Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 (đã quá xa rồi, quý vị nhỉ), chúng ta biết bao người đã phải ngỡ ngàng khi gặp một số bè bạn cũ, đồng đội, đồng nghiệp. Họ là những người với sự kiêu hãnh vì đã được đứng trong hàng ngũ chiến thắng. Họ là những người mới, mới từ bộ quần áo bề ngoài, mới cả ngôn ngữ, luận điệu trong việc giao tiếp. Họ tự nhận là những con người của cách mạng. Hoàn cảnh đã đẩy họ vào vai trò đối lập với “hiện trạng”, họ biến thành công cụ của sự đổi thay. Bà con mình đặt ngay cho họ một tên mới : Dân Tân Gia Ba - dân mới ra nhập ngày 30.

Những nhà cách mạng thật sự đều có tư tưởng cấp tiến, tự dấn thân vào con đường xung đột đầy gian nan, nguy hiểm để tạo nên một thay đổi về xã hội. Họ tự cách mạng bản thân, là tự đào tạo mình, nghiêm khắc hóa con người mình,không bao dung tạp dị tính. Phải làm cho mình cực kỳ cứng rắn, tạo nên mình một khí giới tấn công cơ cấu xã hội xấu xa. Phương thức của người cách mạng là đập tan hiện trạng. Tư tưởng của người cách mạng là một hàm ý về một hình ảnh được quy định đẹp đẽ trong sáng. Nhưng trên thực tế, cuộc cách mạng kết thúc ít khi giống hình ảnh mà cuộc cách mạng đã đề xướng lúc khởi đầu. Người cách mạng không phải là con người đã được đổi mới như những gì hiện hữu trong tư tưởng, dầu họ có nhiều điểm đặc biệt khác với những người bình thường. Đa số những người này, sau cách mạng ít lâu, cũng trở nên bè phái, tham nhũng, đặt quyền lợi mình, gia đình mình, bè phái mình lên trên hết. Buồn thay, đau đớn thay, uất hận thay !! Chỉ vì họ là con người thường.

Cách mạng có thể biến đổi con người theo nghĩa thay đổi, nhưng không có thứ cách mạng nào có thể biến đổi con người thành người mới.

Kinh Thánh định nghĩa người mới là “người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Người mới là người được “dựng nên mới”, không phải là người được cải tạo, tu sửa. Và tất nhiên “dựng nên” không phải phần do con người làm.

Thủa ban đầu, trong công cuộc sáng tạo vũ trụ, Đức Chúa Trời dựng nên con người : “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta” (Sáng-thế ký 1:26), “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng-thế ký 2:7). Trong công cuộc cứu chuộc loài người, Đức Chúa Trời lại dựng nên người mới trong con người. Đây là phần hành của Đức Chúa Trời làm trong chúng ta. Kinh Thánh gọi người mới mà Đức Chúa Trời “dựng nên” là “người bề trong (trí tuệ và linh hồn) cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (II Cô-rinh-tô 4:16), là người “sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời” (I Giăng 3:9).

Người mới là người được sinh ra bởi “hột giống của Đức Chúa Trời”. Đây là sự mầu nhiệm, phép lạ đã xẩy ra cho trinh nữ Ma-ri. Thiên sứ đã phán cùng Ma-ri về việc nàng mang thai Chúa Jêsus như sau : “Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:35). Đây không có nghĩa Ma-ri được giao hợp với Thần Linh, mà là được “Thần Đức Chúa Trời vận hành” (Sáng-thế ký 1:2) với quyền phép của “Đấng Rất Cao” là chính Đức Chúa Trời. Cũng một thể ấy, người mới chúng ta “sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy” (Giăng 3:8). Vậy nên người mới trong con cái Chúa chân chính có chung một bản thể với Đức Chúa Jêsus. Vì cớ đó mà tất cả con cái Chúa chân chính đều trở thành “thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân (thể của Ngài)” (I Cô-rinh-tô 12:27).

