Con người gồm có ba phần : Thể xác (body), tâm hồn (soul) và tâm linh (spirit).

- Thể xác - là vật chất, là bụi đất. Theo lời Kinh Thánh : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người” (Sáng-thế-ký 2:7). Hầu hết chúng ta chú tâm đến thể xác vì nhu cầu thân xác quá rõ ràng, thiết thực để tồn tại.

- Tâm hồn - không phải là vật chất, cũng không phải linh chất, mà là ảnh tượng, bản chất của Đức Chúa Trời. Theo lời Kinh Thánh : “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình chúng ta theo cách giống như chúng ta (tâm hồn) (Nguyên bản Anh ngữ : “according to our likeness”, xin tạm dịch là “theo cách giống như chúng ta”, mặc dầu bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ dịch là : “và theo tượng ta” (Sáng-thế-ký 1:26). Như vậy, tâm hồn có một giá trị vô cùng to lớn.

Con người và xúc vật đều có bộ óc, tất nhiên có trí tuệ. Nhưng trí tuệ của xúc vật chỉ hiệp với cảm giác vui, buồn, thích, ghét, sợ và muốn sinh lý, nên trí tuệ của xúc vật không bao giờ phát triển. Nơi cư trú của những con vật từ ngàn xưa tới nay và cả ngàn năm sau chẳng hề thay đổi hay cải tiến chút nào. Ong vẫn làm tổ với những hình lục giác kết lại, chim yến vẫn làm tổ bằng nước miếng của mình nơi vách núi cheo leo, mối vẫn làm tổ dưới đất với hệ thống điều hòa không khí tinh vi. Nhưng trí tuệ con người liên hệ đến tâm hồn, một loại trí tuệ có khuynh hướng sáng tạo như Đức Chúa Trời, một loại trí tuệ “bách ban đoạt đắc Thiên công sảo”, một loại trí tuệ “như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” (Sáng-thế-ký 3:5). Ngay thời xa xưa, con người đã có tham vọng “xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời” (Sáng-thế-ký 11:4). Chính cái tham vọng này là sự kết hợp giữa tâm hồn và trí tuệ. Chính tâm hồn phát triển trí tuệ, và chúng ta không thể tách tâm hồn ra khỏi trí tuệ. Những bức tranh của họa sĩ khác hẳn những bức tranh của thợ vẽ ở chỗ “có hồn”.

Đâu phải chỉ có loài người mới có đời sống xã hội, vài loài vật như kiến, ong cũng có đời sống xã hội. Đời sống xã hội loài vật không phát sinh ra luân lý, có phải có trái, có thuận có nghịch. Loài người nhờ tâm hồn kết hợp với trí tuệ mà trong gia đình trọng hiếu, ngoài xã hội trọng nghĩa. Loài vật có luật “mạnh được, yếu thua”, loài người cũng có luật này, nhưng nhờ có tâm hồn mà loài người cũng biết :

Lấy đại nghĩa thắng hung tàn       Đem chí nhân thay cường bạo

                                                      Nguyễn Trãi (Đại sách Bình Ngô)

Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, Nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu, Duy nhân nghĩa gồm đủ thì công việc mới thành đạt                                              Quân Trung từ mệnh tập

Thử nghĩ, nhân loại chỉ sống bằng trí tuệ thì xã hội loài người sẽ ra sao !

Tâm hồn kết hợp với trí tuệ mà con người biết suy tư, nhờ đó mà bao nhiêu thắc mắc nẩy sinh. Những thắc mắc làm rối trí con người vẫn là : Tại sao ta có trên đời ? Ta có trên đời để làm gì ? Rồi khi ta chết sẽ ra sao ? Từ những thắc mắc trên mà biết bao triết lý ra đời để giúp con người nhận định ra chính con người.

Nhờ suy tư, nhờ triết lý, con người nhận thấy sự bất lực của mình đối với vũ trụ và những hoàn cảnh phức tạp trong cuộc sống. Điều này bắt con người phải suy nghĩ đến một Đấng thiêng liêng cao cả có ảnh hưởng  và chi phối đời sống con người. Rồi nhờ linh hồn (tâm linh và tâm hồn) và trí tuệ mà tôn giáo được phát sinh.

Loài vật có giác hồn và trí tuệ không bao giờ có tôn giáo. Loài khỉ được kể là giống vật tương cận với loài người phần nào, thế mà có con khỉ nào biết “vái trời lạy đất” như con người thời xa xưa, bởi trí tuệ nhận ra chỗ mình dung thân và tâm hồn biết ơn trời đất - “Trời che, đất chở”.

