QUÀ GIÁNG SINH CỦA BÉ

 

 

 

Trong trân trọng và cẩn thận, bé đặt lá tâm thư dưới gốc cây Nô-Ên vào đêm 24 tháng 12, rồi chuẩn bị đến nhà thờ. Chương trình lễ đêm nay tại nhà thờ thật vui, thật dài, nhưng có lẽ vui nhất là các tiết mục của ban Nhi Đồng, ca hát và đọc thi ca. Người lớn trong Hội Thánh mong chờ tiết mục của các bé trong nhà thờ để được cùng vui, cùng trở về với tuổi thơ vàng son chỉ đến một lần trong đời. Ban Nhi Đồng tại nhà thờ của bé đông lắm, có hơn năm chục thiếu nhi. Nhưng sau khi từ nhà thờ trở về, bé nhớ đến lá thư gởi cho ông già Nô-Ên và đến đứng tần ngần trước cây Nô-Ên. Cây Nô-Ên nhà bé đơn sơ lắm, do các anh đốn mang về vì Đà Nẵng miền biển có nhiều cây thông. Cây chỉ được trang hoàng bằng những hình cắt từ những tấm giấy màu dùng để bao tập học trò trong thời của bé. Cây Nô-Ên không quyến rũ bé bằng ông già Nô-Ên, người phát quà cho trẻ con trong dịp mừng sinh nhật của Chúa. Năm nay bé được sáu tuổi, vừa biết viết. Mẹ ân cần bảo bé muốn quà gì, cứ viết thư cho ông già Nô-Ên. Bé cặm cụi rất lâu, nắn nót từng chữ lớn gần bằng quả chuối, ghi lại ước mơ của bé trong mùa Giáng Sinh năm nay. Ông già Nô-Ên ơi, con muốn một chiếc xe đạp. Trước khi đi ngủ, bé nhìn lại lá thư lần cuối. Mẹ nói rằng đêm nay, ông già Nô-Ên sẽ mang quà. Trong giấc ngủ, bé thấy mình cưỡi xe đạp, chiếc xe đạp tuyệt đẹp, mới tinh, lóng lánh. Bé cưỡi xe vòng vòng trong sân, miệng bóp còi inh ỏi và lịm dần trong giấc ngủ vui tươi, đầy ước mong, chờ đợi.

Sáng 25.12 vừa thức giấc, bé chạy ra khỏi phòng, đến trước cây Nô-Ên. Lá thư của bé đã biến mất, thay vào chỗ đó là một gói quà nho nhỏ mang tên bé. Ngạc nhiên, bé cầm gói quà và mở ra. Bên trong là một cuốn tập học trò và một cây bút chì. Bé nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng. Bầu trời dường như sụp đổ cùng với giấc mơ chiếc xe đạp trong mùa lễ Giáng Sinh. Hay là ông già Nô-Ên không biết đọc tiếng Việt? Một ông già da trắng, mũi cao, mắt xanh làm sao biết đọc tiếng Việt? Sao không ai nói cho bé ông già Nô-Ên không biết tiếng Việt. Còn đang đứng sững sờ trước cây Nô-Ên, người anh của bé cũng đến tìm quà, cũng lại một quyển tập và một cây bút chì, đến nói nhỏ vào tai bé: “Không có ông già Nô-Ên mầy ơi !Tối hôm qua tao thấy ba má mang mấy gói quà này ra để đây.”

Sau mùa Giáng Sinh năm ấy, bé học để hiểu không có ông già Nô-Ên và dù bé có xin gì, bé cũng chỉ nhận được một quyển tập, một cây thước, một cục tẩy và một cây bút chì. Bé không biết phải buồn ai, phải giận ai, ông già Nô-Ên hay ba mẹ. Mãi đến khi được vào trung học, bé mới hiểu được lòng của ba mẹ trong hoàn cảnh gia đình. Là một giáo sư tại trường Kinh Thánh Đà Nẵng, một đồng lương nuôi một vợ và 13 con, những ước ao tầm thường của ba, như được uống trà với một miếng kẹo đậu phọng còn không có, làm sao ba có thể mua xe đạp cho bé? Những buổi cơm đạm bạc, rau luộc chấm nước mắm với một tô canh tuy thật to nhưng chỉ toàn là nước luộc rau, tiền đâu để đáp ứng được nhu cầu của đàn trẻ? Làm sao bé có thể hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, đọc thư con, con xin một đàng, cha mẹ cho một nẻo? Làm sao bé hiểu được lòng của ba mẹ khi thấy bé đứng trước cây Nô-Ên, ôm gói quà trong thất vọng? Những giọt nước mắt âm thầm của ba mẹ trong vai trò của người sanh thành, dưỡng dục bé chỉ có thể hiểu được ngày Chúa đặt bé vào cùng vai trò, cùng hoàn cảnh.

Hơn 65 năm trong cuộc đời, quà Giáng Sinh “bé” nhận rất nhiều, từ tặng phẩm đến hiện kim, từ nhiều đến ít, từ lớn đến nhỏ, cùng với những tặng phẩm khác do chính Chúa ban cho, từ bậc cha mẹ với chức vụ cao trọng đã để lại cho con cháu gương hầu việc Chúa cao cả, đến mái gia đình nhỏ bé với hai con trai dâng mình hầu việc Chúa từ lúc còn trẻ. Dù đang quản nhiệm hai Hội Thánh Kingsgrove và Tình Thương, “bé” còn được ban cho thêm những công việc khác qua chức Điều Hợp Viên các Hội Thánh Phước Âm Liên Hiệp của người Việt trên đất Úc, Phó Hội Trưởng Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Úc Châu, công việc càng nhiều, trách nhiệm càng lớn lao, lại càng thấy mình nhỏ bé. Nhưng tất cả những điều này, dù là những sự ban cho lớn lao, vẫn không phải là món quà Giáng Sinh lớn nhất của “bé”. Quà Giáng Sinh lớn nhất, vượt bên trên mọi món quà là điều “bé” chưa từng viết thư xin nhưng lại được. Mỗi mùa Giáng Sinh đến, “bé” phải rưng nước mắt, không phải vì thất vọng, nhưng vì biết mình không xứng đáng nhận quà. Mỗi mùa Giáng Sinh đến, “bé” không cần phải đặt bức tâm thư dưới gốc cây Nô-Ên nữa, vì  “Em-ma-nu-ên, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”, là Hài Nhi Giê-Xu giáng sinh tại Bết-lê-hem trong hình hài một em bé, bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ, là Đức Chúa Trời đang vui lòng ngự trong chính “bé”.