Người nhân đức luôn có tấm lòng mềm mại nên dễ thương xót tha nhân. Người nhân đức luôn có trí óc sáng suốt và hiểu biết thấu đáo nên dễ tha thứ lỗi lầm người khác.

Lạ lắm, cùng một lỗi lầm, thế mà người đời dễ tha thứ cho mình, lại khó tha thứ cho người. Có lần mở một đài TV tiếng Việt tại Hoa Kỳ thấy một vị thượng tọa đang thuyết trình về tha thứ. Vị thượng tọa này giơ hai tay nối tiếp trên đỉnh đầu, tạo hình “trái tim” rồi vị thượng tọa mở hai tay rộng ra như “trái tim” mở rộng để tha thứ. Vị thượng tọa nhấn mạnh : Trước hết hãy tha thứ lỗi lầm của mình, rồi mới có thể tha thứ lỗi lầm của người. Ý tưởng này rất lạ đối với tôi.

Những người “tự ái” cao dễ tha thứ lỗi lầm của mình. Nếu bị ai bắt lỗi thì tìm đủ mọi cách để bào chữa.

Những người “tự cao” thường bắt lỗi người khác để chứng tỏ cái “đúng” cái “đạo đức” của mình. Đây là loại người mà Chúa Jêsus nói đến : “Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình?” (Ma-thi-ơ 7:4). Lỗi mình to như “cây đà” không thấy, mà lại thấy lỗi nhỏ như “cái rác” nơi người.

Người nhân đức thường tâm niệm : “Tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục” (I Cô-rinh-tô 9:27). Người nhân đức thường nghiêm khắc với chính mình,không dễ dàng tha thứ cho mình. Chính cái không dễ dàng tha thứ cho mình nên qua sự hiểu biết và lòng yêu thương, dễ tha thứ cho người. Và người nhân đức chân thật luôn mong được người tha thứ.

Theo các nhà xã hội học nghiên cứu về gia đình, những cặp vợ chồng trên 60 có đời sống hòa thuận bền vững cho biết có hai yếu tố chính : 30% yêu nhau và 70% tha thứ nhau.

Đời sống ngày nay trong dựa trên “luật định” nên dễ bắt lỗi hơn là tha thứ.

Sống trong đời, chúng ta khó làm vừa lòng mọi người, và tất nhiên mọi người khó làm vừa lòng ta.

Sống trong đời, nhiều khi mình không muốn đụng tới người, nhưng chẳng thể cấm người đụng đến mình, một loại “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”.

Sống trong đời, chỉ vì khác nhau quan điểm, khác nhau ý tưởng là đưa vào thế “nghịch” nhau.

Thầy Mạnh Tử xưa kia đối với kẻ “nghịch” với mình như sau : “Trước những kẻ ngang nghịch, trước hết mình phải xét mình đã đủ nhẫn, đủ lễ đối với người chưa. Nếu quả thấy mình đã đủ nhẫn, đủ lễ đối với người đến ba lần, mà người vẫn nghịch với mình, thì người đủ nhẫn, đủ lễ đó được gọi là quân tử và có thể nói rằng : Hạng người này là hạng càn dở, người mà đến như vậy, thì khác chi thú vật. Đối với thú vật, thì ta còn kể làm gì.”. Theo Mạnh Tử, hạng người này không khác gì “thú vật”, nên chẳng đáng cho kể tới nữa, nghĩ tới nữa. Hạ người “nghịch” với mình xuống hàng thú vật, coi khinh thì làm sao còn có sự “tha thứ”, và muốn xóa bỏ con người đó đi.

Cơ Đốc nhân, con cái của Đức Chúa Trời phải có sự nhân đức như Ngài, như “con giống cha”, “” (Xuất Ê-díp-tô ký 34:6) thì dễ tha thứ cho người “nghịch” với mình.

Chúa Jêsus đã đưa ra một thí dụ giãi bày : Nhân đức, thương xót và sự tha thứ như sau : “Vậy nên, nước thiên đàng giống như vua kia, muốn tính sổ với các đầy tớ mình. Khi vua khởi soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua một vạn ta-lâng. Bởi vì người chẳng có gì mà trả, thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người, đặng trả nợ. Kẻ đầy tớ nầy bèn sấp mình xuống nơi chân chủ mà xin rằng: Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết! Chủ bèn động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho” (Ma-thi-ơ 18:23-27).

