Nhớ lại ngày trở về với Chúa tại Hội Thánh Kingsgrove, Sydney, sau hơn 2 giờ thờ phượng Chúa, và thông công cùng các anh chị em trong Hội Thánh, một sự bình an trong niềm vui đã trở lại. Đêm về, trong căn phòng ngủ, tôi lật sơ qua cuốn Thánh Ca, tôi thoáng gặp một số lần những chữ “Yêu Chúa”, hay “Chúa là bạn tôi”. Tôi bỗng tự hỏi, làm sao mà Cơ-Đốc nhân có thể nói những chữ đó được, vì điều này con người đang coi “Chúa ngang hàng với mình, như bạn, họ hàng, anh chị em con cái Chúa, hoặc những người nơi trần thế này” ? Và tôi bỗng cảm thấy hơi là lạ.

Tại thời điểm đó, tôi nghĩ, chuyện cầu Trời, nhờ ơn Trời, chuyện thường. Chuyện oán Trời, hận Trời, chuyện có, vì cho rằng Trời hành, Trời hại mình. Kính sợ một “Đấng” mà mình biết là “thiêng liêng”, “Thánh”, chắc có, nhưng yêu một “Đấng” mình chưa hề gặp, chưa hề có liên lạc, chắc không.

Trời thương người thì đúng, còn người thương Trời, làm sao lại có chuyện ngược ngạo thế được. Chúa là Thần Linh, thánh thiện, còn con người là thân xác, phàm tục, tội lỗi, kẻ ít người nhiều. Con người như vậy thì làm sao có chuyện “yêu Chúa” hoặc coi “Chúa là bạn” được ? Hơn nữa Chúa có chấp nhận quan hệ này của mình không ?

Nhưng trong những ngày theo Chúa kế đó, nghe những bài giảng luận, đọc Kinh Thánh và những sách nói về niềm tin Cơ Đốc, và trên đường thanh tâm bước theo Chúa, tôi đã từ từ cảm nhận được hai chữ “yêu Chúa”.

Từ thủa tạo dựng nên con người, Chúa muốn con người phải kính mến Ngài, như Lời Ngài phán : “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”  (Phục truyền Luật lệ Ký 6:5), như vậy sự kính trọng bề Trên phải đi trước tình cảm yêu mến. Đức Chúa Jêsus cũng đã long trọng nói điều trên như một lời xác định từ nơi Đức Chúa Trời “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Mác 12:30). Con cái Chúa chúng ta chắc ai cũng yên lặng cảm nhận được sự kính mến của mình dâng lên Chúa.

Con người chắc chắn không đủ “chân, thiện” để có thể tương giao với Đức Chúa Trời một cách ngang hàng được, chớ đừng nói đến sự cảm nhận chân thật yêu thương Ngài. Nhưng sự bế tắc này đã được giải tỏa bởi Đức Chúa Jêsus Christ. Vì “Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta” (II Cô-rinh-tô 5:18) “Đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 3:17-19). Chính Đức Chúa Jêsus đã minh xác cùng thế gian “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Ví bằng các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta; và từ bây giờ các ngươi biết và đã thấy Ngài” (Giăng 14:6-7). Từ chỗ “kính mến Chúa” trên bước đường theo Ngài, và yêu thương tha nhân trung tín với Lời Ngài trong Kinh Thánh, đi vào một nếp sống theo khuôn mẫu của con người mới mà Chúa đã qua Đức Thánh Linh dạy bảo chúng ta “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22), tôi bắt đầu cảm nhận được sự gần gũi với Chúa. Những giây phút con cái Chúa chúng ta làm xong việc gì để biết có một trong chín trái Thánh Linh kể trên, nhất là thực thi được “tình yêu thương người lân cận” qua sự chia sẻ trong chân tình những gì Chúa ban phát cho chúng ta, lời Ngài cũng như đồ ăn, áo mặc, tôi tin rằng chúng ta sẽ cảm nhận được một niềm vui nhỏ với tâm tình “Lạy Chúa, con cảm tạ ơn Chúa đã đưa con đến sự sáng, để con làm điều Chúa dạy”. Đó là lúc chúng ta thấy gần gũi với Chúa, kính mến Cha Thiên Thượng của chúng ta.

Trong cuộc đời nơi trần thế, con cái Chúa chúng ta không thể không gặp những nan đề, bệnh tật, khó khăn trong cuộc sống vật chất cũng như tâm linh. Và điều chúng ta làm là trình dâng lên Chúa qua sự cầu nguyện để tìm ý Ngài. Đó cũng là lúc chúng ta cảm thấy gần Chúa hơn.

Ai trong chúng ta làm gì trong công việc nhà Chúa với tấm lòng “tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt, và ở giữa sự thử thách..” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:19), không mong làm “thầy”, thì tôi chắc người đó cũng cảm nhận được sự gần gũi với Chúa.

