CÔ ĐỘC   

Cả 7 chàng thanh niên cùng bước lên xe, cả 7 chàng cùng vào năm cuối cùng của trung học. Năm người ngồi trong xe và hai người nằm trong cốp xe.  Lúc ấy là 9.45 tối, ngày thứ bảy 2.5.2009. Địa điểm họ cần phải lái xe đến chỉ cách đó mười phút. Thật ra hai người trong bọn họ có xin đi nhờ xe khác, nhưng đến phút cuối, việc đi nhờ không thành. Nên họ quyết định cùng nhảy lên một xe, với quãng đường chỉ mất 10 phút, nào có lo gì. Và thanh thiếu niên đời nay không cần phải hỏi ý kiến hay hội thảo gì cả trước một quyết định đơn giản như vậy.

Đường xa lộ về đêm thật mát mẻ và vắng người, thiếu ánh đèn. Chẳng thấy một bóng xe nào cả. Tiếng nhạc mở trong xe thật lớn trộn với mùi mồ hôi, mùi rượu và mùi thuốc lá. Kim đồng hồ cây số lên từ  60 rồi đến 70 rồi đến 80 rồi đến 90 cây số giờ. Thình lình, iPhone của chàng ngồi  cạnh tài xế bật lên. Bạn gái của chàng ấy muốn biết rõ giờ hẹn hò ngày mai của họ. Vì ánh đèn và cuộc nói chuyện từ iPhone này nên tình hình bỗng nhiên thay đổi. Mọi người dường như không chú ý đến con đường trước mắt nhưng chỉ lắng nghe tiếng nói của người từ iPhone, nhất là tài xế.  Nên chiếc xe chạy lạc về phía bên trái trên đường nơi có trải đầy những đá sỏi. Bánh sau xe  trượt và khiến chiếc xe xoay vòng trong tiếng la hoảng hốt của chàng tài xế, cố gắng hết sức mình để kìm chiếc xe. Chỉ trong một giây đồng hồ, chiếc xe quay ngược đầu và hướng về chiều ngược của xa lộ. Ánh đèn của một chiếc xe đang chạy tới với tốc độ thật nhanh là hình ảnh cuối cùng 5 thanh niên trong xe còn thấy được. Hai chiếc xe đụng nhau trong tốc lực và trong tiếng động kinh hoàng.

Nước dầu, xăng và nhớt chảy ra từ hai xe. Tiếng alarm của hai xe cùng réo lên inh ỏi trong đêm vắng. Tất cả kiếng xe đều vỡ vụn. Chàng tài xế xe gục mặt trên tay lái, bất động. Ba thanh niên ngồi băng sau nghẻo đầu, bất động, không trả lời tiếng kêu của chàng ngồi bên cạnh tài xế. Các xe trên đường bắt đầu dừng lại để tiếp cứu. May mắn là trong những người ấy có một cô y tá. Thanh niên ngồi bên cạnh tài xế được đở ra ngoài xe và bắt đầu bò đến cốp xe. Nắp cốp mở bung ra như một hộp cá  đã được khui và lật ngửa . Một thanh niên nằm bất động trong cốp. Chàng thanh niên ngồi kế tài xế la lên “Còn thiếu một người” và đưa mắt tìm thanh niên thứ hai  trong cốp. Người ấy không còn trong cốp nữa nhưng nằm cách xe khoảng 10 mét, song song với con đường đầy đá sỏi. Anh đã bị quăng ra khỏi cốp xe, đầu đập xuống mặt đường, vết nứt trên đầu phơi bày một phần sọ trắng hếu.

Tiếng xe cứu thương, cứu hỏa, cảnh sát bắt đầu cùng reo lên inh ỏi. Nhiều người đang dồn dập kéo đến, số người cấp cứu dường như càng lúc càng đông. Ngay giữa cảnh ồn ào, náo nhiệt ấy, chàng thanh niên ngồi cạnh tài xế thình lình cảm thấy một nỗi mệt mõi, cô đơn, chán chường, đầy mặc cảm là sao mình lại ngồi đây trong khi 6 bạn của mình nằm bất động.

