Thơ ngụ ngôn của La Fontaine có chuyện cuộc đua giữa thỏ và rùa. Nếu đánh cá độ, chẳng ai dại “bắt” rùa. Thế mà kết thúc cuộc đua, rùa thắng. Chú thỏ biết mình chạy nhanh nên không lo chạy mà chỉ lo chơi. Rùa biết mình chậm nên lầm lũi bò từng bước một và cuối cùng đến mức trước thỏ. Tiếng Việt mình có câu “chậm chắc còn hơn nhanh đoảng”.

Nhiều người tài giỏi nhưng không thành công chỉ vì thiếu kiên trì. Làm việc gì thấy trở ngại một chút bỏ, thấy khó đạt được như ý hoàn toàn là “ăn non”. Tính kiên trì không phải là mải miết làm, nhưng kiên trì làm theo quy trình.

Quy trình để tiến tới hành động phải làm gì khởi đầu bằng nhận thức (perception) một sự việc. Mỗi sự việc có thể một lúc cho chúng ta một số nhận thức khác nhau. Song một nhận thức quan trọng bắt chúng ta phải suy nghĩ và ý tưởng (thought) nẩy sinh - lý trí. Con tim dự phần với cảm xúc (feeling), sau đó đưa đến ý định (intention) và kết thúc là hành động (action) - làm. Sau khi hành động hay làm, chúng ta nhìn lại sự việc, thẩm định và bắt đầu trở lại nhận thức về hành động của mình, khởi đầu một quy trình tiếp theo.

Cái quy trình : Nhận thức - Ý tưởng - Cảm xúc - Ý định - Hành động giúp cho việc chúng ta làm chính xác hơn và tốt đẹp hơn. Kiên trì theo quy trình này thế nào cũng thành công.

Thánh Phao-lô trong công việc Chúa, ông kiên trì. Cuộc đời của Phao-lô rất thành công ngoài đời. Ông tự hào là môn đệ của giáo sư danh tiếng thời bấy giờ là Ga-ma-li-ên (Công-vụ các Sứ-đồ 22:2). Trước khi đầu phục Chúa Jêsus, Phao-lô đã thành công trong việc bắt bớ tín đồ Đấng Christ. Phao-lô “có trọn quyền của các thầy tế lễ cả phó cho, đặng bắt trói hết thảy mọi người cầu khẩn đến danh Ngài (Đức Chúa Jêsus)”, “Sau-lơ (Phao-lô) làm tàn hại Hội thánh: sấn vào các nhà, dùng sức mạnh bắt đàn ông đàn bà mà bỏ tù” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:14; 8:3).

Sau khi Phao-lô đầu phục Chúa, ông trở nên sứ đồ của Ngài. Phao-lô không kiên trì trong sở học của mình, nhưng kiên trì trong môn học mới. Phao-lô tâm sự về sự kiên trì học của ông như sau : “Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi (sự thành công ở ngoài đời) như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết (như Chúa Jêsus)” (Phi-líp 3:7-11). Phao-lô kiên trì để “cho … giống như Ngài”. Dầu vậy, Phao-lô vẫn kiên trì tiếp, ông nói : “Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đang chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Jêsus Christ giựt lấy rồi” (Phi-líp 3:12).

Nhiều người sau khi đạt được thành công nào đó, đã ngồi xuống vui hưởng sự thành công và quên đi tiến trình cho những ngày còn lại của mình. Thiếu kiên trì là bỏ lỡ cơ hội đạt đến những thành quả khác. Kiên trì phương cách giữ mình trong sinh hoạt của dòng đời. Kinh Thánh có nói về thời điểm chấm dứt cuộc đời trên đất như sau : “phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau” (Khải-huyền 14:13). Chỉ có sự chết mới chấm dứt sự kiên trì về “việc làm mình”.

Chúng ta không thể kiên trì nếu không học biết chấp nhận. Cái khó chấp nhận nhất là thất bại. Người xưa đã giúp ta chấp nhận thất bại bằng câu “thất bại là mẹ thành công”.

Mỗi lần thất bại là một lần lòng tự tin bị tổn thương. Mỗi lần thất bại là được người quen biết đánh giá mình theo sự thất bại. Cái bóng điện mà chúng ta sử dụng cách đây khoảng 10 năm trước là thành tựu của 1200 lần thất bại của Edison khi làm “sợi tóc” trong bóng điện.

Mỗi lần thất bại, chúng ta thường có thêm “thầy đời” phê phán, chỉ vẽ cho ta về công việc của mình. Chúng ta lắng nghe, nhưng hãy nhớ cách nhìn của người đời không ai giống ai, góc độ nhìn của mỗi người một khác. Vì thế, chúng ta lắng nghe và suy xét, rút tỉa những bài học từ nơi thất bại. Đây là những kinh nghiệm quý báu. Càng thất bại, càng đầy kinh nghiệm tạo nên “mẹ thành công”.

Thất bại là việc đương nhiên trong công việc, là một giai đoạn, chớ không phải đoạn kết của cuốn sách đời người. Với tinh thần chấp nhận thất bại, chúng ta có thể mỉm cười theo định luật “có thắng có thua, có thua có thắng”.

