BẾT-LÊ-HEM

 

 

 

Sau buổi ăn trưa thứ sáu 12.10.2012, nhóm du khách người Việt được hướng dẫn viên du lịch cho biết sẽ đi tham quan Bết-lê-hêm. Mọi buồn ngủ, mệt mỏi tan biến lập tức. Trong những địa danh của xứ thánh, Jerusalem đứng đầu và kế đến là Bết-lê-hem, một tiểu thôn cô quạnh trong hàng ngàn tiểu thôn của Do Thái, nhưng từ nơi đây đã ra đời Đấng cai trị Y-sơ-ra-ên và Bết-lê-hem đã ở vào vị trí có một không hai trong Kinh Thánh. Nhóm du khách bâng khuâng không biết sẽ nhìn thấy gì tại Bết-lê-hem. Vì sao lạ chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử nhân loại đưa đường cho các nhà thông thái Đông Phương chắc chắn sẽ không tìm lại được. Những mục đồng chăn bầy được thiên sứ dẫn đường đến chuồng chiên máng cỏ chỉ còn là hình ảnh tuyệt vời trong Kinh Thánh. Những người tìm đến Bếtlêhem ngày nay ngồi trên những chiếc xe bus sang trọng với máy lạnh để thăm nơi Hoàng Tử Hòa Bình đã ra đời. Nhóm du khách người Việt biết rằng sẽ không tìm lại được nét thần tiên của Bết-lê-hem, vì sau 2000 năm, chắc chắn Bết-lê-hem đã thay đổi. Giữa trưa hôm ấy trời quang mây tạnh, nắng lên cao, bầu trời xanh mang theo nhiều ước mơ, hy vọng. Nỗi hồi hộp càng lúc càng dâng cao, không biết Bết-lê-hem hôm nay như thế nào.

Gần đến nơi, vì thật ra Bết-lê-hem chỉ cách thành Jerusalem khoảng 10 cây số, tức là chỉ 10 phút lái xe, bỗng xe bus dừng lại. Hướng dẫn viên du lịch từ giã chúng tôi, hẹn gặp lại ngày mai, vì anh là người Do Thái, không được vào Bết-lê-hem. Dù ngơ ngác chẳng hiểu gì, chúng tôi cũng quay lại nhìn khi anh lầm lũi bước trở về hướng Jerusalem. Anh cúi đầu đi thẳng, gương mặt thoáng buồn, không còn là người vui vẻ, đầy diễu cợt như những ngày qua. Rồi xe bus tiến tới trước. Một trạm kiểm soát lớn ngay giữa đại lộ với đầy lính canh, mỗi người với một khẩu súng trường, đón tiếp chúng tôi. Đang khi một người lính đến nói chuyện với tài xế xe bus, chúng tôi thấy một bảng rất to với hàng chữ thật lớn ngay trạm gác. Trên bảng có ghi hàng chữ bằng ba thứ tiếng khác nhau, chúng tôi chỉ hiểu phần Anh ngữ: “Israeli citizens are not permitted. Soldiers will shoot on site.”(Công dân Do Thái cấm vào. Binh sĩ sẽ nổ súng tại chỗ). Chúng tôi đoán rằng hai thứ tiếng khác trên bảng là Do Thái và Arabic và bây giờ mới hiểu vì sao hướng dẫn viên du lịch người Do Thái của chúng tôi không dám vào. Từ năm 1995, Bết-lê-hem thuộc quyền kiểm soát của người Palestine. Chúng tôi bỗng nhớ đến những chữ được ghi bên trên thập tự giá của Chúa, cũng bằng ba thứ tiếng Do Thái, La Mã và Hy Lạp: “Người này là vua dân Giu-đa.” Hai ngàn năm trước, người Do Thái mượn tay người La Mã để giết Chúa. Hai ngàn năm sau, người Do Thái không được bước vào vùng đất Hoàng Tử Hòa Bình được sinh ra đời để cứu nhân loại, trước nhất là cho người Do Thái.

