải biết quấy, biết điều gì tốt và điều gì không tốt, biết lựa chọn khôn ngoan, biết người biết ta, con đường như đã dọn sẵn cho cô để đi đến thành công mỹ mãn. Người ta có thể thành công về tiền bạc, học vấn nhưng chưa chắc thành công về phương diện nghề nghiệp và đạo đức. Nhưng nơi cô, Đức Chúa Trời của cô đã đặt trong tâm cô lòng yêu người nghèo khổ, thất thế, yêu những người đứng vào hạng chót trong nấc thang của xã hội.

Năm nào cô bé cũng đứng nhất lớp, nên dĩ nhiên, sau kỳ thi tốt nghiệp trung học, cô ghi danh học y khoa một cách dễ dàng. Trong những năm dài đăng đẳng học y khoa, cô tin chắc rằng, sau khi tốt nghiệp, cô sẽ xin đi làm việc ở ngoại quốc, như Africa chẳng hạn. Hình ảnh những đứa trẻ ốm đói, bệnh hoạn, gương mặt thất thần, bụng sưng chướng lên vì thiếu ăn thỉnh thoảng cô thấy trên Tivi, khiến cô càng quyết tâm ăn học, mong rằng đến khi thành tài, cô chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để phục vụ thành phần khốn cùng của xã hội, không phải xã hội Úc nhưng là xã hội Africa.

 

2. Từ năm 14 tuổi, anh bắt đầu cuộc đời vào tù ra khám. Người Úc không gọi nơi giam anh là tù, họ gọi đó là những “trường huấn luyện” nhưng thật ra, đó là nơi giam giữ những thanh thiếu niên phạm pháp. Theo kinh nghiệm của anh, gọi nơi đây là “trường huấn luyện” cũng không sai, vì tại những nơi này, anh được dạy nghề để khi ra trường, có thể tự kiếm sống. Tại nơi đây, anh chọn nghề kỹ thuật làm vườn tạo phong cảnh, kỹ thuật tô điểm vẻ đẹp của một khu vườn, một công viên... Không biết từ đâu và vì sao anh lại chọn nghề này. Có thể trong những lúc họ giảm án tù cho anh, anh bị bắt buộc phải phục vụ không công cho cộng đồng tại những nơi trồng cây cảnh, có khi cây ăn trái, có khi chỉ cây và hoa mà thôi. Giữa những khu vườn cây cảnh ấy, anh tìm được một chút niềm vui và thì giờ trôi qua rất nhanh. Nếu trong cuộc đời anh không có nhiều nét đẹp, ít nhất, khi anh làm việc nơi đây, anh cũng thấy nhiều cảnh đẹp và cũng hãnh diện được góp một phần nào vào trong những cảnh đẹp ấy.

Anh ít khi nào nói đến gia đình, ít khi nào nhắc đến tuổi thơ. Người ta vẫn nói rằng tuổi thơ là tuổi thần tiên của cuộc đời, là tuổi quan trọng nhất của cuộc đời vì đó là những năm nền tảng, những gì được xây trên nền tảng của tuổi thơ sẽ còn mãi mãi trong lòng, trong trí. Đó là những năm có thể “make” hoặc “break” một con người. Và trong những năm ấy, anh chứng kiến cảnh đổ nát của gia đình. Cha mẹ anh ly dị sau những năm  mắng chưởi, đánh đập nhau. Anh muốn làm quen với những tiếng gào thét, những lời chưởi tục tỉu, cảnh bàn ghế bay và gãy đỗ nhưng vẫn không làm quen được. Mỗi lần cảnh ấy diễn ra, anh chạy núp trong xó nhà, trốn vào đó cho đến chiều tối. Sau cuộc ly dị của cha mẹ, anh sống với mẹ và mẹ lập gia đình khác, với một người đàn ông độc đáo, thích cả nam lẫn nữ, và thích cả trẻ con. Và việc gì đến phải đến. Nhiều đêm, nhiều lần,  anh phải chịu cảnh dập dùi trong tay người ấy. Sau nhiều năm chịu đựng, cuối cùng, anh nói với mẹ. Không những mẹ không tin còn mắng chưởi anh thậm tệ. Khi đã lớn lên anh mới hiểu rằng có những người lớn không đủ sức để đối diện và đối phó với sự thật nên đã trốn chạy sự thật bằng phương cách dễ nhất: chối bỏ sự thật.