Một chàng ngồi băng ghế sau chết ngay tại chỗ. Một chàng nằm trong cốp chết vào sáng Chúa Nhật hôm sau. Chàng ngồi ngay phía sau người ngồi cạnh tài xế được trực thăng chở đến bệnh viện Brisbane và chết vào tối thứ tư, tất cả các bộ phận còn tốt của cơ thể được hiến để dùng cho người khác. Chàng thanh niên trong cốp xe đã văng ra ngoài được mang đến Gold Coast, nơi điều trị đặc biệt cho những người hôn mê lâu dài. Thanh niên ngồi ngay giữa băng ghế sau được phi cơ mang đến Brisbane tại một bệnh viện chăm sóc cao cấp nhất. Chàng tài xế được mang đến bệnh viện Toowoomba vì số xương gãy trong người, nằm cùng lầu với người tài xế xe chạy đối diện, là người đang trên đường về nhà sau một đêm chơi kéo máy tại club.

Chàng là người duy nhất trong bọn 7 người không một vết trầy, kể cả trầy móng tay, không thương tích, không sưng, không u, không chảy máu. Chàng chỉ có một nỗi kinh hoàng, một trạng thái trống rỗng trong tâm hồn, một bóng tối dày đặc xuất hiện trong trí như trở thành trung tâm của cuộc đời. Trước tai nạn, chàng không phải là người nói nhiều, bây giờ chàng như sống trong câm lặng.

Những bài tường thuật của báo chí sau đó mang nhiều chi tiết không đúng sự thật. Họ báo cáo rằng chiếc xe bị bật cháy. Bao tiếng đồn nổi lên, tài xế say rượu và chạy quá tốc độ. Lại có những người cho rằng chàng – người ngồi băng ghế trước bên cạnh tài xế - đã chồm sang và dành tay lái nên tai nạn mới xảy ra.... Điểm buồn cười nhất đối với chàng không phải là những người tin nơi những chuyện đồn không đúng sự thật, nhưng là những người hoàn toàn xa lạ đối với bọn chàng lại có thể bày tỏ xúc cảm đau buồn sau tai nạn. Chàng lại thấy mình trơ ra như đá.

Sáu ngày sau tai nạn, tang lễ của người nằm trong cốp và chàng thanh niên ngồi băng ghế sau được cử hành. Các bạn học trò tham dự mặc đồng phục học sinh của trường, đứng sắp hàng hai bên khi quan tài được mang vào nhà thờ. Đa số những người dự tang lễ đến bằng xe hơi, kể cả những người từ nơi xa, xe họ chạy chậm theo sau xe tang, sắp thành một đường thẳng thật dài. Chàng ngồi trong nhà thờ, bên cạnh cửa sổ màu, nơi ánh nắng mặt trời dọi vào mặt chàng, gương mặt của người ngồi thừ, như vô hồn, không cảm giác, như một kẻ giả mạo đang ngồi giữa những người buồn, muốn làm bộ buồn như họ mà sao không làm được. Một người bạn trong trường ngồi bên cạnh chàng bật lên khóc nức nở khi cô em gái của người chết đọc một bài thơ nói lên lòng yêu đời, yêu sự sống của anh mình, và chàng đã quay sang người ấy để dỗ cho người ấy nín khóc. Bên ngoài, bầu trời màu xanh trở nên nhạt dần. Phóng viên chụp ảnh, báo chí, truyền hình theo sát hai quan tài khi được đưa ra khỏi nhà thờ. Những chàng thanh niên theo sau hai quan tài cố cầm giử xúc cảm, cằm run lên nhưng không dám hé miệng vì sợ tiếng khóc sẽ bật ra.

