Diễn đạt tư tưởng, ý nghĩ của mình một cách chính xác bằng lời nói không phải dễ. Lắm khi thiếu lời, nên nói không trọn ý, nhiều lúc dùng từ sai khiến lời nói lạc ý. Có khi cùng một từ mà người miền Bắc hiểu khác người miền nam. Một toán công binh chữa cầu, người lính điều chỉnh chiếc khoan máy hỏi người người trung sĩ đang cầm tấm họa đồ : “Khoan nhé trung sĩ ?”. Người trung sĩ đáp “Hãy khoan…”, người lính nhấn máy khoan ngay. Người trung sĩ hét lên, đã bảo khoan sao lại khoan. Từ “khoan” người trung sĩ nói có ý chờ chút, đợi một lát, nhưng người lính lại hiểu khoan là … khoan.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hiểu sai và bị hiểu sai không ít.Sự hiểu sai đôi khi không phải dùng từ không chính xác hay nói không rõ ràng. Nói rõ với tất cả chân tình, nhưng vì không hợp hoàn cảnh người nghe, nên có thể bị hiểu sai. Sau bữa tiệc, chiếc bánh sinh nhật quá lớn, còn hơn một nửa. Chủ nhà cắt một miếng bánh khá lớn, để trong hộp, rồi trao cho anh bạn HO mới qua, với câu nói chân tình : “Bánh ngon lắm, cầm về cho các cháu ăn”. Anh bạn HO mới qua cầm bánh mà tủi thân. Nó khinh mình thật, của ăn không hết đem cho con mình. Cùng một lúc, chủ nhà lại cắt một miếng, trao cho ông bạn cùng sở cũng với câu nói chân tình : “Bánh ngon lắm, cầm một ít về cho các cháu.”. Người bạn cầm bánh thầm vui, bạn mình tốt thật, lúc nào cũng nhớ tới con mình. Người trần thế, vì suy luận trong những trạng huống khác biệt, nên hiểu sai ý tốt của tha nhân cũng là chuyện thường tình.

Đời sống tận tụy hầu việc Chúa của Phao-lô cũng bị người ta hiểu sai. Một số người thấy Phao-lô lo lắng cho mình thì nghĩ rằng Phao-lô muốn moi tiền của mình qua con đường đạo giáo. Phao-lô đính chính : “ không phải tôi tìm của cải anh em, bèn là tìm chính anh em vậy” (II Cô-rinh-tô 12:14).

Chính Chúa Jêsus cũng bị dân chúng thời Ngài hiểu saị Họ tưởng Ngài đến thế gian là để giải cứu họ ra khỏi sự thống trị của đế quốc La-mã. Dân chúng thời bấy giờ “có ý đến ép Ngài để tôn làm vua” (Giăng 6:15). Họ đâu có hiểu rằng “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội”  (I Ti-mô-thê 1:15). Đức Chúa Jêsus minh xác mục đích Ngài giáng thế “ Con người (Đức Chúa Jêsus) đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu-ca 19:10).

Nhưng trong thế gian, sự hiện hữu của “vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đang hành động trong các con (chúng ta)” (Ê-phê-sô 2:2), đã khiến chúng ta đôi khi không còn sự sáng suốt. Chúng ta bị những ý nghĩ lệch lạc do sa-tan hay ma quỷ lôi kéo vào chỗ hiểu sai về Chúa Jêsus, và đôi khi chúng ta đã bị chi phối. Biết bao người đã nhận biết Chúa Jêsus là nhà mô phạm đạo đức, điều Chúa dạy là “đạo”, đưa “đạo” vào đời để đời tốt đẹp hơn. Biết bao người nhận thức Chúa Jêsus là siêu nhân, có quyền năng giải nguy, trừ khốn, nên chúng ta chỉ kêu cầu Ngài trong lúc hoạn nạn. Biết bao người nhận biết Chúa Jêsus là Đấng ban phước, một loại “ông thần nhân từ”, trừ họa, ban phước cho người “thiện tâm” hay “chiên ngoan”. Và chúng ta tin rằng hễ sống ngay lành thì Chúa sẽ ngó lại. Nếu chỉ nghĩ như vậy thì chúng ta đã hiểu sai, và dầu theo Chúa, nhưng không thật sự tin đúng về Ngài, điều gì xẩy đến với chúng ta, chẳng ai biết. Có lẽ chúng ta, những con người tội lỗi vẫn ở dưới cơn “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36), mặc dầu Cứu Chúa Jêsus có chức phận làm chúng ta “ hòa thuận với Đức Chúa Trời” (Rô-ma 5:1), hầu cho “chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 8:1).

Phao-lô là một nhà học thức uyên thâm, nhưng ông quyết định chỉ rao giảng về  Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự” (I Cô-rinh-tô 2:2), là rao giảng về “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15).

