Nhà triết học Heraclitus nhận định : “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính tinh thần. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí.”. Trong đời sống hằng ngày, phần nhiều chúng ta cảm thấy  hạnh phúc khi một thành công đạt được, gia đình êm ấm, hòa thuận, vợ chồng thương yêu nhau thành thật, con cái học hành ngoan ngõan, một may mắn hơn người, hoặc cố tạo ra cách nào để người ngoài nhìn vào nhận định giùm ta, cho ta có hạnh phúc. Nhiều lúc chính ta lại nghi ngờ cái hạnh phúc được người gán ghép. Khi hưởng được hạnh phúc, có người yên lặng nhắm mắt tận hưởng cảm giác thỏa lòng, bình an, hướng về phía trước với sự tin tưởng, lại có người để mắt mơ màng nhìn ảo giác lung linh trên suối nắng, nhấp vị men nồng sưởi ấm tâm linh, hồn miên mang trong những mộng mơ diễm ảo của nội giới.

Nhưng suy nghĩ kỹ, tại sao chúng ta lại được đọc được nghe những lời tâm tình mang âm hưởng than van như sau: “Quá hiền nên vụng tính, Tôi đã phá đời tôi, Điên rồi khi vụt tỉnh, Hạnh phúc đi xa rồi” (Thơ Huy Cận) hay “Ôi! trót sinh ra làm người, Sống giữa khoảng trời đất, Mênh mông biển vũ trụ, Hạt bụi lửng lơ trôi. Ôi! trót sinh làm người, Giữa thế giới tôi đòi, Mênh mông biển nước mắt, Góp một giọt lệ rơi” (Thơ Đông Hồ). Phải chăng hạnh phúc chợt đến rồi chợt đi như gió thoảng qua, và hạnh phúc chỉ đi qua cuộc đời của con người như một giấc mơ? Phải chăng đi tìm hạnh phúc có một sự lập đi, lập lại nhiều lần trong đời người? Mặc cho những định nghĩa, nhận định, lý luận thế nào là hạnh phúc mỗi người một khác, nhưng con người ai cũng khát khao, thèm muốn hạnh phúc.

Thần thoại Việt Nam có nói đến ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ gọi là Tam Đa. Thần Thọ cầm trái đào tiên, thường đi với con rùa, con vật sống dai, tượng trưng cho trường thọ. Thần Lộc thì cưỡi con nai vì nai có sừng non gọi là lộc. Còn Thần Phúc đi đâu cũng có vài con dơi bay theo hầu. Mường tượng như vậy, ai muốn có hạnh phúc chỉ còn chờ một ngày nào đó, khi mấy chú dơi bay qua, có đủ sức : “Co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa, Giang tay mời ông Phúc bước vào nhà.”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Thần Phúc chắc không có. Nhưng có một Đấng có thể đem hạnh phúc đến cho chúng ta. Vua Đa-vít đã mời Đức Chúa Trời bước vào đời sống của ông, và chính Đức Chúa Trời đã đem hạnh phúc cho ông. Vua Đa-vít đã phải thốt lên : “Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc (thỏa lòng), Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng (Thi-thiên 16:11).

Thánh Phao-lô đã mời Đức Chúa Jêsus bước vào đời sống. Chính Ngài đã đem hạnh phúc đến cho Phao-lô. Ông thốt lên lời ngợi khen : “Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3).

Thưa quý vị đang tầm đạo,

Nếu quý vị muốn có hạnh phúc như vua Đa-vít, như Thánh Phao-lô, quý vị cần tin nhận Chúa Cứu Thế Jêsus, tức là mời Ngài bước vào đời sống quý vị. Ngài sẵn sàng bước vào. Chúa Jêsus phán: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.” (Khải-huyền 3:20). Khi mời Đức Chúa Jêsus vào đời sống quý vị được Ngài ban cho sự bình an như lời Ngài phán "Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho” (Giăng 14:27), và khi “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” của trái Thánh Linh đã làm việc thì có gì hạnh phúc hơn, trong lòng quý vị có sự bình an và tình yêu thương tha nhân. Tôi tin rằng con cái Chúa có thể đem lại hạnh phúc cho người khác vì có tình thương yêu tha nhân chân thật.