Bước chân xuống xe bus để thăm Bết-lê-hem sau điều đã chứng kiến khiến chúng tôi như đi trên mây. Bết-lê-hem trong Kinh Thánh và Bết-lê-hem trong thực tế rất khác nhau. Đồng cỏ nơi những người chăn chiên chăn bầy mình, nằm về hướng đông của Bết-lê-hem, ngày nay xuất hiện rất nhiều nhà thờ thuộc các giáo phái khác nhau, cũng giống như những địa điểm nổi danh của xứ thánh, nhà thờ tranh nhau mọc.

Ngôi nhà thờ nổi bật nhất ở Bết-lê-hem là The Church of the Nativity, theo sử sách, đã được xây ngay nơi Chúa hạ sinh trong một máng cỏ tầm thường. Năm 326 sau Chúa giáng sinh, Hoàng Đế La-mã Constantine ra lệnh xây một nhà thờ tại nơi Chúa ra đời. Trải qua các đời, dù nhà thờ này có bị cướp và bị hư hại rất nhiều, nhưng sau những lần trùng tu, nhà thờ vẫn nằm ngay ở vị trí nguyên thủy và vẫn giữ được nét trang trọng, nguy nga, quyến rũ, thu hút ngọt ngào của nơi được thành lập để con dân Chúa nhớ đến nơi Ngài đã giáng thế. Theo sử, vào thế kỷ thứ 7 sau Chúa, khi đế quốc Ba-tư xâm lăng xứ thánh, họ tàn phá tất cả các nhà thờ tại Do Thái. Nhưng khi đến ngôi nhà thờ này, thấy hình vẽ trên nhà thờ về các nhà thông thái mang lễ vật cho Hài Nhi, và các nhà thông thái mặc sắc phục của nước Ba-tư, họ đã để yên ngôi nhà thờ này. The Church of the Nativity hiện nay được chăm sóc bởi giáo hội Chánh Thống Giáo của người Hy-lạp, người Armenian và dòng tu Franciscan của Công Giáo La-mã.

Bết-lê-hem vào thời Chúa Giê-xu là một thôn làng rất bé nhỏ với dân số chưa đến một ngàn người và Bết-lê-hem ngày nay dù với dân số gấp một trăm lần con số ngày xưa, vẫn rất bé nhỏ so với các thành phố khác. Trong khi Jerusalem độc đáo, rực rỡ, huy hoàng, đầy những ngạc nhiên, những thay đổi, Bết-lê-hem lặng lẽ, êm đềm, chỉ quyến rũ được du khách vì là nơi Chúa đã ra đời. Do Thái không phải là xứ đồng bằng nên đường cao thấp, ngoằn ngèo, hẹp, rất khó đi, dù là đường tráng nhựa, cũng rất khó cho người lái xe và những khu nhà chật hẹp, san sát nhau, chắc chắn là khu của những người Palestine nghèo, mang nét độc đáo của Bết-lê-hem vào thế kỷ thứ 21. Nếu hai mươi thế kỷ sau đường còn khó đi, ai có thể hiểu được những nỗi nhọc nhằn của đôi vợ chồng Mari và Giô-sép trong đêm lịch sử đi tìm quán trọ để em bé có thể ra đời, không ai cho một chỗ nào, phải sinh con trong chuồng súc vật. Con người đã tiếp đón Đấng Tạo Hóa mình trong cung cách này và đã hơn 2000 năm qua, hàng tỷ người vẫn không tìm được hòa bình trong tâm vì cách họ tiếp đón Hoàng Tử Hòa Bình. Dù nhóm du khách người Việt đã quen với hình ảnh của hàng rào kẽm gai trong những năm của cuộc chiến Việt Nam, nhưng khi thấy hàng rào kẽm gai tại ranh giới giữa Bết-lê-hem và vùng đất của Do Thái bên cạnh, nhóm du khách không khỏi bùi ngùi. Hoàng Tử Hòa Bình đã sinh ra và sống giữa lòng dân tộc, nhưng đến nay người Do Thái vẫn còn sống trong chiến tranh và đau khổ.

