Con người, tùy theo giầu nghèo, xã hội liệt họ vào giai cấp hạ lưu, trung lưu hay thượng lưu.

Con người, tùy theo đạo đức, xã hội xếp họ vào đẳng cấp tiểu nhân, phàm nhân, quân tử hay thánh nhân.

Có những người cả đời chỉ biết chú tâm vào tiền tài, danh vọng, lợi lộc. Trong số này một số không nhỏ dám dùng mọi phương tiện miễn đạt đến cứu cánh tất phải thuộc vào đẳng cấp thấp, người có tà tâm, tiểu nhân. Số còn lại, khôn ngoan hơn, nếu luật pháp không thể kiểm soát hết vì để kẽ hở, thì những vị này không ngần lợi làm ngay để đạt tới cứu cánh. Họ được xếp vào đẳng cấp của những con người tầm thường hay phàm nhân.

Có những vị quyết tâm “vững gót làm người”, trau dồi phần tâm, trọng nhân trọng nghĩa. Tiền, tài, danh, lợi cần đó, nhưng không phải vì tiền, tài, danh, lợi mà thất tâm, bất nhân, bất nghĩa. Những vị này được đời xếp vào hàng quân tử.

Nhưng, những vị được xã hội tôn lên hàng thánh nhân, thì quả có nhiều rắc rối. Có vị được “tôn” nhưng nào dám nhận. Có vị được “phong” theo  lễ nghi trong quan điểm và đức tin của một số người. Thánh nhân theo quan điểm Kinh Thánh cũng khác với thánh nhân theo quan điểm Tứ thư Ngũ kinh của Nho giáo.

Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử : “Thầy là thánh nhân rồi phải không ?”, Đức Khổng Tử đáp : “Ta chẳng dám nhận là thánh nhân. Ta chỉ được cái làm lành, học đạo mãi mà không chán, dạy đời luôn mà không mệt, thế thôi.”. Tử Cống thưa : “Thầy làm lành, học đạo mãi mà không chán, tức là có trí, dạy đời luôn mà không mệt, tức là có nhân. Đủ cả trí lẫn nhân thì thầy quả là thánh nhân rồi.”.

Tề Cảnh Công hỏi Tử Cống : “Khổng Tử có phải là hiền nhân không ?”, Tử Cống đáp : “Ngài là thánh nhân”. Tề Cảnh Công hỏi : “Sự thánh thiện của Ngài ra sao ?”, Tử Cống đáp : “Tôi không biết.”. Tề Cảnh Công hỏi : “Ông không biết sao dám nói Khổng Tử là thánh nhân ?”. Tử Cống đáp : “Tôi suốt đời đội trời mà chẳng biết trời cao bao nhiêu, suốt đời đạp đất mà chẳng biết đấ dày bao nhiêu. Tôi theo Ngài Khổng Phu Tử như kẻ khát nước đem gáo ra sông, ra biển múc nước uống. Uống no bụng rồi đi, nhưng chẳng biết sông biển sâu bao nhiêu.”.

Theo Tứ thư, Ngũ kinh, thánh nhân bặt thiệp, siêu quần là người thông minh, trí tuệ, đức hạnh tuyệt vời, hành sự theo gương Trời.

Kinh Dịch viết : “Thánh nhân đức độ sánh với đất trời, sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, biến thông tựa bốn mùa, ảnh hưởng người in tựa thầm minh.”.

Trung Dung viết : “Thánh nhân có cuộc đời nối kết với Thượng Đế.”.

Chu Hi khẳng định : “Thánh nhân là kiệt tác của Tạo hóa, tinh hoa của nhân loại.”.

Luận ngữ viết : “Thánh nhân chính là mẫu người lý tưởng trong nhân loại, là tinh hoa của nhân loại, là người đã thể hiện được sự toàn thiện.”.

Lịch sử Trung Hoa, trải qua các đời, chỉ có 14 vị được tôn làm thánh nhân : Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thành Thang, Y Doãn, Tỉ Can, Văn Vương, Vũ Vương, Châu Công, Liễu Hạ Huệ và Khổng Phu Tử.

