DŨNG SĨ TRÊN ĐỒI

Description: imgres.jpg

 

 

Đêm nay, một lần nữa chàng đặt mình trên đất. Trong nơi hoang dã đầy gió cát của vùng Đất Hứa, chàng ngẩn mặt nhìn lên bầu trời đen kịch, không trăng sao. Bóng đêm phủ kín vùng núi đồi, thung lũng, giúp cho các chiến sĩ tạm dừng tay, không thể giao chiến được vì không thấy được quân mình và quân thù.

Đêm nay, cũng như mọi đêm khác, chàng nghĩ đến tình nhà và nợ nước, đến những khúc quanh trong cuộc đời. Chúa cho gia đình chàng đứng vào địa vị độc đáo ở Xứ Thánh. Vua cha là vị vua đầu tiên của lịch sử Do Thái, do chính người Do Thái yêu cầu, đòi hỏi. Vua cha cao lớn, đẹp người, được toàn dân hài lòng, lên ngôi năm chỉ mới 30 tuổi. Và chàng là hoàng thái tử đầu tiên của Do Thái. Một gia đình được Chúa chọn. Cùng với địa vị cao trọng là trách nhiệm nặng nề: trách nhiệm bảo vệ quê hương trước quân thù Phi-li-tin, một quân thù mạnh và đông và bạo tàn. Trong bốn mươi hai năm cầm quyền, vua cha nào được yên nghỉ, hết chiến trận này đến chiến trận khác, bàn tay vua cha đẩm máu quân thù. Chàng vẫn tin rằng vua cha làm tròn trách nhiệm của một vì vua: bảo vệ quê hương, mang an bình cho con dân Chúa. Chỉ tiếc rằng nơi địa vị cao sang đó, vua cha đã để lộ nhược điểm trầm trọng trong cá tánh và đã để cho nhược điểm ấy trở thành tội lỗi huỷ nát cuộc đời.

Sinh ra trên vùng Đất Hứa, lớn lên trong chiến tranh, chàng phải tập chiến đấu từ khi còn trẻ. Nhờ hoàn cảnh, chàng đã là một dũng sĩ với đường gươm mạnh như gió bão, nhưng cũng có thể nhẹ như gió thu sau hè, oai hùng như những rặng núi của Xứ Thánh, kinh hoàng như một đám cháy lớn, bí mật như bóng đêm và chớp nhoáng như sấm sét trên trời. Chàng đã cùng với vua cha chiến đấu, chung vai sát cánh với toàn quân đội Do Thái trong rất nhiều năm, ngẩn mặt nhìn Chúa, nhìn người trong hiên ngang, hãnh diện… Dù vậy, trong đời chiến sĩ, chàng đã phải ba lần chịu nhục.

Lần đầu tiên là vào ngày quân thù Phi-li-tin đưa người khổng lồ Gô-li-át cao 3 mét để thách thức đạo quân của Chúa. Trong bốn mươi ngày, người khổng lồ này, mỗi ngày hai lần, sáng và chiều, bước ra trước đạo binh của Chúa, mắng chưởi, thách thức… Từ vua cha, đến chàng là hoàng thái tử, đến tổng binh, đến một anh lính quèn… toàn thể quân đội Do Thái đều phải im lặng chịu nhục.

Cho đến khi chàng thiếu niên Đa-vít bước ra, nhân danh Đức Giê-hô-va vạn quân nhận lời thách thức của Gô-li-át. Toàn quân đội Do Thái chết lặng người. Buổi sáng hôm nay, có phải mọi người sẽ được chứng kiến cảnh Gô-li-át giết Đa-vít như người ta giết một con chó chết? Gô-li-át sặc lên cười khi trông thấy đối thủ, còn toàn quân Do Thái không thở được cho đến khi cuộc tranh tài kết thúc. Với trành ném đá nhỏ, và với viên đá ném đầu tiên, Đa-vít đã giết được đối thủ. Toàn quân Do Thái bừng tỉnh cơn mê, tràn lên tấn công quân đội Phi-li-tin đang chạy tán loạn.

Kể từ ngày hôm ấy, tình bạn giữa chàng và anh hùng Đa-vít nẩy nở và gắn bó, đã trở thành khuôn mẫu cho tình bạn chung thủy, chân thành, không vụ lợi, đứng vững với thời gian mà thế giới ít khi nào chứng kiến được. Có người đã ví sánh tình bạn tuyệt vời này với tình yêu Chúa Cứu Thế dành cho tội nhân, những người đã được Ngài gọi là “bạn hữu ta.”

