BỨC TƯỜNG BERLIN

 

Vào tháng giêng năm 1961 cô sinh con đầu lòng. Việc sinh nở rất khó khăn vì em bé nằm ngược trong bụng mẹ. Chính ngay lúc khó khăn ấy, các bác sĩ đổi ca nên việc chăm sóc cô có bị chậm lại. Đến khi họ đến bên giường cô thì một chân của em bé đã lọt ra ngoài và họ phải giải phẫu đem em bé ra khẩn cấp.

Trong vài ngày đầu tiên của cuộc đời, em bé ói ra máu. Em không thể bú được và các bác sĩ cố gắng cho em uống trà. Sáu ngày sau khi sinh, hai mẹ con được cho xuất viện, nhưng em bé chẳng bú được là bao và thỉnh thoảng vẫn ói ra máu. Cha mẹ mang em đến bệnh viện phía đông Berlin nơi họ đang cư trú nhưng bệnh viện không tìm ra bệnh. Nỗi sầu của đôi vợ chồng trẻ làm sao diễn tả được vì bé trai này là ước mơ của đời họ. Sau cùng, người mẹ mang con đến một bệnh viện phía tây Berlin và nơi đây đã cho biết căn bệnh của bé: trong lúc sanh nở, miếng màng chắn giữa phổi và dạ dày bị vỡ. Dạ dày và ống dẫn thức ăn bị hư hại, cháu bị sưng trong bụng và ra huyết bên trong. Vì sự trầm trọng của bệnh tình, cháu được giải phẫu ngay và phải nằm lại bệnh viện.

Đến đầu tháng 7.1961 hai vợ chồng được phép mang bé về với những lời căn dặn thật rõ về thuốc men và cách chăm sóc. Hai vợ chồng phải thường xuyên đến bệnh viện này để nhận sữa đặc biệt dành cho bé. Lúc bấy giờ dù có phân chia đông và tây Đức, nhưng bức tường chưa có. Dù vậy, người mẹ vẫn phải xin giấy phép đặc biệt từ Bộ Y Tế để mang sữa về cho con. Trong nhiều tuần lễ sau đó, sức khoẻ của bé có tiến triển, tuy chậm nhưng rất rõ ràng.

Trong đêm ngày 12-13 tháng 8.1961 bức tường Berlin được dựng lên với kẽm gai nằm trên mặt tường. Hai vợ chồng vẫn ở căn nhà cũ nằm bên Đông Đức. Buổi sáng hôm ấy, khi hai vợ chồng thức dậy, thế giới bé nhỏ của họ đảo lộn.

Như thường lệ, người mẹ đến bộ Y Tế xin phép được sang Tây Đức lấy sữa cho con, và bị từ chối. Người mẹ cố gắng van nài, nói rằng con cô bệnh nặng lắm, không có loại sữa đặc biệt này, chắc bé phải chết. Nhân viên trả lời “Nếu con cô bệnh nặng như vậy thì tốt hơn nên để cho nó chết.” Không còn sự lựa chọn nào hơn, hai vợ chồng cho con bú sữa bình thường. Bé bắt đầu ói ra máu như trước. Hai vợ chồng mang con đến bệnh viện Đông Đức để cấp cứu. Bác sĩ giữ đứa bé tại bệnh viện nhưng bảo hai vợ chồng ra về. Sáng hôm sau, người mẹ đến bệnh viện thăm con và đứa bé không còn trong bệnh viện này. Vì tình trạng trầm trọng của bé, bác sĩ quyết định mang bé sang bệnh viện Tây Đức, nơi đã cung cấp sữa đặc biệt cho bé và không biết họ đã làm cách nào mà đưa bé sang Tây Đức trong đêm đó. Quyết định này đã cứu mạng bé.

