Hầu hết người Việt tị nạn nhất trí trả lời khi có người hỏi lý do bỏ nước ra đi, đó là “Tôi muốn tự do”. Sau ngày 30 tháng 4, người Việt ùn ùn bỏ nước ra đi, có lẽ đó là hậu quả của các trại học tập cải tạo, của không khí gò bó, giữa người và người trong cùng một xã hội, cùng một gia đình vẫn phải nói những lời giả dối, trong lúc bụng vẫn đói, lòng vẫn mòn mỏi lo sợ, không tự do ngôn luận, không tự do hành động. Và chẳng có gì nghịch lý hơn là chung quanh ai cũng phải biết câu : “Không gì quí hơn độc lập tự do” cùng thời gian đó.

Độc lập, tự do, hạnh phúc vẫn là những mục tiêu bất biến trong các cuộc tranh đấu của các quốc gia nhược tiểu. Độc lập, tự do, hạnh phúc vẫn là khát vọng của cá nhân, đoàn thể, dân tộc và thế giới. Độc lập là hình thức còn tự do và hạnh phúc là sự nhận biết của tâm hồn.

Người ta đã lấy cái cân biểu hiệu cho công lý, dùng hình trái tim có đôi cánh biểu hiệu cho hạnh phúc. Còn tự do ? Điêu khắc gia Auguste Bartholdi đã làm đến 5 bức tượng mẫu nhỏ biểu hiệu cho tự do. Đàn ông có, đàn bà có. Tượng nào cũng cầm đuốc giơ lên, có cái bằng tay phải, có cái bằng tay trái. Sau cùng ông đắc ý với mẫu tượng số 6, tượng Nữ Thần Tự Do, tay phải cầm đuốc giơ cao, tay trái cầm bản đá ghi ngày 4 tháng 7 năm 1776, ngày độc lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Nước Pháp đã tặng Hoa Kỳ tượng Nữ Thần Tự Do để tỏ tình hữu nghị Pháp Mỹ. Tượng được chở tới hải cảng Nữu-ước vào năm 1871 và được dựng xong vào năm 1886. Tượng cao 151 bộ, đứng trên một đài cao 65 bộ, có bệ cao 89 bộ. Pho tượng trông thanh tao duyên dáng, có cái miệng xinh xắn rộng ba bộ, ngón tay chỏ thon dài 8 bộ và con mắt tuyệt đẹp rộng 2 bộ rưỡi. Pho tượng Nữ thần tự do sừng sững nơi hải cảng Nữu-Ước dơ cao ngọn đuốc Tự Do, nói lên phần đất này cho mọi kẻ khốn khổ cũng như người giầu sang, cho mọi kẻ khốn cùng cũng như người trưởng giả, phần đất này dành cho mọi người bị áp bức bởi chính trị, tôn giáo hay kinh tế. Nói chung phần đất này là của những người muốn tự do.

Tự do là gì nhỉ ? Cố tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln nói rằng: Con người ta chưa bao giờ tìm được định nghĩa xác đáng cho hai chữ tự do. Với người này danh từ đó có nghĩa là : Hãy dùng chính mình và thành quả công việc của mình để làm điều mình thích, với người nọ thì lại là : Hãy dùng người khác và thành quả công việc của người khác để làm điều mình thích, tùy theo cách người ta xử dụng nó. Cùng một danh từ mà lại chỉ định hai điều khác nhau và không thể hòa hợp được với nhau. Do đó mới có tình trạng : Cái mà người này gọi là tự do, thì người khác gọi là độc tài chuyên chế.

Luật gia và cũng là một triết gia người Pháp, ông Montesquieu lại mỉa mai : Tự do chỉ là quyền được làm tất cả những gì luật pháp cho phép. Tự do đối với  nhà địa lý học Úc, một con cái Chúa phái Báp-tít C. Salacar cũng trong một ràng buộc khác : Không thể có sự tự do chống lại với chân lý, không thể có tự do chống lại quyền lợi chung. Triết gia nổi tiếng Hy Lạp Platon xác định : Tự do không phải là vấn đề luật pháp hay hiến pháp. Tự do chỉ có cho người nào thực hiện được trật tự thiêng liêng trong nội tâm mình và chấp thuận cho mình những quy luật chính xác làm cho con người có thể tự chế ngự được mình. Nghĩa là con người chỉ được tự do, khi nào đã chịu theo định luật tinh thần gồm có : nhân đạo, lòng trắc ẩn, vị tha và nhiều tính khác không từ ngoài bắt buộc phải có, nhưng mà là do cá nhân mình đã tự do lựa chọn, những đức tính giúp cho loài người có thể sống chung với nhau. Còn M. J. Chenieu, một nhà thần học Pháp nhận định : Thượng Đế ban sự tự do, loài người bầy ra nô lệ.