Việt Nam ta chỉ có một thánh nhân, đó là Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Theo lịch sử nước ta, Đức Thánh Trần Hưng Đạo có tên là Trần Quốc Tuấn, thủa nhỏ rất thông minh, lớn lên văn võ toàn tài, đã hai lần đánh bật quân Nguyên xâm lăng. Đức Thánh Trần Hưng Đạo được vua tôn kính phong là Thái Sư Thượng Phu Hưng Đạo Đại Vương. Nhưng tại sao Hưng Đạo Đại Vương lại được tôn lên hàng Thánh ? Theo chuyện để lại, khi tướng nhà Nguyên kéo sang xâm lăng lần thứ hai có tỳ tướng tên là Bá Linh tức Phạm Nhan có nhiều yêu thuật. Hưng Đạo Đại Vương lập trận cửa cung phá được, bắt sống Phạm Nhan. Quân sĩ dùng gươm chém thế nào Phạm Nhan cũng không chết. Hưng Đạo Đại Vương đã phải dùng “thần kiếm” mới giết được. Phạm Nhan chết thường hiện thành quỷ về phá đàn bà con gái, dân chúng gọi con quỷ đó là tà Phạm Nhan, và muốn trừ con quỷ này dân gian phải nhờ đến uy linh của Hưng Đạo Đại Vương. Và từ đó Hưng Đạo Đại Vương trở thành Thánh trừ tà hay Đức Thánh Trần.

Các nhà thần học không bao giờ dùng chữ “Saint” hay người Thánh để gọi các vị thánh nhân Trung Hoa hay Việt Nam. Thánh nhân theo quan điểm Tứ Thư, Ngũ Kinh được gọi là “Sage” nghĩa là người tài đức phi thường, khôn ngoan.

Cơ Đốc nhân, quý độc giả chắc cũng đã biết, đâu phải là những người khôn ngoan, tài đức phi thường. Trái lại, có khi trong số họ còn có những người bê bối, có một đời sống “dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy” (I Cô-rinh-tô 5:1), thế mà tất cả họ được gọi là “thánh đồ”, là Người Thánh, là “Saint” thì lạ thật. Ý niệm của điều này sẽ được chia sẻ trong bài tới.

Chia sẻ tin tức

Linh hồn hiện hữu hay không ? Xin thưa, hiện hữu. Mời đọc tin khoa học sau đây :

Học thuyết về linh hồn gây xôn xao, linh hồn không hề chết đi mà chỉ đi vào vũ trụ

Trong khi nhiều người cho rằng khoa học và tâm linh là hai thế giới đối nghịch, loại trừ nhau thì trên thực tế, có không ít nhà khoa học uy tín tin vào sự tồn tại của linh hồn. Họ còn dùng chính kiến thức khoa học để chứng minh và mô tả nó.

Hầu hết các tín ngưỡng, tôn giáo đều cho rằng, ngoài cơ thể, trí óc, con người còn sở hữu một thứ chỉ thuộc về bản thân, đó là linh hồn. Đến nay, khoa học vẫn phủ nhận sự tồn tại của linh hồn, nhưng số học giả có tiếng bảo vệ và cổ vũ ý tưởng về sự tồn tại của nó không hề ít.

Năm 2012, hai nhà khoa học vật lý lừng danh thế giới là tiến sỹ Stuart Hameroff (Mỹ) - Giáo sư danh dự thuộc khoa Gây mê và Tâm lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ý thức, Đại học Arizona và Roger Penrose (Anh) - đã gây xôn xao trong cộng đồng khoa học khi phát triển một học thuyết lượng tử về nhận thức. Trong học thuyết này, linh hồn được coi là một phần của cấu trúc mà nhóm nghiên cứu gọi là vi ống - một tổ chức siêu nhỏ trong tế bào não.

Ý tưởng này bắt nguồn từ ý niệm rằng não là một máy tính sinh học với hàng tỷ neuron; kết nối sợi trục, khớp nối thần kinh hoạt động như một hệ thống thông tin hoàn chỉnh.

Theo học thuyết được các nhà khoa học Stuart Hameroff và Roger Penrose bắt đầu nghiên cứu từ năm 1996 này thì ý thức là kết quả của quá trình hấp dẫn lượng tử bên trong vi ống. Điều này được thể hiện rõ khi con người trải nghiệm trạng thái chết lâm sàng. Khi đó, các vi ống mất trạng thái lượng tử, nhưng thông tin chứa trong nó thì không hề bị phá hủy. Hai tiến sỹ cho rằng, linh hồn không hề chết đi mà chỉ đi vào vũ trụ.