Trong đau thương uất hận không nói ra lời, anh đã phản ứng theo cách giải quyết của một thiếu niên không được hướng dẫn và dạy dỗ đúng cách. Anh trốn học, lang thang ngoài đường, trộm cắp, đánh nhau với những thiếu niên khác, băng đảng để có bạn và cũng để có người bảo vệ mình. Bị bắt, bị đưa ra tòa án dành cho thiếu niên, anh bị gia đình chưởi rủa và từ bỏ, xem anh là của nợ đời, không nhìn nhận anh nữa vì sợ mất mặt. Ngày ở trong tù, không ai đi thăm, đến ngày được ra tù, gia đình không nhận nên anh được chánh phủ thu xếp cho sống tại những nhà dành cho tập thể, gọi là “boarding house.” Nên trong những lúc tạm trú tại “trường huấn luyện” và “boarding house” của chính phủ, anh được học nghề và học thêm những điều mới lạ  anh chưa bao giờ biết đến từ nơi những người bạn trẻ đồng tù, như cách đánh nhau, cách tránh cảnh sát, cách mở khoá xe, cách kiếm tiền, cách giấu tiền, cách kết bạn, cách đối xử với bậc đàn anh...

Khoảng cuối năm 1979- 1980 ma túy tràn ngập Sydney, nhất là vùng Kings Cross. Anh được bạn bè giới thiệu với dược phẩm này, được gọi là thần dược, liều thuốc an thần cho những người muốn tìm quên những đau khổ trong đời. Họ đã giới thiệu đúng người. Chỉ tiếc rằng họ không cho anh biết hậu quả của việc dùng “thần dược”. Anh bắt đầu dùng heroin vào năm 1981 khi anh được 25 tuổi, tức là đã vào tuổi trưởng thành.

 

3. Sáu năm dài đại học đã xong, cô bắt đầu được gởi đi thực tập tại nhiều bệnh viện tại Sydney. Sau khi xong phần thực tập , cô nhận được việc làm toàn thời gian tại Kirketon Road Centre, vùng Kings Cross vào năm 1998. Đây là trung tâm y tế rất đặc biệt của chính phủ, được thành lập vào năm 1987, chuyên trị và chăm sóc sức khỏe cho những người nghiện ma túy và những người sống bằng nghề mua bán thân xác của chính mình. Nhiều năm trước, người sống bằng nghề này được gọi là gái giang hồ, nhưng ngày nay, xã hội có cả những người nam lẫn nữ hành nghề này.

Cô bước vào làm việc tại trung tâm đặc biệt này khi còn rất trẻ. Là một người chỉ biết đường thẳng mà đi, không nhìn bên phải hay bên trái, cô phải mất một thời gian để có thể hiểu được vì sao có những người lại chọn con đường này. Mỗi người phản ứng với đau khổ khác nhau, nhưng có rất nhiều trường hợp cô không hiểu được vì sao đã khổ rồi, họ lại còn phản ứng cho thêm đau khổ. Cô phải tập làm quen với ngôn ngữ của họ, những người mở đầu và kết thúc câu nói bằng chữ “f”. Thế giới đặc biệt này có những tiếng “lóng” đặc biệt và cô thấy rằng không gì hơn là thú nhận với họ mình không hiểu họ nói gì, cô sẽ được  lời giải thích. Ngay tại y viện, cô nhận được một trong những bài học đầu tiên đã nhận trong cuộc đời, là nếu mình đối xử với người bằng tình thương và lòng kính trọng, mình cũng sẽ nhận được tình thương và kính trọng. Điều này thật ra không có gì mới, chính Chúa đã dạy rằng “Điều chi con muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ.”

Nên cô đã đối xử với những bệnh nhân của mình bằng tình thương và lòng kính trọng. Có thể cô sẽ không bao giờ hiểu vì sao họ lại bước vào con đường họ đã chọn, nhưng công việc của cô là làm bớt đi nỗi đau của thể xác, còn nỗi đau tâm hồn, họ cần những nhân viên khác giúp đỡ. Y dược giúp họ  vượt qua những bệnh đang có và ngăn ngừa bệnh trong tương lai, nhưng khi nhìn thấy những điều họ đã làm trên cơ thể chính họ trong lúc đau buồn và nhục nhã, những lằn rạch, những vết đâm vào những nơi kín trong cơ thể, chỉ bác sĩ khám nghiệm mới thấy được, cô hiểu với những nỗi đau của tâm hồn, thế giới y học phải bó tay, chỉ tình thương của Đấng Chí Cao mới đủ sức mạnh để thu hút và đem con người về với thế giới bình an, hạnh phúc.

 

4. Khi anh đã vào đường cùng, khi anh phải dùng ma túy ngày ba lần, khi anh vào tù ra khám liên tục vì phải làm bất cứ cách gì để có tiền mua đủ ma túy cho một ngày, vài người bạn giới thiệu anh đến nơi đây. Anh không cần phải hẹn trước, anh không cần phải trình Medicare card, anh chỉ cần trình bày nan đề và anh được nhận ngay lập tức. Mục đích của y viện là giúp anh ra khỏi con đường vào tù ra khám và không phải nô lệ ma túy nữa. Nên vào năm 2006 anh đến ghi tên vào danh sách bệnh nhân cần giúp đỡ hàng ngày. Thoạt đầu anh rất miễn cưỡng, nhưng vì không còn cách nào hơn nên anh đành chấp nhận. Anh đã nghĩ rằng chánh phủ dùng y viện để nắm danh sách những người dùng ma túy tại Sydney, anh sẽ bị kiểm soát và thống trị theo cách nào đó của chánh phủ. Nhưng không, chánh phủ thật sự muốn giúp những người đã lỡ bước sa chân vào con đường ma túy và bây giờ muốn thoát.

