THA THỨ

Heart

 

Hai người cùng đứng lặng trước một thân cây chết thật lớn, hơn vòng ôm của một người, cùng đưa tay sờ, cùng nhìn nhau và cùng tự hỏi:

-       Cái gì đây? Anh nghĩ sao?

-     Anh nghĩ dấu khắc trên cây này rõ ràng là chữ E, chắc là chữ đầu của tên một người nào đó. Khắc chữ E kiểu này là của người da trắng rồi. Nhưng cái khắc hình tam giác bên cạnh thì không hiểu nổi. Có thể là của người dân bản xứ. Không hiểu hai người này muốn nói gì.

-      Em cũng nghĩ như anh. Nhưng lạ là làm sao lại vào trong hóc này để khắc chữ? Người nào đó đã dùng một đầu dao nhọn hoặc một cái cưa thật nhỏ để khắc chữ này trên một thân cây.

Hai người đang đứng trong rừng rậm của vùng Northern Territory bên cạnh một thanh niên thổ dân, người chỉ đường. Chung quanh họ là rừng khô lá, một con suối cạn đầy những bộ xương cá, những con cá trốn nơi khô cằn, trốn cảnh bị chim rừng săn đuổi, về nơi con suối cạn này và chết nơi đây vì thiếu nước. Nhưng không phải chỉ có cá chết thôi đâu. Chung quanh người ta thấy những bộ xương của nhiều con chim mỏ dài, chó rừng, chó sói... tất cả chúng nó chắc phải lặn lội đường xa để đến đây tìm nước, để rồi chết nơi góc rừng này. Nhưng khu rừng rậm này chắc chắn phải có những lúc mưa, vì cây dầy đặc trong rừng, có những cây cao vươn lên chọc trời bằng một đường thẳng đứng. Đây là vùng ở Úc Châu nơi không có giòng sông nào chảy đến, vùng đất của mặt trời, của những con suối nhỏ và khô, nơi mặt trời và những cơn nóng khô người cai trị.

Người anh ghi vào trong quyển sổ tay của mình điều anh vừa khám phá và lên tiếng hỏi người em:

-       Em nghĩ mấy cây này chết bao lâu rồi?

-       Khó nói lắm, nhưng em đoán cũng phải là mười hoặc mười lăm năm.

-       Chắc đúng đó em. Vì anh nhớ khoảng thời gian 1872 hay 1873 gì đó, vùng đất này có những cơn mưa dầm kéo dài cả năm. Nhờ đó bao cây cối trong rừng bừng sống lại. Dấu khắc trên cây này phải là trước mùa mưa đó, lúc cây này còn sống.

-     Chắc vậy anh à. Anh nhớ có một nhóm người da trắng kéo đến đây lập nghiệp sớm lắm, từ khoảng 1860 không?

Người anh nhìn lại quyển sổ tay của mình rồi nói: “Thôi anh hiểu rồi. Chữ E và hình tam giác bên cạnh là dấu hiệu của một nông trại vì lúc bấy giờ chưa có chương trình đăng ký với chánh phủ, nên có nhiều nông trại dùng dấu khắc trên cây để đánh dấu cho nông trại của mình.

Rồi hai anh em không bàn đến dấu khắc trên cây nữa vì trong hai ngày kế đến, họ bận rộn xem xét thật kỹ vùng đất rộng họ đã đầu tư tại Northern Territory.

Một đêm kia, người thổ dân dẫn đường thình lình chỉ tay về hướng con suối cạn và nói nhát gừng từng chữ “ngựa, ngựa, xương xương...” Vì trời đã tối nên hai anh em quyết định đợi sáng hôm sau sẽ đi xem xét.