Sau khi vua cha phạm tội, bị Chúa từ bỏ và khi được biết ngôi báu này sẽ được trao cho Đa-vít, lòng ganh tỵ của vua cha đã thắng hơn lòng kính trọng ý muốn của Đức Chúa Trời. Vua cha tìm đủ cách để giết Đa-vít. Hoàng thái tử bị dằn xé giữa hai mối liên hệ, giữa tình cha con và tình bạn với Đa-vít, và điều khó có thể xảy ra đã xảy ra: chàng đã giữ trọn đôi đường. Chàng đã không xúc phạm đến cha cũng không phản bội bạn. Trong những năm chịu đựng tình cảnh này, chàng đã phải chịu nhục lần thứ hai. Trong buổi ăn dành cho gia đình hoàng gia và những viên chức cao cấp trong triều đình, vua cha sỉ nhục chàng bằng những lời nặng nề: “Ớ con trai gian tà và bội nghịch kia, ta biết mầy có kết bạn cùng nó, đáng hổ nhục cho mầy và đáng hổ nhục cho mẹ đã đẻ mầy!” Vua cha muốn giết Đa-vít để bảo vệ ngôi bá cho chàng, nhưng chàng lên tiếng bênh vực bạn vì biết bạn không có lỗi gì. Vua cha phóng cây giáo đ̣ịnh giết chàng.

Chàng và Đa-vít hẹn gặp nhau nơi đồng ruộng. Trong lần gặp gỡ cuối cùng, sau khi đã sấp mình xuống đất và lạy chàng ba lần vì ơn cứu mạng, hai người ôm nhau khóc. Nước mắt của hai người bạn chí thân đã kết ước như là lời chứng cho lời thề chung thuỷ không chỉ giữa hai người, nhưng còn là “giữa dòng dõi tôi và dòng dõi anh đến đời đời.” Đa-vít ra đi, lìa bỏ gia đình và quê hương, tha phương cầu an và cầu thực. Còn chàng trở về với gia  đình, với quê hương, với cuộc đời của một chiến sĩ.

Cuộc đời đi trong sương gió của một dũng sĩ đã chấm dứt trong lúc không ngờ tại đồi Ghinh-bô-a. Trong trận chiến khốc liệt giữa quân đội Do Thái và người Phi-li-tin trên đồi, cùng với các chiến sĩ khác, chàng đã chiến đấu cho quốc gia, cho dân tộc, cho gia đình với hết sức, hết lòng. Vùng Đất Hứa đẹp tuyệt vời chàng được gọi là quê hương phải được gìn giữ chăm sóc và bảo vệ, trách nhiệm của những người biết trân quý điều Chúa ban cho. Người ra chiến trận có bao giờ biết được mình sẽ trở về hay không. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Trên đồi Ghinh-bô-a, quân đội Do thái thất trận nặng nề. Mãnh hổ nan địch quần hồ.  Chàng đã cùng chết với các anh em trai mình, chết trước vua cha nên đã không chứng kiến cảnh tự sát của cha. Mãi đến ngày hôm sau, khi người Phi-li-tin kiểm soát lại chiến trường, họ mới thấy thi thể của cha con chàng. Họ chặt đầu của các cha con, mang đầu đi khắp các vùng đất Phi-li-tin để rao chiến thắng, còn thi thể bị treo trên vách thành Bết-san. Những dũng sĩ người Gia-be được tin, đi trọn đêm, gỡ lấy xác của vua cha và các con trai người khỏi tường thành, trở về Gia-be, thiêu đốt các thây tại đó.

Khi Đa-vít, bạn chàng, nhận được hung tin thì chàng đã ra người thiên cổ. Đa-vít đã xé quần áo, để tang và khóc lóc, nhịn ăn cho đến chiều tối và ghi lại lời than khóc vua Sau-lơ và hoàng thái tử Giô-na-than trong một bài ai ca còn trong trang Kinh Thánh. Giữ trọn lời kết ước, Đa-vít tìm được người duy nhất còn sót lại của gia đình Giô-na-than, một người con trai bị tật nguyền tên Mê-phi-bô-sết, hoàn trả lại tài sản, đất đai của gia đình vua Sau-lơ và mời Mê-phi-bô-sết ăn cùng bàn với vua Đa-vít trọn đời.

Dù bình minh vẫn rực rỡ như ngày nào, ánh mặt trời vẫn sáng soi trên hoa đồng, cỏ nội, nắng vẫn lung linh trên mặt nước mang lại hơi ấm và sự sống cho vạn vật trên đồi, nhưng những ngày vinh quang rạng ngời của triều đại Sau-lơ đã chấm dứt trên đồi Ghinh-bô-a. Máu người chiến sĩ công bình Giô-na-than đã đổ trên đồi. Không ai dùng thước đo thời gian để định giá trị của một đời người. Chàng qua đời lúc còn rất trẻ, chỉ hơn ba mươi.  Những người con gái Do-thái đã khóc trong yên lặng, đưa tiễn chiến sĩ công bình về bên kia thế giới. Bài ai ca trong đêm theo gió sa mạc mang đến chàng, để chàng hiểu rằng khi sống cũng như khi chết, chàng đã để lại một hình ảnh tuyệt vời của một người thủy chung, công chính, một hình ảnh hiếm có của một người con, một người bạn, một chiến sĩ can trường, một người con Chúa vâng phục ý Ngài mỗi bước trong đời. Đồi Ghinh-bô-a đi vào lịch sử của Kinh Thánh và của dân tộc Do Thái từ ngày chàng, một dũng sĩ, đã ngã gục trên đồi.

Đoàn Thu Cúc