Con người thường mong muốn có một đời sống tốt đẹp hơn, một tương lai tươi sáng hơn, nên đâu dễ gì chấp nhận “sao cũng được”. Con người thường với lòng tham vô đáy tiềm ẩn, đâu có dễ gì an phận “có sao hay vậy”. Trừ ra một số ít người tâm trí liệt nhược chỉ biết phó mình cho “số phận”, trừ một thiểu số người được gọi là quân tử “ăn chẳng cầu no”, hầu hết con người ai quyết tâm khắc phục những trở ngại trong cuộc sống để vươn lên, ra sức kiếm cho “đủ” hoặc “thừa càng nhiều càng tốt” trong tiền tài, tìm cho “đủ” danh vọng và hạnh phúc. Ấy vậy, nhưng lực bất tòng tâm, nên con người phải dựa vào may rủi để quy định thành đạt hay thất bại. Cái may rủi không đi vào công thức, nhưng đi vào hy vọng. Theo kinh nghiệm người xưa thì “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, nên đã có bao đấng “anh hùng mạt lộ” và lắm kẻ “mèo mù vớ cá rán”, ấy chẳng qua thiếu cơ may hay gặp thời. Rồi hy vọng đi vào ý ông Trời : “Ngẫm hay muôn sự tại Trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.” (Nguyễn Du).

Như vậy, con người hóa ra hình nhân múa rối dưới tay Thượng Đế ư ? Như vậy, con gười còn đâu là tạo vật tối linh của Đấng Tạo Hóa có tâm hồn, ý thức và tinh thần tự quyết ? Và kết quả, phải chăng hy vọng trở thành vô nghĩa ?

Thực ra, con người vẫn có hy vọng trong tinh thần tự quyết. Lắm lúc chúng ta rời bỏ vùng trời thơ mộng trở về với thực tế, hiện tại. Dầu thực tế ra sao, hiện tại thể nào thì hy vọng của chúng ta vẫn sinh động, và sinh động cho đến giờ phút chót của cuộc đời trên đất.

Con người có hy vọng trong tinh thần tự quyết. Và hy vọng càng gia tăng trong tâm hồn có niềm tin đích thực chắc chắn.

Hy vọng của con cái Chúa trong đời này là có “đủ” mọi sự.Và cái “đủ” mọi sự này thật kỳ diệu lạ lùng dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa Jêsus, Đấng chăn chiên hiền lành. Tôi tin rằng con cái Chúa chúng ta hầu hết ai cũng đã có dịp đọc qua Thi Thiên 23 trong Kinh Thánh, và chắc cũng có một số người thuộc nằm lòng nữa. Phân đoạn Kinh Thánh này diễn tả hy vọng của Vua Đa-vít,và cũng là hy vọng của con cái Chúa trong đời này.

Con cái Chúa chúng ta sẽ tìm thấy cái hy vọng “chẳng thiếu thốn gì” là cái hy vọng “đủ” mọi sự trong Thi-thiên 23 :

Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.

Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi (Hy vọng được no đủ).

Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh (Hy vọng được an bình, thỏa mãn khao khát).

Ngài bổ lại linh hồn tôi (Hy vọng được vững mạnh về tâm linh).

Dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài (Hy vọng mạnh tiến trên đường lối công chính mà Chúa định).

Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi (Hy vọng không bị rúng động, sợ hãi).

Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi (Hy vọng được an ủi).

Chúa dọn bàn cho tôi Trước mặt kẻ thù nghịch tôi (Hy vọng được thỏa dạ trong khi khốn khó).

Chúa xức dầu cho đầu tôi (Hy vọng được ban phước).

Chén tôi đầy tràn (Hy vọng được dư dật).

Quả thật, trọn đời tôi Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi (Hy vọng hạnh phúc).

Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va Cho đến lâu dài (Hy vọng về sự phước hạnh đời đời).

Có điều đáng buồn là nhiều con cái Chúa không ở trong tình trạng cảm nhận được trạng huống “đủ” mọi thứ này. Họ rên siết về cuộc sống vật chất, than thở về tình đời, oán trách cả người lẫn Chúa. Tại sao vậy nhỉ ? Phải chăng họ là những chiên đi lạc ?

Nếu chúng ta là con cái Chúa mà không có sự bình an, vui mừng và cảm tạ chúa trong mọi cảnh ngộ, thì e rằng chúng ta đã tách ra khỏi đường lối Chúa, đã đi ra khỏi sự chăm sóc và dẫn dắt của Chúa.

Nếu chúng ta là con cái Chúa mà có được tâm bình an, vui vẻ và sự thôi thúc ngợi khen, cảm tạ Chúa trong mọi cảnh ngộ, chúng ta hãy yên tâm. Chúng ta đang đi trên con đường trong ý Chúa, ở dưới sự chăm sóc và dẫn dắt của Ngài. Và như vậy, chúng ta chẳng những cảm nhận được “chẳng thiếu thốn gì”, mà còn có khi “Ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự” (II Cô-rinh-tô 6:10). Và hy vọng về nơi Chúa trong đời này cứ thế gia tăng.

Nhưng Thánh Phao Lô nói : “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết” (I Cô-rinh-tô 15:19). Phải, chúng ta phải có hy vọng về trời, về đời sau nữa.