MƯỜI SÁU TRĂNG TRÒN

 

 

Hai chúng em gặp nhau trên vùng đất quê hương, giữa cảnh đời đưa đẩy vào đầu thế kỷ thứ 19. Chúng em là những đứa trẻ có cha, có mẹ, có anh chị em nhưng không có một mái gia đình. Cha chúng em, như hàng ngàn người đàn ông khác, đã biến mất không một lời từ giã vì không chịu nổi gánh nặng của gia đình, của một vợ năm con, với công việc lao động mười lăm giờ đồng hồ mỗi ngày nhưng đồng lương chỉ đủ trả tiền thuê nhà và ăn sáng mà thôi. Những giờ uống say cho quên sầu tại quán rượu sau giờ làm việc, những ngày được phát lương mẹ phải bế con thơ chờ trước cổng hãng để chận lấy tiền lương trước khi ba đốt qua men rượu, muốn tránh những đoạn phim buồn hàng ngày, ba phải tìm một chân trời mới.  Thế là mẹ phải bỏ đàn con nheo nhóc để bước ra làm việc. Thế là ở tuổi mười hai, em phải tự lo lấy thân, suốt ngày dong ruổi ngoài đường, chỉ trở về ban đêm để ngủ.

Đương nhiên, em và bạn em không biết đọc, không biết viết vì chúng em có bao giờ được đến trường. Có phải nghèo là một cái tội không, chúng em còn quá trẻ để hiểu nhưng số tử vong giữa những người nghèo cao gấp hai lần số tù nhân tử vong trong thời đó. Ở tù còn có thể sống được hơn là người nghèo trên đường phố như chúng em.

Tuy đến từ hai gia đình khác nhưng chúng em chỉ khác nhau hai điểm: mắt em màu xám nhạt, màu xám của tro bụi trên đường, còn mắt của bạn em màu xanh nước biển, màu xanh da trời đầy vui tươi, hy vọng.  Mái tóc màu nâu nhạt của em có thể lẫn trong đám đông dễ dàng trong khi tóc bạn em màu hoe đỏ, nếu không có việc gì thì là một mái tóc đáng hãnh diện, nhưng khi phải cố gắng chạy cho thoát tay cảnh sát, màu tóc này là một thất bại lớn lao. Chúng em cùng chung đôi má hóp vì thiếu ăn, đôi mắt thụt sâu vì thiếu ngủ, làn da sần sùi vì những ngày mưa nắng trên đường. Chúng em gầy như hai bộ xương khô chỉ chờ ngày chôn cất, chiều cao chúng em một tất thấp hơn những bé gái nhà giàu đồng tuổi. Căn nhà của chúng em chỉ là một căn phòng ẩm thấp, nền đất, vách tường ẩm ướt quanh năm, cửa sổ be bé đóng kín suốt ngày, không một chút thoáng khí, chật chội, đông người, mái lá không đủ che nắng đừng nói đến chuyện che mưa. Cả đời sống trong cảnh thiếu ăn nên chúng em không cần phải ăn nhiều để no, chỉ một chút thôi cũng đủ qua ngày. Công việc hàng ngày của chúng em là làm sao cho no bụng. Giải pháp của chúng em là ăn cắp tiệm hoặc vào nhà vắng người, tìm những món gì có thể bán được.

Chúng em vẫn biết đi đêm có ngày gặp ma và chúng em đã gặp ma. Một đêm kia, sau khi trộm một căn nhà vắng chủ, chúng em chạy ra cổng và ngay vào trong vòng tay của cảnh sát. Tang vật còn cầm trên tay. Tay và chân trong xiềng sắt, chúng em được đưa ra tòa nơi công lý xử trẻ con và người lớn như nhau, trong tinh thần bình đẳng, chỉ trừ án tử hình, những thành phần cặn bã của xã hội phải được dạy cho một bài học về cách sống chân chính: hai chúng em bị kết án mười tám tháng tù lao động tại một hãng dệt của chánh phủ.