Sau hai mươi lăm năm sống đời nô lệ ma túy, anh được giới thiệu với “methadone” để giúp cơ thể anh không đau, không bị hành hại vì thiếu ma túy, nhưng không mang lại cảm giác “high” như tiêu diêu nơi một thế giới nào khác do ma túy mang đến. Methadone trở thành người bạn đồng hành mỗi ngày. Người bạn này nhẹ nhàng hơn ma túy và anh không phải bỏ tiền mua. Anh nhận việc làm chăm sóc công viên cho một hội đồng thành phố, công việc trọn thời gian, ngày 8 tiếng và các bạn làm việc chung không hề biết anh phải dùng methadone ngày 3 lần. Anh vươn lên để sống, dần dần kiểm soát và phục hồi lại con người đã mất năm nào vì ma túy.

 

5. Trở thành giám đốc của y viện đặc biệt này vào năm 2008, trách nhiệm cô trở nên lớn hơn và nặng nề hơn. Số bệnh nhân đến hàng năm càng lúc càng đông, đủ mọi lứa tuổi, thành phần khác nhau, nhưng nói chung chỉ một nhu cầu: họ muốn thoát khỏi bàn tay bạo tàn của ma túy. Công việc của y viện là liên hệ chặt chẽ với bệnh nhân và giúp họ được an toàn. Nếu các bệnh nhân của cô còn sống và tiếp tục trở lại để được giúp đỡ, cô đã hoàn tất được trách nhiệm.

Mối liên hệ giữa cô và bệnh nhân được xây dựng trên sự thương xót và lòng kính trọng. Cô nhớ tên rất nhiều bệnh nhân của y viện và gọi họ bằng tên, nên nhiều bệnh nhân thương mến cô cách đặc biệt. Dù vậy, cô biết rằng luôn luôn có một khoảng cách, những đường biên giới vô hình giữa bác sĩ và bệnh nhân và đôi bên phải tự hiểu.

Anh gợi sự chú ý của cô vì anh trầm lặng. Anh không nói lớn tiếng, la lối ồn ào, chưởi thề  liên tục như nhiều người khác. Cách ăn mặc chững chạc, dáng người cao với đôi mắt kính đen che khuất đôi mắt xanh biếc màu nước biển, anh hoà đồng được với quần chúng bên ngoài y viện nên không ai ngờ họ đang gặp một người nghiện ma túy. Anh đến, nhận sự trị liệu và ra về ngay. Lần đầu tiên cô đến nói “hello” và gọi đúng tên anh, cô thấy rõ sự ngạc nhiên của anh. Giám đốc y viện đến chào bệnh nhân và gọi đúng tên à? Cô giám đốc không dừng lại ở chỗ chỉ chào hỏi nhưng đã đứng lại trò chuyện với anh, những lần nói chuyện khá lâu để tìm hiểu. Anh biết rằng trong vai trò chăm sóc, cô đã xem hồ sơ anh và hiểu những điều anh đã trải qua trong cuộc đời và đang giúp đỡ. Anh hiểu rằng mình là một bệnh nhân kỳ cựu, đã đến với y viện 2669 lần, hiểu cách hoạt động của y viện và những nổ lực của họ để cứu giúp bệnh nhân. Ngày ba lần, anh đến sắp hàng chờ đến phiên nhận methadone.

Cho đến khi thuốc “buprenorphine” ra đời. Y viện hiểu rằng “buprenorphine” mang lại một cuộc cách mạng, bệnh nhân không cần phải dùng thuốc ba lần một ngày như methadone, chỉ cần một mũi thuốc buprenorphine cho 30 ngày. Bệnh nhân nhận được sự tự do họ chưa bao giờ có được từ ngày vướng vào ma túy. Nhưng thuốc mới thì bao giờ cũng phải có người tình nguyện thử lúc đầu. Anh được gợi ý và sau nhiều ngày suy nghĩ, anh quyết định bước vào cuộc cách mạng này. Anh muốn thoát khỏi cảnh ngày sắp hàng ba lần. Anh muốn tìm lại sự tự do mình đã mất.