Trong loạt bài “Chia sẻ Niềm Tin” này, người viết chỉ ước mong được chia sẻ cùng quý vị độc giả sự hiểu biết về Chúa Jêsus, Ngài là Đấng Cứu Thế của cả nhân loại trong đó có quý vị có tôn giáo khác, quý vị đang đi tìm niềm tin, quý anh chị con cái Chúa và tôi. Với ước mong mang thiện ý, tôi đã có lần chia sẻ niềm tin của tôi rằng “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:12). Có thể điều này đụng đến đức tin quý vị có tôn giáo khác, đụng tới đối tượng đức tin quý vị. Tuy nhiên tôi không có ý bài bác, mà là xác quyết trong niềm tin của tôi về sự cứu rỗi chỉ có trong Đức Chúa Jêsus, với ước mong chân thành của một con cái Chúa già, quý vị tránh khỏi sự đoán phạt khủng khiếp của Đức Chúa Trời và được cứu rỗi bởi sự ăn năn tội lỗi, tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình. Mong quý vị hiểu thiện ý của người viết (không hiểu sai thiện ý của người viết).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta đã tin nhận đúng về Chúa Jêsus và tin nhận Ngài làm Cứu Chúa. Nhưng bóng tối của tội lỗi (Sa-tan và ma quỷ) đâu đó quanh chúng ta chẳng buông tha chúng ta. Cũng vì thế đôi lúc chúng ta đã bị đưa vào chỗ hiểu sai Lời Chúa trong Kinh Thánh, mà cứ ngỡ là hiểu đúng. Kết quả có thể nói với người khác hoặc hành xử sai với Ý Chúa. Chính Phi-e-rơ đã hiểu sai ý muốn của Đức Chúa Trời khi Đức Chúa Jêsus bày tỏ về Ngài “ phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại. Phi-e-rơ bèn đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu! Nhưng Ngài xây mặt lại mà phán cùng Phi-e-rơ rằng: Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta.(Ma-thi-ơ 16:21-23). Tôi tin rằng ngày nay, Sa-tan và ma quỷ vẫn không bỏ cách thức đó. Nó cố gắng làm con cái Chúa chúng ta “nghĩ đến việc người ta (người trần thế thông thường)” mà hiểu sai “ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:2).

Một số nhà truyền giáo “nghĩ đến việc người ta (người trần thế thông thường)” khả dĩ dễ dàng tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa nên đã giảng “ một Tin Lành khác” (II Cô-rinh-tô 11:4), một phần của toàn bộ Tin Lành, chỉ toàn Đức Chúa Trời yêu thương với ân sủng của Đức Chúa Jêsus dư dật, mà quên đi phần chính của Tin Lành :

- Biết mình là người có tội, thành tâm ăn năn tội. cuối cùng là “tin Tin Lành” .

- Tin Chúa Jesus là Đức Chúa Trời thành nhân, đã đến thế gian làm Cứu Chúa cho cả nhân loại trong chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời.

- Tin Chúa Jesus đã chịu chết trên thập tự giá để nhận lấy tội của chúng ta, chịu sự hình phạt của Đức Chúa Trời thế cho chúng ta, như bản án Đức Chúa Trời đã định cho mỗi chúng ta “ linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” (Ê-xê-chi-ên 18:4).

- Tin Ngài làm Cứu Chúa của đời mình được trở nên con cái Đức Chúa Trời như lời Kinh Thánh xác định : “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Cũng qua Kinh Thánh tin một nhân vật nào khác ngoài Chúa Jêsus để hy vọng được cứu rỗi là điều sai “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công-vụ các sứ-đồ 4:12).

 

 

Người chấp nhận chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời bởi tin nhận bởi tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa, không cần suy nghĩ mình là tội nhân, “ăn năn và tin Tin Lành” thật sự, đó là một sự hiểu sai. Cái hiểu sai này đưa đến hậu quả tin Chúa cũng như không. Những vị này là “cỏ lùng” trong ruộng lúa mì của Đức Chúa Trời “ Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus cho chúng về, rồi vào nhà; môn đồ đến gần mà hỏi Ngài rằng: Xin thầy giải lời ví dụ về cỏ lùng trong ruộng cho chúng tôi. Ngài đáp rằng: Kẻ gieo giống tốt, là Con người; ruộng là thế gian; giống tốt, là con cái nước thiên đàng; cỏ lùng, là con cái quỉ dữ; kẻ nghịch thù gieo cỏ ấy, là ma quỉ; mùa gặt, là ngày tận thế; con gặt, là các thiên sứ. Còn người ta nhổ cỏ lùng mà đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng sẽ như vậy; Con người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai, hãy nghe!(Ma-thi-ơ 13 : 36-43). Buồn thay !