Bộ xương của con ngựa nằm khuất trong một đống cỏ khô rất lớn và cao, phải vạch cỏ mới thấy được. Anh thổ dân dùng cây chọc thật kỹ và thấy dây cương ngựa, yên ngựa. Khám phá này khiến cả ba người cố gắng moi móc nơi bộ xương tàn và tìm thấy được một bao da nằm bên cương ngựa, trong ấy có một hộp nhỏ để đựng bánh mì, thói quen của những người da trắng từ Anh Quốc sang Úc để lập nghiệp. Họ cũng thấy một lưỡi dao nhỏ, thuộc loại bỏ túi.

Ngày hôm sau, khi có thì giờ, hai anh em ngồi xem xét hộp đựng bánh mì. Sau khi chùi hộp thật sạch, họ thấy trên mặt có một dấu hiệu, tuy mờ, nhưng giống như dấu chữ họ đã thấy khắc trên cây. Họ thấy chữ E và một hình tam giác bên cạnh. Hai em anh quyết định mở hộp ra và sau nhiều khó khăn, họ mở được nắp hộp. Bên trong có nhiều giấy tờ, có những tờ giấy rời và có một quyển sổ tay nhỏ trên đó có người đã viết nhiều hàng chữ, nhưng vì viết bằng bút chì nên chữ đã mờ nhiều, rất khó đọc. Tuy nhiên, lại có một tờ giấy màu xanh nước biển, trên ấy có những dòng chữ viết bằng mực, dù mực và giấy đã phai màu trở thành vàng, nhưng ta vẫn có thể đọc được.

Đọc xong những dòng chữ ấy, hai anh em nhìn nhau kinh ngạc. Người anh phát biểu trước: “Lạ quá em nhỉ, người viết thư này mắc kẹt nơi đây, đau khổ lắm vì biết mình không lối thoát. Con ngựa của người này cố lặn lội đến đây rồi cũng ngã chết như chủ. Có phải em hiểu vậy không?”

Người em trả lời: “Em cũng nghĩ vậy. Nhưng chuyện đã xảy ra lâu rồi mình làm sao tìm hiểu sự thật cho nổi. Anh xem ngày viết thư nè, 4.12.1870 đúng khoảng thời gian tụi mình đoán cái cây chết. Anh nghĩ sao? Anh sẽ giữ lá thư này, cái hộp đựng bánh mì...?

Người anh nghiêm nghị nói: “Chắc chắn anh giữ em à. Những vật này thuộc về con cháu của người đã chết. Khi chúng ta trở lại thành phố, chúng ta sẽ tìm hiểu xem như thế nào. Còn bây giờ thì chúng ta đã xem xét kỹ vùng đất mình mua và hài lòng rồi phải không?

Rồi hai anh em chuẩn bị cho chuyến về.

 

Chàng thanh niên ngồi dựa người vào gốc cây và nhìn thẳng vào con đường nhỏ tràn ngập ánh nắng đang mở ra trước mắt. Hơi thở anh mệt mỏi, yếu dần, túi không tiền và cũng không còn uy tín để vào quán bia uống thiếu chịu nữa. Những người muốn uống bia ghi sổ phải có việc làm và phải trả tiền nợ sòng phẳng trong một thời gian để tạo uy tín. Anh vừa mất việc làm, không phải vì bị đuổi nhưng vì chủ hết việc, số tiền trong túi đã cạn, không còn một đồng và ngay bây giờ không biết phải đi đâu, về đâu. Cuộc đời trước mắt anh chỉ là bụi, nắng nóng ghê người, những con đường mòn khô cháy, không còn chỗ để trú thân. Anh chỉ mới 36 tuổi mà đã mòn mỏi, cả thể xác lẫn tâm hồn. Người ta nói đàn ông ở tuổi 30 cho đến 40 là lúc đời họ lên đến cao điểm, đầy sức sống vì sức mạnh vẫn còn như người trai trẻ nhưng lại được khôn ngoan hơn, vì những năm trẻ tuổi, nông nỗi, lỗi lầm đã qua rồi. Nhưng bây giờ anh lại ngồi đây, cảm thấy như từng chiếc xương trong cơ thể mình đang gãy dần vì sau những cơn bệnh nặng, khi không có tiền uống thuốc, không người chăm sóc, không được ăn uống đầy đủ... cơ thể anh đang chờ ngày để tắt.