Nhóm du khách bước vào The Church of the Nativity. Nhà thờ này lúc nào cũng đông người, đa số là du khách vì con dân Chúa tại địa phương rất ít, số người Palestine tin nhận Cơ Đốc Giáo thật khiêm nhường. Nhà thờ rất lớn, lộng lẫy, huy hoàng, sang trọng không hổ danh là một nhà thờ do một Hoàng Đế La Mã xây dựng. Nhưng điểm thu hút là bầu không khí trang nghiêm nhưng ngọt ngào, cung kính nhưng đầy tình thương. Người đứng trong ngôi nhà thờ không cảm thấy sợ nhưng thấy ấm cúng, tạm quên được thế giới bên ngoài khi được gần nơi Hài Nhi giáng sinh. Trong chỗ thờ phượng, một nơi đặc biệt được dành riêng và được đoán là nơi Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ trong đêm lịch sử. Vào những ngày đặc biệt, các bà mẹ được phép mang những em bé sơ sinh đến nhà thờ, trân trọng đặt con mình trong nơi đặc biệt ấy, dù chỉ giây phút thôi, nhưng niềm vui và vinh hạnh không diễn tả được. Các em bé này khi lớn lên, chắc chắn cũng sẽ vui và vinh hạnh đã được đặt vào nơi Chúa sinh ra đời, một vinh hạnh có thể hàng triệu người mơ ước cho con em họ.

Dù Dolorosa và Bết-lê-hem là hai nơi bày tỏ cực điểm của tình yêu của Đức Chúa Trời, mỗi nơi để lại trong lòng người những xúc cảm khác nhau. Dolorosa là hình ảnh của Chiên Con đẫm máu trên bàn thờ, sinh tế sống dâng lên Đức Chúa Trời để đền tội cho nhân loại. Người đặt chân trên Dolorosa quặn thắc, run rẩy trong đau đớn, muốn rời khỏi Dolorosa càng sớm càng tốt khi nhớ đến cái chết đau thương của Chúa vì tội lỗi khốn nạn của con người. Người hiểu rõ cái chết của Chúa đã được diễn tả rõ ràng qua phim “The passion of the Christ” sẽ không đủ can đảm xem lại phim ấy lần thứ hai. Một lần cũng đã quá kinh hoàng. Nhưng Bết-lê-hem khiến người muốn dừng chân và sống mãi trong câu chuyện thần tiên có thật và có một trong đời. Người muốn được diện kiến Hài Nhi được bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ. Người muốn được thấy ánh sao thần. Người muốn được nghe bài hát duy nhất thiên thần hát cho loài người, những người chăn chiên đang thức đêm canh giữ bầy, sự lựa chọn tuyệt vời của Đức Chúa Cha bày tỏ lòng Ngài yêu thương người bình dân trong đại chúng bình dân. Người muốn được xây một túp lều lý tưởng, bé nhỏ bên cạnh máng cỏ của Hài Nhi để được mãi mãi sống bên Ngài. Người muốn được dâng cho Ngài món quà quý nhất.

Nhưng đến 4 giờ chiều, đoàn du khách phải lên xe trở về khách sạn. Chân phải bước đi nhưng lòng không muốn rời. Đoàn du khách bỗng nghĩ đến giây phút Chúa đuổi đôi vợ chồng A-đam và Ê-va ra khỏi vườn địa đàng sau khi họ phạm tội, chắc là giây phút khủng khiếp nhất trong cuộc đời của họ. Chúa còn sai thiên sứ cầm gươm sáng lòa canh giữ vườn. A-đam và dòng dõi của ông không được trở vào Ê-đen nữa. Nhưng Hài Nhi Giê-xu ơi! Nhìn thấy Bết-lê-hem và mỗi lần nhớ đến Bết-lê-hem, chúng con biết rằng chúng con đã được trở về. Em bé nằm trong máng cỏ đã mở cửa thiên đàng cho chúng con. Chúng con được trở về. Và chúng con muốn dâng lên Chúa món quà quý nhất, không phải để đền ơn, vì làm sao chúng con có thể đền ơn được. Dù không dâng cho Ngài vàng, nhũ hương và một dược, nhưng mỗi mùa Giáng Sinh về, chúng con xin dâng cho Ngài tiếng nói của linh hồn rằng: chúng con yêu Chúa.

 

Đoàn Thu Cúc