Ước mong loài người có nhiều đứa con yêu dấu của Ngài và thực hành Lời Ngài vì chúng ta “đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:9-10) hầu qua tình yêu của Đức Chúa, chúng ta bằng lòng chia sẻ miếng cơm manh áo với đồng bào, đồng loại.

Khoảng năm 1958, báo chí Việt Nam hồi đó đăng một tin với đề tựa ‘dị thường’ do chuyện cảnh sát đã đột nhập vào một phòng hội họa, tại đó đã bắt người mẫu khỏa thân để cho một số học viên ngành hội họa vẽ, cũng như thầy hội họa, vì tội “xâm phạm thuần phong mỹ tục của xã hội Việt Nam” thời bấy giờ. Đối với người yêu nghệ thuật hội họa thời đó, họ đã gắn cho cảnh sát một cụm từ “thiếu văn minh”, nhưng đối với một số khá lớn lại cho rằng chuyện khỏa thân chỉ là hình thức ngụy trang nghệ thuật để thỏa mãn những thị hiếu thấp kém trên phương diện đạo đức. Điều này đã khiến tôi suy nghĩ mà không có câu trả lời cho mình.

Nhưng rồi thời gian trôi đi, giờ đây là một con cái Chúa, chợt nghĩ lại vấn đề này, tôi xin viết lên đây chút cảm nghĩ dựa trên Kinh Thánh, về chuyện mặc quần áo của lòai người, một nhu cầu của thân xác.

Thân xác con người có những góc đẹp, thanh. Nếu phô trương ra, thế gian dễ cảm nhận được sự huyền nhiệm trong việc tạo dựng con người của Đấng Tạo Hóa. Nhưng khi thân xác trần trụi được thu vào ống kính của những con người làm báo, làm phim ảnh tình dục thì người xem hoặc ngượng ngùng, hoặc nở những nụ cười thiếu đứng đắn, với những ý nghĩ hắc ám, tục tỉu, tà dâm. Và sự che đậy thân xác quả cần thiết. Sự cần thiết này còn rõ ràng hơn khi con người sống ở những vùng có khí hậu lạnh.

Che đậy thân xác, nhu cầu này có từ khi nào ? Chúng ta hãy trở lại con người đầu tiên, tổ phụ của loài người mà Kinh Thánh đã ghi lại : “Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn.” (Sáng-thế-ký 2:25). Rồi một ngày kia, A-đam và Ê-va trái huấn thị của Đức Chúa Trời, nghe theo lời dụ dỗ của ma quỉ, và “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.” (Sáng-thế-ký 3:6-7).

Khi tội lỗi xâm nhập vào con người, nó phá ngay sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời trên thân xác “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Thân xác tự nó không phải là tục, nhưng tục vì thiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” đã khiến con người có sự tà dâm trong khi nhìn nhau nếu ăn mặc không đứng đắn, hoặc hở hang, nhất là không quần áo. Trong những trường hợp đó lòng cảm thấy hổ thẹn, lương tâm chấn động, cảm giác bất an.

Để đáp ứng cho nhu cầu của thân xác, Đức Chúa Trời từ ái, Ngài biết điều đó. Kinh thánh chép “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho” (Sáng-thế-ký 3:21). Con thú bị giết để lấy da làm “áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho” có thể coi như tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người, đem Đức Chúa Jêsus bị giết để trở thành chiếc áo công nghĩa cho tội nhân.