Ngày đầu tiên trong tù, tóc chúng em được cắt thật ngắn, gần như hớt trọc vì nhiều lý do: cắt giảm phần chí ghẻ, đề phòng tai nạn lao động khi tóc dài quấn vào máy dệt, và với mái tóc đặc biệt này, công nhân tù không trốn ra ngoài được. Những ai phạm lỗi liếc mắt đưa tình với người khác phái thì bị cạo trọc ngay. Chúng em phải theo kỷ luật của hãng tù: 4 giờ sáng chuông báo thức rồi ăn sáng với một tô bột lỏng, 5 giờ sáng bắt đầu làm việc, giữa trưa dừng tay ăn một chút bánh mì và sau đó tiếp tục làm việc cho đủ 12 tiếng đồng hồ một ngày. Khi trời sụp tối, hai chúng em chỉ còn là hai xác không hồn. Chúng em nào có biết bàn tay bé nhỏ của mình đã góp phần trong kỹ nghệ sản xuất hàng vải của Anh Quốc trên khắp thế giới, những mặt hàng sang trọng cho người giai cấp cao và tạo nên một giai cấp giàu có trong xã hội của chúng em. Chúng em nào có biết Mẹ Anh Quốc vừa thông qua đạo luật di chuyển tù hình tội, những ai phạm luật hình lần thứ nhì, tức là thành phần không hối cải, sự có mặt của họ chỉ làm hại cho Mẹ Anh Quốc, sẽ bị chuyên chở đến VAN Diemen’s Land, cách xa Anh Quốc đến bốn tháng đi tàu, nơi sau này được chính thức gọi là Australia.

Sinh nhật thứ mười ba của chúng em trôi qua trong tù và dĩ nhiên chúng em hoàn toàn không nhớ. Chúng em chỉ nhớ phải tự bảo vệ thân trong tù, tự bảo vệ mình trước những tai nạn lao động và nhớ những đứa trẻ phải mang tật, chân quẹo, lưng khòm… vì đã lao động nhiều năm trong tù, nhớ những đứa trẻ mồ côi đã bị mua với giá thật rẻ, chỉ 5£ mà phải làm việc cho chủ hãng đến năm 21 tuổi. Chúng em không biết rằng đã có những nhà cách mạng xã hội lên tiếng kêu gào Nghị Viện chấm dứt chế độ lao động của trẻ em trong tù và ngoài tù, vì nguy hại cho sức khỏe của các em. Nhưng đến lúc Nghị Viện họp để nghe trình bày về vấn đề này, các chủ hãng dệt và chủ những hầm mỏ đã đưa ra hai vị bác sĩ danh tiếng của Anh Quốc để xác định rằng, trên phương diện y tế, sức khỏe, trẻ con lao động một ngày 12 tiếng đồng hồ không hại đến sức khỏe của các cháu. Và vì thế, 43 % lực lượng lao động của quê hương em gồm trẻ em dưới 18 tuổi.

Việc gì rồi cũng phải trôi qua. Sau 548 ngày, 8200 giờ lao động, chúng em đã thi hành xong bản án phạt. Chúng em được trả tự do.

Khi bước ra khỏi cổng khám đường, chúng em gần mười lăm tuổi và đang đối diện với cuộc đời mới: không gia đình, không chỗ ở, không việc làm, không thức ăn, dù chỉ một tô cháo lỏng hay một miếng bánh mì khô. Chúng em muốn làm lại cuộc đời, nhưng phải làm sao bây giờ? Chúng em biết rằng mình có bốn sự lựa chọn, một là xin vào làm cho một gia  đình giàu, nhưng muốn vậy, chúng em phải có thư giới thiệu, nhìn nhận chúng em là những công dân tốt. Thứ hai, trở lại hãng dệt xin làm công nhân, thứ ba là trở lại đời trộm cắp và thứ tư là phải bán thân, nếu đừng xấu xí quá. Giải pháp thứ nhất chúng em không biết ai sẽ là người viết thư giới thiệu. Mái tóc đã bị cạo của chúng em đã tố cáo đời sống lao tù. Giải pháp trở lại hãng dệt, chúng em cương quyết chối từ, vì cũng như những người cha phải làm lao động trong hãng dệt, hầm mỏ, sau khi nghe đến đạo luật chuyên chở người đi Van Diemen’s Land, đã tuyên bố rằng họ thà cho con đi đến vùng đất xa xôi không ai biết tới, còn hơn là cho con lao động trong hãng dệt hay hầm mõ. Giải pháp bán thân, hai chúng em cương quyết chối từ bằng mọi giá. Chúng em chỉ còn lại một giải pháp duy nhất mà thôi.