Nhẹ hơn thất bại, phải nói đến chấp nhận khổ nạn, khó khăn. Trong câu nói để đời của Nguyễn Bá Học : “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi, e sông”, “sông” “núi” là những khổ nạn, khó khăn bắt gặp trên hành trình. “Lòng người ngại núi, e sông” là không chấp nhận khổ nạn, khó khăn trên hành trình, là thấy “khó”, và đôi khi bỏ cuộc.

Trong đời sống, con người rất ít khi được rèn luyện, nung đúc trong cảnh “mưa thuận gió hòa”, “ăn sung mặc sướng”. Trái lại trong cảnh đó con người thường bị “mụ” ra. Trong đời sống, không ít thì nhiều, chúng ta đều gặp khổ nạn, khó khăn. Không muốn chẳng được thì phải chấp nhận. Nhưng chấp nhận tiêu cực, cho là “số Trời đã định”, “thôi đành nhắm mắt đưa chân, để xem Ông Tạo xoay vần đi đâu”. Chấp nhận cách này không giúp chúng ta tiến bộ. Nhìn khổ nạn, khó khăn, chỉ thấy khổ nạn, khó khăn thì thành người mang dấu ấn khổ nạn,khó khăn suốt đời. Phải chấp nhận cách tích cực - “tận nhân lực, mới tri thiên mệnh”. Lạ lắm, con người phần nhiều được rèn luyện, nung đúc trong khổ nạn, khó khăn.

Phần lớn những người thành công trong đời đều trải qua một thời gian khổ nạn, khó khăn. Chúng ta không thấy khổ nạn, khó khăn của họ mà chỉ thấy thành quả của họ. Tiếng Anh có câu : “No Cross, No Crown” - không có Thập Tự Giá, không có mão triều thiên. Hãy chấp nhận khổ nạn, khó khăn là kích thích tố cho tinh thần phấn đấu. Vậy thì con cái Chúa chúng ta còn đợi gì mà không chấp nhận khổ nạn, khó khăn trên hành trình phục vụ công việc nhà Chúa.

Nhẹ hơn chấp nhận khổ nạn, khó khăn phải nói đến chấp nhận sai lầm. Người xưa đã nói : “nhân vô thập toàn” - không người nào hoàn toàn, ai tất cũng phải có lúc sai lầm. Chúng ta thường sai lầm từ tư tưởng, lời nói đến hành động, nhưng lại rất khó cho chúng ta chấp nhận sai lầm của mình. Khi sai lầm của mình bị vạch ra, chúng ta thường bào chữa hơn là chấp nhận, và đôi khi cho rằng người khác thấy sai lầm chưa chắc đúng. Gần đây, trong một cuộc thảo luận về “Mục đích sống của tuổi trẻ” qua đường điện thư (e-mail) cùng các bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học ở  Nhật Bản, tôi viết “vinh thân phì da”, một bạn trẻ không thấy sai lầm chính tả, mà thấy sai lầm vì dốt. Thay vì “gia” là nhà, tôi lại viết “da” là “da thịt”. Anh bạn trẻ này cho rằng tôi viết “da” vì ấn tượng thân hình đẫy đà ở xứ Nhật Bản. Tôi đành chấp nhận lỗi lầm do “dốt”, chớ không phải lỗi chính tả, để khỏi có chuyện đôi co vô ích, để anh bạn trẻ thấy mình “sáng suốt”.

Thật ra, với tinh thần chủ quan, chúng ta khó thấy lỗi lầm của mình. Được người chỉ cho biết lỗi lầm là một điều đáng quý. Có họa sĩ vẽ bức tranh người cưỡi ngựa. Ông để bức tranh trước phòng tranh, lắng nghe những lời phê bình của người dừng lại ngắm tranh. Một anh thợ giầy, đã nhận ra lỗi lầm về đôi giầy của người cưỡi ngựa và nói lên sự sai lầm ấy. Người họa sĩ nghe được, đêm hôm đó đã vẽ lại cho đúng như lời người thợ giầy nhận định. Sáng hôm sau, người thợ giầy đi qua, thấy đôi giầy đã được sửa chữa lại, chàng hứng chí, nói đến lỗi lầm của con ngựa, quần áo của người kỵ mã. Chàng họa sĩ phải bước ra vỗ vai người thợ giầy và nhắc người thợ giầy đừng đi quá đôi giầy.

Sai lầm mà người nhìn thấy, chưa chắc đã là sai lầm thật của mình. Thi sĩ Tường Lưu khẳng định “ai chê ta bừa bãi, không thể là thầy ta”. Nhưng nếu nhờ người mà ta thấy rõ sai lầm của mình, thì chấp nhận là cách hành xử tốt nhất để cải tiến.

Nhiều lãnh vực thiếu người chuyên môn nhìn ra lỗi lầm “đúng”. Cũng may, nhiều lúc chúng ta tự nhận ra lỗi lầm của mình, nhưng chấp nhận hay bỏ qua cũng là một vấn đề.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chúng luôn cậy ơn Chúa để có sự sáng suốt hầu chấp nhận thất bại, khổ nạn, khó khăn, lỗi lầm trên bước đường theo Ngài,  và để tự chăm sóc và trau dồi mình hầu có được tính tốt cần thiết cho cuộc sống thăng tiến, nhất là kiên trì hoàn tất những gì chúng ta được giao phó trong việc phục vụ công việc nhà Ngài.