Con người là sinh vật “thích đủ thứ, muốn đủ thứ, tham đủ thứ” do cảm quan của mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và ý thúc đẩy. Có cái “muốn” rất tự nhiên và hữu lý như “Tôi muốn tự do” mà hầu hết người Việt tị nạn nhất trí trả lời khi có người hỏi lý do bỏ nước ra đi. Và là công dân một quốc gia dân chủ, ai cũng cảm nhận được ngay được rằng “không gì quý hơn độc lập, tự do”.

Tự do là gì nhỉ ? Cố tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln nói rằng: “Con người ta chưa bao giờ tìm được định nghĩa xác đáng cho hai chữ tự do. Với người này danh từ đó có nghĩa là : Hãy dùng chính mình và thành quả công việc của mình để làm điều mình thích, với người nọ thì lại là : Hãy dùng người khác và thành quả công việc của người khác để làm điều mình thích, tùy theo cách người ta sử dụng nó. Cùng một danh từ mà lại chỉ định hai điều khác nhau và không thể hòa hợp được với nhau. Do đó mới có tình trạng : Cái mà người này gọi là tự do, thì người khác gọi là độc tài chuyên chế”.

Luật gia và cũng là một triết gia người Pháp, ông Montesquieu lại mỉa mai : “Tự do chỉ là quyền được làm tất cả những gì luật pháp cho phép”.

Tự do đối với  nhà địa lý học Úc, một con cái Chúa phái Báp-tít C. Salacar cũng trong một ràng buộc khác : “Không thể có sự tự do chống lại với chân lý, không thể có tự do chống lại quyền lợi chung”.

Triết gia nổi tiếng Hy Lạp Platon xác định : “Tự do không phải là vấn đề luật pháp hay hiến pháp. Tự do chỉ có cho người nào thực hiện được trật tự thiêng liêng trong nội tâm mình và chấp thuận cho mình những quy luật chính xác làm cho con người có thể tự chế ngự được mình. Nghĩa là con người chỉ được tự do, khi nào đã chịu theo định luật tinh thần gồm có : nhân đạo, lòng trắc ẩn, vị tha và nhiều tính khác không từ ngoài bắt buộc phải có, nhưng mà là do cá nhân mình đã tự do lựa chọn, những đức tính giúp cho loài người có thể sống chung với nhau”. “Con người có thể tự chế ngự được mình”, tự mình chế ngự được mình không dễ, nhưng vẫn “có thể”, với ý chí kiên cường.

Vua Sa-lô-môn khôn ngoan đã nhận định : “Người nào chẳng chế trị lòng mình, Khác nào một cái thành hư nát, không có vách ngăn” (Châm-ngôn 25:28).

Vì con người là sinh vật “thích đủ thứ, muốn đủ thứ, tham đủ thứ”, có tự do chui qua lỗ hổng của pháp luật để truy cầu tiền tài, danh vọng, và sắc dục, nên thường “sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng (khát vọng) chúng ta (mình)” (Ê-phê-sô 2:3). Làm sao có thể “tự mình chế ngự được mình” trong “sự ham mê của xác thịt và ý tưởng (khát vọng)” của mình đây ?

Trong niềm tin của con cái Chúa chân chính, chúng ta có thể “tự mình chế ngự được mình” với phương thức lời Kinh Thánh dạy : “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác” (I Cô-rinh-tô 10:23-24). Cứ nghĩ đến “điều có ích” và “điều làm gương tốt”, cứ nghĩ đến “lợi riêng cho mình” đồng thời nghĩ đến “lợi cho người khác” là có thể “tự mình chế ngự được mình”, là hạn chế ngay “điều có được phép làm”. Người có thể “tự mình chế ngự được mình” bắt buộc phải suy nghĩ chín chắn trước khi hành động. Trong đời sống gia đình, ngoài xã hội, hầu hết những rắc rối, những khó khăn xảy ra là do lời nói. Chúng ta “có phép” nói cho hả giận, cho ra lẽ, cho đã tức, và tất nhiên lời nói tuôn ra phần nhiều theo cảm xúc hơn là lý trí mà lúc bình thường ta không dám nói và có thể tai hại khó lường. Cho nên, khi ta đối đáp với người giận d


ữ, dẫu “chế ngự” được cảm xúc, nói phải lẽ, từ tốn, nhưng xét rằng có nói thêm cũng vô ích thì nên “chế ngự được mình” không nói nữa, chờ dịp thuận tiện, “khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến (tức là người giận dữ)” (Ê-phê-sô 4:29). Người biết tự chế thường nghĩ mới nói thay vì nói xong mới nghĩ.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tự chế là phương thức tạo sức mạnh cho chính mình. Phao-lô quyết định tự chế, ông tuyên bố : “song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục” (I Cô-rinh-tô 9:27). “Bắt nó phải phục” thì sẽ không thể yếu được. Con cái Chúa chân chính yêu mến Chúa có thêm năng lực “tự mình chế ngự được mình”, vì chúng ta biết, trước khi hành động, chúng ta đã nghĩ đến ngay : “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10).

Tiếp theo, tôi xin phép chia sẻ hiểu biết theo sự suy tư của một con cái Chúa về tính lịch sự.

Trong các buổi họp ở ngoài đời, chúng ta thường dùng lời mở đầu khi cần thưa gửi như lời mở đầu : “Kính thưa quý ông bà, anh chị em”. Các xứ nói Anh ngữ,  thưa quý bà trước quý ông : “Ladies and Gentlemen”. Thôi thì “Ladies First” ở những xứ này cũng được, nhưng tại sao lại có tĩnh từ “gentle” - lịch sự, mềm mại trước “men” quý ông ? “Gentle Ladies” có vẻ hợp lý hơn vì phái nữ vốn chuộng mảnh mai, mềm mại. Có lẽ đó là phong tục tập quán ở những xứ đó.