Tang lễ thứ ba diễn ra 9 ngày sau tai nạn. Cũng buổi sáng đầy ánh mặt trời với mây xanh, cũng bạn bè, cũng phóng viên truyền hình, báo chí... Đây là thanh niên ngồi băng ghế sau, trên quan tài anh người ta đặt một tràng hoa, một cây đàn guitar, chìa khóa xe riêng của anh, một đôi giày ống anh mới mua chưa dùng. Anh  đã ước mơ muốn học về điện ảnh, muốn diễn xuất, muốn sớm rời gia đình để theo đuổi ước mơ này. Trong tang lễ, hội chúng được nghe những bài thơ, những thi thiên trong Kinh Thánh, những lời cầu nguyện và những lời chúc phước và tiếng nhạc của bài Hallelujah vào cuối chương trình. Chàng được mẹ của người chết mời đọc một bài cảm tưởng về người bạn này. Lẽ ra chàng nên từ chối, nhưng không hiểu sao lại nhận lời. Bài cảm tưởng ngắn, gọn, viết thành từng câu ngắn, mỗi câu chỉ có mấy chữ. Chàng đã trình bày người bạn đã chết này theo như những chàng thanh niên của thế hệ ngày nay muốn người khác nghĩ về họ: tếu, vui vẻ, bặt thiệp, can đảm, không phức tạp. Đang khi chàng đọc cảm tưởng, các bạn trẻ của người chết cười vỡ bụng. Nhưng mẹ của người chết không cười, chỉ nói rằng: “Con của bác hơn như vậy nhiều mà, đâu phải chỉ có thế thôi.” Đang khi quan tài được chuyển đến lò thiêu, mọi người tham dự tang lễ ở lại nhà thờ dự trà nước, bánh ngọt. Nhiều phụ huynh đến nói chuyện với chàng: “Sao cháu chịu đựng hay vậy? Chắc có nhiều người chia buồn, an ủi cháu phải không?” Chàng chỉ trả lời: “Thật là chuyện quá buồn. Bây giờ cháu chỉ ráng cầm cự thôi.” Nhưng sau khi tang lễ qua rồi, chàng chẳng hiểu mình đã nói gì, cầm cự gì? cầm cự để làm gì? cầm cự cho ai?

Chàng thanh niên nằm trong cốp xe tưởng đã gãy vụn hết cả xương lại phục hồi nhanh chóng và được chuyển sang một bệnh viện khác. Chàng không những đến thăm bạn mà còn ở lại nhiều đêm trong bệnh viện với bạn. Một lần kia, đang khi hai người ngồi xem tivi, bạn chàng bỗng nói: “Tao mừng là việc này xảy ra cho tao mà không cho mầy.” Chàng hỏi: “Tại sao nói vậy? Có phải mầy muốn nói tao là thằng nhát phải không?” “Cũng không hẳn vậy. Nhưng mầy là thằng rụt rè.” “Cám ơn. Mầy đã hứng đạn cho cả nhóm.”

Sự phục hồi nhanh chóng của chàng thanh niên nằm trong cốp khiến cho chàng thấy nửa vui nửa buồn, mơ ước người bạn thân đang nằm ở bệnh viện Brisbane cũng được phục hồi, nhưng anh ấy vẫn tiếp tục hôn mê. Cứ mỗi thứ sáu, chàng nghỉ học để đến thăm bạn. Chú ấy nằm trên giường, bất động. Người mẹ đứng bên cạnh dịu dàng gọi con: “Con à, có bạn con đến thăm kìa.” Nhưng đôi mắt chàng vẫn nhắm ghiền. Ống truyền dưỡng khí được đút ngay vào cổ chàng. Một ống khác truyền thức ăn vào dạ dầy qua cổ. Chàng ngồi bên cạnh bạn, tâm trí cố nhớ những câu đã dự định nói với bạn khi chú ấy mở mắt, nhưng đôi mắt này vẫn tiếp tục nhắm. Chàng chỉ còn tư tưởng âm thầm: “Tỉnh dậy. Tỉnh dậy. Đời tao còn gì nếu mầy không tỉnh lại.” Nhiều tháng trôi qua trong sự cố gắng của các bác sĩ để giúp tế bào não của bệnh nhân được phục hồi. Sau 5 tháng, mí mắt của anh mở ra và anh có thể trả lời các câu hỏi bằng cách chớp mắt. Mọi người thân trong gia đình bệnh nhân tổ chức tiệc mừng, nhưng sao chàng cảm thấy  không vui trong lòng. Chàng vẫn tưởng rằng một khi bệnh nhân ra khỏi cơn hôn mê thì sẽ trở lại bình thường ngay. Tình trạng của người bạn này khiến chàng hiểu rằng sự suy nghĩ ấy chỉ là ảo tưởng.

