Người nhân đức biết tha thứ nên không báo oán mà chỉ biết thi ân. Thi ân được thể hiện qua sự “cứu giúp”. “Cứu giúp” được người đời lưu tâm nhiều nhất là “cứu giúp” vật chất, như tiền bạc, đồ ăn đơn giản đóng hộp, đóng gói, gạo v.v. Người Việt hải ngoại hàng năm trên một tỉ Mỹ Kim cho gia đình, người thân, giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật. Nhờ vậy mà một cả triệu người đã được sống no đủ trong cơn khốn khó. Cũng nhờ vậy mà chính phủ đã có được một số ngoại tệ đáng kể xử dụng trong việc ngoại thương. Những người xa quê hương “cấp dưỡng” cho gia đình, họ hàng với tấm lòng yêu thương, “giúp dỡ” tha nhân với tấm lòng nhân đức thương xót chớ không phải để được tán tụng là “Việt kiều yêu nước” hay “khúc ruột xa ngàn dặm”.

Người nhân đức ít lắm. Các tôn giáo muốn đạo hữu “cứu giúp” phải đưa “cứu giúp” vào “công đức” - “Dầu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người”, hay người nhận “cứu giúp” liền “xin Chúa trả công bội hậu” cho người “cứu giúp”. “Cứu giúp” với niềm tin tạo “công đức” cho mình, tích lũy “công đức” cho người thân yêu trong gia đình mình thì chẳng cần nhân đức. “Cứu giúp” để được “Chúa trả công bội hậu” thì khác nào “bỏ tép bắt tôm”. Một số hội “thiện nguyện” không có lòng nhân đức, bất lương dùng tiền quyên góp được “cứu giúp” người thì ít, “cứu giúp” mình thì nhiều. Đúng là “của người phước ta”. Một con cái Chúa ở Hoa Kỳ quyên tiền đem về Việt Nam để “cứu giúp” người nghèo khổ. Trở về Hoa Kỳ, người đóng góp tiền muốn biết số tiền đó đã “cứu giúp” những ai. Vị này rất “thiêng liêng” trả lời theo Lời Chúa trong Kinh Thánh “Song khi ngươi bố thí, đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì, hầu cho sự bố thí được kín nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi” (Ma-thi-ơ 6:3-4), nên vị này không thể “tường trình” cho người đi quyên góp cũng như người đóng góp biết tiền mình đem về “bố thí” cho những ai. Nhất định giữ “kín nhiệm”.

Cứu giúp” về tinh thần dễ mà khó. Có hai cách “cứu giúp” về tinh thần : An ủi và khích lệ. “Cứu giúp” về tinh thần không tốn tiền bạc, chỉ tốn tiền bạc và thời giờ. Biết bao người giầu có, nổi tiếng, quyền cao, chức trọng tự vẫn vì không còn chịu nổi sự buồn chán trong tâm hồn. Một người thất thểu bước vào văn phòng bác sĩ tâm lý. Vị bác sĩ tâm lý này khuyên người buồn nản hãy đi coi “show” của một danh hài mới đến trong thành phố. Những giờ phút vui tươi sẽ làm vơi đi nỗi buồn chán. Người đó lắc đầu và cho bác sĩ biết anh ta chính là danh hài đó. Người này thuộc loại “trong héo, ngoài tươi”, rất khó an ủi.

Chúng ta nhiều lúc cũng lâm vào cảnh khốn khó, đau đớn, buồn nản, cô đơn, thất bại, chúng ta có đồng một tâm trạng như Đa-vít :

Sự sỉ nhục làm đau thương lòng tôi, tôi đầy sự khổ nhọc;

Tôi trông đợi có người thương xót tôi, nhưng chẳng có ai;

Tôi mong-nhờ người an ủi, song nào có gặp” (Thi-thiên 69:20).

Bất cứ ai cũng có thể làm “người an ủi”, nhưng hiệu quả thì không chắc. Thời nay, nhờ khoa tâm lý học, đào tạo những người “cứu giúp” người bệnh tâm thần. Theo thống kê số bác sĩ tự tử, thì số bác sĩ về tâm thần tự tử nhiều hơn hết. Họ có thể an ủi người khác, nhưng khó an ủi mình.

Trong tang lễ vợ, người chồng được một ông bạn đến an ủi:

- Sao buồn dữ vậy, phải vui lên chứ. Bây giờ được tự do hoàn toàn rồi nhé. Không phải ai cũng được như anh đâu. An ủi kiểu này thì “hết ý kiến”.

Lời an ủi không đúng cách khác nào đùa dỡn người đang buồn bực. Các nhà tâm lý học cho biết rất  khó quy định một luật lệ nào trong lời an ủi. Nhưng từ tấm lòng nhân đức muốn an ủi người cho ta một ý niệm và lời lẽ phù hợp đáp ứng lòng mong muốn của ta.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cơ Đốc nhân chân chính có Đức Thánh Linh ngự trong lòng. Ngài được định danh là “Đấng An Ủi” (Giăng 14:16). Chính Đức Thánh Linh đã “an ủi” Cơ Đốc nhân trong hoạn nạn, khốn khổ. Cơ Đốc nhân chẳng những được “an ủi” mà còn “khoe mình (Bản tiếng Anh New American Standard Bible : exult--thật vui mừng) trong hoạn nạn” (Rô-ma 5:3). Đức Thánh Linh an ủi Cơ Đốc nhân bằng Lời Kinh Thánh. Chính Kinh Thánh là lời của sự “an ủi”. Cơ Đốc nhân nào chăm đọc, học, suy gẫm ghi nhớ Lời Kinh Thánh, thì sẽ nhận được “sự an ủi của Kinh Thánh” (Rô-ma 15:4) trong mọi cảnh ngộ.