Giai đoạn sau cùng để một cơ đốc nhân cả thấy từ  “Kính Chúa” đến “Yêu Chúa”, trong trường hợp cá nhân tôi, là lòng sẵn sàng tận hiến.

Đức Chúa Jêsus cũng có lần “ngồi đối ngang cái rương đựng tiền dâng, coi dân chúng bỏ tiền vào thể nào.” (Mác 12:41), để xem lòng tự nguyện dâng tiền của con cái Chúa. Dâng tiền lên Chúa do lòng tự nguyện vì ý thức được công việc nhà Chúa nơi trần thế cần tiền, để truyền giảng Tin-Lành đi khắp nơi, để ban phát, giúp đỡ cho những người cùng khổ để họ cảm nhận được tình yêu thương của Chúa, qua các Hội Thánh và con cái Ngài, và để dùng trong các công việc của Hội Thánh Chúa.

Trong thời Cựu Ước, Ngài chỉ thị con dân Chúa “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta” (Ma-la-chi 3:10). Trong thời Tân-Ước, Chúa không quy định phải “nộp” lên Chúa bao nhiêu phần trăm nữa. Nhưng dâng tiền lên Chúa vì lòng kính mến Chúa, vui lòng dâng  của mình có. “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng” (II Cô-rinh-tô 9:7). Hội Thánh không thu nguyệt liễm, niên liễm. Tôi dâng tiền không bởi một luật lệ nào của Hội Thánh “ép uổng”. Khi đi thờ phượng Chúa, tôi suy nghĩ số tiền như một của lễ trong khi thờ phượng vì  theo Kinh Thánh “Cứ ngày đầu tuần lễ. mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp.” (I Cô-rinh-tô 16:2). Số tiền đó được chuẩn bị trong tấm lòng chân thật, để riêng số tiền đó từ nhà, trong quyển Kinh Thánh, đôi khi trong túi áo trắng. Tôi tin chắc Chúa biết rõ gia cảnh của từng người, Chúa không bắt chúng ta phải khổ sở  vì dùng một số tiền quá sức mình, vì Ngài quan tâm đến sự sống của chúng ta. Chính Thánh Phao-lô cũng khẳng định “Tôi chẳng khuyên bảo anh em chịu túng tíu (thiếu) để giúp đỡ kẻ khác” (II Cô-rinh-tô 8:13). Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng nên giữ tấm lòng thành tâm tận hiến.

Sau khi đã đi vào được con đường thành tâm tận hiến, thương yêu tha nhân trong chân tình, chúng ta sẽ cảm nhận được lời Chúa Jêsus đưa con cái Chúa trung tín đến một tình thương yêu hai chiều. Chúa Jêsus đã phán “Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta” (Giăng 15:10), và lời Ngài khi các môn đệ hỏi “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?” (Ma-thi-ơ 22:36) và “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” (Ma-thi-ơ 22:37-40). Tại thời điểm đó, tôi đã cảm nhận được sự ngọt ngào của tâm tình “Yêu Chúa”.

Và cũng tại thời điểm đó lời Chúa phán hỏi Phi-e-rơ, và lời Phi-e-rơ thổ lộ cùng Ngài chợt đến với tôi “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng? Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa”. Câu trả lời của Phi-e-rơ quả đượm tấm lòng chân thành yêu Chúa. Tình yêu Chúa có sự thiêng liêng và sự kính trọng tuyệt đối.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Lòng yêu Chúa lúc ban đầu thường rất sâu đậm, với sự tin cậy và vâng lời tuyệt đối, với những lời cầu nguyện thiết tha để tìm ý Ngài, với sự hăng say làm lành hầu Danh Chúa được tỏa sáng, và với lòng tận hiến trong những công việc nhà Chúa, với lòng thương yêu tha nhân chân thật. Trên  đường theo Chúa, con cái Chúa cũng có thể gặp những nan đề, làm cho thân xác mệt mỏi, đau đớn, tâm tư chán trường, và đức tin của chúng ta khó phát triển. Đôi khi chúng ta ngã lòng, không còn đủ tâm trí để nghĩ tới vấn đề cốt lõi của con người theo Chúa. Tại những thời điểm như vậy, hãy chắp tay nhắm mắt dâng lời cầu xin lên Chúa, hầu lấy lại được sự bình an. Khi sự bình an trở lại, chúng ta sẽ cảm nhận được con đường chúng ta phải đi tới để giải quyết nan đề trong “Ý Chúa được nên”. Ước mong chân thành của tôi  là quý anh chị giữ được tâm tình “Yêu Chúa” của thủa ban đầu đó, để một ngày được nghe Chúa phán “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm” (Ma-thi-ơ 25:21), và không bao giờ bị Chúa phiền trách “điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu” (Khải-huyền 2:4). Chắc chắn quý anh chị sẽ được hưởng sự bình an trong cánh tay nhân từ của Chúa trên trần thế này, và sự sống đời đời lúc về với Chúa.