Cha anh từ Anh Quốc sang lập nghiệp tại vùng đất này rất sớm. Với sức sống tràn đầy, tánh chịu đựng và cương quyết, làm việc đêm ngày không kể tấm thân, vượt trên mọi trở ngại và thách thức, cha anh thành công trong thương nghiệp và trong thương nghiệp, nhiều khi ta phải tàn nhẫn, có khi đến mức bất lương. Cha anh đã trở nên một người giàu có. Cũng giống như nhiều gia đình khác, gia đình anh cũng có những bất hòa. Sự tương khắc giữa hai cha con anh càng lúc càng trầm trọng một phần cũng vì ba anh không nhân nhượng bất cứ ai, còn anh, trong lúc tuổi trẻ, ở vào tuổi 20,  anh bướng bỉnh, lỳ lợm, cứng đầu cũng giống như bản chất của ba anh. Nên ngày kia, trong cơn giận điên cuồng, ba đuổi anh ra khỏi nhà.

Anh vẫn nhớ câu chuyện Chúa Jesus kể về người con trai hoang đàng, vì ham mê thế giới tội lỗi, cuộc đời ăn chơi trác táng với rượu, gái và tiền nên đã đòi cha mình chia gia tài, rồi bỏ ra đi. Người con trai hoang đàng trong Kinh Thánh tự ý bỏ ra đi. Còn anh bị cha đuổi đi. Hai câu chuyện tưởng như giống mà khác. Khác ở phần đầu vì anh không tự ý ra đi, chắc chắn khác ở phần cuối vì người con hoang đàng trong Kinh Thánh biết mình sai, tự ý tìm về. Riêng anh không còn lối về, vì trong cơn giận, ba anh đã nói “Tao sẽ để lại hết tài sản cho em mầy. Mầy không được vác mặt về đây và không được nói với ai mầy là con tao.” Chuyện đời anh và người con hoang đàng trong Kinh Thánh giống nhau ở điểm bên ngoài gia đình của cha, hai người con này cùng biết khổ đau tận cùng, không lối thoát. Mất tình thương, mất nơi nương tựa, hai người con biết mình đã mất điều quý nhất trên đời.

Mười sáu năm đã trôi qua. Mười sáu năm trôi nổi nhiều nơi sống bằng nghề tay chân, lao động, đi làm mướn cho chủ các nông trại. Anh dời chỗ ở nhiều lần, đi nhiều nơi xa, không ai biết tông tích của anh cả. Đời trở nên đơn giản, còn việc thì còn thức ăn, thức uống. Hết việc phải lập tức đi nơi khác tìm việc. Anh rất giỏi chăn ngựa, chăn bò, chăn cừu nên tìm việc không khó. Đi đến đâu anh cũng để lại một hình ảnh đặc biệt nhiều người khác nhìn thấy. Tuy anh nghèo, sống lao động, uống rượu bia, nhưng trong anh có một phong cách, một thái độ của người sống trong giới bình dân, nhưng không thuộc về thế giới ấy. Dĩ nhiên họ không biết anh là con trai đầu lòng của một đại điền chủ.

Bỗng một bàn tay đập vào vai, đưa anh ra khỏi cơn mệt nhoài: “Nè, vào quán uống cho tỉnh hồn đi. Có hai người đang đứng trong quán tìm người đưa đàn bò của họ đi đến nơi nông trại mới. Tôi lập tức nhớ đến anh, mau mau cho vài lời giới thiệu. Vào mà nhận việc.”

