Đời sống có trăm thứ ràng buộc khiến con người nhiều lúc cảm thấy mình là nô lệ cho chính mình. Những đòi hỏi về cái ăn, cái mặc, tiện nghi nơi mình cư ngụ, cái thú vui vật chất lẫn tinh thần như những chùm giây che phủ trùm lên tuệ giác con người, quấn chặt lấy tâm hồn con người, khiến con người liên tục bứt rứt. Con người như tầm tự nhả tơ nhốt mình trong cái kén, rồi sau đó liên tục cắn kén thoát thân để được tự do.

Con người đã và đang cố gắng vứt bỏ những ràng buộc để được tự do trọn vẹn toàn diện.

Có những nhà thơ quyết gạt bỏ niêm luật gò bó ý thơ, tạo ra một loại thơ nữa, thơ tự do.

Có những con người sống theo thú tính, gạt bỏ luân thường đạo lý, vênh vênh tự đắc, sống đời sống buông thả khác người, sống đời tự do. Đối với họ, những người còn giữ đạo đức, lòng trung hậu, chỉ là những nô lệ, bảo thủ lạc hậu, người của nhiều thế kỷ trước.

Có người chỉ cảm thấy tự do khi dầm mình trong khoái cảm vật chất hay tinh thần, bất kể phải trái, thoát ra khỏi sự kiểm soát của lương tâm. Sống trắng trợn đến cuồng bạo miễn là thỏa mãn, khước từ mọi trật tự thiên nhiên. Nên chẳng lạ gì, các tiểu thuyết của Sartre, Beauvoir, Francoise Sagan bán chạy như tôm tươi. Kết quả, bác sĩ Pierre Vachet nhận định : Người ta ăn chơi đến suy nhược, rối loạn lại càng ăn chơi. Và tiểu thuyết gia André Malreau lo ngại : Chúng ta không biết mai đây có còn những con người với tư cách là những sinh vật tự do và có ý thức nữa hay không ?

Có người chỉ cảm thấy tự do khi tạo được tâm nhàn theo thuyết Lão Trang. Không để vật chất ràng buộc, như vậy mới xuất trần, xuất thế, mới tự do hoàn toàn.

Các triết gia, các nhà tôn giáo đã đề ra biết bao triết lý, biết bao giáo điều để giúp con người tìm ra con đường giải thoát cho mình khỏi cõi mông lung mù mịt của trần thế, trong sự hỗn loạn của một cuộc đời đủ thứ ràng buộc và bưng bít. Làm sao con người có thể thoát khỏi ràng buộc để phát triển tiềm năng vô bờ của mình với nghị lực, tin tưởng và tự do. Con người sẽ dùng những yếu tố ấy để khai triển tiềm năng vô bờ của mình qua hành động và khai tử luôn cả Thượng Đế để tự do hành động. Nhưng càng hành động theo chiều hướng này, con người càng bị ràng buộc vào sự lầm lạc, hướng hạ, nông cạn. Khi nhận thức được điều này, con người có khuynh hướng ước mơ một thứ tự do hòa hợp với trời cao biển rộng trong một thân phận không còn là con người nữa.

         Kiếp sau xin chớ làm người,

         Làm cây thông đứng giữa trời mà reo  Nguyễn Công Trứ

         Kiếp sau xin chớ làm người,

         Làm con chim nhạn tung trời mà bay   Tản Đà

Còn gì để hy vọng đây ? Chắc không. Bởi tại con người đã ngấm ngầm hay công khai hành sử sự tự do của mình theo chiều hướng hạ để “sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng (mình)” (Ê-phê-sô 2:3), và “họ theo sự hư không của ý tưởng mình, bởi sự ngu muội ở trong họ, và vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. Họ đã mất cả sự cảm biết, đành bỏ mình trong một đời buông lung, đem lòng mê đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô uế. (tội lỗi)” (Ê-phê-sô 4:17-19).

Hết hy vọng rồi sao ? Thưa không. Đức Chúa Jêsus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời đã giáng thế thành nhân. Ngài xác định thân phận con người : “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi.” (Giăng 8:34), và Ngài đã đến để giải thoát con người ra khỏi thân phận “tôi mọi” ấy. Ngài tuyên bố rằng : “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” (Giăng 8:32). Còn chân lý nào ngoài chân lý như Ngài đã phán : “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống” (Giăng 14:6), nên : “Con (Chúa Jêsus) buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do” (Giăng 8:36). Đây là một thứ tự do thuận theo “chân lý”, là thứ tự do theo ý nghĩa không còn ràng buộc dưới sự kìm kẹp của tư tưởng hướng hạ, dưới dự kìm kẹp của ma quỉ, song là thứ tự do được liên kết với Đức Chúa Trời, được tự do trên căn bản của Đức Chúa Trời. Tôi xin phép được nhắc lại lời của nhà thần học Pháp M. J. Chenieu : Thượng Đế ban sự tự do, loài người bầy ra nô lệ.

Thật vậy, nguyên thủy Đức Chú Trời đã ban cho loài người tự do. Nhưng loài người đã đi theo con đường trói mình vào xiềng xích của tội lỗi. Trong khi loài người phạm tội và bị tội lỗi cai trị, Đức Chúa Trời đã ban Đức Chúa Jêsus xuống thế gian làm Đấng Cứu Thế, giải cứu con người ra khỏi tội lỗi, ban cho con người sự tự do thật theo căn bản chân lý của Đức Chúa Trời. Sự tự do thuận theo “chân lý” này là sự tự do thật sự. Đó là thứ tự do hướng thượng, trong tinh thần tôn trọng quyền lợi chung, tôn trọng trật tự thiêng liêng trong nội tâm mình và chấp thuận cho mình những quy luật chính xác làm cho con người có thể tự chế ngự được mình. Sự tự do này cho chúng ta vào một thế giới có tình người, tình yêu thương, có lòng nhân đạo, lòng trắc ẩn, vị tha và nhiều mỹ đức khác, giúp cho loài người có thể sống chung với nhau. Thế mà, tội nghiệp, ngày nay trong thế giới của vật chất chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa, phần đông loài người vẫn thờ ơ hoặc quyết tâm từ chối sự tự do thuận theo “chân lý” này, có khi còn thỏa mãn khoe khoang được tự do trong tội lỗi. Nhưng họ đâu có biết rằng : “cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều” (Ma-thi-ơ 7:13). Nhưng cũng có nhiều người bằng lòng tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa. Họ cảm nhận được sự bình an vì cớ gánh nặng tội lỗi đã được Ngài cất đi rồi. Họ cảm nhận được sự tự do thật sự và có thể đồng thanh với Thánh Phao-lô để làm chứng rằng : “Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do” (Ga-la-ti 5:1).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Còn gì bình an hơn khi chúng ta đã tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa và chúng ta đang được tận hưởng sự tự do thật sự.

Vài lời tâm tình

Thưa quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa, Vì sự hiểu biết về lãnh vực tâm linh có giới hạn, nên trong một số bài có thể quý vị và quý anh chị có thể tìm thấy những điểm nhầm lẫn. Người chia sẽ Niềm Tin cùng quý vị và quý anh chị mong nhận được e-mail đưa ra những nhầm lẫn đó  và người biên soạn xin suy nghĩ kỹ, để có thể sửa chữa. Xin chân thành cảm ơn trước. Người biên soạn : Đinh Quốc Tuấn, e-mail address : tqdinh2112@yahoo.com