Trong xã hội hiện tại, ngày nào cũng vậy, công việc của con người phải ăn khớp với thời dụng biểu đã định. Nhiều công việc lập đi lập lại, khiến con người làm như máy. Nhưng cái “máy người” không bao giờ làm việc được điều hòa như “người máy”. Thường thì con người đã bị tình cảm , hỷ, nộ, ái, ố, sầu, bi, chi phối, nên sự sinh động cũng theo đó mà thồi lên, trụt xuống.

Khi vui vẻ, bình an, sự sinh động của con người đi lên trong phấn khởi. Khi con người buồn bã, giận giữ, sự sinh động của con người đi xuống trong chán chường.

Kìa, bước chân ai đang đi trong bình an, vui thỏa và hy vọng thì sự sinh động : “Như cánh chim tung cánh khắp phương trời, như cá lội nhởn nhơ ngoài biển rộng” (Thơ Hoàng Thắng).

Nhưng kìa, ai đang đi giữa phố phường náo nhiệt mà cảm thấy như đang đi giữa một nơi vắng lặng trong một chiều mưa ảm đạm, sự sinh động hầu như đi xuống trong buồn chán : “Ta mang một vết thương lòng tuyệt vọng, Thôi hết rồi tình âu yếm thủa xưa. Rồi chân đi ôm nỗi buồn chan chứa, Mối thất tình dầu dãi với phong sương” (Thơ Hồ Văn Hảo).

Tính sinh động của một số người “không bình thường hay khùng” bảo họ lên non bắt cá, xuống biển chặt cây, hoặc gieo gió mà hy vọng không gặt bão. Làm sao có được, kinh nghiệm cho ta thấy : “Kẻ nào giao sự bất công sẽ gặt điều tai họa” (Châm-ngôn 22:8). Nào ai trong chúng ta “khùng” muốn gặt bão, muốn rước họa vào thân. Thế mà không hiểu sao một số người vẫn chịu “khùng” khi quyết định gieo gió, hoặc làm những điều bất công, bất chính. Lời Kinh Thánh dạy rằng : “ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7).

Một số người “khôn” sinh động trong phước hạnh hy vọng như vầy : “Nguyện tôi gieo, và có kẻ khác gặt hái” (Gióp 31:8). Ở các nước cộng sản trong các thập niên 80 trở về trước, nền kinh tế đã thất bại thảm thương chỉ vì nhà nước áp dụng chính sách “nhân dân gieo, nhà nước gặt, lợi nhuận vào túi đảng viên”. Mình làm mình hưởng là luật công bằng. Nếu ngược lại điều đó là bất công. Lại có những người “không ăn được thì khuấy cho hôi”, dại gì cho người khác hưởng, đây là những con người bất chính.

Ấy thế mà cái “khôn” của con cái Chúa chân chính lại vui vẻ chấp nhận cái “dại”, mình làm cho người khác hưởng, và sinh động trong hy vọng về người khác. Hàng tuần, Hội Thánh Chúa Kingsgrove đã nhận được số tiền của quý con cái Chúa “dại” trên đất Úc gửi về để giúp đỡ đồng bào nghèo,  hầu tạo cơ hội đem Tin Lành Cứu Rỗi đến với những người chưa tin, và tỏ lòng yêu thương với những người cùng Niềm Tin trong những năm tháng vừa qua. Và hàng tháng Hội Thánh Chúa Kingsgrove cũng đã nhận được tiền của quý con cái Chúa “dại” gửi về để ủng hộ Website của Hội Thánh để đem Tin Lành Cứu Rỗi đến đồng bào ta ở khắp nơi trên thế giới trong gần 5 năm qua. Lời Thánh Phao-lô giục giã con cái Chúa rằng : “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15:58). Công khó của chúng ta trong Chúa rất ích lợi. Không tạo công đức cho mình mà tạo cho người hưởng được công đức từ nơi Chúa. Nếu công khó của chúng ta ít, người hưởng được công đức từ nơi Chúa ít, vì : “hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều” (II Cô-rinh-tô 9:6).

Một số con cái Chúa đã gieo nhiều, nhưng gặt chẳng được bao nhiêu. Có một nhà nông trồng ngô (bắp), sau mùa ngô, ông đã chọn những hạt ngô to, tốt đem ăn và cất vào kho. Còn những hạt nhỏ, xấu, ông đem gieo vào cánh đồng bát ngát cho mùa tới. Chúng ta chẳng ngạc nhiên ở mùa tới, nhà nông đã không gặt được bao nhiêu dầu đã gieo rất nhiều. Phương cách này đã và đang được một số con cái Chúa áp dụng trong công việc nhà Chúa, rồi than thở tại sao công việc nhà Chúa không tiến, không kết quả như hy vọng.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Nếu vì một lý do nào đó, chúng ta không thể dâng lên Chúa những khả năng tốt nhất mình có, thì đừng hy vọng đem được nhiều linh hồn về nhà Chúa. Thưa quý anh chị, trong hy vọng cao cả, chúng ta sinh động như thế nào ? Chúng ta gieo gì cho hy vọng trong tương lai ? Chúng ta đã gieo thế nào mà đồng bào ta sống gần chúng ta và họ hàng chúng ta vẫn chưa đến với Tin Lành Cứu Rỗi ? Nếu điều mà chúng ta hy vọng là : “mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Phi-líp 2:10-11), thì chúng ta không thể gieo ít và không gieo điều tốt nhất được.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Lời Kinh Thánh dạy rằng : “Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, Sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, Ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình” (Thi-thiên 126:5-6). Nếu chúng ta có thể chảy nước mắt vì những linh hồn hư mất, chúng ta dễ “động long thương xót” khi thấy đoàn dân đông như Chúa chúng ta : “Khi Ngài (Đức Chúa Jêsus) thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.” (Ma-thi-ơ 9:36), thì chắc chắn chúng ta không tiếc công, tiếc của mà gieo nhiều giống tốt với hy vọng chắc chắn “sẽ gặt hái cách vui mừng” trước mặt cả thiên sứ của Đức Chúa Trời.

Nếu chúng ta thật sự hy vọng về đời sau, ở với Chúa đời đời và coi đời này chỉ là tạm bợ, thì sinh động với lòng “ham mến các sự ở trên trời” chớ không thể sinh động với lòng “ham mến các sự ở dưới đất” (Cô-lô-se 3:2). Thánh Phao-lô đã hy vọng lãnh “mão triều thiên của sự công bình Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó” (II Ti-mô-thê 4:8), nên đã sinh động “đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin” (II Ti-mô-thê 4:7). Và tôi tin rằng con cái Chúa chúng ta đều có hy vọng về đời sau thật sự.