Hầu hết người thông thường coi trọng thân xác, vì nhờ nó con người mới hiện hữu, qua đó cảm giác mới được bộc lộ, tư tưởng mới hiện hình. Nhưng để ý kỹ, ít ai nghĩ đến giá trị của thân xác của mình.

Giá trị thể xác con người có chăng là nhờ vào sắc đẹp. Môn thể dục thẩm mỹ được lắm người lưu ý. Các cuộc thi hoa hậu từ cấp đô thị, đến cấp thế giới được tổ chức liên miên.

Giá trị thể xác có chăng là sự biểu hiệu khéo léo của các bắp thịt mạnh mẽ. Người ta trị giá sức mạnh bắp thịt của nhà đô vật, cặp tay của võ sĩ quyền Anh, cặp giò của cầu thủ bóng tròn, của vũ công.

Giá trị của thể xác có chăng là nhờ được sinh ra trong gia đình quý tộc, thuộc loại “cành vàng lá ngọc”.

Nghĩ kỹ trong những lúc suy tư về sự kỳ diệu của thân thể con người, ta mới thấy giá trị thể xác phải là sự cấu tạo diệu kỳ của nó mà các nhà khoa học đam mê đã khám phá. Nhìn thân xác qua khoa kiến trúc, nó có cái sườn được ráp nối bằng 236 cái xương lớn nhỏ, chừng 500 bắp thịt. Bộ thần kinh hệ gồm có 10 triệu giây thần kinh lớn nhỏ chạy khắp thân người. Các ống của bộ máy tiêu hóa dài khoảng 10 thước. Bề mặt của da có độ 47,400 lỗ chân lông trên 10cm vuông như ống dẫn nước nhỏ bằng plastic để thoát mồ hôi. Mỗi lỗ chân lông dài độ 7 ly, nếu nối kết lại, mỗi người có chừng 65 cây số ống dẫn nước loại cực nhỏ.

Nhìn đến trái tim bộ phận chính của thân xác, dài 15 phân tây, đường kính phần lớn nhất khoảng 10 phân. Nó đập mỗi phút 70 lần, mỗi giờ 4,200 lần, một ngày 100,800 lần, một năm 56,792,000 lần. Mỗi phút nó chuyển ra chừng 70 grm máu, mỗi phút chừng 5 ký máu, mỗi giờ gần 300 ký, mỗi ngày khoảng 7,093 ký. Cứ mỗi 3 phút thì cả khối lượng máu trong cơ thể  ta đi qua trái tim một lần. Nếu đem trái tim làm cái ép của cái kích, một ngày sức ép ấy có thể nâng một vật nặng 1,000 ký lên cao độ 40 thước tây.

Nhìn đến hai lá phổi, động cơ quan trọng thứ nhì của thân xác, chứa 4.5 lít không khí. Mỗi giờ chúng ta thở khoảng 1,200 lần; hít vào khoảng 2,000 lít không khí, mỗi ngày hít độ 48,000 lít không khí. Bề mặt các tế bào phổi chứa không khí trải rộng ra hơn 16 thuốc vuông.

Nhìn vào bộ óc, thật là một kỳ quan. Bộ óc chỉ nặng khoảng 1.36 ký, được cấu tạo bằng một chất hồng xám nhạt, ẩm, dãn hồi chứa khoảng 30 tỷ tế bào. Nó là cơ quan đầu não điều động và điều chỉnh toàn bộ thân xác con người. Chính con người là chủ nó, nhưng không đủ trí để hiểu nó, hoặc tưởng tượng hết về nó. Hoạt động của não không như hoạt động của bắp thịt, mà chỉ có phản ứng điện hóa như điện trong bình ắc qui vậy. Bản chất của óc có thể hoạt động mãi mãi, nên óc không bao giờ biết mỏi. Đôi khi chúng ta thấy nặng đầu sau nhiều giờ làm việc bằng trí óc và mệt mỏi. Sự mệt mỏi đó thực sự chỉ ở mắt, ở các bắp thịt cổ và lưng. Theo các nhà tâm lý học thì sự mệt mỏi trí óc là sự lãng trí và thiếu khả năng chiến thắng ý nghĩ muốn được giải trí.