Bắt đầu từ buổi sáng hôm ấy, bé nằm bên tây Đức còn cha mẹ bên đông và theo luật mới, muốn sang bên kia bức tường, phải có phép của Bộ Nội Vụ. Vì tình trạng của bé không khả quan, hai vợ chồng xin bệnh viện Tây Đức mời một vị Mục sư vào làm lễ dâng con khẩn cấp và sau chín tuần rưỡi, người mẹ được phép của Bộ Nội Vụ sang Tây Đức dự lễ dâng con. Người cha dĩ nhiên không được phép vì chánh quyền nghi rằng cả hai vợ chồng sẽ trốn sang Tây Đức. Lễ dâng con được cử hành vào tháng 10.1961 với người mẹ bế con trên tay bên cạnh ông Mục sư, có nhiều nhân viên bệnh viện đứng bên cạnh họ. Đôi mắt buồn của người mẹ trong hình nói lên được điều lòng cô muốn nói. Sau lần dâng con, em bé phải chịu thêm bốn lần giải phẫu nữa. Bệnh viện Tây Đức cố gắng đặt một màng chắn nhân tạo giữa phổi và dạ dày cho bé, nhưng họ cảnh cáo rằng bé có thể chết bất ngờ trong một cuộc giải phẫu.

Sau biến cố dâng con, hai vợ chồng cô tìm cách trốn sang Tây Đức. Mỗi lần nhắc đến quyết định này, nước mắt cô tuôn dài. Cô chẳng phải là người làm cách mạng. Cô chẳng theo một đảng chính trị nào và cô chẳng phải muốn trở thành kẻ phạm pháp. Tiếng gọi của lòng mẹ, tiếng gọi của con tim đưa cô đến quyết định vượt bức tường Berlin bằng mọi cách.

Ai có thể nắm được con số người muốn trốn sang Tây Đức? Và mỗi một người đó có những lý do khác nhau. Sau khi bức tường Berlin có mặt rồi, Đông Đức tìm đủ mọi cách để chận làn sóng người này. Có những nhóm người xuất hiện và mang trên vai họ công tác đặc biệt, giúp người vượt từ Đông sang Tây bằng mọi cách, trong số ấy, vợ chồng cô được quen biết hai cha con cũng nằm trong trường hợp tương tự, cha là bác sĩ đang kẹt lại bên Đông, con đang học đại học bên Tây nên cha mẹ của thanh niên này tìm cách vượt bức tường Berlin, cũng như hàng ngàn người khác.

Ngay sau khi bức tường xuất hiện, Đông Đức tìm đủ mọi cách để ngăn chận làn sóng vượt tường. Tất cả các đường xe hơi, xe bus, xe hỏa đều bị đổi và kiểm soát thật chặt chẽ. Nhưng làm sao có thể khóa kín một quốc gia, ngăn chận mọi lối ra vào. Xe hỏa tại Âu Châu muốn đi sang Denmark và Sweden phải chạy ngang Đông Đức. Nếu có giấy thông hành đầy đủ, người Tây Đức có thể đi ngang qua Đông Đức trên đường đến Baltic Sea hoặc Copenhagen. Và ngay tại những trạm xe đó, từ ga địa phương đổi sang ga quốc tế chưa có những trạm kiểm soát chặt chẽ, người đi chỉ bị xét vé và giấy tờ đang khi ở trên xe hỏa mà thôi. Một người với giấy tờ đầy đủ của Tây Đức có thể đi ngang qua Đông Đức và rồi từ đó trở về Tây Đức.

Chương trình của nhóm tổ chức rất khôn ngoan và đơn giản. Vì rất nhiều người Tây Đức sẵn sàng giúp người Đông Đức vượt tường nên họ cho mượn passport, sau khi đã được visa nhập cảnh Đông Đức. Bên Đông Đức chỉ cần tìm người cùng tuổi tác, chiều cao, màu mắt, khi đã nhận được những passport thật này rồi, họ phải tìm người chuyên môn để hình của người Đông Đức vào những passports để đi sang Tây Đức. Với phương pháp này, hai vợ chồng vị bác sĩ đoàn tụ được với con trai họ tại Tây Đức.Theo lời khích lệ của gia đình này, vợ chồng cô cũng theo chương trình dùng passport giả, nhưng đến ngay giây phút cuối cùng, trước khi bước lên xe hỏa đi Tây Đức, vợ chồng cô kịp thời trở về khi nhận được dấu hiệu đặc biệt phải bãi bỏ. Tất cả những người đi trong chuyến ấy đều bị bắt, lý do đơn giản là mật vụ Đông Đức được báo cáo về vấn đề passport giả, nên trong một đêm đã cho ấn hành một loại tem đặc biệt dán trong passport, ai không có tem, tức là passport giả.