Đức Chúa Trời đã ban y phục cho A-đam và Ê-va, Ngài đã chấp nhận, ưng thuận quần áo bao phủ tội lỗi, đồng thời cũng phô ra một chút vinh hiển cho thân xác. Như vậy, nếu y phục chỉ cốt để phô trương thân xác thì không đúng ý thiên thượng, dầu có thân thể thật đẹp. Y phục đẹp, là mặc nó vào không xóa đi nét đẹp duyên dáng của thân hình, song cũng không để lộ liễu những phần trơ trẽn. Nó phải thật linh động, có lực thu hút như cảnh thiên nhiên huyền ảo mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Vì là một người Việt, tôi thấy chiếc áo dài Việt Nam có đủ những yếu tố nàỵ Trông vào, nét đẹp của đường cong thật thật ảo ảo. Trong cái đẹp tĩnh đó, có cái đông tuyệt vời của hai tà áo phất phới. Cảm tạ ơn Chúa cho tôi sinh ra ở một quê hương có vẻ đẹp kỳ diệu của chiếc áo dài.

Trang phục cũng biểu lộ được nhân cách. Con người có nhân cách đứng đắn ăn mặc đàng hoàng. Chúng ta không thể mặc bộ đồ ngủ đi ra ngoài đường, đi dạo phố. Đi đến nhà thờ mà mặc bộ đồ đi dạo mát, đi phố là không có sự kính sợ Đức Chúa Trời. Thời nay, hình như người nào nghĩ thế này chắc bị coi là “bảo thủ quá trớn”, vì “cái áo cà sa không làm nên thầy tu” thì làm sao mà suy nghĩ như vậy nhỉ ?, nhưng theo tôi nếu “Kính sợ Đức Chúa Trời” mà đến thờ phượng Ngài, thì ăn mặc chỉnh tề nhất là điều cần.

Nhu cầu thân xác của con người là ăn no, đủ ấm, nhưng sau đó nếu được là ăn ngon, mặc đẹp. Buồn thay, khi nhìn vào đồng loại của chúng ta, rất nhiều người đã đổi nhu cầu thành mục đích “được ăn càng ngon càng tốt, mặc càng sang, càng đẹp càng hay” và quên đi sự chia sẻ với những người đồng loại thiếu ăn thiếu mặc. Ước mong loài người có nhiều đứa con yêu dấu của Ngài và thực hành Lời Ngài vì chúng ta “đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:9-10) hầu qua tình yêu của Đức Chúa, chúng ta bằng lòng chia sẻ miếng cơm manh áo với đồng bào, đồng loại.

Nhớ lại thủa xa xưa, khi chạy tản cư đến Quán Lào, Thanh Hóa vào mùa lạnh, gia đình chúng tôi vừa đói, vừa thiếu áo ấm. Sáng sớm hôm sau, một số áo mùa đông rất đơn sơ đã được cẩn thận để trước cửa nhà tạm trú của chúng tôi. Mỗi lần nhớ lại chuyện này, tôi bồi hồi cảm xúc. Cám ơn Chúa đã cho tình yêu của Ngài qua nghĩa cử của một người nào đó khiến chúng tôi được ấm áp trong cơn bĩ cực.

Thưa quý anh chị em con cái Chúa,

Vào những dịp Lễ Giáng Sinh, Đầu Năm Mới, chúng ta có muốn mặc những bộ quần áo đắt giá của David John hay các hãng nổi tiếng khác không? Khi nhìn thấy những sản phẩm xa hoa như áo lông thú trắng toát của gấu miền Bắc Cực, áo lông đen ánh hay nâu của vài giống thú của vùng Trung Đông, mũ nhỏ cùng khăn quang cổ bằng lông sóc, lông chồn, chúng ta nghĩ sao ? Khi nhìn thấy những đồ trang sức có những hạt kim cương lóng lánh đầy sắc, chúng ta nghĩ sao ? Nếu tài chánh cho phép, chúng ta có mua cho mình (quý chị), hoặc cho vợ, con gái của mình không? Mong rằng trong bất cứ trạng huống khó nghĩ (trường hợp nêu trên và những trường hợp tương tự) nào đi nữa chúng ta cũng được ngọn đèn YÊU THƯƠNG của Chúa soi dẫn, để chúng ta hành xử phải lẽ làm đẹp lòng Chúa và làm SÁNG DANH NGÀI.