“Khi trái tim ngừng đập, máu ngừng chảy, các vi ống mất đi trạng thái lượng tử, tuy nhiên thông tin trong vi ống không và không thể mất đi. Nó chỉ phân phối và tiêu tán vào vũ trụ. Khi bệnh nhân tỉnh lại, hồi sinh, các thông tin lượng tử này có thể quay lại các vi ống. Nếu họ chết, các thông tin lượng tử có thể tồn tại ngoài cơ thể - dưới dạng một linh hồn” - tiến sỹ Hameroff cho hay.

Niềm tin của các nhà khoa học

Trước, trong và sau khi học thuyết lượng tử về nhận thức ra đời, rất nhiều nhà khoa học tin vào thực tế là linh hồn tồn tại.

Richard Swinburne - nhà triết học tôn giáo của Trường Đại học Oxford, Anh, tác giả của cuốn sách “Lý trí, bộ não và sự tự do của ý chí” - đã lên tiếng bảo vệ sự tồn tại của linh hồn: “Để miêu tả toàn bộ thế giới này, bạn cần kể tới cả chủ thể của các trải nghiệm, không chỉ qua những trải nghiệm, qua cơ thể vật lý mà còn qua những vật thể tinh thần riêng rẽ mà chúng ta gọi là linh hồn. Bởi nếu không, bạn sẽ không thể mô tả được đời sống ý thức của họ ra sao”.

Theo Swinburne, nếu chỉ có cơ thể và trí não, chúng ta sẽ chỉ là những chủ thể giống nhau. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta hoàn toàn khác nhau, nên chắc hẳn phải có một phần quan trọng nào đó tạo ra sự rạch ròi và chúng ta có thể gọi đó là “linh hồn của tôi”.

“Linh hồn có thể không tự vận hành mà phải liên kết với một cơ thể. Khi đó, sự sống có thể tiếp diễn nếu như linh hồn nhập được vào cơ thể nào đó một lần nữa” - ông nói. “Sự khác biệt giữa các linh hồn là không thể giải thích. Linh hồn là đặc thù phi vật chất. Nó có tính cách, đặc tính của riêng mình. Linh hồn cũng sở hữu suy nghĩ, cảm xúc, thái độ… Cách duy nhất để chúng thể hiện ra là thông qua sự gắn kết với cơ thể sống ”.

Nhà vật lý học lý thuyết Henry Stapp - Đại học California - Berkeley, Mỹ nói: “Niềm tin vào linh hồn không phải là không có căn cứ khoa học. Linh hồn là sự độc lập về nhân cách của trí não hay phần sống sót còn lại của cơ thể sau khi chết”.

Còn Giáo sư, tiến sỹ Hans-Peter Dür - nguyên Giám đốc Viện Vật lý Max Planck, Munich, Đức - cho rằng: “Sự tồn tại song song giữa cơ thể và linh hồn cũng chân thực như sự tồn tại song song của sóng và hạt vật chất nhỏ nhất”.

Theo vị giáo sư này, trạng thái lượng tử của vũ trụ tồn tại ở cả vật thể sống và chết, dẫn tới sự tồn tại sau khi chết. “Chúng ta mới chỉ nhìn thấy khía cạnh vật chất của thế giới này. Thứ tạo ra thế giới nằm ở ngoài khía cạnh vật chất và nó lớn hơn rất nhiều so với thế giới này. Theo cách này, cuộc sống hiện tại của chúng ta đang được bao bọc bởi cuộc sống sau khi ta chết”.

“Sẽ thật là sai lầm nếu chúng ta loại bỏ linh hồn khỏi tự nhiên” - nhà vật lý hạt nhân đồng thời là nhà sinh học phân tử Jeremy Hayward - thuộc Đại học Cambridge, Anh - cho hay.

Nhà vật lý và là giáo sỹ John Polkinghorne định nghĩa linh hồn là phần mang thông tin bên trong hạt nhân. Phần linh hồn này sẽ không bị thối rữa khi chúng ta chết mà “sẽ được Chúa dùng để tái sinh”.