Anh như người gần chết được sống lại, mau bước vào quán, gọi một ly bia, nốc cạn và đòi một ly đầy nữa . Chủ quán nhìn anh và nhân nhượng vì thấy hai ông khách lạ cũng đang nhìn anh và gật đầu với nhau. Hai bên nói chuyện với nhau chỉ đôi lời, đồng ý giá cả và khoảng thời gian cần làm và hẹn ngày mai sẽ lên đường. Anh vội vã ôm ngay chiếc mền nhỏ trong đó chỉ có vài món đồ dùng thật cần thiết.

Nông trại mới cách đó rất xa, khoảng đường xa mỏi mòn cho cả người lẫn con vật. Anh cỡi ngựa đi bên cạnh đàn bò, luôn giữ đàn trong bầy và cũng gìn giữ chúng nó khỏi thú dữ. Hôm ấy, mọi người đến được một hồ nước nhỏ, nước long lanh trong hồ như ánh sáng từ trời cứu cả đoàn khỏi cảnh khát, nhất là cho cả đàn bò. Hai người chủ đàn bò nhìn anh và nhìn nhau, nét hài lòng của họ hiện rõ trên nét mặt. Họ đã mướn nhiều người chăn, nhưng người chăn 36 tuổi họ gặp lần này khiến họ hài lòng. Anh làm việc tận tâm, có lương tâm, không phải làm cho qua việc, qua ngày. Anh chú ý, chăm sóc đàn thú vật, gìn giữ, bảo vệ chúng nó như chúng nó là tài sản của anh. Những đêm ngủ ngoài đồng hay ngủ trong rừng, anh luôn luôn đề cao cảnh giác, một tiếng động lạ cũng khiến anh thức giấc và tìm hiểu. Vậy mà bây giờ, gần đến cuối chuyến đi, anh bị sốt rét rừng. Nhờ hai người chủ chăm sóc anh chu đáo, anh đang dần dần hồi phục. Nhưng vì đã sử dụng sức lao động quá độ trong bao ngày qua, cơ thể anh như tàn hơi, không còn sức nữa.

Một buổi sáng kia, hai người chủ của anh thấy anh đang lúc nằm liệt trong lều, nhưng lại lấy ngón tay vẽ trên đất. Họ đến gần xem, thấy anh vẽ chữ E và bên cạnh có vẽ một hình tam giác. Họ hỏi:

-       Anh làm gì đó?

-       Tôi đang cố gắng nhớ lại những nông trại tôi đã đi qua.

-       Dấu hiệu của nông trại nào vậy, nói cho chúng tôi biết được không?

Anh đỏ mặt: “Tôi đã đi qua quá nhiều nông trại rồi, nhưng đây là dấu hiệu nông trại của ba tôi. Ba tôi lúc ấy có đến ba người hùn chung để mở nông trại lớn, nên chữ đầu E là tên của ba tôi, còn dấu hình tam giác là ba người hùn chung nhau. Sau cùng, ba tôi mua lại phần của hai người kia và trở thành chủ duy nhất của nông trại. Bây giờ, nông trại này thuộc về em tôi.”

-       Xin lỗi, vậy tên của anh là ...

-       Emerson.

-       Ôi lạy Chúa tôi.

-       Cái gì vậy? Mấy ông biết gì về tôi?

-       Không có gì đâu. Kể cho chúng tôi nghe ba anh chết ở đâu? Tại sao anh phải đi làm mướn như thế này?

-       Ba tôi chết bệnh trong nhà, tại nông trại nơi tôi được sinh ra đời. Nhiều năm trước đó, cha con tôi có tranh cãi lớn và ba từ tôi. Lúc còn trẻ tôi tệ lắm, tôi không chối điều đó.

-       Ba anh có bao giờ đi đến vùng này không?

