Dây không đứt             

 

 

Có người đã nói rằng có thể tạm phân loại những người đàn ông có gia đình ra làm hai nhóm: những người đàn ông có hạnh phúc và những người đàn ông không hạnh phúc. Những người đàn ông có hạnh phúc sẽ tiếp tục là những người đàn ông có hạnh phúc. Những người đàn ông không hạnh phúc, theo với thời gian, sẽ trở thành những triết gia, có người sẽ là triết gia chuyên nghiệp và có người chỉ là triết gia tài tử. Tối hôm nay, sau giờ cơm, trong khi người vợ đang thu dọn chén bát, rửa và sắp đặt lại nhà bếp để chuẩn bị cho ngày mai, triết gia lặng lẽ ngồi vào chiếc ghế bành lớn trước Tivi, chuẩn bị để xem chương trình thể thao banh bầu dục của Úc. Trong những chương trình thể thao đặc sắc như đêm nay, phần quảng cáo chiếm đầy, rất khó chịu. Những phần quảng cáo ấy đôi khi khiến tâm trí triết gia xao lãng và suy nghĩ vẩn vơ.

Triết gia thật sự không biết mình thuộc nhóm tài tử hay chuyên nghiệp, và cũng không muốn hỏi ý kiến ai, e rằng sẽ lộ bí mật. Ai cũng biết rằng thiên cơ bất khả lậu. Nghe tiếng khua động của sư tử trong nhà bếp, triết gia tự hỏi không biết có phải sư tử là nguồn của nỗi bất an của mình không, hay chỉ là sự tính toán sai lầm của một triết thuyết. Nỗi buồn của triết gia rất sâu đậm, phải là người rất tinh tế mới nhận ra. Bề ngoài, triết gia là người vui vẻ, hoạt bát, giao thiệp rộng rãi, có nhiều bạn, nhất là bạn trong nhà thờ. Nhờ dáng người cao, mạnh dạn, hay nhanh nhẩu giúp đỡ người, nhất là người khác phái, triết gia được lòng của phụ nữ. Có người đã khen rằng tướng triết gia giống như bộ trưởng, và triết gia phải thầm công nhận nhận xét này rất chính xác. Từ ngày vợ chồng được đoàn tụ, triết gia được chăm sóc đầy đủ, lên cân đều, tròn trịa thắm tươi, làm sao triết gia than khổ được. Nhưng ai ở trong chăn mới biết chăn có rận.

Trời có thể vừa nắng vừa mưa, nhưng làm sao một người đàn bà có thể vừa khôn vừa ngu như sư tử? Làm sao mà với đôi tay, một tay cơm nước cho chồng, một tay lại nhổ răng chồng? Làm sao mà cùng môi miệng ngọt ngào đó lại phát ra những lời khó nghe, nhức nhối tâm hồn? Nhưng phải công nhận rằng dù sư tử hỗn láo với triết gia, người vợ này đảm đang hơn người khác. Cái nết đánh chết cái đẹp hay cái đẹp đè bẹp cái nết? Triết gia chưa tìm được câu trả lời nơi con người của sư tử, nhưng triết gia phải thở dài mà nhận rằng ít có người đàn bà Việt Nam nào giống như vợ của triết gia, từ trên xuống dưới chỉ một đường thẳng. Một người đàn bà không ngực, không mông. Đã thế còn đầy lòng ganh tị với người khác. Những mỹ nhân trong cộng đồng được triết gia khen đều bị sư tử chặn họng “Bộ bà nội ông sao ông kính sợ dữ vậy?”. Vì thái độ không hiểu biết ấy, nên triết gia đành ngưỡng mộ người khác trong yên lặng. Những bóng hồng trên sân khấu, những tà áo kiêu sa, những nụ cười rực rỡ, những đôi môi bóng ngời … triết gia phải hết sức cẩn thận khi đề cập. Còn nhớ lúc sư tử xách vali sang Úc để đoàn tụ gia đình, sư tử đã mang theo mười chiếc áo dài may tại Việt Nam, toàn màu tươi, sặc sỡ, nào thêu hoa, nào thêu cườm, nào gấm, nào nhung… Chỉ tiếc rằng khi sư tử mặc vào, nếu nói không giống ai thì hoàn toàn không đúng sự thật. Trong một phút yếu lòng, không ai khảo nhưng triết gia đã thành thật khai báo “Bà càng diện càng giống Miên, giống Thổ.” Không cần phải kể chắc ai cũng có thể mường tượng những lời đối đáp của sư tử. Nhưng có lẽ sư tử cũng thấm đòn nên một thời gian ngắn sau đã thu xếp tặng vợ Mục sư quản nhiệm toàn bộ áo dài ấy. Đó, cuộc hôn nhân của triết gia đó. Chương trình banh bầu dục trở lại giúp triết gia tạm quên nỗi buồn riêng.