Nhiều năm sau, một nhóm người khác đã đào một đường hầm từ bên dưới một tòa chung cư lớn ở Đông Đức và đã có 29 người qua đường hầm này, đã đến được Tây Đức. Vợ chồng cô cũng được thúc giục dùng đến phương pháp này và trong đêm vượt đường hầm, chỉ có chồng cô bị bắt, cô chưa kịp đến hầm.

Nhưng kể từ giây phút ấy, cô bị theo dõi đêm ngày, cho đến một ngày kia, cô bị bắt bất thình lình. Tại nơi giam giữ, cô bị tra vấn liên tục nhiều ngày, không được ngủ, để gây khủng hoảng tinh thần và đến cuối cùng, mật vụ mở cho cô một lối thoát. Họ hứa sẽ cho cô gặp con, nếu cô chịu dàn xếp một cuộc hẹn với con trai của cặp vợ chồng bác sĩ, người đã giúp đỡ và dàn xếp cho nhiều người vượt tường. Họ muốn cô hẹn gặp người này tại một công viên vào ngày giờ do họ chỉ định. Cô đã lập tức trả lời “không”, biết rằng mình vừa từ chối cơ hội để đoàn tụ với con, nhưng lương tâm sẽ không bị cắn rứt và bàn tay không vấy máu người vô tội. Sau lần ấy, họ không hề thẩm vấn cô nữa.

Hai vợ chồng bị giam giữ tại hai nơi khác nhau và không được liên lạc với nhau. Trường hợp đặc biệt của gia đình cô được báo chí Tây Đức biết đến, nên chánh phủ Đông Đức quyết định đưa vợ chồng cô ra tòa để hợp thức hóa tội của gia đình cô theo luật pháp. Dù vợ chồng cô không nhận luật sư do chánh quyền chỉ định mà mướn luật sư riêng, nhưng cũng chẳng có kết quả gì, vì luật sư của gia đình chỉ được biết lời cáo trạng của chánh quyền chỉ 5 phút trước khi phiên xử bắt đầu. Vợ chồng cô bị kết tội có thái độ chống chánh phủ và lén nghe các đài phát thanh từ Tây Đức. Vì tội này, hai vợ chồng mỗi người bị kết án 4 năm khổ sai. Trong 4 năm khổ hình đó, mỗi năm cô được phép có khách thăm 4 lần trong năm, nhưng vì trong năm cô bị đổi tù rất nhiều lần và bạn bè, thân nhân không được biết cô đang bị giam tại đâu, nên thật ra không có cuộc thăm viếng nào cả. Một đôi lần, cô có nhận được thư gia đình, nhưng thư nào cũng đều đã được mở ra và đọc trước.

Con trai cô tiếp tục ở lại bệnh viện Tây Đức, nơi trở thành nhà, nhân viên bệnh viện trở thành người thân, là những người cho bú, cho ăn, thay tả, tắm và dạy em bé nói, đi và hát. Năm bé được 3 tuổi, cô nhận được thư báo cáo của bệnh viện rằng bé là “cục cưng” của bệnh viện, nhưng cơ thể vẫn phải nhận sữa qua dây ống, cân nặng 7670 gr. Chiều cao của bé kém hơn chiều cao của trẻ con cùng tuổi. Mọi nhân viên đều hy vọng rằng theo với thời gian, sức khoẻ của bé sẽ càng lúc càng khả quan hơn.

Vào tháng 8 năm 1964 vợ chồng cô được Tây Đức trao cho Đông Đức số tiền 40,000 đô để được trả tự do. Hai vợ chồng bị tống ra khỏi tù, bước ra đường không một tờ giấy lộn trong tay. Trong số 34,000 người đã được mua từ năm 1963 đến năm 1989, chỉ có 9 trường hợp Tây Đức đã phải trả một số tiền mặt rất cao nhưng Đông Đức vẫn không trả tự do cho những người đó.

Vợ chồng cô phải chờ thêm 8 tháng nữa để con trai được đủ sức khỏe để rời bệnh viện Tây Đức đoàn tụ với cha mẹ. Cậu bé nhỏ bé người, lưng khòm, gần 5 tuổi, bước vào nhà gặp cha mẹ lần đầu tiên tại Đông Đức. Cậu ăn nói rất nhỏ nhẹ và lịch sự với hai người được gọi là cha mẹ mà cậu gặp lần đầu tiên tại nhà. Khi nhìn con lần đầu tại nhà, cô phải cố gắng bảo với chính mình rằng cô đã không quyết định sai lầm khi từ chối nhúng tay vào việc hại người khác để được gặp con.

