NĂM CON CHIM SẺ BÁN GIÁ HAI XU ?

 

 

 

Bà Mục Sư hì hục giặt quần áo sau hiên nhà đang khi các con chơi đùa ở sân trước. Tuổi hồn nhiên, ngây thơ của các con đã giúp cả con và mẹ rất nhiều. Mới đêm trước, gần đến giờ đi ngủ, chúng nó chạy đến nói với mẹ “Má ơi! Con đói bụng quá.” Bà Mục Sư cố dấu tiếng thở dài, nhẹ nhàng nói với con “Thôi! uống nước rồi đi ngủ đi con.” Thế mà chúng nó cũng vâng lời, uống một bụng nước rồi đi ngủ. Dù thau quần áo không đầy nhưng bà Mục Sư cố gắng tập trung vào công tác để không phải nghĩ đến những câu hỏi sắp đến của đàn con. Tối hôm qua không có gì ăn, nghe lời mẹ đi ngủ. Sáng hôm nay cũng không có gì ăn, nhưng vì đang mãi lo chơi nên quên đói. Bốn đứa con gầy như bốn que củi, nhưng mặt mày sáng láng, yêu thương nhau và quan trọng hơn hết, chúng nó là những đứa con ngoan, vâng lời cha mẹ.

Hai tay bà Mục Sư nhanh nhẹn trong công việc. Bà ngồi bên cạnh chiếc lu nước đầy. Đây là lu mà nước lấy từ mé sông, cứ cạn thì bà Mục Sư lo xách. Thật ra hôm nay chỉ có hai lu nước mưa là đầy, nhờ những trận mưa của tháng hạ, khi như xối xả, khi như ngập ngừng, nhưng qua những trận mưa này, Chúa cung cấp nước đầy đủ cho đại chúng bình dân ở miền quê, không có nước máy. Lu nước Chúa cho đầy nhưng lu gạo trong nhà không còn một hột. Những hột gạo cuối cùng đã nấu cho chồng và con ăn ngày hôm trước. Ông Mục Sư nhóm họp, thăm viếng, giảng dạy, soạn bài, suy nghĩ, toan tính cho công việc nhà Chúa chỉ với một chút cháo lỏng trong bụng. Cha gầy, con cũng gầy, chỉ có mẹ vì đang mang thai bốn tháng nên người trông tròn trĩnh. Tiếng cười đùa trước sân bỗng ngưng và bốn con của bà Mục Sư chạy tìm mẹ, đồng lên tiếng báo cáo một lượt:

-  Má ơi! Có khách.

Bà Mục Sư ngưng công việc, chùi hai tay ướt vào chiếc quần đen cũ, vá hàng chục mảnh, đứng lên đon đả tiếp khách.

    -  Ông Tư Hóa, kính mời ông vào.

Người đàn ông được gọi là Tư Hóa bước vào, chào bà Mục Sư trong vui vẻ và trước khi bước lên nhà trên nói chuyện với Mục Sư, đã hỏi:

-  Bà Mục Sư chưa đi chợ sao?

-  Dạ chưa!

Rồi đôi bên không tiếp tục trò chuyện với nhau nữa vì Mục Sư đã bước ra. Hai vị ngồi ở nơi được gọi là phòng khách, căn phòng đầu tiên của gian nhà tranh nơi có một chiếc bàn gỗ nho nhỏ và vài chiếc ghế đẩu. Hai vị nói chuyện với nhau rất lâu trong khi bà Mục Sư trở lại với thau quần áo và đàn trẻ vẫn vui đùa trước cửa. Không biết bao lâu sau, khi đã ngưng câu chuyện, ông Tư Hóa chào bà Mục Sư để ra về, đã hỏi với vẻ ngạc nhiên:

-         Trưa trời trưa trật rồi sao bà Mục Sư không đi chợ?

-         Dạ, sẽ đi chợ, sẽ đi chợ.

Ông Tư Hóa đã ra đến trước cửa nhà, nhưng không biết sao ông lại trở vào. Bước thẳng vào chiếc lu nhỏ nằm trong góc nhà bếp, ông mở nắp, nhìn vào. Đậy nắp lu lại, ông tất tả ra về, không nói một lời. Bà Mục Sư giặt xong thau quần áo, mang phơi trên những dây chăng sau nhà rồi với tay cầm cây chổi quét sàn nước. Vâng! Bà Mục Sư  lẽ  ra phải đi chợ từ sáng sớm, khi trời hừng đông, khi mặt trời chưa ra khỏi mây, nhưng vì không có một đồng trong túi, nên dù rất muốn, nhưng việc đi chợ đã vượt khỏi tầm tay. Bà rất muốn đi chợ để mua xôi, mua bánh, mua bắp luộc về cho con, để được nghe tiếng reo cười hồn nhiên của con trẻ “Má mua xôi. Má mua bánh. Má mua bắp.” Nhưng với đồng lương của ông Mục Sư, tiếng reo cười mừng quà của đàn con chỉ xảy ra đôi lần trong tháng, vào những ngày mới nhận được lương. Bà tiếp tục loay hoay với những công việc khác, vì công việc của người nội trợ có bao giờ đứt. Một lần nữa, đàn trẻ lại chạy vào tìm mẹ:

-         Má ơi! Có khách.

Bà Mục Sư mau chạy ra để đón khách, nhưng lại không thấy ai, chỉ có anh đạp một chiếc xe ba bánh dừng trước cửa nhà. Trên xe có một bao gạo to, có nhiều gói tôm khô, củ hành, có mấy chai nước mắm, mấy hủ chao, mấy lọ dưa mắm, có cá khô… Bà Mục Sư hoa cả mắt, không còn biết món gì là món gì cả.

Buổi trưa hôm ấy, gia đình ông bà Mục Sư và bốn con được ăn cơm, không phải ăn cháo lỏng như nhiều ngày qua. Kỷ niệm của lần được Chúa thăm viếng qua lòng thương của ông Tư Hóa Hội Thánh vẫn còn mãi trong tâm, dù thời gian đã qua, nhưng không xóa nhoà được hình ảnh bàn tay chăm sóc của Chúa. Năm con chim sẻ bán giá hai xu? Thật ra, vào thời của Chúa, hai con chim sẻ bán giá một xu tại nước Do Thái, bốn con bán giá hai xu, nhưng vì chim sẻ nhiều và rẻ như bèo, người bán tặng thêm một con nữa. Nên ta có năm con chim sẻ bán giá hai xu. Dù vậy, Cha Trên Trời vẫn chăm sóc những con chim sẻ rẻ như bèo ấy. Bà Mục Sư biết và kinh nghiệm được lời dạy của Chúa vì bà Mục Sư đã từng là một con chim sẻ.