Tình bạn giữa chàng và người bạn nằm trong cốp xe còn sống sót dường như nguội dần, và chàng không hiểu lỗi tại ai. Một lần kia, người bạn này nói: “Sao tao thấy mầy khác.” Chàng hỏi: “Từ lúc nào?” và câu trả lời là từ lúc tai nạn xe. Người bạn này vẫn tiếp tục ở lại Toowoomba, sơn xe vận tải để kiếm sống. Chàng dời về đại học Queensland, ngay bên cạnh Brisbane River. Hai người bạn xa nhau dần dần và cả hai không ai cố gắng giữ mối liên hệ cũ.

Đúng một năm sau ngày tai nạn xe, chàng trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần. Hằng đêm, chàng mơ thấy ba người bạn đã chết trong tai nạn xe. Vì thế, giấc ngủ trở nên đáng sợ vì trong giấc ngủ, chàng nhìn thấy họ. Nên nếu giữ cho tỉnh ngủ thì không mơ thấy bạn. Càng lúc chàng càng ít ngủ. Vui hay buồn cũng đều mang đến một mặc cảm là tại sao vui, tại sao buồn, và nếu không có mặc cảm gì thì lại mặc cảm là tại sao mình không mang mặc cảm. Chàng nghĩ đến cái chết, sẽ là giải pháp cho mọi nan đề.

Một năm sau, vào tháng 8. 2011 chàng thanh niên tài xế phải ra tòa với hai tội: lái xe bất cẩn gây ra tai nạn chết người,và lái xe bất cẩn gây ra thương tích trầm trọng. Đêm trước khi tòa tuyên bố bản án, chàng đến nhà bạn dùng bữa ăn tối với nhau. Luật sư của tài xế cảnh cáo anh ấy rằng có thể bị án tù “Từ 7 cho đến 8 năm.” Chàng tài xế chấp nhận hậu quả dù như thế nào. Nhưng những nhà điều tra chuyên nghiệp đã trình bày trước tòa án rằng  tài xế chỉ chạy với tốc độ 94 km trong vùng 100km và trái với lời đồn, tài xế hoàn toàn không say rượu. Tai nạn xảy ra  khi tài xế mất chú ý chỉ trong tích tắc đồng hồ.. Nên bồi thẩm đoàn biểu quyết chàng tài xế vô tội.

Trong bảy năm kế đến, chàng vẫn phải tiếp tục dùng thuốc chống bệnh trầm cảm, vẫn phải thường xuyên gặp bác sĩ tâm lý mỗi tháng một lần và mỗi tuần phải chạy 40 km.

Ngày 2.5.2018 ngày kỷ niệm 9 năm tai nạn, chàng trở lại sống tại vùng Toowoomba lần đầu sau những năm trung học. Chàng cố gắng tìm địa chỉ của người bạn nằm trong cốp xe đã sống sót và hai người bắt đầu liên lạc lại với nhau. Hai người dàn xếp gặp nhau để ăn trưa vào một ngày thứ bảy và chàng kinh ngạc thấy rằng người bạn này chỉ sống cách nhà trọ của chàng 100 m. Trước buổi ăn, họ bắt tay nhau như hai người bạn già đã xa cách lâu năm, như hai người bạn hiểu nhau rất nhiều và không hiểu nhau gì hết. Khi được biết chàng vẫn tiếp tục dùng thuốc trầm cảm, bạn chàng rất kinh ngạc: “Tại sao? Bây giờ vẫn còn buồn à?” Chàng thú nhận: “Vâng, vẫn còn.” Sau buổi ăn, hai người cùng đi dạo trong công viên Queen Park, trút đổ tâm sự cho nhau như hai đứa trẻ, không dấu diếm gì. Sau tai nạn, bạn của chàng trở nên ghiền cần sa và video games, cơ thể mập lên đến 110 kg, trở nên đầy mặc cảm đến độ khi gia đình tổ chức sinh nhật 21 tuổi cho anh, anh đã không chịu xuất hiện trong buổi tiệc. Để chấm dứt tình trạng mệt mõi đêm ngày và cảm xúc tự ghét mình, anh bạn đã dùng đến “ice” và xác nhận rằng nhờ “ice” anh không mơ về cái chết nữa. Anh đã nhiều lần ngưng dùng drug nhưng rồi bị trở lại.  Bạn học ngày xưa đều lánh xa, chỉ còn những người bạn nghiện như anh hoặc bạn chuyên bán drugs. Chàng thành thật khuyên bạn: “Tao nghĩ rằng mầy cũng bị như tao, biến cố đó thay đổi cuộc đời của tụi mình. Tao uống thuốc trầm cảm một thời gian rồi và nhờ đó có thể đi học, đi làm việc được. Mầy hỏi bác sĩ mày xem sao?” Sau đó chàng rời khỏi Toowoomba và hai người không gặp lại nhau trong một thời gian dài.