Cậu bé lớn lên với thân thể nhỏ bé, thấp người hơn những thanh niên cùng lứa tuổi, lưng khòm, cơ thể như chồm ra phía trước, hai tay và hai chân lèo khèo, vặn vẹo, không thẳng, với đôi mắt sâu và gò má nhô cao, nói chuyện một cách vui vẻ. Khi đã lớn, một ngày kia, một phóng viên báo chí có hỏi cậu rằng cậu có nghĩ mẹ mình đã sai lầm khi không nhận lời cộng tác với chánh quyền Đông Đức để nhờ đó có thể mang con về sớm hơn hay không, Cậu đã trả lời ngay rằng khi nhìn cha mẹ, cậu không bao giờ nghĩ rằng họ đã sai lầm trong quyết định ấy và cũng chẳng nhìn cha mẹ là kẻ phạm pháp như cái nhìn của chánh phủ Đông Đức. Với một nụ cười hiền lành trên gương mặt, cậu xác nhận lòng ngưỡng mộ cha mẹ về những gì họ đã làm.

Cậu ưa thích âm nhạc và bắt đầu học đàn. Vì có một cơ thể khiếm khuyết nên mỗi hai tuần một lần, cậu được sang Tây Đức để mua vài vật dụng cần thiết cho cậu. Nhiều bạn nhạc sĩ Đông Đức nhờ cậu mua giúp những dây đàn cho đàn điện của họ, nằm trong danh sách những vật bị cấm. Vì sang biên giới nhiều lần nên cậu quen mặt hầu hết những người lính gác tại đó, và 90% những lần trở về Đông Đức, cậu bị xét hành lý, bị lập biên bản và trở thành kẻ phạm pháp với tội trạng là tìm cách chuyển dây đàn điện lậu vào Đông Đức, nhưng không bị truy tố ra tòa.

Chuyện lạ là dù cha mẹ cậu đã từng bị truy tố, bị kết án khổ sai, nằm trong danh sách những kẻ phạm pháp của Đông Đức, cơ quan mật vụ Đông Đức lại muốn cậu làm người báo cáo mật cho họ, vì cậu sang Tây Đức rất thường xuyên, họ muốn cậu làm tai, mắt cho họ. Đầu tiên, để khủng bố tinh thần, họ thu tất cả hồ sơ những lần phạm pháp của cậu khi mua dây đàn điện mang về Đông Đức, mời cậu vào phòng mật vụ và cuối cuộc nói chuyện, cậu được khuyên nên cộng tác với chánh quyền làm người báo cáo mật. Cậu từ chối.

Chuyện không tưởng được lại xảy ra. Bức tường Berlin bị phá hủy vào ngày 9.11.1989. Đông Đức và Tây Đức trở thành một, không còn bức tường ngăn cách nữa. Nhiều thay đổi tuyệt vời đến với người dân Đông Đức. Vì tình trạng sức khỏe yếu kém, cậu nhận được trợ cấp dành cho người phế tật hạng nhẹ và cùng với những ban nhạc kích động nhạc mọc lên như nấm tại phía đông, cậu chơi đàn cho một ban kích động nhạc để tìm thêm phụ cấp cho gia đình.

Khi được hỏi cậu có nghĩ rằng cuộc đời mình đã bị uốn, nắn theo bức tường Berlin không, cậu đã trả lời rằng chắc chắn là có rồi, không thể chối cãi được. Từ bức tường Berlin, cậu đã học được một bài học: đừng đặt chữ “nếu” trong đời mình. “Nếu” như không có bức tường Berlin, chắc cậu không bị trở bệnh nặng và vẫn chung sống với cha mẹ. “Nếu” như không có bức tường Berlin, cha mẹ cậu không phải vào tù. “Nếu” như không có bức tường Berlin, biết đâu cậu có một thân thể khoẻ mạnh bình thường, có công ăn việc làm, có người yêu. Vì bức tường Berlin, mỗi người đều có những nan đề riêng, cá biệt. Trường hợp của cậu có thể trầm trọng hơn người khác, nhưng cậu đã học được rằng điều quan trọng là cách ta đối phó với nan đề của chính mình.

Đoàn thu Cúc