Tiếng tivi với chương trình thể thao banh bầu dục phát ra rất lớn, dù đang ở trong bếp nhưng sư tử cũng nghe rất rõ. Sư tử vui vì đã phục vụ cho chồng một buổi cơm chiều ngon miệng. Đã sang đến nước Úc để đoàn tụ với chồng, sư tử vẫn giữ được vai trò truyền thống của người vợ Việt Nam, vai trò nội trợ. Có những khó khăn mới ở đất lạ quê người, nhưng những khó khăn cũ vẫn không có gì thay đổi. Cây cam trồng trên đất khách vẫn là cây cam. Cỏ nhà hàng xóm vẫn xanh hơn, bánh mì nhà hàng xóm là bánh mới ra lò, nóng giòn, thơm ngon, không phải miếng bánh mì khô khốc của triết gia. Ông chồng của sư tử vẫn là “bộ trưởng” chuyên chở, thường chở những mỹ nhân không có xe và không biết lái xe. Rồi còn so sánh vợ với những mỹ nhân khác. Rồi còn chê vợ không biết tiếng Anh, tiếng Anh viết không đầy cái lá mít. Những nhục nhã sư tử phải chịu, làm sao kể được với ai? Nói cho cùng, dù thói hư tật xấu của chồng không thay đổi, triết gia là người làm việc lao động cực khổ, mang tiền về cho vợ con đầy đủ. Là người siêng năng công việc, việc Chúa cũng như việc người, triết gia được nhiều người trong nhà thờ ngưỡng mộ. Có một ông chồng được nhiều người ngưỡng mộ không phải dễ. Sư tử thầm thương hại cho những bà vợ của các ông lớn, những bà vợ của Thủ Tướng, Tổng Thống… Chỉ với bộ trưởng chuyên chở cũng đã chết người, nói gì đến những chức khác.

Tại mức khởi hành là cuộc tình của một thôn nữ trong trắng, ngây thơ với anh binh nhì của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Người em gái vườn quê yêu chàng chiến binh trong bộ quân phục oai hùng, dù áo chàng không thơm mùi thuốc súng, nhưng đôi giày nhà binh lấm bụi đường, chắc đã trải qua ngàn chốn sơn khê. Một túp lều tranh với hai quả tim vàng dần dần đi đến con đường hàng triệu người đã qua, những cuộc tình chết trong hôn nhân. Trong những năm đầu chung sống, sư tử chỉ khóc thúc thít khi bị chồng rầy. Dần dần về sau, thời thế đã tạo nên những anh hùng mang danh sư tử. Đàn con được sinh ra đời. Triết gia phải chịu cảnh ở tù trong mỹ danh “Học tập cải tạo.” Rồi triết gia vượt biên. Sư tử ở lại quê nhà với đàn con. Chuyện không tưởng lại trở thành sự thật. Chánh phủ Úc có chương trình đoàn tụ gia đình. Bây giờ sư tử ở nơi đây. Cảnh cỏ nhà ai của năm nào vẫn tiếp diễn trên đất Úc. Trong những năm hương lửa mặn nồng, đã đôi lần sư tử định cắt đứt dây, cắt đứt nỗi khổ của người đàn bà không được tôn trọng. Nhưng rồi chợt nhớ rằng làm sao người đàn bà Việt Nam có thể bỏ chồng. Và một lý do khác.

Đêm đã khuya, chương trình thể thao trên tivi đã chấm dứt. Triết gia vào giường. Ngày mai phải cố gắng thức sớm như mọi ngày để đi làm. Năm giờ sáng đã phải thức, được sư tử lo cho buổi ăn sáng đơn sơ với ly cà phê nóng hổi. Dù thì giờ rất có hạn vào mỗi sáng sớm, triết gia vẫn cầu nguyện dài trước khi ăn sáng. Cầu nguyện tạ ơn Chúa vì giấc ngủ bình an. Cầu nguyện cho ngày đang mở ra trước mắt. Mái đầu bạc của triết gia óng ánh trước ánh đèn vàng vọt trong phòng. Đôi môi lẩm bẩm những lời dâng lên Chúa. Nét mặt triết gia khác hẳn những lần hai vợ chồng tranh chiến nhau. Hình ảnh này đập vào mắt sư tử mỗi ngày. Và sư tử yêu hình ảnh ấy, hình ảnh người con của Chúa đến cùng Ngài trong giờ thông công mật thiết.

Đàn con yêu dấu và hình ảnh của người chồng cầu nguyện mỗi sáng là đường tơ vương vấn trong lòng.

 

Đoàn Thu Cúc