Không một người nào mua vé số lại không hy vọng đến phiên mình “giàu sang mấy hồi”. Không một ai khi lái xe lại hy vọng tai nạn xe cộ hôm nay đến lượt mình lãnh đủ. Ấy thế mà việc xảy ra thường ngược lại với hy vọng. Hy vọng của chúng ta, nếu đạt được, quả không ngờ. Nếu thất vọng, quả tại số. Mọi hy vọng của con người không có gì bảo đảm, không có gì chắc chắn.

Người Việt ta trong dự tính bỏ nước ra đi tị nạn bao giờ cũng đặt có hai hy vọng cốt yếu, thứ tự. Hy vọng thoát khỏi Việt Nam khốn khổ và hy vọng đến được bến bờ tự do bình yên. Nếu hy vọng thứ nhất không đạt được thì hy vọng thứ hai chắc chắn không còn là vấn đề.

 Bất cứ ai đặt niềm tin vào tôn giáo đều có hai hy vọng cốt yếu, thứ tự. Hy vọng thứ nhất là được thoát khỏi tội lỗi, hình phạt của tội lỗi, hay một trạng huống khốn khổ nào đó. Và hy vọng thứ hai là được đến một nơi phước hạnh hay một trạng huống tốt đẹp nào đó. Trong niềm tin, nếu cái hy vọng thứ nhất không đạt được, thì cái hy vọng thứ hai không còn là vấn đề.

Trong trường hợp mạng sống bị đe dọa, chúng ta chỉ có một hy vọng duy nhất là thoát chết. Và khi đã cố gắng hết sức mình mà không thoát khỏi, thì đành khoanh tay, hy vọng một phép lạ “Trời cứu” mà thôi.

Trong trường hợp “chắc chết” trong tội lỗi mình vì “linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4) mà chúng ta đã cố gắng tu thân, đã cố gắng sửa mà vẫn không thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi, thì chỉ còn nước khoanh tay chờ một phép lạ, “Trời cứu” mà thôi.

Cái hy vọng cuối cùng mỏng manh ấy lại là cái hy vọng chắc chắn vững bền trong Cơ Đốc giáo. Cái hy vọng chắc chắn ấy đã được Thánh Phao-lô quả quyết tuyên bố : “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (I Ti-mô-thê 1:15). Cái hy vọng chắc chắn thoát khỏi tội lỗi, thoát khỏi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, bởi sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus Christ đã được “hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:43). Giăng Báp-tít, vị tiên tri chót trong thời Cựu Ước đã giới thiệu Chúa Jêsus như sau : “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi. (Giăng 1:29). Ông cũng khẳng định : “Ai tin Con (Đức Chúa Jêsus), thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó. ” (Giăng 3:36). Chính Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời đã đến thế gian đặng làm Chúa Cứu Thế cho cả nhân loại. Ngài đã phán : “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16).

Cái hy vọng của con cái Chúa về sự cứu rỗi là hy vọng chắc chắn, chắc chắn vì có lời xác chứng của Chúa Jêsus, chắc chắn vì được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh như lời Kinh Thánh chép : “Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Đức Thánh Linhnhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc” (Ê-phê-sô 1:13, 4:30).

Vì sự cứu rỗi chắc chắn đó, nên sự chết không còn ý nghĩa sợ hãi, hoang mang hay khủng khiếp với con cái Chúa hay Cơ-đốc nhân. Ê-tiên, người Cơ-đốc nhân đầu tiên của Hội Thánh Chúa đã “thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:55), nên ông đã bình thản cầu nguyện giữa trận mưa đá của những kẻ trống đối. Kinh Thánh ghi lại như sau : “Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh hồn tôi. Đoạn, người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi thì ngủ.” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:59-60).

Thánh Phao-lô đã từng muốn bước qua cửa của sự chết để đươc “ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn” (Phi-líp 1:23). Lời cầu nguyện của  Thánh Augustin trên giường bệnh là : “Hãy cho con chết, hỡi Chúa, hầu cho con được sống”. Tôi được biết một con cái Chúa người Úc, ông Ron Mead. Ông kể lại cho tôi nghe lúc ông lên bàn mổ tại bệnh viện Concord Hospital. Bác sĩ chuyên gây mê mỉm cười trấn an ông trước khi đánh thuốc mê : “Ron, không sao đâu nhé!”, ông cũng mỉm cười nói với vị bác sĩ này : “Có sao cũng không sao”, vì lòng ông nhẹ nhàng bình an trong sự cứu rỗi chắc chắn mình đã có.

Năm 1954, tháng 6, cả gia đình tôi 13 người di cư vào trong Nam bằng phi cơ vận tải hai động cơ. Trước khi lên phi cơ chúng tôi được tin phi cơ đi trước đó bị rớt, mọi người trên phi cơ chắc chết hết. Nhìn nét mặt người chung quanh tôi biết họ đang lo lắng, tiến thoái lưỡng nan. Gia đình tôi quyết định đi cùng với một số gia đình công chức khác. Tuy được trấn an và biết ở lại Hà Nội không được, chúng tôi ai cũng lo lắng bất an. Tôi chợt thấy có một ông già, mặt bình thản tay cầm một quyển sách, vừa đọc vừa lẩm nhẩm như cầu nguyện xin một điều gì đó. Sau khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi tò mò hỏi bố tôi về quyển sách cầm trên tay ông già. Bố tôi trả lời, đó là quyển Kinh Thánh. Và bây giờ tôi đoán được lời cầu nguyện của ông có lẽ là lời cảm tạ Chúa, và có lẽ câu Kinh Thánh đến trong trí ông có lẽ là : “tại nơi không trung mà gặp Chúa” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17), do đó lòng ông bình an xen lẫn chút vui mừng khi phi cơ an toàn đáp xuống phi trường.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tiếp nối hy vọng về sự cứu rỗi chắc chắn, con cái Chúa chúng ta còn biết bao hy vọng chắc chắn khác có lời hứa của Đức Chúa Trời thành tín bảo đảm.