Để kỷ niệm 10 năm sau tai nạn, chàng tổ chức buổi ăn tối với người bạn đã hồi tỉnh sau nhiều tháng hôn mê. Tiếng cười giòn dã của anh ấy vang dội trong nhà hàng và khiến chàng ấm lòng, dù anh ấy không nói và không đi được, phải ngồi xe lăn và có người chăm sóc. Vẫn đôi mắt màu xanh biếc, vẫn gương mặt đẹp sáng ngời, vẫn nụ cười tươi vui, quyến rũ... những điểm ấy khiến chàng chợt có ý nghĩ nếu hai người đổi vị trí cho nhau, nếu chàng là người ngồi xe lăn chứ không phải anh ấy, liệu chàng có tha thứ cho mình không? Nhưng nhìn thái độ của anh ấy, chàng hiểu rằng anh không muốn ai thương hại mình vì đã bị tai nạn. Có phải sự thông minh vượt bực và sự điên khùng của con người nằm ở điểm người ấy có thể cười sau nghịch cảnh thê thảm?

Đầu năm 2020 ba thanh niên còn sống sót khỏe mạnh gặp nhau trong buổi đoàn tụ đặc biệt. Đây là lần thứ nhất cả ba cùng gặp nhau kể từ năm họ 17 tuổi. Chàng thanh niên nghiện drugs cũng vừa ra khỏi vòng tay của quỷ và khoẻ mạnh hơn nhiều, đã mất đi hơn 20 kg và cố gắng giải thích cho hai bạn ý nghĩa những hình xăm trên hai cánh tay. Anh kể lại những chuyến đi ngoại quốc, India, Iran và học biết những phong tục, văn hóa của vài nước bạn, và nhận thấy rằng ở một số nơi, người ta chấp nhận, đối diện với nghịch cảnh đau thương, nói lên và chia sẻ những đau thương đó với người khác, trong khi một số người Úc chỉ tìm quên qua bia, rượu.  Chàng tài xế để tóc dài, cột lại một chùm sau đầu và trên mũi có bấm một chiếc vòng nhỏ. Anh tâm sự với hai bạn rằng đã chấm dứt việc giả vờ như không biết gì về tai nạn, nhưng chấp nhận điều đã xảy ra. Anh ăn chay và suy nghĩ rất nhiều về tôn giáo. Cuối cùng anh tuyên bố: “Hai đứa mày biết không? Đến bây giờ tao mới tha thứ cho mình.” Hai người bạn này đều hỏi chàng cách nào chàng đối diện với nan đề của mình. Chàng trả lời rằng sẽ cố gắng viết lên những suy nghĩ của mình qua kinh nghiệm này và khi được hai bạn hỏi viết để làm gì, có phải để người khác hiểu cho những người gặp nghịch cảnh không, chàng đã trả lời: Không, tao viết để tao có thể ngủ được.” Người bạn đã từng nghiện drugs la lên: “Câu trả lời của mầy khó nghe quá !”

Thế là câu chuyện về tai nạn xe này vẫn chưa chấm dứt, và có thể sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Nghịch cảnh này chưa có đoạn cuối tuyệt vời và những nhân vật trong nghịch cảnh vẫn chưa tìm được phương pháp chữa trị nỗi sầu của họ. Mỗi người trong cuộc vẫn ôm nỗi sầu riêng tư, bí mật. Cánh cửa để bước vào trong phòng bí mật của lòng họ vẫn còn đóng kín. Mỗi người tự mang nỗi cô độc âm thầm.

 

Đoàn Thu Cúc