-       Có chứ. Ba tôi có một phần hùn tại một nông trại lớn vùng bắc Queensland rồi sau đó đi một vòng vùng phía tây. Chúng tôi biết chắc rằng vì chuyến đi này, qua những khó khăn quá lớn trong chuyến đi mà khi trở về, ba bị bệnh rồi chết. Tôi có được nghe rằng một số người cùng đi với ba tôi trong chuyến này đã phạm những lỗi lầm ngu xuẩn, trầm trọng, một con ngựa thoát khỏi bầy, đi lạc và chết trong rừng mang theo cả yên cương ngựa và thực phẩm. Phái đoàn trở về được nhưng họ bệnh nặng lắm sau chuyến đi ấy.

-       Trong di chúc ba anh để hết tài sản lại cho em trai anh phải không? Anh có biết di chúc viết vào ngày nào không?

-       Lần cuối cùng của những cuộc tranh chiến giữa hai cha con tôi. Tôi nhớ vào khoảng đầu năm 69.

Hai anh em nhìn nhau và cùng bước ra khỏi lều của người bệnh. Một lúc sau, hai người cùng trở lại:

-       Chuyện này thật ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi, nó thuộc loại chuyện chỉ có trong tiểu thuyết. Nhưng chúng tôi có tin vui cho anh. Ba anh chắc chắn đã lạc trong một khu rừng rậm nào đó trước khi mấy con ngựa đi lạc. Và khi ba anh đối diện với cái chết, ông ấy ân hận đã đối xử với anh quá khe khắt và đã viết một di chúc mới. Di chúc ông viết như vầy: “Tôi, George Henry Emerson, đang đối diện với cái chết nên tha thiết muốn thay đổi thái độ quá cứng rắn tôi đã đối với con trai tôi Joseph.” Chúng tôi không nhớ rõ ông đã viết gì thêm nữa nhưng di chúc được hai nhân chứng ký nhận, Isaac Wright và Thomas Peberdy. Anh có biết hai người này không?

Người con nhìn hai anh em trong kinh ngạc: “ Peberdy là người giúp việc đã cao tuổi, người cùng đi về phương bắc với cha tôi. Hiện nay ông ấy đang lập nghiệp ở vùng phía nam. Wright tôi không biết là ai. Nhưng hai ông có nhớ mục đích của di chúc mới là gì không?

-     Nhớ chứ. Di chúc để trọn sản nghiệp của ba anh lại cho anh với một ít thay đổi nhỏ cho em trai anh và cô em gái.

-       Nhưng, hai ông ơi, làm sao hai ông thấy được di chúc? Bây giờ di chúc đó ở đâu?

-      Chúng tôi đang giữ di chúc ấy đây. Chúng tôi thấy được di chúc này trong yên ngựa, bên bộ xương tàn của con vật chết lạc trong rừng, được đựng trong một hộp chứa thức ăn . Anh có nhớ hộp đựng thức ăn có vẻ đặc biệt đó không?

-      Vâng, tôi nhớ. Trên nắp hộp có khắc dấu hiệu nông trại của ba, ông mua từ Anh Quốc.

-       Nếu hai nhân chứng trong di chúc còn sống, di chúc hoàn toàn có giá trị. Sau chuyến đi này, khi trở về thành phố, chúng tôi sẽ tiến hành bản di chúc này với chánh quyền.

Người con im lặng trong một lúc lâu rồi nắm tay người em trai:

-       Bây giờ tôi sẽ làm ba điều này.

-       Từ từ đi anh.

-       Trước hết tôi sẽ khỏe mạnh lại.

-       Được rồi.

-       Rồi tôi sẽ bỏ rượu.

-       Được rồi.

-       Rồi tôi sẽ đem bộ xương của con ngựa đó về, dựng trong nông trại của tôi.

-       Khi di chúc được xác nhận là thật.

Không cần phải bàn bạc thêm nhiều. Một nhân chứng trong di chúc còn sống và thề trước tòa xác nhận chữ ký của những người trong di chúc.

Người thừa hưởng di chúc giữ đúng ba điều anh đã hứa.

 

Đoàn Thu Cúc