Lời “khích lệ” là “kích thích tố” trong lời nói “cứu giúp”. “Kích thích tố” loại này tạo nên sự phấn khởi. Chúng ta chỉ “khích lệ” người nào đó trong một công việc được nhận xét có giá trị. “Khích lệ” hàm chứa vừa khen vừa nhắn nhủ việc chưa đạt được đáng phải đạt được.

Cứu giúp” tâm linh là khó hơn cả. Bác sĩ y khoa được trọng vọng vì chữa bệnh để cứu mạng sống. Cứu mạng sống chỉ có nghĩa là duy trì sự sống dài thêm, nhưng rồi trước sau cũng “chết”.

Loài người sau khi phạm tội đã mang án chết cả thân xác lẫn linh hồn. Kinh Thánh khẳng định “Bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Trong chương trình cứu rỗi loài người, Đức Chúa Jêsus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời “đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15). Cơ Đốc nhân là những người đã tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, nên “được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 1:7). Cơ Đốc nhân luôn ghi nhớ xác quyết chính Chúa Jêsus khẳng định : “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời (được cứu rỗi); ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó (bị đoán phạt, hư mất đời đời)” (Giăng 3:36). Gặp những người chưa tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của họ, Cơ Đốc nhân biết chắc họ không được cứu rỗi, dầu họ có niềm tin ở bất cứ tôn giáo nào đó. Vì Lời Kinh Thánh quả quyết : “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:12). “Thấy người chết mà không cứu” là bất nhân. Con cái Chúa có lòng nhân đức phải biết “cứu gíup” đưa mọi người đến “sự sống đời đời”.

Cơ Đốc nhân nói về Chúa Jêsus cho người khác với ước mong họ tin nhận Chúa Jesus làm cứu Chúa của đời mình để được cứu rỗi. Việc này không đem lại “công đức” nào cho Cơ Đốc nhân, nhưng làm vì nhân đức. Nhưng “cứu giúp” này thường không được quan tâm hay đón nhận, trái lại còn bị những người có tôn giáo khác và những người vô thần coi thường và khinh dẻ, có khi còn bị hại nữa là khác.

Mục sư là người chăm sóc đời sống thuộc linh của con cái Chúa chúng ta. Ngày nay, một số mục sư, truyền đạo, thay vì chuyên tâm học Kinh Thánh để có những bài giảng và cách truyền đạt lời giảng luận của mình cách đầy ơn đến con cái Chúa hầu “cứu giúp” con cái Chúa, thì những vị này chơi trò chính trị chỉ lấy lời ngọt ngào dua nịnh con cái Chúa để giữ “lợi riêng mình”(Phi-líp 2:4), với nội dung và cách giảng quá thấp, đúng như Lời Kinh Thánh cảnh cáo : “Phải tránh xa họ đi, vì những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh dỗ dành lòng kẻ thật thà” (Rô-ma 16:17-18). Con cái Chúa chúng ta chỉ còn biết cầu nguyện Đức Thánh Linh tiếp tục nhắc nhở những tôi tớ Chúa này nhớ tới nhiệm vụ trọng yếu của mình là : Học Lời Chúa trong Kinh Thánh kỹ lưỡng cùng cách viết bài giảng sao cho nội dung có thứ tự mạch lạc và cách truyền đạt thông thạo, không nhầm lẫn nhiều, hầu Lời Chúa trong bài giảng có thể đi xâu vào tâm linh con cái Chúa. Con cái Chúa chúng ta cũng chỉ mong những vị tôi tớ Chúa này quên đi “cái bụng” mong địa vị cho cao, lương bổng cho cao qua khôn ngoan đời này. Như thế mới có đầu óc chuyên tâm đến nhiệm vụ trọng yếu của mình.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cảm ơn Chúa, ngày nay vẫn còn rất nhiều quý mục sư chuyên tâm đến chăm sóc đời sống thuộc linh của Cơ Đốc nhân. Cảm ơn Chúa, quý mục sư này đã và đang “cứu giúp” Cơ Đốc nhân ra khỏi cuộc “sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt” (Ê-phê-sô 2:3), “cứu giúp” Cơ Đốc nhân “bỏ … những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác” (Ê-phê-sô 4:31), “cứu giúp” Cơ Đốc làm sao “ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32). Quý mục sư này đã và đang “cứu giúp” Cơ Đốc nhân hiểu biết “chân lý” để quyền năng “chân lý” được xác chứng : “Các ngươi sẽ biết lẽ thật (chân lý), và lẽ thật (chân lý) sẽ buông tha các ngươi” (Giăng 8:32). Sự “cứu giúp” này đôi khi bị trở ngại đối với cộng đồng chưa biết Chúa và ngay cả với một số Cơ Đốc nhân, họ “không chịu nghe đạo lành … ham nghe những lời êm tai … bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn” (II Ti-mô-thê 4:3-4). Dầu vậy với tấm lòng nhân đức của quý mục sư chân chính này, họ vẫn cố tìm cách “cứu giúp” vì “biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta (cả người chưa tin Chúa lẫn Cơ Đốc nhân) đều tin” (II Cô-rinh-tô 5:11). Cảm ơn quý mục sư chân chính này.