 

6. Trong căn phòng lớn với ánh đèn điện sáng choang, họ ngồi đối diện nhau, đôi mắt anh phải chịu đựng bốn mươi đôi mắt đang chăm chăm nhìn mình. Anh đã suy nghĩ nhiều, đắn đo nhiều, thở dài nhiều, ngần ngại nhiều, nhưng sau cùng, anh nhận lời. Đây là buổi huấn luyện nhân viên của trung tâm, cô giám đốc y viện xin anh giúp họ trong phần huấn luyện này bằng cách trình bày cho họ vì sao anh bước vào con đường của ma túy, điều gì khiến anh đến nơi đây để xin giúp đỡ và xin anh nói rõ sự khác nhau của methadone và buprenorphine trên cơ thể  anh, vì chỉ những bệnh nhân có kinh nghiệm dùng cả hai loại này mới biết được sự khác biệt. Nhân viên y tế  muốn lắng nghe để có thể dùng kiến thức này giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân khác.  

Những năm của tuổi thơ được kể lại bằng giọng nói bình tỉnh của người kể chuyện theo chi tiết, theo dữ kiện, không thêm, không bớt và cũng không hòa trộn với những xúc cảm của tâm hồn. Rồi đến những năm vào tù ra khám, những năm lăn lộn với ma túy, tác động của ma túy trên thân thể và trong tâm hồn, những cảm giác “high” những lần anh tiêu diêu trong thế giới của ma túy và được quên đi những đau khổ trong đời, tiếc rằng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Rồi đến nhu cầu khẩn cấp muốn đạt lại những xúc cảm ấy, nên anh phải tiếp tục dùng, nhưng cảm giác “high” sung sướng như lạc vào thiên thai chỉ đến một lần đầu, anh chưa bao giờ trở lại với xúc cảm ấy, dù chỉ một lần. Vậy mà cơ thể anh cứ tiếp tục kêu gào để được trở lại với xúc cảm lần đầu. Nên anh đã bước vào con đường ma túy, những năm về sau chỉ để được cảm giác bình thường, không bị đau đớn, vật vả vì thiếu ma túy. Trở thành người nghiện từ năm nào anh cũng không nhớ rõ, nhưng bây giờ anh hiểu rằng mình không bỏ được. Anh đã trở thành người nô lệ, ghét người chủ tàn nhẫn, nhưng không thể thiếu chủ.

Methadone đã giúp anh trốn được người chủ ma túy, nhưng bây giờ anh lại phải chịu lệ thuộc methadone. Methadone không mang lại cảm giác “high” nhưng mang lại sự bảo vệ những xúc cảm đau đớn, cả cho thể xác lẫn tâm hồn. Và anh chịu ẩn mình dưới methadone trong rất nhiều năm, cho đến khi cô giám đốc y viện đề nghị anh thử loại thuốc mới để có thể thoát methadone và cảnh phải sắp hàng ngày ba lần. Câu hỏi anh tự đặt ra cho chính mình và cũng là câu hỏi vài nhân viên y tế đặt ra cho anh là anh có nghĩ một ngày kia anh sẽ hoàn toàn bỏ “drug” không? Họ được nhận ngay câu trả lời anh chẳng cần phải đắn đo suy nghĩ. Từ năm 25 tuổi cho đến nay vừa trên sáu mươi, anh sẽ bỏ “drug” không? Câu trả lời là không. Và anh nhận đó là thất bại của anh.

Buprenorphine là người chủ mới nhất, giải phóng anh khỏi vòng tay của ma túy nhưng mang lại những trở ngại khác. Cảm giác nhức đầu, mệt mõi, không muốn ăn, đau bụng, răng hư dần... là chuyện nhỏ. Cảm giác toàn thể da trên cơ thể như nức nẻ, như rướm máu cả đêm lẫn ngày khiến có những lúc anh muốn khóc. Anh muốn xin ai cho mượn một chiếc mền thần để phủ lên cơ thể đau đớn này, cho anh xin được sự bảo vệ nào đó, nhưng anh hiểu rằng không có mền thần nào cả. Bước vào thế giới của drugs, anh hiểu rằng drugs mang lại điều này thì sẽ lấy đi điều khác. Bây giờ anh phải tập chịu đựng để sống với buprenorphine cho đến hết cuộc đời.

Lời cuối cùng anh muốn nói với thế hệ trẻ hôm nay, dù đã rất muộn màng là: bạn ơi, đời có lắm khổ đau, nhưng xin bạn đừng dùng ma túy để lấp một khổ đau nào đó, vì ma túy sẽ mang lại cho bạn nhiều khổ đau bạn không thể ngờ.

 

7. Từ khi còn trẻ, cô đã thầm cầu xin với Chúa của cô rằng xin hãy dùng cô để giúp những người khốn cùng trong xã hội. Hôm nay, ngồi đối diện với anh trong phòng huấn luyện, nghe câu chuyện đời anh, một lần nữa, cô hiểu rõ rằng lời cầu xin của cô đã được Chúa nhận.

 

Đoàn Thu Cúc