Cảnh cũ người xưa luống đoạn trường, nhưng vì không có giải pháp nào hơn, chúng em trở về với cảnh cũ. Định mệnh như đã gắn liền cuộc đời hai chúng em, một mắt xám, một mắt xanh, một vào cắp trong tiệm, một đứng trông chừng bên ngoài. Mỗi ngày chúng em sống với sự nguy hiểm, mỗi ngày chúng em sống với cảnh thiếu cơm, thiếu áo. Tháng mười một Anh Quốc lạnh lắm ai ơi với những trận mưa tầm tã nát lòng người, càng khốn khó hơn cho người thiếu cơm, thiếu áo. Đêm tối ập về, chúng em co ro bên nhau, ôm lấy nhau để mong nhờ hơi ấm của nhau. Chúng em nương dựa bên nhau vì không thể nương dựa vào gia đình và xã hội. Tháng mười hai ở quê hương chúng em không thấy mặt trời. Mặt trời lẩn tránh mùa đông còn chúng em phải tự khích lệ nhau chịu đựng mùa đông không có mặt trời. Một đôi lần chúng em bị bắt với tang vật còn trên tay: bánh mì, chuối, rau, khoai… và những lần như thế, chúng em vào tù 60 ngày. Ngày ra tù, lại cảnh cũ người xưa luống đoạn trường.

Chúng em quyết định phải tìm một vùng đất mới. Em bỗng nhớ đến một khu chợ nhỏ một lần kia mẹ em có nhắc đến, cách nơi chúng em đang ở hơn 30 km. Và chúng em dắt díu nhau, tay trong tay, cố gắng đi tìm vùng đất mới ấy. Khu chợ nhỏ này xem vậy mà thật sang trọng với những cửa hàng xinh xắn, với những chiếc áo sơ mi bằng tơ, lụa đẹp chúng em chưa từng thấy. Nếu vớ được những món hàng này, chúng em có thể, không những đủ cơm đủ áo mà còn có thể mướn được một cái chòi, không phải nằm lang thang nơi đầu đường, xó chợ.

Rồi việc gì đến phải đến. Cũng như mọi lần, em vào cắp trong tiệm, bạn em trông chừng phía bên ngoài. Lần này em cắp những đôi vớ lụa thật đẹp, đẹp đến độ em chưa bao giờ thấy. Em vội mang một đôi vào chân và biết được xúc cảm của người mang vớ lụa sang trọng lần đầu trong đời. Em sung sướng quá và trong một phút, em đã quên chỗ đứng của mình. Bị bắt quả tang với đôi vớ lụa mang trên chân còn nhãn hiệu của tiệm, em cố gắng che cho bạn em, nhưng đã muộn. Cảnh sát đưa chúng em về căn chòi bé nhỏ nơi họ phát giác nhiều tang vật khác. Chúng em bị còng và bị đưa ra tòa. Thế là vì tội ăn cắp hai áo sơ-mi đàn ông, hai áo sơ-mi phụ nữ, bảy đôi vớ, hai chúng em bị kết án bảy năm đi đày tại Van Diemen’s Land. Qua vụ án này, chúng em mới biết đến luật mới về chuyện đi đày của chính phủ. Được đưa trở về Luân Đôn để từ đó sẽ được đưa xuống tàu về một vùng đất mới, chúng em cùng vài tù nhân khác phải chịu một cuộc hành trình 600 km trên xe ngựa, đói khát, lạnh lùng, dơ dáy như những con vật, ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, đồng chịu chung số phận của những người mà xã hội tin rằng không cải huấn được.

Trước khi bước lên tàu, người ta đóng số tù của chúng em ngay trên cổ. Chúng em nào có biết rằng công ty vận tải bằng tàu được chính phủ trả từ 20 đến 30£ mỗi tù nhân, tạo thêm một giai cấp giàu mới trên việc chuyên chở. Và chúng em nào có biết cứ chín nam tù nhân thì chỉ có một nữ mà thôi, nên khi đến vùng đất mới, chúng em bỗng trở nên những món hàng có giá trị.

Van Diemen’s Land ở nơi nào, và nơi đó điều gì đang chờ đợi, chúng em nào có biết. Chúng em chỉ biết rằng ngày trở về Anh Quốc để gặp lại gia đình chắc sẽ không bao giờ có. Và điều chắc chắn nhất chúng em biết là ngày bước xuống chuyến tàu định mệnh ấy, chúng em vừa tròn mười sáu tuổi.

 

Đoàn Thu Cúc