Theo giáo sư Bruce Bliven tại đại học Standford Hoa Kỳ, tư tưởng, trí nhớ và tất cả hoạt động của lương tri con người chứa đựng trong 10 đến 12 tỷ tế bào li ti bao bọc bằng một lớp sợi cực nhỏ dính liền vào nhau với những luồng điện chuyển qua lại. Tư tưởng và trí nhớ tùy thuộc vào sự lưu chuyển của các luồng điện đó. Hiện nay người ta chưa biết rõ cách nào óc ta có thể ghi lại những hình ảnh mầu sắc đã nhìn thấy, những âm thanh trầm bổng đã nghe, những cảm xúc, những ưu tư chợt đến chợt đi, rồi phân loại, sắp xếp thứ tự vào “tủ hồ sơ lưu niệm”. Một số nhà bác học cho rằng những điều đã được ghi nhớ được in trên từng tế bào như nhũng cái nút thắt ở từng khúc trên một sợi dây. Lạ một điều,  đã có một nghiên cứu cho biết những điều trí nhớ ghi lại có thể vượt qua tổng số những tế bào ở não, một người 70 tuổi có thể ghi nhớ hàng ngàn tỷ những điều ghi nhớ khác nhau. Với tuổi đời 74, số lượng ghi nhớ này  vượt ngoài sự tưởng tượng của tôi, vì tôi biết có rất nhiều sự việc, nhiều hình ảnh, nhiều từ trong tiếng Việt và các ngoại ngữ tôi đã học như tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Anh, nhiều tri thức về toán học, khoa học hầu như đã biến mất trong trí nhớ mình.

Thân xác con người kỳ diệu vậy, thế mà Pascal lại ví thân xác con người yếu như cây sậy. Nhà thơ Huy Cận chỉ nhận thân xác ra là “bình thịt xương để chứa linh hồn”. Có nhà đạo đức lại nhận biết thân xác chỉ là nhà tù giam giữ phần tinh anh của con người. Thầy Purna là một nhà đạo đức có tài hùng biện. Một hôm thầy đến xin Đức Phật cho qua xứ Ironaparanta để hành đạo. Đức Phật hỏi : Nếu người xứ này giết thầy, thầy nghĩ sao. Thầy Purna trả lời : Con vẫn cho họ là người tốt, người hiền, vì họ giải thoát con khỏi tấm thân tù túng này.

Có người lại coi thân xác là giá trị, vì nhờ nó mà cảm giác được bộc lộ, tư tưởng mới hiện hình, những thèm khát của con người nhờ nó mà được thỏa mãn.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Thân xác con người có giá trị vô cùng vì nó được “nắn” hay tạo dựng nên bởi bàn tay và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người” (Sáng-thế ký 2:7). Vua Đa-vít khi ngẫm về thân xác phải thốt lên : “Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng.” (Thi-thiên 139:14). Nhưng sau khi loài người phạm tội, con người đã tự nguyện “nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác” (Rô-ma 6:13) và hành ác. Thánh Phao-lô đã nghiệm thấy : “điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi” (Rô-ma 7:18). Tấm thân không trong sạch của chúng ta còn giá trị tâm linh nào chăng ?

Trong niềm tin, tôi xin thưa cùng quý anh chị : Còn, và rất giá trị. Chúa Jêsus đã cứu thân xác chúng ta làm “đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong” (I Cô-rinh-tô 3:16). Chính Chúa Jêsus cũng bằng lòng ở trong thân xác con người của chúng ta, vì chúng ta đã tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của đời mình và Ngài đã phán “ta sẽ ở trong các ngươi” (Giăng 15:4).

Có nhiều căn nhà xập xệ, thoạt trông chẳng có giá trị gì, thế mà cao giá,  vì nó đã trở thành di tích lịch sử của một thời nào đó. Nó là nơi cư ngụ của môt anh hùng dân tộc, một nhà cách mạng nổi tiếng, khi họ còn ở trong bóng tối. Có nhiều thân xác ốm yếu, bệnh tật vẫn có giá, vì Chúa Jêsus, “Vua Của Các Vua Và Chúa Của Các Chúa” (Khải-huyền 19:16) đang ngự trị. Rồi đến một ngày, khi Chúa Jêsus từ trời trở lại, “Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật” (Phi-líp 3:21).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Thân xác ta rất có giá trị. Vậy chúng ta hãy xin Chúa ban thêm sức để chúng ta có đủ nghị lực và sáng suốt để “dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình” (Rô-ma 6:13), hành thiện và “hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 6:20).