Trong chuyện cổ tích Việt Nam có câu chuyện hai chàng Lưu Nguyễn nhập thiên thai để diễn tả một trạng huống của hạnh phúc con người. Ở chốn thiên thai, hai chàng đã sống trong trạng thái vô tư thoải mái, rạo rực với cảm xúc ngạc nhiên trước những biến đổi trong tâm tư, với niềm vui khi nhìn thấy khung cảnh tươi mát, mới mẻ, không khuôn rập theo hình thức của ký ức, cũng chẳng bắt chước kinh nghiệm cũ kỹ của cảm quan, tri giác ngàn xưa để lại.

Hạnh phúc không thể nhìn bằng con mắt thế tục, tự đắc, lầm lẫn, không thể lấy ảo ảnh mộng mị làm thực tại, trường tồn. Đây là nhận định xâu sắc của nhà tâm lý học Anh Quốc Herbert Spencer, nó khác hẳn với lối nhận định đơn thuần, mơ hồ, nghèo nàn của Voltaire : Hạnh phúc chỉ là hai chữ trừu tượng gồm vài ý về khoái lạc.

Muốn có hạnh phúc vĩnh cửu, bản chất con người, căn bản con người phải được tái tạo theo thiên ý, nói theo ngôn từ Kinh Thánh là phải được tái sinh trong Thánh Linh, được đổi mới từ trong tâm linh để cảm nhận được hoan lạc, vui thỏa từ nơi Đức Chúa Trời.

Thưa quý vị đang tầm đạo,

 Chúng tôi là Cơ-đốc nhân, chúng tôi cảm nhận được hạnh phúc trong ơn cứu rỗi như lời Kinh Thánh chép : “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, Và trong lòng không có sự giả dối!” (Thi-thiên 32:1-2), được hạnh phúc trong sự hiện diện của Chúa, vì : “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; Tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi. Bởi cớ ấy lòng tôi vui vẻ, linh hồn tôi nức mừng rỡ; Xác tôi cũng sẽ nghỉ yên ổn” (Thi-thiên 16:8-9), được hạnh phúc ngay cả lúc thua kém người khác, thật vậy, “Chúa khiến lòng tôi vui mừng nhiều hơn chúng nó, Dầu khi chúng nó có lúa mì và rượu nho dư dật. Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ nằm và ngủ bình an; Vì chỉ một mình Ngài làm cho tôi được ở yên ổn.” (Thi-thiên 4:7-8), ngay trong hoạn nạn cũng có hạnh phúc : “Chúa đã đem chúng tôi vào lưới, Chất gánh nặng quá trên lưng chúng tôi. Chúa khiến người ta cỡi trên đầu chúng tôi; Chúng tôi đi qua lửa qua nước; Nhưng Chúa đem chúng tôi ra nơi giàu có.” (Thi-thiên 66:11-12), vì “chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28). Trên bước đường chông gai hầu việc Đức Chúa Trời và đồng loại, các sứ đồ cũng cảm nhận được hạnh phúc : “các sứ đồ từ tòa công luận ra, đều hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus” (Công-vụ các sứ-đồ 5:41). Chúng tôi đang chờ đợi ngày Chúa Jêsus từ trời trở lại. Chúng tôi sẽ được biến hóa, lên không trung mà gặp Chúa, để được nghe Chúa phán : “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Ma-thi-ơ 25:21), để rồi Chúa ở đâu chúng tôi cũng ở đó : “Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:3). Đó là niềm hạnh phúc tuyệt đỉnh, niềm tin yêu và hy vọng của con cái Chúa chúng tôi trên bước đường theo Ngài.