Chủ thấu hiểu nỗi khổ của người này, biếc chắc có gia hạn một thời gian theo lời yêu cầu cũng chẳng trả hết được, “thả người về, và tha nợ cho”. Chúa nói tiếp câu chuyện : “Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp một người trong bạn làm việc, có thiếu mình một trăm đơ-ni-ê, thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta. Người bạn sấp mình xuống mà nài xin rằng: Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả cho anh. Song người chẳng khứng, cứ việc bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ. Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra. Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ. Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy” (Ma-thi-ơ 18:28-35).

Chúng ta có thể ví sánh cách biệt giữa hai con nợ như sau : Nếu lấy “một trăm đơ-ni-ê” làm đơn vị là 1 đơn vị nợ thời nay thì “một vạn ta-lâng” là 8,100 đơn vị nợ.

Nhìn thẳng vào tội lỗi chúng ta, đã được Chúa tha thứ theo lòng “thương xót”, thì lẽ nào chúng ta lại thiếu lòng “thương xót” để “tha thứ” lỗi lầm mà anh em mình thật quá nhỏ, chỉ là 1/1,800 tội lỗi chúng ta phạm cùng Chúa.

Đức Chúa Jêsus biết con cái Ngài thiếu lòng “thương xót”, nên Ngài dạy Cơ Đốc nhân cầu nguyện với Đức Chúa Trời : “Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con” (Ma-thi-ơ 6:12).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Lời Kinh Thánh luôn nhắc nhở Cơ Đốc nhân : “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32). Là con cái Chúa, chúng ta phải đối xử với nhau với lòng “nhân từ…thương xót…tha thứ”.

Khi Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã cầu xin Đức Chúa Trời tha tội cho những người lính đã đóng đinh Ngài : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34).

Ê-tiên khi giảng Tin Lành cho đồng hương, ông bị những người này ném đá. Trước khi chết, Ê-tiên đã cầu nguyện như Chúa Jêsus : “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ!” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:60).

Với lòng yêu thương, Đức Chúa Trời tha thứ cho loài người tội lỗi qua chương trình cứu rỗi của Ngài : “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8), với điều kiện, bất cứ ai muốn được Ngài tha thứ mọi tội lỗi của của mình trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai phải tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình, như Lời Kinh Thánh khẳng định : “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 1:7).

Lời Kinh Thánh dạy Cơ Đốc nhân phạm tội như sau : “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1:9). Cơ Đốc nhân “xưng tội” là ý thức được điều mình hành xử là tội, không thể tái phạm. Tin Lành chỉ có sự “tha thứ” chứ không có chuyện “lấy công chuộc tội”.

Giới thiệu thơ Tin Lành

Hết Lòng Tha Lỗi

Nó có lỗi cùng tôi, tôi để đó

Sẽ có ngày tôi “trả đũa” cho bằng

Nếu biết điều xin lỗi tôi sẵn sàng

Tha lỗi “nó”,nhưng không quên lỗi “nó”.

Tôi có lỗi thì chính tôi cũng…khổ

Vì lương tâm nào cho phép tôi yên

Nếu muốn yên,chỉ có cách…rất phiền

                  Là…gặp “nó” và ngỏ lời xin lỗi.

Nhưng dĩ nhên chuyện có qua có lại

Không bao giờ tôi gây lỗi…tự mình

Phần lỗi tôi, tôi xin lỗi đã đành

“Nó” cũng phải xin lỗi tôi mới đúng.

                  Khi xin lỗi tôi thường hay lúng túng

                  Mở miệng ra…khó lắm nói làm sao

                  “Nó” nghe tôi xin lỗi nó, làm cao

                  Thì chắc chắn…trận “lôi đình” sẽ nổi.

Con nguyện xin yêu thương của Chúa

Giúp cho con tha thứ anh em con

Dù thiệt thòi chi nữa con vui lòng

Vì Chúa sẽ…cho lòng con…thanh thản.

                                             Tác giả : Thi sĩ Tường Lưu

                                             Một con cái Chúa ở Hoa Kỳ