KHÓ KHĂN CỦA AI? 

  

  

Tháng Giêng năm 1982 trời mùa hè Sydney bỗng nóng hơn nhiều năm trước và đã có người so sánh trời mùa hè năm nay với cái nóng của Sàigòn vào tháng 4. Ban ngày, nhất là vào giữa trưa, nếu có thể được, người ta tránh trong nhà, hoặc vào các Trung Tâm Thương Mại để trốn nóng. Cũng như nhiều người khác, người thông ngôn trốn trong nhà. Với bào thai gần ngày sinh nở, trong người cảm thấy nóng hơn bình thường, nỗi mệt nhoài khiến người thông ngôn không muốn bước ra khỏi cửa, chỉ ngồi trước chiếc quạt máy. Nhưng rồi tiếng gõ cửa khiến người thông ngôn phải bước ra. Người thanh niên quen biết đang đứng trước cửa dường như đang hối hả, gấp rút và dường như lần nào gặp nhau, anh cũng đang trong tình trạng ấy. Không biết vì đây là bản tính của anh hay vì nghề dạy lái xe bao cộng chung với nghề chở và giao hàng may cho nhiều nhà khiến anh không thể thong thả được. Cửa vừa mở, anh mở lời ngay, không đợi bước vào nhà:

-       Chị ơi! Làm ơn giúp giùm tôi. Đã lỡ book hai cái hẹn cho hai người thi luật chiều nay, không thể bỏ được. Đùng một cái, tụi RTA  (Cơ quan Roads and Traffic Authority) tuyên bố không nhận người quen, bà con, bạn bè làm thông ngôn nữa. Phải là thông ngôn của một cơ quan nào đó và có giấy tờ chứng minh. Họ làm khó quá. Dạy học trò lái xe gần bỏ mạng trên đường mà tới lúc đi thi luật lại gặp khó khăn. Chị làm ơn giúp giùm tôi, chiều nay hai người, đều ở Chullora, một người hai giờ và một người ba giờ. Tôi xin gởi chị 20 đồng cho mỗi người.

Trời nóng là động cơ cho câu trả lời không, nhưng lời năn nỉ và 40 đồng cho thời gian làm việc chỉ khoảng 30 phút cho cả hai người là động cơ cho câu trả lời có, vì khoảng đầu năm 1982 tại Úc Châu lương công nhân một tuần chỉ hơn 100 đô.

Thế là người thông ngôn phải chuẩn bị để đi đến RTA ở Chullora cho kịp giờ hẹn. Vì đến rất sớm và dường như linh tính cho biết nên người thông ngôn xin một tập luật lái xe và ngồi xem lại từ đầu. Trong những năm này, thi bằng lái xe phải chịu một cuộc khẩu vấn.

Đến giờ hẹn, thí sinh đứng sẵn ở quầy hẹn. Hai người đứng đối diện nhau, một người đàn bà thai nghén nặng nề, chậm chạp bên cạnh một thanh niên Việt Nam cũng trạc tuổi, trông hiền lành, ốm yếu, xanh xao. Thí sinh có vẻ bối rối, ngượng nghịu, hai bàn tay nắm chặt nhau, vặn vẹo, lời nói lúng túng, ngập ngừng:

-        Chị ơi! Chị giúp dùm em. Em không có học bài.

Người thông ngôn sững sờ:

    -     Anh không học gì hết à?

Thí sinh vẫn tiếp tục nét ngượng nghịu:

    -     Em nói thiệt với chị, em đi cày từ sáng sớm đến tối mới về, em mệt quá, làm gì có thì giờ học bài. Chị ơi! Cả gia đình ở Việt Nam chờ em gởi tiền về. Em biết luật sơ sơ, chút đỉnh thôi. Chị thương em.

Người thông ngôn chỉ còn một phút để trả lời vì vị giám khảo người Úc đang bước tới với quyển sổ thi trên tay:

-      Dù anh không biết câu trả lời, miệng anh cũng phải nói đại cái gì nhé. Anh đứng nín thinh không trả lời, làm sao tôi dịch được.