“Gentlemen” để gọi những người đàn ông lịch sự, mềm mại, những người đàn ông không còn là những con “ngựa hoang”, mà được huấn luyện “thuần thục”. Kinh Thánh thường ghi nhận mềm mại - lịch sự với khiêm nhường : “phải khiêm nhường (humble) đến điều, mềm mại (gentle-lịch sự) đến điều” (Ê-phê-sô 4:2). Người lịch sự phải biết “khiêm nhường”.

Có những vị chữ nghĩa một bồ, bằng cấp một xấp, nhưng khi được đề cử làm việc này, việc nọ, đã khéo léo từ chối, hoặc có làm cũng chỉ làm cho có. Gặp khó khăn một chút thì than vắn thở dài, rồi nhận mình là “tài sơ, đức bạc”. Họ khiêm nhường chăng ? Không họ ích kỷ hay nhu nhược.

Đức khiêm nhường có thể coi là viên kim cương sáng chói trong mọi đức tính tốt hay đức tính “thiện” của con người, là đức tính “tự hạ mình xuống”, “..khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:8,3).

Thời xa xưa, mỹ đức này được mọi giới trong thiên hạ cố tâm thực tập. Khi còn đi học, dẫu học cao đến đâu cũng chỉ dám xưng mình là “tiểu sinh” - một người học trò nhỏ, chớ đâu có xếp mình vào hàng trí thức. Làm ăn khá, tậu được ngôi nhà khang trang đến đâu cũng chỉ dám giới thiệu là “tệ xá”, một cái nhà tồi, chứ đâu gắn bảng “biệt thự”. Làm đến vua thiên hạ cũng xưng là quả nhân – người cô độc, cần thần dân giúp đỡ để làm xong sứ mạng Trời trao. Đến đời Tần Thủy Hoàng mới xưng “Trẫm” – Ta, thay trời trị thiên hạ. Ngay các bậc tu hành, đạo sĩ cũng cảm thấy mình là “bần tăng, bần đạo” chứ không phải “đại” hay “thượng”. Những người hầu việc Chúa tự nhận mình là “tôi tớ” (II Cô-rinh-tô 4:5) chứ không phải là … cha.

Buồn thay, cái thời bây giờ là thời vật chất chủ nghĩa, thời quảng cáo, thời đề cao mình, thời khoe khoang thì đức khiêm nhường được gói kỹ đặt vào một chỗ khiêm nhường trong cuộc sống. Thay vì khiêm nhường con người lại kiêu ngạo, tự quảng cáo, tự phô trương, tự đề cao và thấy ngay “thiếu lịch sự”.

Thiếu lịch sự chẳng tốt đẹp gì, có khi còn rước họa vào thân. Người xưa nói : “Khuất kỳ giả năng; hiếu thắng giả tất ngộ địch” có nghĩa là “Nhún mình dễ xử với người, kẻ hiếu thắng tất gặp kẻ địch” – Cảnh Hàng Lục.

Hiệu năng của đức khiêm nhường ngàn đời bất di. Đức khiêm nhường không cho phép chúng ta phô trương, khoe khoang để người ta “nể”, nhưng cho phép chúng ta chứng tỏ khả năng để một tổ chức, một cơ quan, một đoàn thể chấp nhận mình “phục vụ”. Người khiêm nhường hầu hết là người tài ba, đạo đức, nhưng lúc nào cũng cảm nhận mình chỉ là một con người, một người ở giữa mọi người cùng tình đồng loại đồng bào, nên có thể thuận hòa với mọi người dầu không đồng một tâm tình. Người khiêm nhường hầu hết là người có lòng yêu thương, là người có năng lực thông cảm với người đối diện, hiểu họ, liên kết cùng họ với hy vọng đem họ lên bằng mình. Người khiêm nhường thường có cơ học hỏi. Người xưa nói : “tam nhân đồng hành, tất thị hữu sư” - ba người đồng hành, tất có một vị thầy, thế nào cũng học được điều gì đó.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Để có thể trở nên người lịch sự, chúng ta cần nhớ điều rằng người lịch sự phải có đức tính khiêm nhường. Và rằng vì Đức Chúa Trời ban phước cho người khiêm nhường, người chung quanh kính nể, nên chúng ta hãy học tập đức khiêm nhường, và dùng khiêm nhường trong việc giúp tha nhân. Càng tập càng thuần thục, đức khiêm nhường chân thật, tự nhiên sẽ tiềm ẩn trong tâm. Hãy cố nhận định khiêm nhường thật và đừng để rơi vào tình trạng “giả đò khiêm nhượng” (Cô-lô-se 2:18), giả đò lịch sự. Mỗi lần gặp một trường hợp khó khiêm nhường, người chia sẻ niềm tin với quý anh chị thường nhớ lại Lời Chúa nhắc nhở mình hãy học đức khiêm nhường từ Ngài “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta” (Ma-thi-ơ 11:29). Tôi cũng ước mong tìm được một phần nhỏ “tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi-líp 2:5) trong con người mình để thoát được cảnh “khó khiêm nhường” và có thể trở nên người lịch sự hơn.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chúng luôn cậy ơn Chúa để có sự sáng suốt hầu để tự chăm sóc và trau dồi mình hầu có được tính tốt cần thiết cho cuộc sống thăng tiến và hoàn tất những gì chúng ta được giao phó trong việc phục vụ công việc nhà Ngài.