Bước vào xã hội, không phải mọi người như mình và mình cũng không thể như mọi người. Mỗi người đều có cá tính, sở thích, mục tiêu theo đuổi với phương thức sinh hoạt của mình.

Cái kỳ quặc của con người là muốn người khác giống mình. Hễ không giống mình, không hòa hợp hình sắc, thế lợi là bực bõ, khó chịu hay tâm thần chao đảo.

Con người đảo điên trong một thế giới đảo điên. Con người muốn tĩnh, nhưng “cây muốn lặng, mà gió chẳng đừng”. Để đáp ứng cái ao ước tĩnh tâm của con người, các tôn giáo đã mở khóa tĩnh tâm để giúp con người tìm được giây phút tâm bớt xao động và yên lặng trong chốc lát.

Để tham dự khóa khóa tĩnh tâm, trước hết là tới một nơi vắng vẻ, xa lánh mọi sinh hoạt xã hội. Người tham dự mặc chung một mầu áo, ai cũng như ai, địa vị chức tước, giầu sang chẳng ai màng tới. Suốt ngày ngồi thiền, nghe giảng Kinh, tụng niệm Kinh, hoàn tòan tư tưởng tốt lành. Gặp nhau, nói năng trong lễ độ, hòa nhã hỏi sao tâm không tịnh. Qua vài ngày tâm tịnh, thơi thới ra về, dấn thân vào môi trường quen thuộc với những sinh hoạt hằng ngày trong một thế giới điên đảo thì làm sao tịnh được. Ngoại cảnh chi phối nội tâm. Thế gian tranh dành nhau tiền tài, danh vọng, quyền lực không từ một phương tiện bất chính nào, tiếp tục làm khổ con người. Người đang chia sẻ niềm tin cùng quý vị độc giả tin rằng, muốn tịnh tâm phần nào, phải tập ngay trong đời sống hằng ngày, tập nhịn nhục trước nhất.

Chữ “nhịn” là thái độ từ khước nhu cầu vì lợi ích nào đó.Như “nhịn ăn” để khỏi có thân hình tròn lẳn, đôi khi “nhịn đói” để làm reo, đòi hỏi yêu sách được thỏa mãn.

Đặt trước chữ nhịn là chữ nhường, nhường nhịn là sự suy tính quyết định nhường phần hơn cho người, phần thua thiệt mình chịu, đành chấp nhận “nhịn”, khước từ cái nhu cầu bản năng đòi hỏi, từ khước cái lý trí phải lẽ quyết định.

Nhiều người rất khí khái, thà “chết vinh hơn sống nhục” nên không thể “nhường” hay “nhịn” được. Nhiều người thức thời, đành “biết” nhường nhịn hay hơn thế nhịn nhục chờ thời tiến lên rửa nhục. Nhiều người cô thế đành “nuốt nhục” nên “nhịn” dễ dàng.

Gặp kẻ ngang ngược lấn áp, người khôn ngoan phải biết nhường. Muốn “nhường” bắt buộc phải “nhịn”. Người biết “nhịn” bề ngoài trông như hèn yếu, nhưng thực ra người dũng cảm mới biết “nhịn”.

Chữ để sau chữ “nhịn” là chữ “nhục” - “nhịn nhục”.“Nhịn” chẳng vinh gì, trái lại còn “nhục”. Chấp nhận “nhục” mới có thể “nhịn” được. Nên người biết “nhịn” đúng quả là người khôn ngoan, dũng cảm.   

Trong sử học Trung Hoa có ghi lại Hàn Tín “nhường nhịn” và “nhịn nhục” thằng côn đồ bán thịt ra sao. Câu chuyện được kể như sau : Hàn Tín, người đất Hoài-âm nước Sở đời Tây Hán. Thủa hàn vi thường câu ở sông Hoài, được cá đem ra chợ bán. Hàn tín có thanh kiếm đeo bên mình. Một hôm, Hàn Tín đem cá ra chợ bán, gặp tên bán thịt Ác Thiểu đón đường, bảo : “Bán cá mà còn đeo gươm cho oai, vậy có dám đâm ta không ?”. Hàn Tín chưa biết tính sao thì Ác Thiểu nói tiếp : “Nếu không dám thì hãy chui dưới trôn của ta đây mà qua.”. Hàn Tín không do dự, cúi minh chui dưới trôn Ác Thiểu. Người ở chợ cười ồ, cho Hàn Tín là đứa hèn nhát. Từ đó Hàn Tín có them cái tên “đứa luồn trôn”.

Về sau Hàn Tín giúp Lưu Bang lập nên cơ nghiệp Hán Triều. Hàn Tín được phong làm Sở Vương. Hàn Tín gọi Ác Thiểu tới phong cho chức Trung húy. Ác Thiểu vội thưa : “Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, chẳng biết đại nhân mà xúc phạm uy nghiêm, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu được ban chức tước.”. Hàn Tín ôn hòa bảo : “Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động đối xử của ngươi ngày xưa xem ra tuy có vẻ quá đáng nhưng cũng là một bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi đừng tị hiềm, mà hãy nhận chức ta ban.”.  Ác Thiểu lui ra, Hàn Tín nói với những người thân cận rằng : “Tráng sĩ đó trước kia làm nhục ta. Lúc ta còn hàn vi, không thế lực gì, nếu ta chống cự, giết nó đi thì ta chưa chắc ta đã được như ngày hôm nay. Nhờ ta biết nhịn nhục nên mới yên thân mà lập công danh. Nó giúp ta đấy, nên mới phong thưởng, chớ không phải là việc vô cớ.”.

Người biết nhịn nhục như Hàn Tín là người có đức độ và ý chí cao cường.

Kinh Thánh dạy con cái Chúa chúng ta : “Chớ vội gây ra điều tranh tụng” (Châm-ngôn 25:8). “Chớ vội”, chuyện đâu còn có đó, nhịn được mới có thời giờ suy xét để lời nói khỏi hồ đồ, tránh được hành động trái lẽ, như lời người xưa khuyên dạy “mẫn ư sự nhi thận ư ngôn” có nghĩa là sáng suốt trong công việc mà cẩn thận trong lời nói.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chúng ta “nhịn nhục” phát xuất từ lòng yêu thương,Tình yêu thương hay nhịn nhục” (I Cô-rinh-tô 13:4). Con cái Chúa chúng ta biết sử dụng “sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:5) thì dễ nhịn nhục. Muốn nhịn nhục chẳng những phải “yêu thương” song chúng ta còn phải có thái độ “khinh điều sỉ nhục” (Hê-bơ-rơ 12:2), chấp nhận “điều sỉ nhục”, coi thường “điều sỉ nhục”, không bận lòng đến “điều sỉ nhục” là tâm tịnh, là trầm tĩnh, và năng động “nhịn nhục vui vẻ mà chịu mọi sự” (Cô-lô-se 1:11). Và nhờ đó mà con cái Chúa chúng ta có thể hoàn tất các công việc Hội Thánh Chúa giao phó, như chia sẻ vật chất và Lời Chúa đến người nghèo khó, người bệnh tật cùng đem người về với Đức Chúa Trời. Tất cả các công tác đòi hỏi nhiều mồ hôi và nước mắt, tấm lòng yêu thương tha nhân cùng sự nhịn nhục vô bờ. Cám ơn Chúa, đã cho Hội Thánh Chúa có được những người con yêu dấu của Ngài đang hoàn tất những công tác kể trên trong, nhất là đem người đang hư mất trở về nhà Ngài.