Khi nào Đức Chúa Trời “dựng nên” người mới trong chúng ta ? Kinh Thánh trả lời : “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17). Nghĩa là bất cứ ai trong chúng ta ăn năn tội lỗi mình, bằng lòng tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình thì ngay tại thời điểm tin nhận, Đức Chúa Trời lấy quyền phép “dựng nên” người mới trong chúng ta, và “Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: A-ba! Cha!” (Ga-la-ti 4:6). Vì cớ đó, con cái Chúa chúng ta kêu Đức Chúa Trời bằng “Cha” một cách kính mến tự nhiên.

Điều mà nhiều người thắc mắc là làm sao trong cộng đồng con cái Chúa tức cộng đồng người mới trong Chúa vẫn có những vị thản nhiên phạm tội đều đặn, mặc dầu biết đó là tội lỗi (không ai biết, và do lỗ hổng của luật pháp). Qua Kinh Thánh, tôi tin rằng những vị này chỉ còn đức tin chết, đã vứt bỏ đức tin, hoặc khi nói lên lời tin nhận thì chỉ nghĩ đến những gì mình sẽ nhận được mà không cần biết đến trách nhiệm hay bổn phận. Những vị này đã đẩy “sự biến đổi bề trong” vào một góc kẹt trong linh hồn, hay nói khác hơn họ đã từ bỏ “người mới” mà hành động theo ý mình. Kinh Thánh đã khẳng định con cái Chúa trót phạm tội phải ăn năn, không trở về đường cũ thì mới được cứu rỗi nếu không sẽ sa xuống địa ngục “Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:43), “Nếu con mắt ngươi làm cho ngươi sa vào tội lỗi, thì hãy móc mà ném cho xa ngươi đi; vì thà ngươi một mắt mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng vào lửa địa ngục” ( Ma-thi-ơ 18:9). Phải ăn năn và không trở lại đường tà cũ thì mới giữ được sự biến đổi bề trong trong linh hồn.

Đối với những Cơ-Đốc nhân theo Chúa đó nhưng bỏ qua những điều Chúa phán dậy, chỉ nghĩ đến bụng mình, thản nhiên phạm tội, Kinh Thánh cho biết họ sẽ bị hư mất (hủy hoại) không được cứu rỗi : “Lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ.  Sự cuối cùng của họ là hư mất ( Bản Tiếng Anh là destruction có nghĩa là hủy hoại); họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.” (Phi-líp 3:18-19). Những vị này chỉ nghĩ đến bụng mình để rồi thản nhiên phạm tội, và tương lai là sẽ bị hư mất.

Đối với những người Cơ Đốc thản nhiên làm ngược lại lời Chúa phán dậy, nói khác đi là bội đạo, hay gián tiếp bỏ đạo, nhưng vẫn tin rằng mình là con cái Chúa, Kinh Thánh cũng cho biết chẳng có sự cứu rỗi dành cho họ, trong Sách Hê-bơ-rơ Đoạn 6 “Kết quả khốn nạn của sự bỏ đạo (bội đạo)” có chép như sau  Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh,  nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã (bản tiếng Anh là fallen away có nghĩa là xa ngã), thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời.  Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt (bản tiếng Anh là being burned)” (Hê-bơ-rơ 6:4-8). Những vị này lại xa ngã phạm tội như trước khi tin nhận Chúa, họ bội đạo, tương lai của họ là bị rủa sả, cuối cùng phải bị đốt

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Là người mới trong Chúa, con cái Chúa chúng ta yêu thương những người chưa phải là người mới trong Chúa bằng tất cả chân tình, vì biết chắc những người chưa có phải là người mới trong Chúa đang sống với tấm lòng hư hoại, tội lỗi và chắc chắn bị Đức Chúa Trời hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Con cái Chúa chúng ta không ngại tốn công sức, tiền của để rao báo cho mọi người biết và tin Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời, hầu cho mọi người trở nên người mới trong Chúa. Tôi tin rằng điều này làm đẹp lòng Chúa.