Rồi cuộc thi khẩu vấn diễn ra. Người thông ngôn trình bảng ghi tên nhỏ bằng đồng, chứng minh mình là người thông ngôn của Bộ Y Tế. Các câu hỏi được bắt đầu, từ câu dễ đến câu khó, từ những câu có thể trả lời sai cho đến những câu không được phép sai. Tất cả khoảng chừng 20 câu. Không biết vị giám khảo có cảm nhận được không, nhưng nhiều lúc người thông ngôn không thở nổi, nhất là những câu thí sinh không biết gì cả, đứng trơ như Từ Hải chết giữa sa trường. Anh ấp úng nói mấy lời đất trời không ai hiểu nỗi và thông ngôn phải kịp thời chêm ngay câu tiếng Anh cho đúng. Mười lăm phút trôi qua rất nhanh. Vị giám khảo xem lại bảng điểm rồi nói với thí sinh “You pass.” Rồi thí sinh được hướng dẫn đến quầy chụp hình làm bằng lái xe. Nỗi sung sướng của thí sinh hiện rõ trên gương mặt. Anh tươi cười, cũng vẫn trong nét hiền lành và duyên dáng. Anh như trút được gánh nặng ngàn cân, hân hoan chờ đợi giây phút được cầm bằng lái xe của Úc Châu cấp phát. Nỗi vui của anh cũng là nỗi vui của người thông ngôn, mừng đã giúp được một người đồng hương trong cảnh khó.

Ba giờ kém hai phút, người thông ngôn đến đứng sẵn ở quầy hẹn, bên cạnh thí sinh thứ hai. Thí sinh này cũng là một thanh niên, lớn tuổi hơn thí sinh thứ nhất và gương mặt không một chút gì hiền lành, vui vẻ cả. Anh mang nét trầm trọng của người đang bước vào một cuộc chiến. Rút kinh nghiệm của lần thi vừa qua, người thông ngôn buột miệng hỏi:

-       Anh có học bài không?

Thí sinh không một chút ngượng miệng:

-       Tôi trả chị 20 đô để học bài cho tôi.

Bào thai trong bụng quậy tưng theo với cơn giận đang bừng như sóng trào của người thông ngôn:

    -    Xin lỗi anh! Anh trả tôi 20 đô để dịch các câu trả lời tiếng Việt của anh sang Anh ngữ.

Vị giám khảo đã đến tận quầy hẹn. Cuộc chiến phải ngưng. Các câu hỏi được bắt đầu lập tức. Không hiểu thí sinh có biết được đã đưa người thông ngôn vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, và chính người thông ngôn cũng không hiểu được mình phải ứng phó thế nào. Nếu cứ dịch đúng mọi chữ, mọi lời thí sinh nói thì về phương diện pháp luật và lương tâm, thông ngôn không có lỗi gì cả và thí sinh chắc sẽ không có bằng lái hôm nay. Nhưng nếu trả lời “bao che” thì thí sinh sẽ nghĩ rằng lương tâm của bà bầu này mua được với giá 20 đô. Chỉ với 20 đô ta có thể bằm nhuyễn lương tâm của nó.

Có phải người ta nói rằng lương tâm có răng và cắn ghê lắm. Buổi chiều hôm ấy, dù trong cơn giận, người thông ngôn hiểu được sức mạnh của lương tâm. Nếu người thông ngôn không dịch bao che cho thí sinh, đó không phải vì tiếng nói của lương tâm nhưng vì lòng tự ái, là then chốt của nỗi khó khăn. Nhưng nếu người thông ngôn dịch bao che cho thí sinh thì phải sống với kỷ niệm này suốt đời. Thế là trong mười lăm phút thi, người thông ngôn nuốt giận và dịch “như trong cơn mê chiều”, nói mà không biết mình nói gì. Thí sinh thứ nhì rồi cũng chờ đến phiên để chụp hình cho bằng lái xe. Cầm 40 đô tiền mặt trong tay, người thông ngôn không biết phải vui hay phải buồn, nghĩ đến giá mình đã phải trả cho số tiền này. Người thầy dạy lái xe chạy đến:

    - Cám ơn chị! Xong được hai người này mừng quá. Bây giờ tôi xin book chị lần tới nhé.

    - Cám ơn anh. Nhưng thôi anh ơi! Tôi sắp sanh rồi. Tôi mệt quá. Xin anh tìm người khác.

Người phải sống với hậu quả của những đ̣iều mình đã làm, dù đã làm trong vô tình hay cố ý. Nhiều năm trôi qua nhưng người thông ngôn chưa bao giờ gặp lại hai thí sinh đó. Không biết hai người không thuộc luật đi đường này lái xe ra sao và có còn sinh động trên mặt quả địa cầu hay không. Người thông ngôn chẳng bao giờ dịch cho ai tại RTA nữa. Có những cuộc từ giã đầy nuối tiếc nhưng cũng có những cuộc từ giã đem lại cho người một tự do tươi mới, phơi phới trong lòng.

Đoàn Thu Cúc