Có lẽ con người khởi đầu nghĩ đến giá trị vật chất khi con người bắt đầu trao đổi hàng hóa với nhau, một hình thức buôn bán lúc sơ khai. Ngày nay giá trị vật chất được tính theo đơn vị tiền tệ hay vàng bạc. Giá trị công việc được tính theo nhu cầu cấp bách trong xã hội. Giá trị phát minh được căn cứ vào sự đóng góp làm cho hưng thịnh kinh tế hay kỹ thuật khoa học. Nhưng còn giá trị tinh thần thì khó mà lượng giá. Rồi đến giá trị tâm linh chúng ta ít quan tâm đến.

Suy nghĩ về giá trị vật chất và tinh thần, chúng ta có bài ca dao độc đáo : Thằng Bờm.

Thằng bờm có cái quạt mo,          Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.

Bởm rằng bờm chẳng lấy trâu,     Phú ông xin đổi một sâu cá mè.

Bờm rằng bờm chẳng lấy mè,       Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.

Bờm rằng bờm chẳng lấy lim,      Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.

Bờm rằng bờm chẳng lấy mồi,     Phú ông xin đổi nắm xôi bờm cười.

Biết bao nhà khảo cứu về ca dao Việt Nam đã luận về cái “triết lý quạt mo”, cái “triết lý nắm xôi” qua bài ca dao trên. Cái “triết lý quạt mo” luận về giá trị tinh thần. Cái “triết lý nắm xôi” luận về giá trị vật chất thực tế. Luận về giá trị thực tế “nắm xôi” dễ dàng bao nhiêu, thì luận về giá trị tinh thần “quạt mo” đối thằng bờm lại càng khó khăn bấy nhiêu.

Khi chúng ta đổ lao tâm, lao lực, tiền bạc, thì giờ vào một công việc mà xét ra về mặt giá trị thành quả công việc không có bao nhiêu, thì chẳng những thiên hạ cho chúng ta là khùng, mà chính chúng ta cũng cho mình là dại, là điên.

Khi chúng ta bằng lòng lao tâm, lao lực, đổ tiền bạc, thì giờ vào một công việc mà người ta hông nhận biết cái giá trị công việc ta làm, cho chúng ta là điên. Song chúng ta nhận biết giá trị của công việc mình đang làm thì chắc chắn chúng ta thản nhiên thỏa lòng và chẳng cần phải nghĩ tới chữ khùng mà khiên hạ gán cho. Thánh Phao-lô tự nhận mình thuộc loại “khùng”, “rồ dại” đó : “Vả, hoặc chúng tôi cuồng, ấy là vì Đức Chúa Trời; hoặc chúng tôi dè giữ, ấy là vì anh em …. Ôi! Chớ chi anh em dung chịu sự rồ dại của tôi một ít! Phải, anh em nên dung chịu” (II Cô-rinh-tô 5:13, 11:1).

Nhận biết giá trị đích thực của một vật, một sự việc còn tùy theo mức độ tri thức và trưởng thành của con người. Một em nhỏ có thể thấy giá trị một viên kẹo hơn giá trị một tờ giấy 10 đồng. Viên kẹo ăn được, còn tờ giấy 10 đồng chẳng ăn được. Nhưng khi em lớn khôn một chút, em sẽ thấy giá trị tờ giấy 10 đồng hơn viên kẹo vì em có thể mua dược nhiều kẹo hơn.

Người đời thường nhận biết giá trị vật chất đích thực của một vật, một sự việc rất nhanh, mặc dầu còn tùy thuộc vào tấm lòng vị kỷ hay vị tha của con người. Người vị kỷ chỉ thấy giá trị ở bất cứ điều gì, vật gì đem lợi ích cho mình. Thời xưa thường hay có những câu chuyện lạ tai nhưng có thật, chổi cùn, dế rách đều có giá trị với người vị kỷ hoặc củi mục cũng có giá ngang với trầm hương và cả hai phải cất trong rương.

Củi mục bà để trong rương,                  Hễ ai hỏi đến trầm hương của bà.

Người có lòng vị tha thường thấy nhanh giá trị điều gì đem ích lợi cho người, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Giá trị của một chén cơm cho người đói, giá trị của vài viên thuốc cho người bệnh tật nghèo khổ, giá trị một chiếc áo cũ cho người bần hàn, giá trị của một cánh tay đưa ra cứu giúp với lòng thương xót và cảm thương. Viết đến đây, người đang chia sẻ niềm tin bùi ngùi xúc động, vì đã nhìn thấy những tấm lòng biết thương tha nhân trong quá khứ, bà ngoại tôi, ông phú hộ ở Ninh Bình, một vị vô danh ở Thanh Hóa là những người có nghĩa cử trình bầy ở trên, anh thanh niên tự vệ đã mất mạng sống để cứu đứa bé chính là tôi trong thời toàn dân kháng chiến chống Pháp.

Nhận biết giá trị đích thực của một vật, một sự việc cũng còn tùy thuộc vào đức tin mỗi người. Nếu chúng ta tin rằng chỉ có một đời để sống, chết là hết, thì mọi vật trên đời này rất có giá rị cho đời sống hiện hữu của mình. Nếu chúng ta tin rằng đời này là đời tạm, “hữu hình, hữu hoại” - có hình dạng có tan biến, “sinh ký, tử quy” - sống gửi thác về, thì cái giá trị đích thực của vật chất chỉ có tính cách giai đoạn, tạm thời. Cái giá trị thật nằm trong cõi đời đời bất diệt. Thánh Phao-lô đã nhận ra cái giá trị đời đời đó nên quyết định : “Chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (II Cô-rinh-tô 4:18). Cái “sự không thấy được” chắc chắn thuộc về tinh thần và tâm linh.

Bởi sự nhận định và cân nhắc giá trị đích thực, chúng ta mới lo bảo vệ cái giá trị hơn, mới tận lực bảo tồn và khuếch trương cái giá trị hơn. Thân xác giá trị hơn của cải nên đành “bỏ của giữ lấy thân”. Mạng sống giá trị hơn thân xác, nên đành bắt thân xác chịu cực khổ để mạng sống được tiếp tục tồn tại – “nín thở qua sông” là vậy.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta nhận biết được linh hồn quý hơn mạng sống nên cam lòng mất mạng sống hơn mất linh hồn như Lời Chúa Jêsus phán dạy : “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục.” (Ma-thi-ơ 10:28).

Xác định giá trị về một vật hay một sự việc phải do người chuyên về ngành đó thẩm định, theo một nguyên tắc hay quy luật đã được đề ra do công trình khảo cứu thử nghiệm của nhiều người. Quý vị đưa cho tôi một viên kim cương nhờ tôi thẩm định giá trị và giá cả, chắc chắn tôi ngỡ ngàng không làm được. Đối với tôi nó giống một hột thủy tinh nhiều màu sắc trong tiệm bán đồ chơi trẻ em. Muốn biết giá của một viên kim cương, quý vị phải chọn một tiệm kim hoàn danh tiếng, có thợ chuyên môn giám định.

Thưa quý vị đang tầm đạo và quý anh chị con cái Chúa,

Thẩm định những điều giá trị thuộc về tinh thần và tâm linh rất khó, thật ra chẳng ai dám nhận mình là chuyên gia có quyền xác định. Nhưng tôi tin rằng qua lời Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận biết giá trị đích thực của nhiều vấn đề mà tôi, cậy ơn Chúa, sẽ chia sẻ với quý vị và quý anh chị trong những bài tới.