Trở về với Kinh Thánh. Chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã ban sự tự do cho con người khi Ngài dựng nên. Ngài ban cho A-đam và Ê-va khu vườn phước hạnh Ê-đen đầy hoa thơm quả ngọt với lời phán dặn : “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” (Sáng-thế ký 2:16-17).

Có lẽ một số quý vị đọc tới đây mỉm cười cho rằng : Tự do Đức Chúa Trời ban cho là thứ tự do hạn chế. Thưa không, đây là một thứ tự do trọn vẹn. Đức Chúa Trời dựng nên con người theo ảnh tượng Ngài, có hơi sống của Ngài “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ” (Sáng-thế-ký 1:27) “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng-thế-ký 2:7). Ngài dựng nên con người có thể xác, lý trí và tâm hồn, nên con người có tự do lựa chọn, tự do làm chủ mình. Tự do lựa chọn làm theo ý Chúa hay tự do lựa chọn làm theo sở thích. Chúa đã ban cho con người tự do và quyền tự do nữa. “vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” (Sáng-thế ký 2:17). A-đam và Ê-va có quyền ăn trái cây mà Đức Chúa Trời đã dặn “chớ hề ăn đến”, nếu muốn … chết.

Đức Chúa Trời ban cho con người sự tự do và tôn trọng sự tự do của con người. Ngay trong việc cứu rỗi loài người Ngài chỉ phán : “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài (Đức Chúa Jêsus), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16). “Hễ ai tin” - Chúa để con người tự do quyết định, tự-do chọn lựa. Từ chối hay tin nhận Ngài sẽ gánh hậu quả “bị hư mất” hay sẽ “được sự sống đời đời”. Ngài thương loài người lao đao khổ sở dưới gánh nặng của tội lỗi. Ngài muốn cất đi tội lỗi của loài người và ban cho loài người sự yên nghỉ trọn vẹn. Ngài không ra lệnh, Ngài chỉ nói lên một lời mời gọi : “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28). Ngài tôn trọng sự tự do của “kẻ mệt mỏi và gánh nặng”. Ai quyết định đến cùng Ngài thì “được yên nghỉ”, ai quyết định làm ngơ lời mời gọi của Ngài thì người ấy tiếp tục “mệt mỏi và gánh nặng”.

Ngay cả đối với con cái Chúa chúng ta, những người đã thuộc về Ngài, những người đã tôn xưng Ngài là Chúa của đời mình, nhận quyền tể trị của Ngài, thế mà Ngài vẫn tôn trọng quyền tự do của chúng ta. Ngài muốn trị vì đời sống của chúng ta, nhưng Ngài chỉ phán : “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.” (Khải-huyền 3:20). Ngài không gõ cửa với mệnh lệnh, cũng như Ngài không dùng áp lực với uy quyền Ngài. Ngài chỉ nhỏ nhẹ phán : “nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ….”, Ngài tôn trọng tự do của Cơ-đốc nhân. Mời Ngài cai trị đời sống của ta, để Ngài được tương giao với ta, để Ngài biến đổi đời sống ta thành mạch nước sống “văng ra cho đến sự sống đời đời.” (Giăng 4:14). Từ chối Ngài cũng là quyền tự do của con cái Chúa hay Cơ-đốc nhân.

Con người ai cũng muốn tự do, nhưng thường không xác định được ý nghĩa đích thực của tự do. Nên có khi cứ nghĩ là tự do mà kỳ thực là phóng túng, bừa bãi, có khi trông như là ép buộc, mà thật sự được tự do.

Chúng ta ai cũng muốn tự do, nhưng phải là thứ tự do thật sự, mà tôi tin rằng đó là thứ tự do thuận theo “chân lý”.