Những năm tháng gần đây, nhìn một số người quen, bè bạn từ từ ra đi và sắp sửa ra đi vĩnh viễn vì những căn bệnh nan y ngặt nghèo, lòng tôi se thắt lại. Những người có niềm tin vững chắc nơi Đấng Tạo Hóa thường bình an ngay cả trong phút cuối đời. Tội cho những người không có niềm tin. Tôi thường được biết, sự hoang mang hoảng sợ đến với họ trong những năm tháng đầy bất an trước khi qua đời.

Niềm tin không nằm trong trí óc, nhưng ở nơi tâm linh. Con người có ba phần : thể xác, tâm hồn và tâm linh.

-Thể xác là vật chất, là bụi đất, theo lời Kinh Thánh chép : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người” (Sáng-thế-ký 2:7). Nên thể xác con người gồm có : 65% oxygen, 18% carbon, 10% hydrogen, 3% nitrogen, 1.5% calcium, 1% phosphore và 1.5% các khoáng chất khác.

-Tâm hồn không phải là vật chất, cũng không phải là linh chất, mà là ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép : “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta” (Sáng-thế-ký 1:26). Tâm hồn con người có ý thức, và có tinh thần tự quyết dựa trên suy luận. Các sinh vật khác chỉ có một số bản năng hướng dẫn chúng hoạt đông, nhưng không có khả năng suy tưởng và hoạch định như con người, là khả năng của Đức Chúa Trời.

-Tâm linh không phải là vật chất mà là linh chất. Đó là chất của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng-thế-ký 2:7). Tâm linh khiến con người nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, là động cơ thúc đẩy con người tầm đạo, đưa con người vào sự thờ phượng. Nhờ tâm linh, con người có khả năng tương giao với Đức Chúa Trời, với thần linh, cảm thông với vũ trụ và giao thông với đồng loại.

Đặc tính của tâm linh là đức tin và yêu thương. Tất cả sinh hoạt của tâm linh đều dựa trên năng lực của đức tin và yêu thương. Các nhà tâm lý học chỉ có thể phân tích một khía cạnh nhỏ của yêu thương. Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được.

Cái mà lý trí không thể hiểu được là đức tin và tình yêu. “Đức Chúa Trời là yêu thương” (I Giăng 4:8), chúng ta làm sao có thể dùng lý trí để hiểu được Đức Chúa Trời, thì đối với tình yêu, chắc cũng vậy. Nhà văn Tiến Xuân phải lắc đầu : Yêu là cái mà ta không tả được, cũng như thi sĩ Xuân Diệu bóp trán : Làm sao cắt nghĩa được tình yêu.

Kết thúc một chương nói về tình yêu, Thánh Phao-lô diễn tả “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương” (I Cô-rinh-tô 13:13). Như vậy, ba điều quan trọng trong tâm linh là đức tin, trông cậy (hay hy vọng) và yêu thương. Nhưng thực ra chỉ có hai điều là đức tin và yêu thương vì trông cậy đã ở trong đức tin như lời Kinh Thánh định ngĩa đức tin : “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.(Hê-bơ-rơ 11:1).

Lý trí không hiểu được đức tin, không rõ được yêu thương. Thế mà con người trần thế thường chê bai, phê phán đức tin, cùng lòng yêu thương của người khác.

Người ta đã ghét nhau, hận thù nhau và giết lẫn nhau chỉ vì bất dồng niềm tin. Người ta đã khích động tâm linh với hành động bất nhân với mỹ từ “thánh chiến”, như thánh chiến giữa Thiên Chúa Giáo và Tin Lành tại Thụy Sĩ vào năm 1531, giữa Hồi Giáo và Tin Lành tại vùng Trung Đông năm 1095 – 1096, năm 1097-1127 trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Jerusalem. Trong những năm gần đây, tại Ấn Độ, tại Parkistan, tại Thái Lan, và nhất là tại Trung Đông, các cuộc thánh chiến đã cho thấy tham vọng thấp kém của những người cầm đầu các giáo phái, sự bất lực của những nguyên thủ của các quốc gia kể trên, điều này đã làm cho dân tại những nơi đó phải khốn khổ, chịu cảnh chết chóc.

Còn với tình yêu thương người trần thế cũng hay chê bai, bình phẩm cho thỏa. Không dính dáng gì tới mình mà nhiều lúc cũng bất bình, hoặc cũng bàn tán xôn xao. Ngày 10 tháng 2 năm 1936, Anh Hoàng Edward VIII ký giấy thoái vị để ra đi xây tổ ấm với người yêu, bà Simpson, một phụ nữ Mỹ đã hai lần ly dị. Nội các của thủ tướng Baldwin và một số dân Anh chống đối quyết liệt, vì cho rằng Anh Hoàng là một người Tin Lành đại diện cho một quốc gia mạnh nhất nhì thế giới, không nên làm chuyện như vậy. Còn đa số dân chúng Anh Quốc lại ủng hộ. Họ cho nhà vua có lý khi ông tuyên bố : Bà Simpson là người đàn bà lý tưởng mà trái tim tôi đã chờ đợi lâu nay, tôi chỉ yêu một người đàn bà đó mà thôi. Ở Việt Nam cũng có một bà nữ sĩ tên Tương Phố bất bình không đồng ý với đa số dân chúng Anh, bà trách Anh Hoàng Edward bằng một bài thơ:

Làm trai chí ở cuộc đua tranh      Mà nỡ quên ngôi chúa tể Anh

Một gánh giang sơn liều bỏ nước Nghìn thu công nghiệp nhẹ theo tình

Phấn son đánh đổ nền vương bá  Cơm áo bàn chi lũ tướng khanh

Mới biết đã si là dại hết                Ngai vàng cũng hạ dưới mày xanh.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trong địa hạt tâm linh, chúng ta có một đức tin, và đối tượng của đức tin đó là Đức Chúa Trời. Chúng ta có tình yêu và chắc chắn tình yêu của chúng ta không khác. Có khác chăng là cách hành xử để bộc lộ tình yêu. Tất cả chúng ta đều có một tâm linh, một tâm linh với linh chất từ Đức Chúa Trời, hầu chúng ta dễ dàng cầu nguyện với Ngài một cách tự nhiên, qua đó chúng ta sẽ tương giao với Ngài như ý định Ngài mong muốn từ buổi sáng thế.