Thế mà có “tôn giáo” phủ nhận phần linh, chỉ thấy tâm hồn và trí tuệ có giá trị. Một trong những tôn giáo này ảnh hưởng sâu xa tới người Việt chúng ta là Phật Giáo. Phật Giáo (Buddhism) xuất nguyên từ chữ “Buddhi” có nghĩa là giác ngộ hay hiểu ra được. Trong cuốn Khéo Vấn Khéo Đáp của Đại Đức Shravasti Dhammika do dịch giả Phạm Kim Khánh dịch, Đại Đức cho biết, đối với Phật Giáo, : “trí tuệ cao siêu nhất là thấy rằng thực tưởng của tất cả mọi hiện tượng đều không trọn vẹn hoàn thành, luôn luôn biến chuyển, và không phải là ta. Sự hiểu biết này giải phóng hoàn toàn và đưa đến tình trạng châu toàn và phúc tối thượng gọi là Niết Bàn ”.

Phủ nhận phần linh (tâm linh), tất nhiên phải phủ nhận Thần Linh, và linh hồn chỉ còn lại phần tâm hồn. Cũng trong cuốn sách trên Đại Đức cho biết : “Đức Phật không tin có thần linh và sự tin tưởng như vậy không cần thiết”, Đại Đức luận về sự “vô thần” vẫn “tốt” như sau : “Có nhiều triệu người vô thần và bao nhiêu tư tưởng gia tự do, không kể những người Phật tử, đã sống cuộc đời hữu ích , hạnh phúc và đầy ý nghĩa mà không tin nơi thần linh”. Rồi Đại Đức khẳng định : “Một số người chủ trương rằng phải có thần linh để cứu rỗi linh hồn. Nhưng luận điều này chỉ có thể đứng vững nếu ta chấp nhận khái niệm thần linh cứu rỗi. Người Phật tử không chấp nhận một khái niệm như vậy hay tương tự. Căn cứ trên kinh nghiệm bản thân, Đức Phật thấy rằng mỗi người đều có khả năng tự thanh lọc tâm, phát triển tâm từ, tâm bi và mở mang trí tuệ đến mức hoàn hảo. Ngài di chuyển từ chú tâm, từ những cảnh trời hướng về nội tâm, và khuyến khích chúng ta tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn bằng phương cách tự hiểu biết chính mình”.

Không có phần “linh”, làm sao chúng ta có thể “tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn bằng phương cách tự hiểu biết chính mình”? Một trong “những vấn đề khó khăn” đó là “bể khổ” là “sinh lão bệnh tử”, làm sao con người tìm giải pháp bằng cách tự hiểu biết chính mình ? Cái “tự hiểu biết chính mình” mà các nhà khoa học, tâm lý học, xã hội học, tâm linh học, hợp lại, đến nay mới hiểu được hai ba chục phần trăm khiêm tốn, thì mỗi người làm sao đủ trí tuệ để “tự hiểu biết chính mình”.

Tất cả những “vấn đề khó khăn” mà cả nhân loại đang cố gắng “tìm giải đáp” hầu hết đều nằm trong lãnh vực tâm hồn và tâm linh.

Con người có linh hồn mới có “những vấn đề khó khăn”. Con người có linh hồn mới cảm thấy bất an trong “những vấn đề khó khăn”. Sự bất an này thúc dục con người “tìm giải pháp”.

Bởi con người có linh hồn nên mới mong “hiểu biết mình”. Cái hiểu biết nguyên tri của con người là: Con người chắc chắn không phải là con vật. Trí tuệ của con người bình thường không cho phép con người tự hạ mình xuống bằng con vật, một loại sinh vật chỉ có giác hồn. Trí tuệ bình thường cảm thấy nhục nhã, khổ sở nếu bị đồng loại liệt vào hạng thú vật. Trí tuệ bình thường cũng biết được “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh” - Trời sinh muôn loài vạn vật, chỉ có con người là sinh vật linh hơn cả, một sinh vật có linh hồn như lời Kinh Thánh khẳng định : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng-thế-ký 2:7) là người có linh hồn, có linh hồn tất nhiên phải có Đấng Tạo Hóa, có linh hồn thì không thể “vô thần”. Và “có Trời thì mới có ta”.

Có linh hồn, có “trí tuệ”, chúng ta mới cảm nhận được “những vấn đề khó khăn” trong cuộc sống, trong cả đời sau và “tìm giải đáp”. Tôi sẽ chia sẻ cùng quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa “những vấn đề khó khăn  và lời “giải đáp” trong niềm tin của một con cái Chúa.